Những bức thư mang hào khí Thăng Long
Các em là lứa Măng Mọc Thẳng đầu tiên, trẻ nhất của thế hệ Hồ Chí Minh được khai sinh từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở thế kỷ XX.
Từng bức thư nét chữ nắn nót đều tăm tắp được viết ra dưới ánh mắt trong trẻo rạng ngời bóng cờ đỏ sao vàng, chân bước theo cột mốc là những câu chuyện và bài học lịch sử hùng tráng dòng truyền thống chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, hướng theo cờ hiệu thêu hai chữ Sẵn Sàng và 5 điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu nhi.
Bức thư nào cũng chan chứa tình cảm thân thương và niềm tin - lòng tin mãnh liệt nhất, đẹp đẽ nhất gửi đến các chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương, trong đó có cả người thân của các em.
Từng bức thư bay ra vùng biển đảo Hoảng Sa - Trường Sa, ngoài những lời thăm hỏi thắm thiết, chia sẻ, còn có cả tâm tư, nguyện vọng, ước mơ cùng lời hứa như lời tuyên thệ trang nghiêm nhất xuất phát từ tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ Tổ quốc mà các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cả các ngư dân quả cảm là tấm gương sáng cho các em nguyện noi theo. Rất đặc sắc là: Không bức thư nào giống bức thư nào cả về nội dung và cách viết, cũng như những ước mơ, suy nghĩ chỉ ở các em mới có. Bức thư nào cũng nhắc tới sự việc giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Không cần phải hỏi ai, em Lê Hà Vân (Lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi - Hà Đông) cũng đã biết rằng: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động trái luật pháp quốc tế như thế. Em còn khao khát: “Con cũng muốn một lần đi qua đảo Gạc Ma thả vòng hoa tưởng niệm cùng với lòng yêu thương kính trọng của mình...”. Mới học lớp 3 thôi, em Đào Thị Hoàng Ngân, trường Tiểu học Tả Thanh Oai, Thanh Trì đã có ước mơ như thế này: Các chú ơi! Cháu ước sao có một bà tiên thả những thứ tốt đẹp vào đáy lòng của người lớn bên kia để họ hiểu rằng: Nếu có chiến tranh thì chúng cháu sẽ không được đi học nữa...”. Em gái lên 9 này chưa học tới bài “Đại cáo bình Ngô” của cụ Nguyễn Trãi triều Hậu Lê, mà đã nhận được ánh Sao Khuê sáng lựng của người thắng trận: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo!”.
Thêm một em gái học lớp 7 nữa (trường THCS Mai Dịch) quả quyết: “Cháu tin chắc rằng với tấm lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm các chú sẽ giữ được Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu để khẳng định lời bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta: “Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách Trời...”.
Có một nét tươi mới rất... thiếu nhi hiện ra qua hơn 30.000 bức thư gửi về dự thi. Ấy là: Các em rất chủ động khi vâng theo lời dạy bảo của người lớn, tiếp bước ông cha, được các em thể hiện từ trong ước mơ, cách nghĩ và việc làm để chứng tỏ lòng yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc ở các em. Như: Nguyễn Phương Dung, lớp 3, trường Tiểu học Xuân La, Tây Hồ: “...Qua các chương trình truyền hình, cháu thấy thương các chú Cảnh sát biển, Kiểm ngư phải căng mình để theo dõi và tìm mọi cách để xua đuổi tàu, thuyền đối phương trên Biển Đông. Những lúc như thế cháu ước mình lớn nhanh như Thánh Gióng để phụ giúp các chú...”. Cũng ở tuổi lớp 3, Đặng Minh Châu (trường Tiểu học Thành Công B) thấy các chú Hải quân thiếu rau ăn, đã thốt lên: “Mỗi lần về quê nhìn vườn rau xanh tươi của bà ngoại, cháu chỉ muốn mang tặng các chú cả vườn rau xanh...”.
Phạm Thanh Phương (lớp 8 trường THCS Dịch Vọng) lại ước mơ: “...trở thành hướng dẫn viên du lịch tài giỏi... để được quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...”.
Ước mơ thì bay bổng, đường đi tới còn xa, nhưng cùng cha anh bảo vệ Tổ quốc theo lời Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” thì lại rất gần, rất thiết thực. Ấy là những việc làm không bao giờ hết ở gia đình. Bố ra hải đảo, ở nhà mẹ gánh hết việc của bố để lại. Em nữ sinh Nguyễn Phương Anh (trường THCS Nhị Khê, Thường Tín) nhắn tin ra đảo cho bố: “Bố xa nhà đừng lo, đã có con gặt lúa giúp mẹ...”. Em viết: “Càng nhớ bố, con càng tự nhủ rằng mình phải cố gắng, chăm chỉ, sống tốt hơn, giúp đỡ mẹ để bố yên tâm bảo vệ biển đảo...”. Vắng bố, mái ấm gia đình vẫn yên ổn, con cái chăm ngoan, thế là gia đình đã trở thành hậu phương vững chắc của người chiến sĩ đứng nơi đầu sóng ngọn gió ở tuyến đầu Tổ quốc!
Nhiều em từ bé đến giờ chưa một lần ra biển. Thế mà gần như em nào cũng biết được đời sống ở đảo rất khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn, lại còn bão táp, nắng mưa, nước ngọt thiếu, gió mặn... còn thêm chuyện giàn khoan Hải Dương 981.
Từng câu, từng chữ trong thư, là những giọt tâm thư cùng nhịp đập của con tim yêu nước, thương nhà, quý lẽ phải và hòa bình thân ái. Thăng Long đã 1.000 năm định đô có lẻ. Cứ mỗi lần có biến, có họa ngoại xâm là lập tức cả nước đồng tâm, cùng ý chí. Chống giặc không chỉ có đánh nhau. Nơi hậu phương lớn vẫn không ngừng trồng người, trồng rừng, kiến thiết xây dựng, nâng cao đời sống. Các chiến sĩ canh gác biển đảo quê hương nhận được thư của các em là nhận được một niềm vui xứng đáng với ý chí kiên cường của các anh: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lịch sử vẻ vang, hào hùng dựng nước, giữ nước của nhân dân Việt Nam đã và đang chứng minh như thế.
Có thể gọi 30.000 bức thư gửi chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương của thiếu nhi Thủ đô Hà Nội là những bức thư mang hào khí Thăng Long lắm!
Các em rất xứng đáng được thay mặt các bạn thiếu nhi cả nước gửi tới các chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương niềm tin, lòng biết ơn và nguyện làm người chiến sĩ nhỏ hướng tới: Nơi anh đứng là nơi em đến!
Và, mỗi bức thư ấy là bức tâm thư tẩm hương sắc của hoa hàm tiếu, ủ lửa ấm và ánh thép!
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - Hồ Quang Lợi: Tinh thần yêu nước thấm sâu vào thế hệ trẻ
“Tôi rất vui mừng và xúc động được đến dự lễ trao giải cuộc thi “Viết thư gửi các chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương”. Đây là cuộc thi vô cùng ý nghĩa bởi nó đã bồi đắp được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh của Thủ đô Hà Nội và của người dân. Chỉ trong vòng 2 tháng, cuộc thi đã thu hút tới hơn 30.000 bài dự thi, từ trường THCS Tô Hoàng là nơi phát động cuộc thi đã lan tỏa ra các trường học trên địa bàn Thành phố. Tôi hình dung ra các em nhỏ cặm cụi viết những bức thư, vẽ những bức tranh để thể hiện tình yêu đối với các chú bộ đội, đối với quê hương, đất nước và với biển đảo yêu quý của chúng ta thì mới thấy tinh thần đó khi được lan tỏa trong xã hội, trong thế hệ trẻ quý giá như thế nào. Tôi mong muốn tới đây Báo An ninh Thủ đô cũng như các cơ quan báo chí, các trường học của thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như thế này, để khích lệ tinh thần yêu nước, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, thấm sâu vào con trẻ, thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân để chúng ta có sức mạnh bảo vệ Tổ quốc”.
Thạc sỹ Văn học Trần Thị Thơi - Phó Trưởng Phòng Học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội, Thành viên Ban Giám khảo: “Viết thư, các cháu thấy được trách nhiệm với dân tộc, đất nước”
“Tôi rất xúc động trước những tình cảm rất chân thật và những dòng cảm xúc xuất phát từ trái tim thơ ngây của các cháu. Có những bức thư ngộ nghĩnh rất đáng yêu. Tôi cũng rất ấn tượng với một bức thư của một cháu viết cho người cha với những dòng tình cảm rất tự nhiên, rất tha thiết. Xuất phát từ những suy nghĩ thực tế của mình trong đời sống, từ tình cảm dành cho bố, cháu chia sẻ nỗi gian nan của các chú lính hải quân. Qua đó, chính bản thân cháu thấy được trách nhiệm của mình với dân tộc, với đất nước. Đó cũng là tình cảm chung mà nhiều học sinh đã thể hiện trong các bức thư của mình”.
Em Nguyễn Phương Dung - học sinh lớp 3A6, Tiểu học Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội - Giải Nhất cuộc thi:Các chú hãy vững tay súng để bảo vệ Tổ quốc!
Sau khi biết đến cuộc thi, con đã cầm bút và viết trong 20 phút. Khi viết, con nhớ lại hình ảnh các chú bộ đội con đã được xem trên ti vi. Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, con rất lo lắng. Vì con thấy các chú rất vất vả và đã phải hy sinh rất nhiều, nên con mong được lớn nhanh để phụ giúp các chú. Con mong mình được gặp và động viên các chú: “Các chú ơi, các chú hãy bình tĩnh, vững chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc nhé”.
Nhà văn Phong Thu
(Trưởng ban Giám khảo)
(Theo anninhthudo.vn)