Nhà thờ họ Đỗ - một trong những dòng họ khoa bảng làm quan nổi tiếng ở Nhật Tân
Nói đến Nhật Tân người ta nghĩ ngay đến nghề trồng hoa mà nổi tiếng là hoa Đào. Vì thế mà từ ngoài vào nhà thờ họ Đỗ, ngay bên lối đi là một vườn đào tiếp vào tới sân, phía trước sân lại là một vườn toàn đào, đúng là “Xứ sở của hoa đào”. Di dần về mé sân là một dãy hồng xiêm xum xuê. Sân được lát gạch Bát Tràng cổ, bị hư hỏng nhiểu. Sân thấp bằng mặt vườn và không có rãnh thoát nước nên nền nhà ẩm ướt.
Nhà thờ với 5 gian, mái lợp ngói ta, đáng chú ý là mái còn nhiều ngói mũi hài (thời Lê). Mái phía sau đầu hồi được đắp mặt hổ phù dữ tợn, ở chính giữa. Hai trụ biểu được xây đế trái dành với hình 4 chim phượng hết hình lá lật. Lồng đèn trang trí tứ linh. Thân trụ xây gờ, tạo các câu đối bằng vôi vữa, mảng xây nối 2 trụ ngoài với hiên rộng 1m90 được đắp trang trí hoa lá.
Hiên nhà rộng gần 1m, với 4 trụ xây vuông trên mặt trụ là các kẻ cong. Vào nhà thờ với 3 cửa lớn, cánh bức bàn. Nhà thờ được kết cấu chồng giường con nhị, các góc và đầu cái con giường là hình lá lật, mặt hổ phù và những vân lá tạo rồng.
Trong nhà thờ xây 4 bệ thờ:
Bệ thờ ở giữa: Đặt một nhang án có kích thức lớn từ 1,2 x 1 x 0,75m. Nhang án trang trí chim hoa văn hình học, vân lá, hoa dây. Trên nhang án được đặt các đồ thờ, 2 cây đèn gỗ cao 70cm, 1 bát hương. Trên đó còn có ỷ thờ được chạm hổ phù, lá dây, rồng lá chầu mặt trời. Trên ỷ đặt 3 đài sơn son thếp vàng. Hai bên là câu đối. Tiếp đến một bàn thờ nhỏ vẽ chim lá, hoa dây, các hoa văn hình học, rồi 2 độc bình…
Chính giữa nhang án đặt long ngai bài vị. Tả hữu tay ngai là phi long và chân song con tiện. Bài vị chạm hình lá đề, hai bên là rồng lá, dưới là mặt hổ phù.
Trong nhà thờ còn giữ được nhiều tấm bia có giá trị tạo dựng vào các năm Tự Đức thứ 7 (1854), Thành Thái thứ 4 (1902), Khải Định thứ 4 (1919), Khải Định thứ 8 (1923), Bảo Đại thứ 2 (1927).
Qua nội dung tấm bia này thấy được các lần trùng tu nhà thờ, lai lịch gia tiên họ Đỗ. Tấm bia Tế điện bi ký đã ghi lại các lần phong tước hiệu cho gia tiên họ Đỗ.
Năm Vĩnh Hựu (1736) phong cho Hiển tổ tỷ Chu Thị Quý hiệu Tù nhân phu nhân.
Những năm Cảnh Hưng (1743-1760) lại phong cho Đỗ Quý Công tự Nhã Lương hiệu Hà Hoàn phủ quân là Quảng Ân phúc lộc, phong cho bà chánh thất Nguyễn Quý Thị Diệu Thuận phu nhân.
Tấm bia dựng ngày 15 tháng 2 năm Khải Định thứ 8 (1923) khắc: Tất cả mọi người trong dòng họ Đỗ phường Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông hội họp tại nhà thờ. Nguyên do có người trong họ là Đỗ Thị đem trầu cau đến xin ký gửi giỗ cho các ông Đỗ Quý Công tự huý Thích tự Phúc Đạt và ông Đỗ Quý Công tuý Lai tự Phúc Lai…
Trong nhà thờ còn các câu đối cổ rất giá trị như:
Tiền sử thượng huy hoàng khoa danh nho y hiển thế,
Tân triệu dụ bành chương miếu đường hưởng tự hất kim.
Sử trước đây đã huy hoàng khoa danh đỗ đạt nho y nổi tiếng,
Triều đại nay lại phát đạt nhà thờ hưởng lễ mãi đến hôm nay.
Như vậy, chứng tỏ dòng họ Đỗ trong lịch sử dân tộc là một dòng họ khoa bảng làm quan nổi tiếng, đúng như trong bia đá đã ghi.
Thúy Hạnh (tổng hợp)