Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách văn học - nghệ thuật |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách văn học - nghệ thuật
Giới thiệu về sách

 

Tóm tắt nội dung:

- Cuốn sách tuyển chọn những hình ảnh về Hà Nội được ghi lại trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX nhằm giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Việt Nam và quốc tế về một “Hà Nội xưa” từ nhiều góc độ, phương diện gồm phong cảnh di tích lịch sử, phố phường Hà Nội, nếp sống của người Hà Nội trong lao động, học tập, sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí, lễ hội...

- Cuốn sách chia làm các phần với các chủ đề khác nhau, mỗi phần đều tuyển chọn những bức ảnh phù hợp với các chủ đề. Cuốn sách sẽ tuyển chọn trên 300 ảnh đen trắng về Hà Nội xưa và in theo song ngữ Việt - Anh.

Bố cục cuốn sách gồm các phần chính:

1. Mở đầu: giới thiệu bối cảnh lịch sử Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và di sản văn hóa của mảnh đất nghìn năm

2. Phong cảnh - Di tích - Kiến trúc

3. Phố phường Hà Nội

4. Nếp sống thanh lịch của người Tràng An

5. Hoạt động kinh tế

Chi tiết sách
  • Tác giả:  NSNA. Trần Mạnh Thường (Chủ trì tuyển chọn)
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  
  • Tổng số trang:  ước 252 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  
  Bình luận (4)  
NSNA. Trần Đương viết ngày 31/08/2011
I. Những yếu tố đảm bảo chất lượng của bản thảo: Trước hết, xin cảm ơn Ban Lãnh đạo NXB Hà Nội đã có “Thư mời” gửi đề nghị tôi tham gia Hội đồng nghiệm thu bản thảo sách ảnh “Hà Nội xưa (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)” do NSNA. Trần Mạnh Thường chủ trì tuyển chọn. Ngay từ đầu, xem qua bản thảo, cảm nghĩ chung của tôi là yên tâm; yên tâm vì một số yếu tố rất quan trọng đảm bảo chúng ta sẽ có một bản thảo tốt: 1. NSNA. Trần Mạnh Thường - người tuyển chọn - đã từng chủ biên nhiều tập sách (cả chữ lẫn ảnh), có kinh nghiệm trong việc làm sách, có tư liệu phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực nhiếp ảnh. Hiện nay, tuổi đã cao, ông vẫn xông xáo, có nhiều tâm huyết đối với những “đứa con tinh thần” của mình. Kinh nghiệm lao động và tư liệu phong phú - hai phẩm chất đó giúp bản thảo có được tính chính xác và sự tin cậy. 2. Bản thảo được xây dựng trên một kết cấu hợp lý, dễ chấp nhận; 3. Bài giới thiệu chứa đựng cách thể hiện mạch lạc, giàu cảm xúc, có nhiệt huyết, nói lên rằng người chủ trì bản thảo có một tình yêu Hà Nội; 4. Bản thảo cung cấp cho bạn đọc hàng loạt tác phẩm nhiếp ảnh quý, có giá trị, hấp dẫn, giúp người xem có những hiểu biết mới về một Hà Nội trước đây. 5. Chú thích ảnh được viết khá kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người giới thiệu trước lịch sử. Đương nhiên, để đảm bảo tuyệt đối tính khoa học và tính chính xác về mặt lịch sử, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể và có quyền trông cậy vào sự đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Toàn và Nhà sử học PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn. Có thể chứng minh rất cụ thể về những ưu điểm trên đây - song, nhiệm vụ của tôi là “phản biện”, cho nên sẽ nghiêng về phần thứ hai là: II. Mấy khía cạnh cần xem xét, cân nhắc, để đạt tới sự hoàn thiện của bản thảo: 1. Về tên sách: “Hà Nội xưa (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)”, theo tôi chưa ổn. “Xưa” có thể hiểu là “đã qua lâu rồi”, “đời xưa”, ví dụ đồ xưa, cổ. Truyện cổ tích thường bắt đầu là “ngày xửa ngày xưa...” để nói về thời gian xa xưa lắm rồi. Ở đây, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là thời cận đại, so với tiến trình lịch sử dân tộc hãy còn mới mẻ (ngót 100 năm). Nếu là tôi, tôi sẽ đặt tên sách: * “Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” để khẳng định thời điểm lịch sử mà tác phẩm phản ánh. * Hoặc “Hà Nội 100 năm trước” * Hoặc “Hà Nội trong những thập kỷ đầu tiên chống thực dân Pháp”... Đó chỉ là gợi ý, xin Hội đồng và ban Lãnh đạo NXB xem xét, quyết định. 2. Về người đứng tên trên bìa sách: Đây là sách ảnh, tác giả ảnh là Hocquard, Abert Khan. Theo tôi, ông ngày phải có vị trí xứng đáng trên bìa sách, chứ không thể chỉ để ở vị trí cuối cùng trên trang cuối cùng của tập sách. Cần thiết có lời giới thiệu về bác sĩ Khan như thân thế, sự nghiệp, việc ông chụp và lưu trữ ảnh ra sao... Tóm lại, ông Khan - về mặt quyền tác giả - có vị trí rất quan trọng trong bản thảo này. Ông Trần Mạnh Thường trong trường hợp này là người sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, đứng ở vị trí thứ hai. 3. Bài giới thiệu được thể hiện khá lưu loát, đầy nhiệt huyết, nhưng cũng cần điều chỉnh lại một số câu, từ, ví dụ: - Ở trang 2, câu đầu tiên: “Con mắt cú vọ của thực dân Pháp biết rằng...” - Ở trang 13, đoạn “cái cổ kính, cái trang nghiêm, cái hoành tráng, cái hiện đại”, 4 lần “cái” trong một câu, nghe rất nặng, mà các phạm trù này đứng bên nhau chưa hợp lý. - Tên người và địa danh nên thống nhất lấy tên gốc, không nên có chỗ để gốc, có chỗ phiên âm, ví dụ: Gácsnhie, Đume... - Các danh từ cũng cần phân biệt chỗ nào viết hoa, chỗ nào không viết hoa... 4. Phần chú thích Nói chung NSNA. Trần Mạnh Thường đã có những thông tin cụ thể, tỉ mỉ về hàng loạt ảnh, nhưng cũng nhiều ảnh chỉ nêu tên chứ không có thông tin, ví dụ ảnh về cửa Đoan Môn, cầu Thê Húc, chùa Báo Ân, Tháp Bút, tháp Hoà Phong, đình Ngọc Hà, chùa Kim Liên, Bảo tàng Maurice Long, vườn hoa Con Cóc, Bách Thảo, sở Cẩm, sở Bưu điện, Nhà thương mắt, vườn hoa nhà Kèn... - Ở trang 151, ảnh về Cầu Giấy nên xếp vào phần khác, để ở phần phương tiện giao thông chưa hợp. - Bài Đất lề Kẻ Chợ của Giang Quân nên để tên tác giả ở vị trí nổi bật: ngay dưới tít bài hoặc chua rõ là rút từ đâu. Thật ra, nếu không đủ tư liệu, thông tin, chỉ nêu các địa danh cũng được, song nếu thông tin phong phú, người xem càng thích thú vì được hiểu biết nhiều hơn. Ngoài ra, về câu văn có thể sửa sang thêm, như phần giới thiệu tháp nước Đồn Thuỷ và trong các phần thuyết minh. - Về ảnh Cột cờ Hà Nội, có 2 ảnh, nên để cạnh nhau (1 ảnh ở trang 5, đề xây năm 1812; 1 ảnh ghi xây 1904 ở phần “Di sản ngàn năm”. Phải chăng đây là 2 cột cờ khác nhau?). Kết luận: Đánh giá chung, đây là một bản thảo tốt, có ích trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm phong phú thêm kế hoạch in ấn của Nhà xuất bản Hà Nội trong dịp này. Kính mong Ban Lãnh đạo Nhà xuất bản và Ban Dự án tập hợp các ý kiến nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để tiếp tục hoàn thiện bản thảo, xem xét những kiến nghị để sớm cho ra mắt một ấn phẩm giá trị..
Bằng Việt viết ngày 31/08/2011
Cuốn sách lý thú và rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về Hà Nội xưa, nhất là bằng hình ảnh trực quan. Các hình ảnh này lâu nay vẫn được lưu trữ trong các bộ sưu tập của các cơ quan nghiên cứu, trong các bảo tàng, các kho tư liệu của các báo và tạp chí... và cả các lưu trữ cá nhân quý hiếm ở trong nước và ngoài nước. Vì vậy, việc tập hợp lại một cách đầy đủ và hệ thống các hình ảnh này là một công trình hết sức công phu và tạo ra ý nghĩa lớn lao, có giá trị lâu dài về tư liệu lịch sử cũng như về giá trị thẩm mỹ. Tôi xin góp một số ý kiến sau, trên tinh thần tán thành và ủng hộ rất cao ý đồ và đề cương của các tác giả, và mong muốn cuốn sách ảnh sẽ đạt được hiệu quả tối đa, làm hài lòng tất cả các tầng lớp độc giả. 1 - VỀ CÁC PHẦN CỦA CUỐN SÁCH: Chia làm 4 phần như Đề cương, có vẻ chưa thật hợp lý. Phần 1, tôi nghĩ có thể để là: Hà Nội qua các biến cố lịch sử, trong đó có cả các biến cố từ thời Bắc thuộc, qua các triều đại phong kiến rồi mới tới phần thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam. Những phần trước không thể có đầy đủ ảnh, nhưng có các di tích, đền chùa, miếu mạo, lăng mộ... phản ánh một phần các biến cố lịch sử mà Hà Nội đã trải qua, ví dụ: Đền Phù Đổng, di tích Thánh Gióng ở Sóc Sơn, đền Tản Viên và núi Ba Vì, đền thờ An Dương Vương, khu di tích Cổ Loa, am Mỵ Châu, giếng Trọng Thủy, lăng Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đầm Dạ Trạch, đền Đồng Nhân và di tích Hai Bà Trưng, Thăng Long tứ trấn, di tích Hoàng thành, Đoan môn, Lầu công chúa, Điện Kính thiên, chùa Diên Hựu, chùa Kim Liên, đền Đồng Cổ, đền thờ các vua chúa các triều đại, như các vua Lý, các vua Trần, các vua Lê... rồi đền thờ các bậc tiên hiền như Chu Văn An, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bia Tiến sĩ, đền thờ các vị thần, các thành hoàng, đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, di tích Võ Miếu, Giảng võ trường và đền thờ các võ tướng có công với nước... Khu di tích Voi Phục, gò Đống Đa và di tích Quang Trung,đền thờ công chúa Ngọc Hân, rồi các di tích của Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, các khu di tích bia mộ nổi tiếng ở các làng xã xung quanh Hà Nội (và cả Hà Tây cũ)... kế đó tới di tích Thành Cửa Bắc và các di tích của tòa thành Vauban của Pháp xây. Sau đó là toàn bộ ảnh liên quan đến các trận đánh và đồn lũy, nơi đóng quân và công sở của thực dân Pháp sau khi xâm chiếm nước ta. Phần 2, dành cho các di tích và thắng cảnh Hà Nội, nhưng vẫn nhấn mạnh đó là một Hà Nội cổ, ngày hôm nay có thể đã thay đổi. Vì thế, nên phải ghi rõ niên đại của các tấm ảnh nếu có được chính xác, nếu không, cũng có thể ghi chú ảnh chụp vào thập kỷ nào của thế kỷ XIX hoặc XX. Có thể chấp nhận các bưu ảnh cổ hoặc các bức vẽ cổ, khi chưa tìm ra ảnh nghệ thuật, miễn là có hình ảnh minh họa trực quan và khá chính xác. Phần 3, dành cho phố phường Hà Nội xưa là hợp lý. Phần 4, gộp tất cả vào “Nếp sống người Hà Nội” là quá ôm đồm. Nên chia ra, ít nhất làm 2 phần: Một phần (phần 4) là: Văn hóa - giáo dục, đời sống tín ngưỡng, tâm linh và sự trân trọng các giá trị tinh thần của người Hà Nội. Một phần nữa (phần 5) là: Nếp sống hàng ngày, phong tục tập quán trong ăn, mặc, ở, đi lại, trong việc làm ăn, buôn bán, trong cưới xin, ma chay, và trong vui chơi giải trí, hội hè. Như vậy, tôi nghĩ, cuốn sách ảnh có thể chia làm 5 phần là hợp lý. 2 . VỀ CÁC ẢNH CẦN BỔ SUNG: Tác giả đã sưu tập được khá nhiều ảnh quý hiếm và có giá trị lịch sử. Tuy vậy căn cứ vào các tài liệu và thông tin tôi có được, hoặc căn cứ vào các bộ ảnh và bưu ảnh đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho triển lãm một số lần ở Hà Nội, cũng như thông qua các sưu tập quý hiếm của Pháp mà tạp chí “Xưa và Nay”, hoặc tạp chí “Hồn Việt” (TP Hồ Chí Minh) lưu giữ được, tôi xin mạo muội liệt kê tạm một số ảnh có giá trị ,có thể tìm được và có thể bổ sung được như sau: + Bổ sung cho PHẦN 1 : - Bản đồ Việt Nam năm 1660 do Alexandre De Rhodes vẽ, có ghi chú về đất Bắc Kỳ (Tonkin) và Kẻ Chợ. - Vua Đinh Tiên Hoàng (hình trong đền thờ) - Vua Lê Thánh Tông (hình trong đền thờ) - Hình vẽ Phủ Chúa Trịnh (TK XVIII) - Tượng thờ Đặng Văn Hòa, vị Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội (1831) - Ba sứ thần Việt Nam ở Paris năm 1887. - Một bữa tiệc chiêu đãi các quan võ mừng công (1887) - Voi chiến (1840) - Thuyền chiến thời nhà Nguyễn (thời Tự Đức) - Thuyền vũ trang hộ tống các tướng ra trận (thời Nguyễn) - Lính hỏa bài (đưa tin khẩn cấp) 1876. - Súng thần công thời Nguyễn . - Quân Pháp đánh chiếm Cửa Thuận An (1883) - Tàu Pháp đánh Hải Dương (1883) - Quân Pháp đánh thành Sơn Tây (1883) - Đồn binh Pháp đóng tại Đồn Thủy (Hà Nội , 1885) + Bổ sung cho PHẦN II: - Cung điện An Dương Vương ở Cổ Loa (năm 1901) - Cổng đền Ngọc Sơn (năm 1885) - Hồ Gươm (ảnh cổ, chụp 1887) - Điện Kính Thiên (chụp năm 1873) - Lầu Công chúa (năm 1873) - Cột Cờ Hà Nội (chụp năm 1903) - Lối vào Bách Thảo, cạnh Phủ Toàn quyền (chụp 1906) - Thành cổ Sơn Tây ( năm 1887) và tháp Thành Sơn Tây (1887) - Một số cổng làng tiêu biểu ở ven đô Hà Nội xưa. + Bổ sung cho PHẦN III: - Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm (chụp 1915) - Ga Hà Nội (chụp 1900) - Toàn cảnh phố Hà Nội, chụp năm 1905 (gần Thành cổ) - Hiệu thuốc Tây đầu tiên ở Hà Nội (1886) - Khách sạn Métropole (ảnh 1903) - Nhà Godard , Bách hóa tổng hợp ngày nay (chụp 1923) - Chợ Đồng Xuân đầu thế kỷ XX - Chợ Cửa Nam đầu thế kỷ XX. - Một góc phố Hà Nội, sát chợ (chụp 1890) - Phố Hàng Bông (1905) - Phố Hàng Ngang (1885 và 1904) - Phố Hàng Thùng (1887) - Phố Hàng Quạt (1910) - Phố Quán Sứ (1905). + Bổ sung cho PHẦN IV: - Móng tay dài cụ Đồ Nho - Trường thi (1885) - Rước Rồng - Múa đèn (1887) - Biểu diễn cung đình - Y phục sân khấu Tuồng (1878) + Bổ sung cho PHẦN V: - Thiếu nữ Hà Nội (1885) - Têm trầu (1906) - Lấy ráy tai (1857) - Chơi tam cúc - Chơi chuyền - Chơi xúc xắc - Đánh đu - Đá cầu - Đánh đáo - Chơi đu quay - Xe tay thế kỷ XIX - Tàu điện ở Bờ Hồ đầu thế kỷ XX. - Các đồng tiền xưa ở Thăng Long - Hà Nội (tiền thời Lý, Trần, Lê)./.
NSNA. Mai Nam viết ngày 31/08/2011
Đây là một cuốn sách rất quý. Tác giả đã có công sưu tầm được một số lượng ảnh khá lớn ghi lại những hình ảnh về một Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử qua đó người xem hình dung được khá cụ thể về một thời kỳ lịch sử qua nhiều khía cạnh của một Thăng Long - Hà Nội. Sau đây xin đóng góp một số ý kiến: Tên cuốn sách nên gọi là: "Hình ảnh Hà Nội xưa". Vì đây là một sách ảnh nên để bạn đọc hiểu là một sách ảnh ngay cái tên của sách. Về bố cục cuốn sách: Vào đầu sách không nên để "Hà Nội bối cảnh trở thành nhượng địa". Nên để những hình ảnh đầu tiên của sách là những di tích cổ của Hà Nội như Điện Kính Thiên hay Thành Hà Nội xưa v.v do ông cha ta xây dựng. Những công trình do người Pháp đô hộ xây nên đưa vào những chương tiếp theo. Các chương mục trong sách nên bố cục gọn ghẽ hơn, chẳng hạn như "Nhịp sống Hà Thành" thì đã bao gồm nhiều các hoạt động giáo dục, văn hóa, thương mại và các hoạt động khác nữa cho nên các mục dưới đó cũng là nhịp sống Hà Thành.
Đại tá NGUYỄN HUY TOÀN viết ngày 31/08/2011
Trong tay tôi đang có cuốn sách ảnh “Hà Nội xưa” do Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên, thực hành liên doanh giữa Tạp chí Xưa & Nay với Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn phát hành quý 3 năm 2009. Cuốn sách này gồm 103 trang khổ 27x18,5 cm, trong đó công bố 92 bức ảnh, chia làm 3 chương. * Hà Nội truyền thống của người Việt: 42 ảnh; * Dấu vết kiến trúc xưa còn tồn tại dưới thời thuộc địa: 12 ảnh; * Kiến trúc mới của người Pháp và những sinh hoạt văn hoá mới thời thuộc địa: 38 ảnh. Đọc và xem cuốn sách này, so với cuốn của NSNA Trần Mạnh Thường thì thấy có nhiều ảnh trùng lặp, nhưng cuốn của Trần Mạnh Thường số ảnh phong phú hơn (2 lần). Bố cục hợp lý hơn và có một số bài viết giới thiệu cần thiết. Ta vẫn có thể in để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được. Tuy nhiên, tôi kiến nghị 3 điểm: Một là, tìm một cái tên khác, không nên lặp lại “Hà Nội xưa”, có thể lấy tên là “Một số hình ảnh Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”. Hai là, bài viết mở đầu nên giới thiệu khái quát về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, lý do ta chỉ chọn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ba là, nên có cuộc đối thoại trực tiếp với tác giả Nguyễn Mạnh Hùng để tranh thủ sự đồng tình, sự đoàn kết với thái độ khoa học đúng đắn, có thể xin bổ sung một số ảnh trong sách của Nguyễn Mạnh Hùng mà chúng ta chưa có. Tóm lại, sách ảnh của Trần Mạnh Thường có thể in, phát hành, nhưng không nên lặp lại chữ “Hà Nội xưa”.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá