Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 21/11/2019 10:57
Dân vận chính quyền tạo động lực phát triển

 Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, Đảng bộ TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền. Nâng cao hiệu quả công tác này góp phần đem lại kết quả thiết thực, tăng sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

 

Dân vận chính quyền tạo động lực phát triển

Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Oai (Hà Nội) phối hợp MTTQ huyện giám sát công tác cải cách hành chính tại xã Đỗ Động. Ảnh: BÁ HOẠT

Những năm gần đây, Thành ủy và các cấp ủy Hà Nội luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Dân vận Thành ủy đã ký Chương trình phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu cho biết, chính quyền các cấp đã gắn công tác dân vận với triển khai nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, tám chương trình công tác trọng tâm, năm nhiệm vụ chủ yếu, ba khâu đột phá của Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Thành ủy “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố”; cấp ủy, chính quyền các cấp đã hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý tháo gỡ nguyện vọng chính đáng, những vấn đề người dân quan tâm. UBND thành phố phối hợp Ban Dân vận Thành ủy cùng MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Thành phố cũng đã thành lập tổ công tác do lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp cùng lãnh đạo các sở, ngành rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ việc người dân đang bức xúc.

Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan hành chính TP Hà Nội tiếp 34.392 lượt công dân; cấp huyện, cấp xã tiếp 36.278 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Từ thành phố đến cơ sở đã tiếp nhận và xử lý 69.712 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, chín tháng đầu năm 2019 có 254 đoàn đông người trong tổng số 71 vụ việc; đã tiếp nhận và xử lý 33.729 đơn khiếu nại, đã thụ lý giải quyết theo thẩm quyền 1.743 trong tổng số 2.235 vụ (đạt gần 80%); tiếp nhận và thụ lý giải quyết theo thẩm quyền 497 trong tổng số 661 vụ tố cáo (đạt 75%). Qua giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan, đơn vị đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 30 tập thể, 23 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý hai vụ việc.

Thực hiện chủ đề “Năm dân vận chính quyền 2018 và 2019” - “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Thành ủy đã chủ động ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; với phương châm làm từng bước vững chắc, thành phố chọn mỗi loại hình một số cơ sở làm “điểm” để rút kinh nghiệm, sau đó nhân ra diện rộng. Đến nay, tám loại hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được thành phố kiên trì triển khai, trong quá trình thực hiện, thành phố chú trọng công tác đôn đốc kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 đến nay, đã kiểm tra trực tiếp 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn (đạt 100%); 165 cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các loại hình cơ sở khác.

Thành phố chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị phân công rõ việc, rõ người, gắn với trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, gắn với quy chế, tăng cường kỷ cương từng lĩnh vực công tác gắn với khắc phục hạn chế, yếu kém, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, cấp ủy đảng, chính quyền từ quận tới cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã được các cơ quan, đơn vị, cá nhân đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực đời sống - xã hội. Cụ thể, năm 2018, quận có 90 mô hình đăng ký, gồm: Phát triển kinh tế tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo; trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án, quản lý trật tự đô thị trên địa bàn các phường; vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng vững mạnh; xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, việc cưới, việc tang; xóa đói giảm nghèo; công tác hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, mang lại bầu không khí dân chủ, cởi mở và tăng sự đồng thuận trong xã hội.

Đến nay, thành phố và các quận, huyện, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo công tác tôn giáo; các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo; nội dung và phương thức trong công tác vận động quần chúng tôn giáo từ thành phố tới cơ sở có nhiều đổi mới với phương châm: “kiên trì, đồng bộ, linh hoạt, đúng pháp luật”. Thành phố đã giải quyết kịp thời nhiều việc mới, việc khó, phức tạp, nhạy cảm về tôn giáo.

Với nòng cốt là 5.100 tổ dân vận, Ban Dân vận Thành ủy đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo hướng sâu sát, gắn bó với các cấp chính quyền cơ sở hơn, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB... Thành ủy Hà Nội đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong công tác này, thí dụ như chính quyền các cấp tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị còn chậm. Việc thông báo kết quả xử lý, phản ánh kiến nghị của người dân và tổ chức chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, giám sát của một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu chủ động...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao đổi, nhằm tiếp tục gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp toàn thành phố chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, nhất là sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ thành phố.

Theo https://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/42305802-dan-van-chinh-quyen-tao-dong-luc-phat-trien.html

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)