Sự thật, theo Nguyễn Công Hoan
cắt nghĩa, ông chỉ là một người viết tiểu thuyết, tự nhận thấy mình
"biết nhiều phong tục của nông thôn, thì viết một cuốn phong tục tiểu
thuyết, có thế thôi". Điều Nguyễn Công Hoan nói không khó chứng minh.
Đọc "Bước đường cùng", ta thấy ông có thể bỏ ra cả chục trang chỉ để
nhẩn nha kể chuyện "hậu trường" của một ca đỡ đẻ. Thậm chí ông còn tỉ
mẩn ghi lại cả bài… chửi ngoa ngoắt, có ngành có ngọn của một "mụ nhà
quê" nhân chuyện… mất gà. Ông dùng ngòi bút châm chích, giễu cợt đám
quan lại, song với những người dân quê, không phải không có lúc ông
buông lời bỡn cợt, bỡn cợt đến độ vô tình hóa ra xúc phạm họ, như khi
ông tả người nông dân bị một viên Tây đoan giơ ba toong dọa, "hàng trăm
người chạy ồ như vịt, ngã cả lên nhau", hoặc trước cái khóc đầy oan ức
của chị Pha, ông viết "Thấy chị Pha khóc một cách lố bịch…".
Nói vậy, song việc Nguyễn Công
Hoan viết "Bước đường cùng" do "ảnh hưởng của sách báo cộng sản thời bấy
giờ" - như Phan Cự Đệ nhận xét - là chuyện không thể phủ nhận. Bản thân
Nguyễn Công Hoan cũng từng cho biết: Thời gian ấy (1938), vì có mối
quan hệ gần gũi với những anh em chính trị phạm cũ, trong đó có những
người cộng sản (ông là công chức duy nhất của chính quyền thực dân dám
có mặt trong đám cưới của Phan Đình Khải, tức đồng chí Lê Đức Thọ sau
này), nên Nguyễn Công Hoan bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao. Rốt cục,
dù không hề mắc mớ gì trong quá trình dạy học, ông vẫn bị thuyên chuyển
từ một trường ở Nam Định lên một trường ở Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh),
việc bấy giờ bị coi như một sự "đày ải". Nguyễn Công Hoan rất bức xúc.
Ông phản ứng: "Mày đã khỏe đổ cho ông là cộng sản, thì ông cộng sản cho
mày xem". Vậy là ông viết tiểu thuyết "Bước đường cùng".
Viết "Bước đường cùng", tác giả
đã lường trước hậu quả là sách sẽ bị cấm. Thậm chí, người viết còn bị
truy tố. Nhưng ông không sợ. Ông nghĩ, nếu bị nặng lắm thì ông cũng chỉ
lãnh án từ một tới năm năm tù. Khi trở về, ông sẽ lại viết văn.
Nguyễn Công Hoan đã viết cuốn
sách trong tâm trạng "viết ngày viết đêm, viết cho chóng xong để còn đi
chơi nhiều nơi, trước khi ra "an trí" tại Trà Cổ". Ông kể: "Vừa nghĩ,
vừa viết, vừa sửa, tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm (1/16
tháng 7 năm 1938). Vì đã ngồi trước cái bàn cao quá tầm tay liền trong
nửa tháng để viết, nên phải dùng nhiều gân sức, tôi đã bị sái bả vai bên
phải đến ba năm. Mấy năm nay, vì tuổi cao, sức yếu, đến mùa rét, hoặc
gặp thời tiết ẩm thấp, bệnh ấy lại trở thành tật".
Tiểu thuyết "Bước đường cùng"
có độ dày hơn hai trăm trang in, khổ 14,5x20,5cm (trong bộ "Toàn tập
Nguyễn Công Hoan" do NXB Văn học ấn hành năm 2004, "Bước đường cùng"
được sắp xếp nằm ở tập 4, từ trang 543 đến hết trang 778, nghĩa là 236
trang). Sở dĩ tôi phải nói kỹ như vậy để thấy tốc độ viết của Nguyễn
Công Hoan là rất đáng nể phục.
Cách đây ít lâu, tôi có đọc
được một thông tin thuộc dạng "Guinness nghề văn" in trong cuốn "Giai
thoại nhà văn thế giới" (sách do hai tác giả Thái Doãn Hiểu - Hoàng Liên
biên soạn, NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1996). Theo đó, nữ văn sĩ
Anh Barbara Cortland từng hoàn thành một cuốn tiểu thuyết trong vòng 14
ngày. Không rõ cuốn tiểu thuyết nhắc tới ấy có độ dày bao nhiêu trang?
Dù thế nào thì với việc hoàn thành một cuốn tiểu thuyết dày hơn hai trăm
trang in trong vòng 16 ngày như trường hợp Nguyễn Công Hoan, đó quả
cũng là một kỷ lục, chí ít là với các nhà văn Việt Nam.
Trước Cách mạng Tháng Tám, nghề
chính của Nguyễn Công Hoan là dạy học, nên dù khối lượng tác phẩm của
ông có đồ sộ đến mấy thì công việc sáng tác nhiều khi vẫn cứ phải tranh
thủ kết hợp với một số công việc khác. Lắm lúc, ông vừa viết từng kỳ
tiểu thuyết theo "đơn đặt hàng" của tạp chí này lại vừa đồng thời viết
truyện ngắn cho tờ báo kia. Chính bởi cung cách làm việc như vậy mà ở
nhà văn đã xảy ra câu chuyện vui sau đây: Một lần, ông gửi cho tờ báo nọ
hồi thứ nhất của câu chuyện, rồi khi tòa báo chưa kịp cho in, ông đã
viết tiếp hồi thứ hai. Đến khi viết, vì hồi thứ nhất đã gửi đi, nhà văn
quên béng mất tên nhân vật, ông bèn để trống nhờ tòa soạn… điền hộ.
Với "Bước đường cùng", đây là
lần đầu tiên trong đời Nguyễn Công Hoan viết trọn một cuốn tiểu thuyết
để đưa in. Đơn giản vì ông viết quá nhanh. Ông chưa kịp trích in từng kỳ
trên báo thì sách đã viết xong.
Sau "Bước đường cùng", Nguyễn
Công Hoan dự định viết tiếp "Bước đường ngoặt" và "Bước đường sáng", nói
về việc anh Pha (nhân vật chính của tiểu thuyết) ngày càng được giác
ngộ cách mạng, được hun đúc tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền lợi giai
cấp, thậm chí, qua học tập, thử thách, anh đã được đứng vào hàng ngũ của
Đảng Cộng sản. Nguyễn Công Hoan đã chuẩn bị tư liệu chu đáo. Ngặt vì
"Bước đường cùng" sau đó bị chính quyền thực dân cấm phát hành nên việc
thực hiện các cuốn tiếp theo chỉ còn là dự định.
Nhân nói về việc "Bước đường
cùng" bị cấm: Quả đúng như điều tác giả tiên lượng, sau khi sách ra mắt
độc giả, Báo Tin tức của Mặt trận Dân chủ đã có bài ca ngợi; nhiều hội
ái hữu thợ thuyền thay nhau xin chuyển ra kịch để diễn, ấy cũng là lúc
chính quyền thực dân bắt đầu… tá hỏa. Thoạt tiên, Thống sứ Bắc kỳ ra
lệnh cấm lưu hành và tàng trữ "Bước đường cùng" ở Bắc. Tiếp đó, khâm sứ
Trung kỳ cấm ở miền Trung; rồi thống đốc Nam kỳ cấm ở Nam. Tiếp đó là
Campuchia, Lào.
"Vì nắm được quy luật cấm sách
là đi dần dần từng xứ như vậy, cho nên nhà xuất bản cũng đối phó lại.
Sách cấm ở Bắc, thì gửi vào Trung. Khi Trung cấm, thì chuyển vào Nam.
vv. Rút cục, năm nghìn cuốn "Bước đường cùng" tiêu thụ hết nhẵn như
chùi. Vì sách bị cấm là sách được quảng cáo tốt nhất" - Trong hồi ký
"Đời viết văn của tôi", Nguyễn Công Hoan đã cho biết như vậy.
Người đời thường nói "văn mình
vợ người", kỳ thực, Nguyễn Công Hoan là người rất tỉnh táo, nghiêm khắc
với bản thân. Chính ông chứ không phải ai khác đã là người đầu tiên lên
tiếng về những yếu kém của mình thể hiện trong cuốn sách. Ông cho biết:
Trong "Bước đường cùng", ông đã không đả động gì đến địa tô, "là thủ
đoạn nền tảng của địa chủ vẫn dùng để bóc lột nông dân đến xương tủy.
Tôi tưởng quan hệ giữa giai cấp bóc lột với giai cấp bị bóc lột ở nông
thôn chỉ là những món tiền cho vay lấy lãi nặng". Nghĩa là, ông đã
"không đánh trúng đầu tên địa chủ mà phang liều một gậy lầm vào anh
sét-ty". Nguyễn Công Hoan cho rằng đây là một khiếm khuyết lớn của ông
mà không thấy nhà phê bình nào chỉ ra.
Năm 1955, trong "khí thế" ngất
trời của cuộc đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất, cuốn "Bước đường
cùng" được tái bản. Theo Nguyễn Công Hoan, trước đó, vì nghe một số bạn
bè "xui dại", ông đã cho đổi cách gọi nhân vật của mình, từ chữ "ông"
dùng cho cánh địa chủ, quan lại ra thành… "thằng". Ông rất ngượng với
việc làm này. Và để "sửa sai", ba năm sau, khi sách được tái bản, ông đã
cho in đúng như bản in lần đầu năm 1938.
Nếu như đọc "Tắt đèn" của Ngô
Tất Tố, có nhà phê bình đã lấy làm ngạc nhiên vì thấy cụ Tố "rất kém"
khi tả chân dung nhân vật (tả chị Dậu, cô gái quê mùa mà như một tiểu
thư khuê các) thì trong tiểu thuyết "Bước đường cùng" cũng như trong
nhiều tác phẩm khác, Nguyễn Công Hoan cũng tỏ ra không có lợi thế trong
việc tả chân dung nhân vật (ông rất giỏi trong dẫn chuyện và dựng đối
thoại). Bản thân Nguyễn Công Hoan cũng ý thức được hạn chế của mình khi
ông tự thú: "Tôi không tả nổi một người nhà giàu đẹp, dù người ấy là phụ
nữ. Phụ nữ dưới ngòi bút tôi, dù xinh tươi thế nào, cũng biến thành một
con ma lem". Không chỉ có vậy, trong "Bước đường cùng", Nguyễn Công
Hoan còn nặng về miêu tả hành động chứ ít đi sâu phản ảnh những chuyển
đổi tế vi nhất trong thế giới nội tâm nhân vật.
Mặc dù còn những hạt sạn như đã
nói, "Bước đường cùng" vẫn là một cột mốc quan trọng trong hành trình
sáng tác của Nguyễn Công Hoan. Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài
viết về Nguyễn Công Hoan, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gọi ông bằng cái
tên ngắn gọn "Tác giả Bước đường cùng"