Lời tựa Quan chức chí trong Lịch triều hiến chương loại chí
Lời dẫn Quan chức chí:
Các đời vua dựng nước tất phải đặt các quan để làm thay việc trời, sáng tỏ nghiệp chúa. Tên các chức quan không giống nhau, đến nay kể đã lâu đời rồi. Như xưa, trong thiên “Thuận điển” (Kinh Thư) chép chín chức quan chia giữ chính sự và giáo hóa, đời Thành Chu đặt ra sáu điển, mỗi điển đốc suất các thuộc viên.
[Các đời đặt quan] lúc kỹ càng, lúc sơ lược, tùy nghi cho hợp thời, nhưng trước sau đều đi tới chỗ thịnh trị. Đến các đời sau, đặt quan mỗi lúc một khác, tuy duyên cách có khác đời xưa, nhưng cốt yếu đều là đủ các chức ty, chia nhau làm việc.
Nước ta mở đầu từ Hùng vương, dựng kinh đô, đặt quan trưởng, bấy giờ lạc hầu, lạc tướng, không rõ chức ty. Đến đời Tiền Lý, Tiền Ngô, cũng đều đặt quan chia chức (Tiền Lý Nam đế lên ngôi, đặt các quan chức, Tiền Ngô vương dựng nước cũng đặt các quan chức), nhưng đời đã cách xa, sách vở thiếu sót, sơ lược không thể biết được. Từ nhà Đinh về sau cho đến Lý Trần, tên các quan đặt ra mới biết được đại khái. Đến đời Lê, quy chế dựng đặt mới rõ ràng. Trong đó chức vụ và tên quan cũng đều có theo cũ hoặc đổi mới. Nay tóm lại mà nói: Bên trong có đặt bộ, viện, đài, sảnh để làm công việc triều đình, bên ngoài có các ty của trấn, lộ, phủ, huyện, để cai trị nhân dân, khiến cho các chức lớn nhỏ theo nhau, thể thống không rối. Đó là cách đặt quan chia chức của các đời, đại cương hơi giống nhau. Còn những chức trọng yếu, trước đặt Hành khiển, Bình chương, sau đặt là Tham [tụng], Bồi [tụng], Chưởng [phủ sự], Thự [phủ sự]. Những chức quan ngoài thì trước là Đô, [tổng] quản, [An] phủ [sứ], Phán, sau là Trấn [phủ sứ], [Đốc] đồng, Hiến [ty], Thừa [ty]. Đó là cách đổi lại tên quan của các đời hơi có khác nhau. Đến như 10 gia, 6 cục đặt ra ở đời Lý đời Trần mà nhà Lê thì bỏ đi, 5 phủ 6 phiên đặt ở khoảng sau nhà Lê mà trước chưa từng có, ấy đều là tùy thời thêm bớt, danh hiệu khác nhau. Về chỗ nhân cũ hay đổi mới, giống nhau hay khác nhau, cần phải tham xét mà nhận định cho đúng. Vì thế tôi mới tìm kiếm trong sử sách, liệt rõ chức vụ và danh hiệu các quan, tóm làm một chương, chia làm 6 mục như sau:
Đại cương việc chia đặt quan chức qua các đời, để khảo về chức phẩm.
Duyên cách về tên chức quan, để khảo về chỗ giống nhau khác nhau.
Chức vụ khác nhau của các quan, để biết rõ sự làm việc.
Tước ấm và đường xuất thân khác nhau, để biết rõ thứ bực cao thấp.
Lệ ban ân tuất cho các quan, là ghi chép lệ ban lương lộc và cho phẩm trật.
Quy chế bổ dụng và khảo khóa, là ghi rõ cách thức dùng quan lại.
Phàm sự đặt quan chia chức, cách đối đãi bề tôi, dùng người làm quan, việc cũ của các triều đại thế nào, chép ra từng điều, chia rõ từng mục, tóm lại là Quan chức chí, để người xem có thể khảo cứu được.
Duy Trần