Sự hình thành và phát triển đô thị Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XI đến khi Pháp chiếm Hà Nội
Sau khi dời đô Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, công việc quan trọng đầu tiên là xây dựng nơi làm việc và nơi ở của vua quan, quý tộc cùng hệ thống thành lũy bảo vệ. Phía ngoài là khu vực phố phường của thương nhân và thợ thủ công, xa hơn là những xóm làng dân cư nông nghiệp. Quy hoạch đô thị Thăng Long chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên là hệ thống sông Nhị Hà - Tô Lịch - Kim Ngưu, những hào nước cùng với hệ thống lũy đất bao bọc kinh thành. Trong thời gian tương đối ngắn, thành quách, các công trình kiến trúc cung đình, dân sinh, văn hóa, tôn giáo… được mọc lên. Cùng với quá trình trên là việc mở mang chợ, phường thủ công. Hệ thống chợ ra đời và dần dần sầm uất.
Theo các tư liệu cổ thì nhà Lý đã mở ra hai chợ Cửa Đông và chợ Tây thành Thăng Long. Có thể suy đoán rằng tại 4 cửa thành đều có các chợ lớn. Đây là nơi trao đổi trực tiếp giữa bộ phận thành và bộ phận thị. Ở vùng ven có những chợ từ lâu đời như chợ Bưởi, chợ Mơ. Có thể xem cấu trúc của vùng đất Thăng Long - Hà Nội gồm 3 bộ phận: Ở trung tâm là Hoàng thành, xung quanh thành là thị và phía ngoài là vành đai ven đô. Ba bộ phận này quan hệ chặt chẽ, dung dưỡng và tạo điều kiện cho nhau tồn tại và phát triển. Ngoài kết cấu thành còn có kết cấu thị với chợ - bến - phố - phường. Bên cạnh Hoàng thành, khu vực “thị” dần hình thành và phát triển với các phường buôn bán, hệ thống chợ, bến cảng. Phố và phường là bộ mặt chủ yếu của đô thị, ngược lại, nó được nuôi dưỡng bởi những thôn làng dân dã ven đô. Thời Lý bên cạnh chợ Đông và chợ Tây (Tây Nhai), nhiều chợ khác mọc lên…, khiến bộ mặt đô thị Thăng Long thay đổi cơ bản. Thăng Long ngày càng tập trung dân cư đông đúc, không chỉ quan lại, binh lính mà cả thương gia, thợ thủ công và các tầng lớp thị dân... Số người ở các nơi đổ về Kinh đô để làm ăn, buôn bán ngày càng nhiều. Rất nhiều thợ tài khéo ở tứ xứ như Phất Lộc, Nhược Công, Đông Các, Ngũ Xã... đến Thăng Long hành nghề.
Năm 1230, nhà Trần cho “định các phường về hai bên tả hữu kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường. Đặt Ty Bình bạc” (cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long lúc đó) ) (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 12). Các phường được mở mang và quy hoạch chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Bến Đông Bộ Đầu trên sông Hồng là bến cảng quan trọng nhất của Thăng Long thời Trần, là quân cảng vừa là cảng chính để thực hiện việc xuất - nhập hàng hóa với các địa phương. Đến thời Lê, các phố phường ngoài Hoàng thành vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1466 vùng đất kinh sư được đặt tên là phủ Trung Đô gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, với tổng số 36 phường như phường Tàng Kiếm, Yên Thái, Thụy Chương, Nghi Tàm, Hà Tân, Hàng Đào, Tả Nhất, Thịnh Quang
Thế kỷ XVII-VIII đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ có sự phát triển mạnh mẽ về cả quy mô lẫn cơ cấu dân cư. Một dòng chảy lớn thợ thủ công và hàng hóa từ các vùng tứ trấn xung quanh Thăng Long dồn về Kinh thành. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa Đàng Ngoài cùng với hoạt động giao thương tấp nập của các thương nhân ở Thăng Long –Kẻ Chợ đã tạo nên một đô thị phồn thịnh và tấp nập. Đây là thời kỳ hoàng kim của sự phát triển đô thị. Khu phố phường buôn bán lúc này đã thực sự trở thành khối cư dân đô thị đông đảo. Quy mô của Kẻ Chợ tương đương nhiều thành thị ở châu Á. Theo ghi chép của các thương nhân nước ngoài thì dân số Kẻ Chợ lên đến khoảng 1 triệu người, và có khoảng 20.000 nóc nhà. Thăng Long –Kẻ Chợ lúc này được coi như một đô thị có số dân đông nhất Đông Nam Á.
Đầu thế kỷ XIX, cố đô Thăng Long tên chính thức là Bắc Thành. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng. Sau cải cách hành chính của Minh Mệnh 1831, tỉnh Hà Nội được thành lập. Đến giữa thế kỷ XIX, các tổng của huyện Thọ Xương đều mang tên mới, nhiều phường/thôn hợp nhất lại, có tới 92 phường/thôn không còn tồn tại. Lý do cơ bản của sự sáp nhập lúc này là nạn cư dân lưu tán, các đinh nam bỏ đi các nơi khác để trốn thuế và trốn lính. Mức thuế lúc này bị gia tăng do người dân ở đây không còn được hưởng ưu tiên như trước nữa. Hệ quả của cuộc thay đổi hành chính này là số dân nội thành bị giảm sút, một số khu vực đô thành bị nông thôn hóa trở lại. Tuy nhiên, tính chất đô thị của khu nhân lõi các phố phường buôn bán thì vẫn không bị ảnh hưởng, có phần còn gia tăng do tác động kinh tế của các thương nhân Hoa kiều.
Khi vua Minh Mạng bãi bỏ Bắc Thành tổng trấn, làm giảm vị thế chính trị của Thăng Long - Hà Nội thì khu buôn bán thành Hà Nội cũng giãn nở, tăng thêm diện tích. Quanh hồ Hoàn Kiếm trước kia là cung điện Phủ chúa Trịnh đã bị phá hủy. “Hà Nội 36 phố phường” đến thời Nguyễn, chỉ còn mang ý nghĩa biểu tượng, vì nhiều lần được gộp, tách. Cốt lõi của khu vực này từ triều Lê đến Nguyễn là những phố phường buôn bán chuyên theo mặt hàng, được mang đến từ các vùng nông thôn phụ cận hoặc sản xuất tại chỗ. Những phố mới lập sau là các phố giáp bờ sông. Hoạt động buôn bán của các phố phường trong thế kỷ XIX thật sôi động. Lúc này, khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển, người ta có thể từ Thăng Long - Hà Nội đi khắp nơi. Từ đây, các hoạt động trao đổi vươn tới các vùng đồng bằng, thượng du, ven biển vịnh Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ.
Thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1874, đến năm 1888 triều Nguyễn phải chấp nhận thành nhượng địa. Từ đây, bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử Hà Nội với những thay đổi lớn về quy hoạch đô thị và kiến trúc đô thị mà dấu ấn của nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Thiên Bảo