Một khi lòng dân đã cùng một ý chí thì đó là sức mạnh lớn lao
Ảnh: Hoàng Long
"Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta” – Bác Hồ đúc rút từ thực tiễn của dân tộc ta qua mấy nghìn năm thành chân lý. Một chân lý mà ngày thường ngày có thể bị mờ nhạt, bị lẫn vào đâu đó thì vào những thời khắc đặc biệt sẽ lại sáng lên. Lớn hơn nữa, tình yêu Tổ quốc là một phẩm chất của nhân loại, bởi vì đó là một phẩm chất thuộc về con người. Đi đến tận cùng bản sắc dân tộc, ta đã gặp nhân loại.
Tình yêu Tổ quốc bởi thế là của chung, là tài sản tinh thần chung của cả dân tộc. Đó không phải là một độc quyền, cũng tuyệt nhiên không thể phân chia. Đã trở thành một chân lý, khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, lòng yêu nước lại "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ”. Cho nên, ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam khi trả lời báo chí đã nói rằng, nếu nhân dân không thể hiện lòng yêu nước như những ngày qua mới là lạ. Trước sự thách thức về chủ quyền Tổ quốc, bất cứ người dân đất nước nào cũng làm vậy, nhất là khi người dân Việt Nam đã phải tốn nhiều xương máu mới giữ được độc lập như ngày nay.
Sẽ thật bất hạnh cho một dân tộc nếu vận nước lâm nguy mà lòng dân vô cảm. May thay, vào những ngày này ta vẫn có lòng dân. Việc người dân xuống đường phản đối hành động xâm phạm chủ quyền, khẳng định quyết tâm ủng hộ Đảng và Chính phủ đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là một may mắn vô giá!
Một khi lòng dân đã cùng một ý chí thì đó là sức mạnh lớn lao. Nhân dân tự quyết định thái độ và tình cảm. Không ai có thể "bắt” nhân dân thể hiện lòng yêu nước nếu điều đó không xuất phát từ chính tâm thức nhân dân. Cũng như một vài ý kiến lạc lõng nào đó không thể xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng những suy diễn về tình yêu Tổ quốc.
Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi – một nhà văn hoá lớn, một nhà tư tưởng lớn, người đề cao tư tưởng "trọng dân” – đã viết: "Lật thuyền mới rõ dân như nước”. Và có lần để răn dạy thái tử, ông lại nói: "Mến người có nhân là dân mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân, giúp người có đức là Trời mà khó tin và không thường cũng là Trời”. Trong một xã hội phong kiến Nho giáo tin rằng thành bại là ở ý Trời, chỉ có Nguyễn Trãi mới tin lòng dân còn hơn cả mệnh Trời.
Lòng yêu nước Việt Nam là một di sản tinh thần. Nhưng vẫn có được lòng dân là một may mắn mà những dịp như thế này cũng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. "Chúng ta phải biết trân trọng tình cảm đó của nhân dân. Chỉ có người dân mới giải quyết được vấn đề bảo vệ đất nước. Đó là chân lý muôn thuở” - Ông Vũ Trọng Kim trả lời phỏng vấn báo chí. Khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, nhân dân lại một lần nữa, như vốn đã từng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, sẵn lòng cùng với nhà nước bảo vệ chủ quyền. Không có lòng dân như nước, không thể kết thành sức mạnh của cả dân tộc.
Lòng dân như nước không phải chỉ khi cần bảo vệ chủ quyền - thường trực tư tưởng ấy đáp ứng được nguyện vọng ý chí của nhân dân, mới củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, mới mong dân giàu nước mạnh đủ sức giữ vững độc lập dân tộc.
Nhân dân Việt Nam nồng nàn yêu nước. Hành trang ấy hôm nay phải được biến thành sức mạnh vật chất, sức mạnh văn hoá của một dân tộc. Xuống đường tuần hành là một việc, cùng với nhiều việc khác mà mỗi người ở địa vị của mình càng phải được làm tốt hơn mới mong đất nước mạnh lên. Lòng yêu nước đúng cách lúc này là càng phải nâng cao văn hoá, để gìn giữ hoà bình, tránh kích động, cực đoan.
Cũng như từ nghìn đời nay, người dân Việt Nam chưa bao giờ nhạt phai tình yêu Tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng ấy đang dâng lên thành ý chí, thành sức mạnh. Ý chí của một dân tộc yêu chuộng hoà bình, đã từng chiến đấu để bảo vệ hoà bình. Lòng dân như nước, đó cũng chính là cội nguồn thành công của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong lịch sử dân tộc.
(Theo daidoanket.vn)