Index was outside the bounds of the array. Đổi mới hoạt động thư viện để thu hút độc giả thiếu nhi: Mỗi thư viện là một không gian sáng tạo
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ ba, 18/07/2023 08:04
Đổi mới hoạt động thư viện để thu hút độc giả thiếu nhi: Mỗi thư viện là một không gian sáng tạo

Khi các phương tiện giải trí ngày càng phong phú, “lôi kéo” trẻ em say sưa trước thế giới thu nhỏ trong một chiếc màn hình thì hơn bao giờ hết, thư viện cần phải đổi mới để thu hút và giữ chân bạn đọc thiếu nhi. Những “thư viện 5 sao” đã và đang là hướng đi đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

 

1(1).jpg
Các bé Trường Mầm non tư thục Cánh Hạc Bay trải nghiệm các hoạt động tại Thư viện Dream Plus Library - Thư viện Hà Nội.  Ảnh: Hồng Hạc

Chuyện thư viện "5 sao"

“Nếu chưa có ý tưởng để những ngày hè trở nên lý thú và bổ ích thì ba mẹ hãy tặng ngay cho con một chiếc thẻ đọc sách tại Thư viện văn hóa thiếu nhi để những trang sách cùng con gieo mầm ước mơ hôm nay và gặt hái thành công trong tương lai” - đó là lời mời thú vị từ các admin trang Thư viện Quốc gia Việt Nam trên Facebook.

Người dân Thủ đô không phải ai cũng biết rằng từ lâu, phòng đọc dành cho thiếu nhi ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội đã được “lột xác”. Qua rồi cái thời muốn mượn sách thì phải chờ cô thủ thư tìm kiếm thứ mà bạn đọc cần, cũng qua rồi cảnh trẻ đến thư viện phải ngồi đọc sách nghiêm túc như trong các giờ học chính khóa ở trường. Không ít ông bố bà mẹ trong một số nhóm đọc sách, nhóm “Cho trẻ ra ngoài chơi”, “Cho trẻ đi chơi cuối tuần”... trên mạng xã hội đã “note” địa chỉ phòng đọc thiếu nhi ở các thư viện như một điểm đến văn hóa mà con nên được đến khám phá mỗi tuần, mỗi tháng.

Chị Lại Thùy Anh (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi thường xuyên cho hai con đến Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam. Thư viện rộng 240m2, tích hợp không gian đọc sách, vui chơi, xem phim, trải nghiệm âm nhạc, phòng vệ sinh khép kín luôn rất sạch sẽ. Các đầu sách tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Việt rất phong phú, phù hợp với lứa tuổi từ nhỏ đến lớn”.

Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam nằm trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Việt Nam. Có thể coi đây là thư viện thiếu nhi “5 sao” đầu tiên ở Thủ đô với những không gian đa chức năng nhằm mang đến cho trẻ nhiều trải nghiệm, khơi gợi trí tưởng tượng và nuôi dưỡng ước mơ. Đến với thư viện, các bạn nhỏ được tự tay tìm kiếm cuốn sách mà mình yêu thích, có thể chọn một góc ưng ý để vừa nằm lăn vừa đọc, và khi đọc mỏi mắt rồi thì có thể bước vào các không gian tương tác khác như phòng đồ chơi, phòng trải nghiệm âm thanh, nhạc cụ, phòng chiếu phim...

Sự đa dạng trong không gian thư viện giúp các độc giả nhỏ tuổi có thể đọc và chơi rất lâu ở thư viện mà không chán. Vào kỳ nghỉ hè, có thể bắt gặp không ít bạn nhỏ mang hộp cơm theo bố mẹ đi làm từ sáng sớm và được “gửi” vào thư viện, đến giờ trưa tự lấy cơm ăn rồi lại vào thư viện tiếp tục “công việc” đọc và chơi của mình cho đến tận chiều, khi bố mẹ đến đón về. “Kỳ nghỉ hè ở thư viện trở nên bổ ích và ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc ở nhà làm bạn với ti vi, điện thoại” - chị Nguyễn Thị Huyền (quận Hà Đông) cho biết.

Tiếp nối sự thành công của Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, có thể nhận ra mô hình hoạt động thể hiện sự đổi mới, sáng tạo tại Thư viện Dream Plus Library thuộc Thư viện Hà Nội. Với diện tích hơn 400m2, nơi đây đã thực sự trở thành một không gian sáng tạo đầy màu sắc, có sự kết hợp các chức năng của thư viện, khu vui chơi dành cho trẻ em, không gian hoạt động nhóm và trải nghiệm tương tác. Đến thư viện này, các bạn nhỏ không đơn thuần đọc sách mà còn có thể tha thẩn khám phá mọi “ngõ ngách”, trèo lên những “ngôi nhà” có trải đệm, đọc sách dưới gốc cây hay “rút lui” vào góc riêng trên những chiếc ghế âm tường.

Thư viện Dream Plus Library chỉ là một phần trong cả không gian mới được tái tạo của Thư viện Hà Nội - khánh thành vào tháng 4-2023. Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: “Dự án tái tạo Thư viện công cộng giai đoạn 2021 - 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu hỗ trợ nâng cao tiện ích của Thư viện Hà Nội. Dự án đi vào hoạt động, tôi tin tưởng Thư viện Hà Nội sẽ trở thành một không gian sáng tạo, ươm mầm các tài năng sáng tạo của Thủ đô. Thư viện Hà Nội sẽ là nơi diễn ra các tọa đàm, hoạt động hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một bước tiến mới, vận hội mới của Thư viện Hà Nội trong việc đáp ứng văn hóa đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và sự chuyển mình từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô”.

14.jpg
Các bé mầm non thích thú với những trải nghiệm lý thú và bổ ích tại Thư viện Dream Plus Library - Thư viện Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạc

Ngàn lẻ một cách tiếp cận độc giả

Hai trong những yếu tố dẫn tới việc khó thu hút học sinh Thủ đô đến thư viện công cộng là thời gian và khoảng cách. Hiện nay, học sinh tiểu học đang thực hiện học hai buổi trong ngày, còn học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông học cả thứ bảy, do đó, việc sắp xếp thời gian cho trẻ đến thư viện không phải là điều dễ dàng. Khoảng cách địa lý và các phương tiện công cộng chưa thực sự thuận tiện cũng là những rào cản khiến các gia đình khó “vượt lười” để đưa con em đến thư viện đọc sách, trong khi ở nhà lại có quá nhiều “kênh” giải trí dễ dàng thu hút sự quan tâm của trẻ.

Thu hẹp các khoảng cách này, các thư viện thiếu nhi thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày sách, giới thiệu tác phẩm mới, tổ chức chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm và bạn đọc cũng như các cuộc thi viết, vẽ tranh, kể chuyện theo sách. Ngoài ra, có thể kể đến các hoạt động không thường xuyên khác như “Đọc sách sáng tạo” - giúp trẻ hiểu biết hơn về những gì đã đọc, từ đó mở rộng thế giới quan, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách; “Khám phá Thư viện số” nhằm quảng bá, giới thiệu cho độc giả thiếu nhi cách tiếp cận loại hình thư viện số; “Huấn luyện trí tuệ siêu đọc sách” giúp các bạn trẻ tiếp cận phương pháp đọc sách hiệu quả, tăng khả năng ghi nhớ nhờ giải pháp ghi chép thông minh...

Các mô hình xe thư viện lưu động chuyên chở tài liệu, sách, báo đến các vùng nông thôn, qua đó xóa đi khoảng cách về địa lý, cũng đã và đang góp phần lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng. Những năm qua, Thư viện Hà Nội vẫn thường xuyên phối hợp với trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao ở các huyện để tổ chức các chương trình thư viện lưu động tại một số trường học trên địa bàn ngoại thành. Mang sách đi tìm độc giả, mỗi chuyến xe thư viện lưu động mở ra một không gian sách thân thiện và gần gũi với học sinh. Các nhân viên thư viện lưu động luôn đổi mới cách dẫn dắt, tìm kiếm các trò chơi vừa gần gũi, vừa sáng tạo, điều đó góp phần tạo sự thu hút và kết nối với học sinh, để từ đó các em yêu thích sách hơn và dần hình thành thói quen đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.

Với những hoạt động không ngừng được đổi mới, các không gian đọc được nâng cấp sẽ giúp độc giả thiếu nhi tìm thấy tiện nghi và sự gần gũi đối với thư viện, từ đó hình thành thói quen đọc sách, có kỹ năng sử dụng thư viện để hỗ trợ việc học tập nhằm phát triển bản thân và tìm ra cách thức giải trí lành mạnh. Nhằm khuyến khích bạn đọc yêu thích đọc sách giấy và đến với thư viện nhiều hơn, mới đây, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất miễn phí sử dụng thư viện trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Điều này góp phần mang thư viện và sách đến gần với các độc giả thiếu nhi.

(Theo Hạ Yến/hanoimoi.vn)

https://hanoimoi.vn/doi-moi-hoat-dong-thu-vien-de-thu-hut-doc-gia-thieu-nhi-634972.html

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)