Sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội!
Tại khu vực nội thành, các sản phẩm du lịch tiêu biểu được tổ chức ở thủ đô Hà Nội là:
- Du lịch tham quan di tích văn hoá, lịch sử, nghiên cứu văn hoá dân tộc, tham quan phố cổ, các điểm danh thắng của Thủ đô
- Du lịch ẩm thực
- Du lịch tham quan, mua sắm hàng thủ công, mỹ nghệ các làng nghề
- Du lịch lễ hội
- Du lịch hội thảo hội nghị
- Du lịch đường thuỷ
- Du lịch sinh thái
Đến Thủ đô Hà Nội, du khách có thể tham quan di tích văn hoá, lịch sử, các điểm danh thắng của Thủ đô, đặc biệt là tham quan phố cổ và khám phá những nét đặc sắc của văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
Hầu như tất cả du khách nước ngoài đến Hà Nội đều thích khám phá phố cổ Hà Nội. Đến Hà Nội ngày nay, chúng ta không còn ngạc nhiên khi bắt gặp những nhóm du khách nước ngoài cũng như những khách độc hành khám phá Hà Nội trên những con phố nhỏ của Thủ đô. Ngoài đi du lịch theo tour, rất nhiều du khách nước ngoài thích tự khám phá Hà Nội cổ kính theo cách của mình. Nhiều người nước ngoài lần đầu tiên tới phố cổ Hà Nội cảm thấy không thoải mái thậm chí còn lo lắng khi lạc chân vào những dãy phố mang những cái tên na ná nhau, nằm ngang dọc, lộn xộn với hàng chục cửa hàng bán những sản phẩm cùng chủng loại, những hàng ăn hai bên đường tấp nập kẻ vào người ra, hay hoà vào dòng người và xe cộ đi lại như mắc cửi. Nhưng rồi cảm giác đó dần qua đi, thay vào đó là sự yêu mến khi họ nhận ra cuộc sống của con người Hà Nội đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ với nét đẹp của hồ Gươm - lẵng hoa giữa lòng thành phố thơ mộng.
Ngoài khám phá những nét đặc trưng của phố cổ, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam. Du khách có thể tự mình đi khám phá và thưởng thức các món ăn hoặc tham gia các tour du lịch ẩm thực. Các nhà hàng sang trọng dần dần mọc lên với đủ loại món ăn được du nhập từ nước ngoài như bánh mỳ nướng kiểu Pháp, mỳ ống và pizza của Ý, sushi của Nhật, cà ri gà xanh hay lẩu Thái… để phục vụ du khách nước ngoài đến với Hà Nội. Tuy nhiên những món ăn truyền thống của Việt Nam vẫn là những món ăn thu hút sự tò mò, khám phá của du khách. Trong kho tàng văn hoá phi vật thể của Hà Nội, các giá trị về văn hoá ẩm thực chiếm một vị trí đáng kể. Chính những giá trị này đã góp phần sâu sắc để định hình nên bản sắc văn hoá Hà Nội, phong vị Hà Nội. Những món ăn đặc sản như phở Hà Nội, nem, bún chả, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ, dưa La, cà Láng… mỗi món ăn mang lại một hương vị quyến rũ đặc trưng của Hà Nội. Tất cả đã tạo nên một phong vị, một thương hiệu riêng của Hà Nội góp phần làm cho Hà Nội là một thành phố ấn tượng khó quên đối với những ai đã từng một lần đặt chân tới nơi đây. Và chính nghệ thuật ẩm thực là một phần làm nên cái tinh tế của văn hoá và con người Hà Nội. Ngày nay, du khách nước ngoài đến Hà Hội như bị cuốn vào một xứ sở bất tận của các món ăn, từ món ăn truyền thống của Việt Nam như bún chả, phở, cháo cá, bún cá… tại các quán nhỏ trên vỉa hè, đến các gánh hàng rong bán trứng vịt lộn, bánh rán, bún ốc, bún đậu mắm tôm, miến cua trộn, bánh chưng rán… Có thể nói, một số địa chỉ phố ẩm thực như phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố Chả Cá dường như trở nên quen thuộc với nhiều du khách khi đến Hà Nội. Bởi thế mà Hà Nội đã từng được độc giả mạng MSN bình chọn xếp hàng thứ 3 trong 10 thành phố có đồ ăn ngon và đáng thưởng thức nhất thế giới.
Ngoài khu vực phố cổ, du khách có thể đến các điểm xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các điểm du lịch xung quanh hồ Tây (quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các đền, chùa: đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ…), các hồ trung tâm thành phố, gò Đống Đa, công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, triển lãm Giảng Võ, các bảo tàng…
Theo các tuor du lịch, du khách có thể tham quan di tích thành Cổ Loa với truyền thuyết An Dương Vương, nỏ thần Kim Quy và mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ… Du khách cũng có thể tham gia tour du lịch văn hoá lễ hội Đền Gióng. Đến với Hội Gióng, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, được cảm nhận tình người thật nồng ấm và chân thành của bà con nơi đây. Hơn nữa, du khách sẽ được sống lại không khí của một thời cổ tích xa xưa với câu chuyện huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân, được đắm mình vào không gian huyền ảo giữa thực tại và hư vô, để cảm nhận được sự quý giá của những nét văn hoá mà cha ông ta để lại, để khi ra về tiếng trống hội vẫn thì thùng trong tâm khảm. Sau tết Nguyên đán, du khách có thể tham gia tour du lịch văn hoá lễ hội chùa Hương. Hội chùa Hương kéo dài trong hai tháng, đến giữa tháng Ba âm lịch mới chấm dứt. Tour du lịch này luôn là một trong những tour hấp dẫn và thu hút đông đảo lượng du khách.
Du lịch làng nghề cũng là thế mạnh của thủ đô Hà Nội. Sau khi Hà Nội được mở rộng năm 2008, hiện trên địa bàn Thành phố có 1.270 làng có ngành nghề thủ công (chiếm xấp xỉ 1/5 tổng số làng nghề cả nước), trong đó có 244 làng nghề truyền thống. Trong số đó có nhiều làng nghề đã có từ lâu đời và nổi tiếng trong và ngoài nước, và được biết đến như một địa điểm phục vụ du lịch như làng lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sĩ, đúc đồng Ngũ Xã… Đặc biệt có đến 30 xã nghề với 100 làng nghề được công nhận ở Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hoà… Các làng nghề này có mật độ lớn, lại nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử văn hoá, lễ hội nên rất thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Sự đa dạng và đặc sắc của các làng nghề Thủ đô đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt với khách tham quan, đặc biệt là các làng nghề gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc. Bên cạnh việc tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra các sản phẩm, du khách được thâm nhập vào cuộc sống cộng đồng ở nông thôn, lựa chọn, mua các mặt hàng thủ công giá cả vừa phải, thưởng ngoạn cảnh quan với vẻ đẹp đặc trưng của làng quê Bắc bộ và nhiều sinh hoạt dân gian phong phú, sôi động. Tại Bát Tràng, khách tham quan sẽ đi xe trâu miễn phí khi đến tham quan các của hàng, các hộ của các nghệ nhân làm gốm ở Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng hoạt động suốt ngày đêm. Dọc hai bên lối vào làng là các cửa hàng hoành tráng mọc san sát, trưng bày hàng gốm sứ Bát Tràng từ đĩa, ấm, chén, nậm rượu, đến độc bình, đôn, bình vôi… bằng đủ các loại men ngọc cổ, men rạn, gốm đậm, men hoa lam… Điều làm du khách thú vị nhất là đi đến bất kỳ nhà nào cũng được nhìn tận mắt những nghệ nhân trang trí trên những sản phẩm gốm. Hơn nữa, khi đến Bát Tràng, du khách còn có thể tự trải nghiệm công việc của người làm gốm và vẽ lên đồ gốm sứ do tự tay mình làm ra, mu quà làm kỷ niệm. Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách được tham quan mua sản phẩm lụa về làm quà. Ở Vạn Phúc hiện có trên 1000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Các của hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 của hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch đã tạo ra một hình thức xuất khẩu tại chỗ hữu hiệu, góp phần quảng bá hình ảnh của các làng nghề và sản phảm làng nghề và sau đó là của Thủ đô hoà bình, thân thiện ở khắp mọi nơi.
Du lịch Hội thảo, hội nghị (du lịch MICE) là loại hình du lịch mang lại giá trị doanh thu cao gấp nhiều lần so với loại hình du lịch thông thường. Các đoàn khách MICE thường từ vài trăm đến hàng nghìn khách với mức chi tiêu cao. MICE là một trong những sản phẩm du lịch đã được khai thác rất thành công ở Hà Nội.
So với các loại hình du lịch khác, du lịch bằng đường thuỷ trên sông Hồng là loại hình du lịch khá mới. Du ngoạn trên con tàu dọc theo sông Hồng, du khách sẽ có những cảm giác mới lạ, thú vị, được hoà mình vào cảnh quan sông nước hữu tình, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền ven sông và tham quan các làng nghề truyền thống. Du lịch trên sông Hồng đã góp phần làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch của Thủ đô và cải thiện thu nhập của nhân dân địa phương.
Sau khi được mở rộng về phía Tây, Hà Nội có điều kiện tốt để khai thác và phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch sinh thái với nguồn tài nguyên vô giá là núi non, sông, hồ, suối, thác, hang động… tạo nên những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần như Ao Vua, Bằng Tạ, Khoang Xanh, Thác Đa, Thiên Sơn - Suối Ngà, ASEAN, Tản Đà, hồ Tiên Sa, hồ Đồng Mô, hồ Quan Sơn, hồ Suối Hai, Vườn Quốc gia Ba Vì…
Việc liên kết với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh lân cận để nối tour cũng đã được tiến hành khá thành công góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn và kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến Hà Nội.
Các sản phẩm du lịch của Hà Nội đều mang đậm ý nghĩa lịch sử Hà Nội đồng thời thể hiện được nét mới, hiện đại của Thủ đô thông qua lợi thế về bề dày lịch sử của các di tích, bảo tàng; nét tài hoa của người Hà Nội, của các làng nghề - phố nghề, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của các khu sinh thái.
Nhìn chung, các sản phẩm du lịch của Thủ đô đã được phát triển đáng kể về thể loại, chất lượng dịch vụ, góp phần đưa Hà Nội từ năm 2003 đến nay được ghi danh vào nhóm các đô thị hấp dẫn du khách nhất của châu Á.
Khai Nguyên
Nhà xuất bản Hà Nội