Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách văn học - nghệ thuật |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách văn học - nghệ thuật
  • Người Thăng Long
  •  Trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Hà Ân xứng danh là cây đại thụ trong các nhà văn đương đại viết về lịch sử. Đọc tiểu thuyết lịch sử của ông, người đọc không cảm thấy sự khô khan, trúc trắc bởi các sự kiện lịch sử đã đi vào nội tâm nhân vật, lý giải vấn đề lịch sử bằng cái nhìn của ngày nay, cùng với sự tưởng tượng của nhà văn. Tất nhiên ông vẫn là tôn trọng chính sử, coi chính sử là cái mốc thời gian để trên đó hư cấu theo ý đồ của mình nêu lên những ý nghĩa nhân văn và đạo đức cao cả. Nhắc đến Hà Ân là nhắc đến một con người uyên bác, kiến văn sâu rộng, và ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, tinh tế. Với những tiểu thuyết lịch sử viết về Thăng Long - Hà Nội đặc biệt là tiểu thuyết “Người Thăng Long”, Hà Ân không chỉ tái hiện một thời đoạn oai hùng nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, vương triều Trần, mà ông còn làm sống dậy những anh hùng, hào kiệt mang hào khí Đông A. Dù chỉ tái hiện lịch sử trong một lát cắt là cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, nhưng ở đó khung cảnh, đất và người Thăng Long lại được tạo dựng một cách oai hùng, lắng đọng và đi vào chiều sâu từ chính những điều bình thường nhất đó là lối sống, là nếp nghĩ, cách ứng xử, nếp sinh hoạt tinh tế, khéo léo và thanh lịch của người Tràng An.

  • Tác giả :   Hà Ân
  • Bình chọn:
    (Tổng số: 4 - Trung bình: 3.25)
  •   Bình luận   |  Ý kiến của bạn |  Xem thêm sách cùng chủ đề
Giới thiệu về sách

Đối mặt với một kẻ thù hùng mạnh không từ bỏ dã tâm xâm phạm bờ cõi Đại Việt vừa là sự biến xã hội lớn lao vừa là bối cảnh để vua tôi nhà Trần thể hiện sự đồng tâm nhất chí, lòng yêu nước nồng nàn và hào khí thời đại mạnh mẽ. Trong cơn biến thiên thời đại ấy, có những con người đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc mà tiêu biểu là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (ông hoàng Sáu), một vị vương nổi tiếng đã tự thoát ra và chiến thắng những ràng buộc mà số phận một vương gia mang lại cho mình. Đó là những cử chỉ thân thiện với quân sĩ, tình cảm dành cho nhũ mẫu người đã chăm sóc ông, là tình cảm dành cho người em Hoàng Mãnh… và còn cả tình yêu dành cho cô Mơ. Những tình cảm chân thành, những hành động hiệp nghĩa càng toát lên vẻ đẹp của một vương gia đầy tài hoa. Cũng từ nhân vật này trong bối cảnh lịch sử với sự song hành của những con người bảo toàn độc lập tự do cho dân tộc, làm rạng danh sử sách như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Hoàng Mãnh,… Hà Ân đã truyền tải đầy đủ vẻ đẹp của người Thăng Long. Đó là nét hào hoa, lịch thiệp, cách đối nhân xử thế biết vì việc chung, nghĩa lớn mà hành xử, là tài binh lược cùng với lối sống phóng khoáng, đầy nghĩa khí từ đó làm nên sức mạnh của cả một thời đại.

Với nhà văn Hà Ân “Người Thăng Long” không chỉ dừng lại ở tên tuổi cuốn tiểu thuyết lịch sử mà còn là duyên nghiệp của ông với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến với vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch của người Tràng An. Qua từng trang viết của ông ánh lên vẻ đẹp đến lạ lùng của những con người Tràng An từ đế vương đến những người dân thường chốn Kinh kỳ. Cùng với đó những trang truyện kể lịch sử đã tái hiện về một thời đầy bóng kiếm, hoa đào và cả vó ngựa chốn biên thùy, buồm căng nơi biển lớn, tiếng thét Sát Thát chất chứa căm hờn của đoàn quân xung trận nhà Trần trong cuộc đấu tranh đánh đuổi quân Nguyên Mông hùng mạnh. Có thể nói những nhà văn chuyên về đề tài lịch sử như Hà Ân thực chất là những phi hành gia đã mạo hiểm lên tàu con thoi, ngược thời gian để trở về quá khứ: họ tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân trong hành vi ngược nguồn mạo hiểm đó. Họ đổ bộ xuống những vùng đất trống, những vùng đất mà cơn lũ của những tháng năm, những thế kỷ đã cuốn phăng đi tất cả. Nơi đó, bằng một ít tàn tích nửa thật nửa giả gom nhặt được, họ phải nối kết chúng, nhào nặn chúng, thổi hồn cho chúng, làm sống lại những tàn tích của quá khứ sống lại như câu chuyện vừa diễn ra đâu đó. So với những nhà văn viết về đề tài hiện đại, với những sự kiện, dự liệu sinh động thì người viết truyện lịch sử phải huy động một nguồn năng lượng, sức tưởng tượng, sự am hiểu vô cùng rộng mới có thể dựng lại sự kiện, đời sống của những con người cách nay hàng nghìn năm. Để thành công trên lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử như nhà văn Hà Ân thì có lẽ động lực lớn nhất đó là tình yêu của ông dành cho những nhân vật lịch sử.

Từ những trang viết của nhà văn Hà Ân, khi đọc tiểu thuyết Người Thăng Long, bạn đọc như thấy mình đang sống cùng với thời đại của nhà Trần, với hào khí Đông A, sức mạnh, ý chí phi thường trong cuộc đấu tranh chồng quân Nguyên Mông. Cùng với đó còn cả lời ăn, tiếng nói, món ăn, nếp nghĩ của những bậc đế vương, quan quân triều Trần cũng như người dân Kinh kỳ cách nay gần nghìn năm.

 “Người Thăng Long” của Hà Ân, góp phần đánh dấu tên tuổi ông là người hiểu và cảm một cách sâu sắc nhất về thời đại này. Ông không chỉ đơn thuần là kể lại lịch sử, ông làm cho lịch sử sống lại với sự hào hùng của thời đại hoàng kim nhà Trần và lòng tự hào dân tộc muôn đời.

Tiểu thuyết Người Thăng Long ra mắt năm 1980, bởi sức hấp dẫn của mình cuốn tiểu thuyết này đã được in nhiều lần sau đó. Trân trọng tấm lòng và tình yêu của một con người dành cả cuộc đời gắn bó và viết về Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng tái bản và giới thiệu đến độc giả tiểu thuyết  “Người Thăng Long” trong mảng sách phổ thông của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đàm Ly

Chi tiết sách
  • Tác giả:  Hà Ân
  • Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  2019
  • Tổng số trang:  380
  • Kích thước:  14,5x20,5
  • Mã số:  
  Bình luận (0)  
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá