Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách lịch sử |  Bạn đang ở:Trang chủ » Sách lịch sử
Giới thiệu về sách

Tóm tắt nội dung:

Kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 năm trở thành kinh đô. Đúng như Vua Lý Công Uẩn đã nói trong chiếu dời đô, mảnh đất này là đất trung tâm của trời đất, mảnh đất “rồng cuộn hổ ngồi”.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt đó không chỉ có lịch sử từ 1000 năm cách đây mà còn có lịch sử xa xưa hơn nữa, ít ra từ cách đây hàng vạn năm với văn hoá thời đồ đá Hoà Bình. Sau đó, cách đây khoảng 4000 năm, Hà Nội bước vào thời đại đồng thau, tiền đề để xã hội tiến đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương của người Việt cổ, trong đó có người Việt cổ Hà Nội.

Mục đích chính của đề tài là nâng cao lòng tự hào về Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử, đồng thời cũng là một tài liệu khoa học cho bất cứ một nhà khoa học trong và ngoài nước nào cần tham khảo để nghiên cứu về Hà Nội ngàn xưa. Đề tài cũng là một tác phẩm phục vụ đông đảo bạn đọc, người Hà Nội và cả nước. Thông qua đề tài có thể phổ biến những kiến thức lịch sử cho nhân dân Hà Nội và những ai quan tâm đến lịch sử Hà Nội

Đề tài còn như một nén hương dâng lên các vị tiền nhân đã khuất có công xây dựng và mở mang Hà Nội từ xưa đến nay để Hà Nội luôn xứng đáng là một Kinh đô ngàn đời.

Chi tiết sách
  • Tác giả:  PGS.TS. Trịnh Sinh (Chủ biên)
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội 
  • Năm xuất bản:  
  • Tổng số trang:  ước 532 trang
  • Kích thước:  
  • Mã số:  
  Bình luận (8)  
PGS.TS. Trình Năng Chung viết ngày 25/08/2011
Tôi đã nhận được bản thảo sách “ Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”, do PGS.TS. Trịnh Sinh làm chủ biên dầy 588 trang. Nội dung chính của bản thảo được thể hiện qua 7 chương sách. Ngoài 442 trang chính văn, công trình còn có các mục: Tài liệu tham khảo 56 trang với hơn 700 tài liệu dẫn và tham khảo bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp (trong đó công trình của tác giả có 34 tài liệu); Phụ lục minh hoạ gồm hơn 50 bản đồ, sơ đồ; hơn 100 ảnh; phần chỉ dẫn tài liệu tham khảo và Mục lục. Sau khi đọc kỹ phần chính văn và xem phần phụ lục, tôi thấy có thể nêu lên một số nhận xét về công trình này như sau: 1. Đối tượng đề cập chính của cuốn sách là Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương. Như vậy phạm vi về không gian và thời gian đề tài được thể hiện rất rõ qua tên sách. Từ đối tượng ấy, tác giả đi sâu trình bày một số vấn đề chủ yếu: Các di tích, di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương cũng như đời sống văn hoá, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của cư dân Hà Nội đương thời. Xét trên nhiều góc cạnh, có thể khẳng định, nội dung cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc nhận thức thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như của Hà Nội nói riêng. Điều này được thể hiện trên một số điểm dưới đây: 1.1. Mảnh đất Thăng Long không chỉ có lịch sử 1000 năm văn hiến, mà đã có bề dày lịch sử vài vạn năm trước, khi mà những dấu tích của cư dân hậu kỳ đá cũ thuộc văn hoá Sơn Vi phát hiện được trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử và trên vùng đồi gò thuộc huyện Ba Vì. Tiếp theo, cách nay khoảng 1 vạn năm, những dấu tích của cư dân đá mới Hoà Bình đã tìm thấy ở khu vực sơn khối đá vôi Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Sau đó khoảng 4000 năm cách nay, Hà Nội bước vào thời đại đồng thau, tiền đề để xã hội tiến đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương. Trong bối cảnh đó, người Việt cổ Hà Nội có đóng góp không nhỏ vào văn hoá thời dựng nước của dân tộc. 1.2. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nghiên cứu Thời đại kim khí Bắc Việt Nam, đã xác lập được các nền văn hoá tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả; đã làm rõ được nội dung và quá trình hình thành văn hoá Đông Sơn. Song nghiên cứu toàn diện về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trên một địa bàn cụ thể (cấp tỉnh, thành phố) dường như vẫn còn là điểm khuyết. Vì vậy nội dung của cuốn sách sẽ góp phần nhận thức những vấn đề về thời đại Hùng Vương - An Dương trong lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như nhận thức thời tiền - sơ sử Hà Nội nói riêng. 2. Về phương pháp nghiên cứu và thể hiện: Tôi hoàn toàn đồng ý với phương pháp nghiên cứu liên ngành như khảo cổ học, dân tộc học, văn hoá dân gian, thư tịch cổ và một số khoa học tự nhiên như tác giả đã thực hiện trong cuốn sách. 3. Về kết cấu của sách: Sách được kết cấu thành 7 chương, việc cấu trúc các chương, mục hợp lý và cân đối. Phần phụ lục minh hoạ ảnh, bản vẽ phục vụ tốt cho phần chính văn. 4. Về nội dung của công trình sách: Chương I. Bức tranh toàn cảnh của thời Hùng Vương và An Dương Vương. (gồm 88 trang, từ tr.17 đến 105) Trong chương này tác giả đã điểm lại toàn bộ lịch sử nghiên cứu thời đại Hùng Vương - An Dương Vương qua một số nguồn tài liệu Trung Quốc, qua các bộ sử và thư tịch Hán Nôm của Việt Nam chép về thời Hùng Vương - An Dương Vương, đặc biệt là qua các kết quả nghiên cứu của giới khoa học trong và ngoài nước. Với những chứng cứ khoa học liên ngành, đặc biệt những thành tựu nghiên cứu văn hoá Đông Sơn của khoa học khảo cổ học đã chứng minh thời kỳ Hùng Vương- An Dương Vương là giai đoạn có thật trong lịch sử dân tộc. Chương II. Địa lý cảnh quan và môi trường Hà Nội (gồm 18 trang, từ trang 105 đến 123) Để xây dựng được chương này, tác giả đã sử dụng các kết quả nghiên cứu địa chất địa mạo của các nhà địa chất học. Điều này hoàn toàn đúng đắn vì điều kiện môi trường đương thời có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người tiền sử Hà Nội. Đặc biệt từ giai đoạn Holocene trung trở lại đây. Trong chương này, tác giả cũng điểm qua các phát hiện của thời đại đá cũ thuộc văn hoá Sơn Vi tìm thấy ở Đông Anh và Ba Vì, hoặc văn hoá Hoà Bình ở hang Sũm Sàm huyện Mỹ Đức, hay văn hoá hậu kỳ đá mới ở Kiều Thị, huyện Thường Tín. Dẫn dắt ra như vậy, tác giả muốn người đọc thấy rõ một Hà Nội cổ có bề dầy lịch sử hàng vạn năm trước trong những điều kiện địa chất còn có những biến động. Đến thời đại kim khí, về cơ bản điều kiện tự nhiên Hà Nội giống như ngày nay. Một cảnh quan địa mạo mới của Hà nội thích hợp với nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là những điều kiện để nảy sinh các nền văn minh thời tiền Hùng Vương, Hùng Vương và An Dương Vương. Đây là chương viết rất cần thiết để cho người đọc hiểu được vì sao Hà Nội lại trở thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội từ thời Hùng Vương - An Dương Vương góc độ địa - chính trị. Phần góp ý của tôi là nếu tác giả đã đề cập đến những di tích đá cũ (văn hoá Sơn Vi) ở Hà Nội, thì cần bổ sung thêm một vài nét về những tài liệu địa chất địa mạo thời Cánh Tân, để cho người đọc hiểu rõ người nguyên thuỷ - đá cũ Hà Nội sống trong điều kiện tự nhiên như thế nào. Chương III: Các làng cổ, khu mộ cổ thời Hùng Vương - An Dương Vương và dấu tích kinh đô Âu Lạc (gồm 55 trang , từ trang 124 đến 179). Mở đầu chương này, tác giả đưa ra vấn đề tiền Hùng Vương và Hùng Vương. Cho đến nay, trong lúc có nhiều ý kiến cho rằng thời kỳ Hùng Vương đã trải qua 4 giai đoạn văn hoá thời đại kim khí: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, tương ứng với 4000 năm lịch sử, thì tác giả lại cho rằng thời đại Hùng Vương bắt đầu vào khoảng thế kỷ VII trước CN, trùng với niên đại mở đầu của văn hoá Đông Sơn, cách nay khoảng 2.700 năm. Các văn hoá Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun thì thuộc vào giai đoạn tiền Hùng Vương. Từ năm 1976, trong tác phẩm “Lịch sử Việt Nam” tập I, các tác giả Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng cho rằng với thời đại đồng thau phát triển (ý nói giai đoạn Gò Mun - Đông Sơn), chúng ta bước vào thời kỳ nước Văn Lang, thời kỳ Hùng Vương của lịch sử Việt Nam. Do vậy, mặc dù không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm này, nhưng tác giả Trịnh Sinh đã phân định rõ thời đại Hùng Vương gần như trùng hợp với niên đại của văn hoá Đông Sơn. Đây là quan điểm khoa học theo tôi là có thể chấp nhận được. Chương IV: Các di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội ( gồm 82 trang, từ trang 180 đến 262). Trong chương này các tác giả miêu tả các di vật dựa theo chất liệu như đồng, đá, gốm, gỗ, đồ đan lát, đồ xương sừng và đồ sắt. Chương này thuần tuý là những miêu tả khảo cổ học loại hình, nhưng rất cần thiết để người đọc nắm rõ khá toàn diện về văn hoá vật chất ở Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội. Chương V: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương (gồm 48 trang, từ trang 263 đến 311). Về đời sống vật chất của người Việt cổ Hà Nội, các tác giả muốn dựng lại qua các lĩnh vực chủ yếu như: - Kinh tế nông nghiệp - Đánh cá, hái lượm săn bắt - Chăn nuôi - Kinh tế luyện kim - Các ngành thủ công khác - Thương nghiệp - sự giao lưu kinh tế và văn hoá - Cuộc sống thường nhật: ăn, mặc, ở Trong chương này, tác giả đã khai thác các tài liệu khảo cổ học, dân tộc học, thư tịch cổ để phục dựng bức cảnh khá toàn diện về đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương. Chương VI: Đời sống tinh thần của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương (gồm 50 trang, từ trang 312 đến 362) Qua 50 trang viết về phần này, tác giả kết hợp các tài liệu khảo cổ học và thư tịch cổ để bàn về đời sống tinh thần của cư dân Hà nội thời Hùng Vương và An Dương Vương trên các khía cạnh tư duy và hoạt động tinh thần như tư duy khoa học, tư duy giải thích thế giới, tôn giáo, tín ngưỡng sơ khai, các phong tục, tập quán, lễ hội, các hoạt động nghệ thuật âm nhạc, ca múa, tạo hình v.v... Riêng đối với luật lệ thời kỳ này, tôi đồng ý với tác giả rằng trong mô hình nhà nước sơ khai của các vua Hùng - An Dương Vương đã có hình thức cai trị bằng luật, nhưng luật còn lỏng lẻo và nặng về phần tục lệ hơn là luật lệ (trang 344). Chương VII: Giải mã đôi nét về lịch sử Hà Nội thời Hùng Vươn g- An Dương Vương (có 77 trang, từ trang 363 đến 439) Chỉ với 6 chương đầu, tác giả đã cho người đọc thấy được bức tranh toàn cảnh về Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương. Nhưng không dừng ở đấy, tác giả đã cho ta biết chiều sâu cũng như vị trí lịch sử của mảnh đất Hà Nội cổ, của nguời Hà Nội cổ trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ việc bước đầu đọc dòng chữ cổ trong lòng trống Cổ Loa, tác giả đã phác hoạ vài nét lịch sử đương thời của đất nước Văn Lang - Âu Lạc.. Theo tôi, đây là chương viết mang tính học thuật cao trong toàn bộ cuốn sách. Đã có một số người đọc các dòng chữ Hán cổ trong lòng trống Cổ Loa, nhưng tác giả là người đầu tiên đã phát hiện ra chữ Tây Vu trong dòng chữ Hán đó. Theo tác giả, nếu cách giải mã chữ Tây Vu là chính xác thì sự tồn tại của huyện Tây Vu (trong đó gồm cả Hà Nội) trong sử sách đã được làm sáng tỏ. Tuy vậy, theo tác giả, đây là những vấn đề lý thú cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa (trang 400). Theo tôi đây là thái độ rất khách quan trong khoa học. 5. Kết luận: 5.1. Đề tài được thể hiện qua cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc nhận thức thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như của Hà Nội nói riêng. 5.2. Toàn bộ nội dung của cuốn sách đã cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương của Hà Nội. Đây là cuốn sách hay, có chất lượng khoa học. Đây cũng là công trình nghiên cứu thiết thực để chào mừng Kinh đô Thăng Long tròn 1000 năm tuổi. Tôi trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua nội dung cuốn sách và mong sách sớm được xuất bản.
TS. Phạm Quốc Quân viết ngày 25/08/2011
1. Tôi đã đọc bản thảo này với thái độ cầu thị, nghiêm túc và say sưa, cho dù, thời gian dành cho nó không được nhiều và chưa được kỹ như một biên tập viên, dẫu vậy, cũng rút ra được một số điều nhận xét sau đây: - Cuốn sách đã cơ bản bám vào đề cương đã được hội đồng góp ý và thông qua. - Về cơ bản, tính khoa học đảm bảo, thông tin, tư liệu cập nhật. - Văn viết khúc triết, những vấn đề được trình bày cô đọng, không dàn trải. Đó là những ưu điểm cơ bản để một nhà xuất bản nói chung có thể biên tập, sửa chữa, đưa in, không mấy cớ sự cấn gợn, băn khoăn. 2. Tuy nhiên, đây là cuốn sách của Nhà xuất bản Hà Nội, trong tủ sách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nên tôi không thể không có đôi điều góp ý để NXB và tác giả tham khảo. - Bố cục và cách viết chưa hướng tới công chúng phổ thông cho dù tác giả đã gắng thể hiện khác với nhiều bài viết và cuốn sách trước đây cũng chính tác giả chấp bút, thể hiện mà tôi đã được đọc. - Hà Nội thời Hùng Vương-An Dương Vương, như tên gọi của cuốn sách phải hướng tới lịch sử, theo đó, những truyền thuyết, sách sử của ta và Trung Quốc nói tới thời đại này không nên là những câu trích mà là những diễn giải lịch sử theo những sách ấy qua cách hiểu của tác giả và những tài liệu vật chất (hiện vật) là cơ sở khẳng định nhà nước Hùng Vương và An Dương Vương là có thật. - Bởi vậy nên, những tiêu đề như Đôi nét về lịch sử nghiên cứu thời Hùng Vương-An Dương Vương hay Thời Hùng Vương-An Dương Vương nhìn từ góc độ nghiên cứu liên ngành…cùng nhiều tiêu đề khác nữa là quá nặng và nghiêng nhiều về một cuốn sách chuyên khảo. Ý của tôi, cũng từ chất liệu này, không nên chia nhỏ như trong mục lục khiến cho cuốn sách nặng nề mà nên chăng là: Từ mây mù của huyền thoại và sử thành văn, hay Có một thời đại Hùng Vương-An Dương Vương v.v. 3. Do là sách sử, nên chương IV không nên tách ra, quá nghiêng về khảo cổ học mà khảo cổ học và di vật nên được coi là chất liệu hay nguồn sử liệu để nói về thời đại ấy. Tôi nghĩ rằng, nói về đời sống vật chất và tình thần nên đưa di vật xuống để minh họa, theo đó, chương IV sẽ được tản ra. 4. Mặc dù mong muốn là như vậy, nhưng tôi vẫn cho rằng cuốn sách rất có giá trị. Tác giả vốn là một chuyên gia, nên viết như thế này, là điều anh vẫn làm suốt mấy chục năm qua. Tôi muốn anh thăng hoa, cô đúc lại, triển khai theo cách viết vừa phổ thông, vừa bác học, vừa hấp dẫn, vừa văn chương, như là một thể nghiệm của chính anh, của giới khảo cổ học, mà ở ta chưa mấy người làm, nhưng trên thế giới đã có nhiều thành công và NXB Hà Nội, với yêu cầu của mình, chắc chắn sẽ là mảnh đất cho anh thể nghiệm tốt từ tác phẩm này. 5. Đó là mong muốn của tôi, một người đọc, chứ không phải của tất cả độc giả. Bởi vậy, trên tổng thể, tôi thấy đây là cuốn sách có giá trị, bổ ích mang tính tổng kết cho khảo cổ học thời sơ sử của Hà Nội, rất cần được công bố trong dịp này.
TS. Nguyễn Văn Sơn viết ngày 25/08/2011
Tôi xin nhận xét bản thảo cuốn “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương” do PGS.TS. Trịnh Sinh làm chủ biên như sau: 1. Về sự cần thiết của đề tài: Việc biên soạn “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương” trước thềm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Cuốn sách này khi hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu lịch sử Thăng Long - Hà Nội và còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội và bảo tồn một số di tích quan trọng của Hà Nội. Mặt khác công trình này cũng sẽ góp phần vào việc quy hoạch phát triển thủ đô gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Với sự cần thiết nói trên tôi hoàn toàn ủng hộ việc biên soạn cong trình này trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. 2. Bản thảo đã nêu rõ nội dung khoa học, đã chứng minh một cách khoa học các di tích, di vật thời tiền Hùng Vương, thời Hùng Vương - An Dương Vương trên địa bàn Hà Nội với kết cấu hợp lý của 7 chương không kể phần mở đầu, kết luận và phục lục kèm theo: Chương I: Bức tranh toàn cảnh thời Hùng Vương - An Dương Vương; Chương II: Địa lý, cảnh quan và môi trường; Chương III: Các làng cổ, khu mộ cổ thời Hùng Vương - An Dương Vương và dấu tích kinh đô Âu Lạc; Chương IV: Các di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội; Chương V: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương; Chương VI: Cuộc sống tinh thần của người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương; Chương VII: Giải mã đôi nét lịch sử thời Hùng Vương - An Dương Vương Phần kết luận bao gồm chỉ dẫn, tài liệu, tham khảo, phụ lục các địa điểm khảo cổ học tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Hà Nội Phụ lục 2: Địa điểm đào được trống đồng Đông Sơn ở Hà Nội và hình minh họa bổ sung. Với dung lượng 537 trang khổ A4 được chia tương đối cân đối giữa các chương, mục và các phần, tác giả đã làm rõ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thời Hùng Vương - An Dương Vương trên đất Hà Nội. Tác giả đã nêu lịch sử nghiên cứu vấn đề thời Hùng Vương - An Dương Vương và đã chỉ ra những kết quả, những hạn chế trong quá trình nghiên cứu thời Hùng Vương - An Dương Vương. Từ những di tích, di vật cụ thể thời Hùng Vương - An Dương Vương trên đất Hà Nội, tác giả đã nghiên cứu, đối chiếu, so sánh bằng các phương pháp nghiên cứu của khảo cổ học, sử học, dân tộc học và các phương pháp liên ngành liên quan để từ đó phác họa lên toàn cảnh những hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thời Hùng Vương - An Dương Vương trên đất Hà Nội một cách tỉ mỉ, hệ thống. Với công trình này người đọc cuốn “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương” khi được xuất bản sẽ hiểu hơn vùng đất Hà Nội thời tiền Hùng Vương, thời Hùng Vương - An Dương Vương. Tuy nhiên có thể do xuất phát từ một nền tảng kiến thức khoa học chuyên ngành, chuyên sâu nên việc mô tả quá tỉ mỉ, hơi nặng về khoa học chuyên ngành, có thể phù hợp với các nhà nghiên cứu chuyên sâu nhưng lại sẽ hạn chế tính hấp dẫn đối với nhiều độc giả phổ thông. 3. Khi kiến giải về kinh đô Âu Lạc của thời An Dương Vương và niên đại của thời kỳ An Dương Vương, tác giả đã đưa ra thời kỳ An Dương Vương vào cuối thế kỷ III trước công nguyên đến đầu thế kỷ II trước công nguyên. Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau về niên đại tuyệt đối của thời An Dương Vương, xin đề nghị tác giả tham khảo thêm những tài liệu mà giáo sư Nguyễn Quang Ngọc khi nghiên cứu về thời kỳ Triệu Đà, Triệu Hồ đã đưa ra lý giải về niên đại tuyệt đối của thời kỳ này vào đầu thế kỷ II trước công nguyên. Về vậy, đề nghị tác giả xem xét thêm về niên đại tuyệt đối về thời đại An Dương Vương. Về đời sống vật chất, tác giả khi đưa ra ý kiến theo 8 lĩnh vực khá tỉ mỉ; tuy vậy phần về luyện kim có thể vẫn còn khiêm tốn. Về đời sống tinh thần, tác giả đã có nhiều liên hệ và lý giải, nhưng vẫn quá đi sâu vào những họa tiết trên trống đồng. 4. Với tiến độ thời gian chưa đầy 6 tháng sau khi đề cương được nghiệm thu, tác giả đã tiếp thu, sửa chữa và hoàn thành bản thảo là một cố gắng rất lớn, với khối lượng đồ sộ các tài liệu, tư liệu được hệ thống hóa, đối chiếu, hiệu chỉnh, hoàn thành bản thảo đúng thời gian quy định để công bố đảm bảo cho công trình khoa học đạt chất lượng đủ điều kiện để công bố. 5. Về cơ bản, tôi nhất trí với bản thảo Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương do PGS.TS. Trịnh Sinh và các cộng sự đã hoàn thành, sau khi sửa chữa lỗi chính tả và lỗi khi ấn loát thì có thể in để công bố. Tôi đề nghị Hội đồng thông qua và làm các thủ tục tiếp theo để triển khai thực hiện kịp phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức viết ngày 24/08/2011
1.Về đề tài: Lịch sử thời Hùng Vương – An Dương Vương từ lâu đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm. Trong thống kê bước đầu với 544 công trình đã công bố, hoặc gián tiếp, hoăc trực tiếp viết và bàn về thời này trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ lịch sử, vùng đất, con người, xã hội qua các nguồn tư liệu khác nhau đã thể hiện rõ sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ này. Đề tài càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn khi cả nước đang tiến tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 2. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ nhiệm đề tài về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Chọn phương pháp khảo cổ học là rất phù hợp với dạng đề tài này. Triển khai với những hoạt động rất cụ thể như: Nghiên cứu các tài liệu thư tịch cổ chữ Hán, chữ Nôm; Thực hiện điều tra, thăm dò, thám sát để thu thập tài liệu bổ sung; Giám định nghiên cứu hiện vật…Bằng phương pháp nghiên cứu này sẽ có được những nguồn tư liệu chính xác, có cơ sở khoa học và sức thuyết phục. 3. Những nội dung nghiên cứu đã được nêu ra trong đề cương chi tiết bao gồm: 7 chương. Về cơ bản chúng tôi nhất trí với các chương đã nêu ra, trong đề cương chi tiết và trong bản thuyết minh. Cũng xin góp thêm ý kiến để tham khảo cụ thể như sau: Chương 1: Bức tranh toàn cảnh về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương ở nước ta (trong chương này sẽ có một mục giới thiệu về các tác giả tác phẩm công trình đã viết về thời đại này). Chương 2: Đặc điểm địa lý, cảnh quan và mội trường Hà Nội. Chương 3: Di tích, di vật, cổ vật, bảo vật thời Hùng Vương – An Dương Vương ở Hà Nội (chương này sẽ có phần di tích, phần di vật, cổ vật, bảo vật trong đó có trống đồng). Chương 4: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời đại Hùng Vương – An Dương Vương. Chương 5: Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương – An Dương Vương.. Chương viết về Hà Nội có một nền văn hóa trống đồng ở chương 3 đã đề cập rồi. Tuy trống đồng ở Hà Nội khá điển hình, xong cũng có nhiều di vật, cổ vật khác cũng có giá trị cho nghiên cứu. 4. Khả năng triển khai đề tài: Chúng tôi nhận thấy chủ nhiệm đề tài đồng thời sẽ là chủ nhiệm cuốn sách là người đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan và đã có sách xuất bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu đề tài. Các cơ quan dự kiến tổ chức hợp tác thực hiện đề tài, Các nhà khoa học, các chuyên viên, cán bộ bảo tảng Hà Nội, bảo tàng Lịch sử, Viện Khảo cổ học .v.v...là những đơn vị, cá nhân có nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy để cung cấp cho quá trình nghiên cứu triển khai đề tài. Với chất lượng khoa học, đảm bảo tiến độ vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình thành công sẽ đóng góp cho tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” một công trình có giá trị, có ý nghĩa lịch sử văn hóa. Chúng tôi hoàn toàn ủng hội những ý tưởng đã nêu ra trong bản thuyết minh và đề cương chi tiết. Đề nghị cơ quan quản lý đề tài thông qua!
TS. Phạm Quốc Quân viết ngày 24/08/2011
1. Tôi biết anh Trịnh Sinh gần 40 năm và theo dõi bước khoa học của anh suốt từ đó, và biết anh tận tâm, tận lực với đề tài Hùng Vương – An Dương Vương ngay từ thuở mới nhập môn. Với đề tài này, ngay từ rất sớm, anh đã quan tâm tới mảnh đất Hà Nội và đã cho ra mắt nhiều công trình, bài viết có giá trị, được coi là một trong những viên gạch đầu tiên xây đắp lên tòa lâu đài hà Nội học mà phần sơ sử của mảnh đất này rất hiếm người để mắt. Chính vì lý do đó, tôi tin Trịnh Sinh có thể hoàn thành và hoàn thành xuất sắc đề tài này với một dung lượng theo yêu cầu của bất cứ đối tác nào. 2. Với nhà xuất bản Hà Nội và tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi cho đặt đề tài Hà Nội thời Hùng Vương và An Dương Vương như là một nhu cầu cần thiết cho một Hà Nội sắp sửa kỷ niệm 1000 năm là hoàn toàn có cơ sở. Khi còn là Giám đốc bào tàng Lịch sử Việt Nam, tôi đã cùng với cộng sự thực hiện một cuốn sách về một Sài Gòn thời Tiền sơ sử, đặt nó trong bối cảnh kỷ niệm thành phố Hồ Chí Minh 300 năm, đã được sự đón nhận và hoan nghênh của bạn đọc, thì với công trình và ấn phẩm này của PGS.TS Trịnh Sinh chắc chắn cũng sẽ được cổ vũ khi công trình cập nhật được cả những tư liệu của Hà Nội II, Hà Tây cũ, nơi vô cùng đậm đặc di tích thời Hùng Vương - An Dương Vương. 3. Đề cương chi tiết của cuốn sách về cơ bản, tôi tán thành về cấu trúc, theo đó đã bao hàm được nội dung và tư liệu của thời Hùng Vương – An Dương Vương. Tuy nhiên, tôi xin mạnh dạn góp ý với tác giả một số điều sau đây, mong tác giả điều chỉnh, nếu thấy có thể được và nếu thấy hữu ích. - Cần phải nhìn ra những đặc trưng nổi bật của mảnh đất trong thời Tiền sơ sử (thời Hùng Vương – An Dương Vương) thì mới có được những trang viết sống động, khác biệt với đời sống tinh thần và vật chất của cư dân Hà Nội của thời đại này với các vùng miền khác trong cả nước. Muốn làm được điều này một cách có hiệu quả, rất cần tài liệu của cảnh quan môi trường, của quá trình chinh phục đồng bằng ô trũng của người Việt cổ, và những di biệt trong bộ sưu tập của thời đại này trong phúc hợp của bộ di vật thời đại đồng – sắt sớm Việt Nam. PGS.TS Trịnh Sinh đã gắng khai thác những nét riêng ấy, nhưng rất cần nhấn mạnh và khai thác triệt đẻ hơn, qua cách viết mà tôi biết anh là người có sở trường. Ở nhiều chương, tôi thấy anh đi quá sâu vào khảo tả tư liệu, khiến cho cuốn sách thiên về khảo cổ học, điều mà nhà xuất bản không muốn và người đọc thấy nặng nề. Tôi muốn anh vượt lên trên những tư liệu thô ấy để khái quát thành những vấn đề mang đậm chất lịch sử của thời đại Hùng Vương – An Dương Vương Hà Nội. Một vấn đề nữa có liên quan tới trống loại II Heger và dân tộc Mường Hòa Bình mà mảnh đất nước này đã từng chứng kiến, cũng cần phải được đề cập tới trong cuốn sách này, như một hiện tượng của lịch sử chia tách giữa Việt và Mường. 4. Chương 4 và chương 7 cùng nói về trống đồng, cho dù có sự khác biệt về nội dung và cách thể hiện, nhưng theo tôi không nên tách ra thành hai chương như trong đề cương. 5. Thư mục những công tình nghiên cứu của tác giả về thời đại này cũng như thư mục những công trình nghiên cứu khác phục vụ cho đề tài là vô cùng phong phú, rất hữu ích cho tác giả trong quá trình thực hiện đề tài và thể hiện công trình qua một ấn phẩm, theo tôi là sự hấp dẫn và có giá trị. 6. Những góp ý của tôi trên đây hoàn toàn chỉ mang tính gợi ý, mong được tác giả nghiên cứu. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị đề cương của tác giả một cách kỹ càng và chúc PGS.TS Trịnh Sinh cho ra đời một đứa con tinh thần tâm huyết. Mong nhà xuất bản Hà Nội tạo điều kiện cho công trình ra mắt được đúng dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Sơn viết ngày 24/08/2011
Tôi đã nhận đọc bản đề cương chi tiết đề tài "Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương" của PGS.TS. Trịnh Sinh công tác tại Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và danh sách các tài liệu tham khảo cùng một số bản sao, bản vẽ trống đồng cùng các di vật đá, di vật đồng thời Hùng Vương - An Dương Vương trên địa bàn Hà Nội. Tôi xin nhận xét như sau: Đây là đề tài nằm trong chương trình Dự án Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" do Nhà xuất bản Hà Nội sẽ ấn hành trong dịp chuẩn bị Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tác giả của đề tài là PGS.TS Khảo cổ học Trịnh Sinh - một trong những nhà khảo cổ học thời đại kim khí của Việt Nam, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương đã được công bố trong nhiều năm qua. Đây cũng chính là thế mạnh khi đề tài "Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương" được PGS.TS. Trịnh Sinh biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của ông trong nhiều thập kỷ qua và kết quả nghiên cứu về các công trình của nhiều học giả trong và ngoài nước với 514 tài liệu tham khảo. Cuốn "Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương" được tác giả trình bày dự kiến khoảng 400 trang giấy, 200 trang phụ lục là các bản đồ, bản vẽ, ảnh các di vật, di tích sẽ là một tập đại thành về thời Hùng Vương - An Dương Vương trên đất Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trong đề cương, tác giả đã bố cục cuốn sách làm 7 chương không kể phần mở đầu và chương kết luận bao hàm những vấn đề rất cơ bản của thời Hùng Vương và An Dương Vương là: - Đời sống vật chất của người thời đại Hùng Vương - An Dương Vương. - Đời sống tinh thần của người thời đại Hùng Vương - An Dương Vương. - Vài nét về vua Hùng và các tướng lĩnh qua truyền thuyết. Những vấn đề trên được lý giải trong 7 chương: Chương 1: Đại lý cảnh quan và môi trường Hà Nội Chương 2: Bức tranh toàn cảnh của thời Hùng Vương và An Dương Vương Chương 3: Làng xưa, kinh đô cũ và chứng tích hiện vật một thời Chương 4: Trống Đông Sơn - Báu vật trong lòng đất Hà Nội Chương 5: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời đại Hùng Vương - An Dương Vương Chương 6: Đời sống tinh thần của người Hà Nội thời đại Hùng Vương - An Dương Vương Chương 7: Hà Nội có một nền văn hóa trống đồng trong dặm dài lịch sử Trong mỗi chương, tác giả đã nêu rõ những vấn đề cần đi sâu, cần lý giải trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thời Hùng Vương - An Dương Vương. Khi đề tài hoàn thành, sách được xuất bản sẽ là một ấn phẩm có giá trị khoa học, góp phần vào Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" là một trong những hoạt động đầy ý nghĩa trong Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cũng xin góp ý một số ý với bản đề cương này. Tác giả là nhà khảo cổ học có nhiều công trình nghiên cứu và lại viết về thời kỳ mà tác giả là chuyên gia nên có nhiều điểm mạnh mà người khác không có, nhưng chính vì điểm mạnh này mà tác giả lại quá tỉ mỉ trong việc khảo tả các di vật tiêu biểu thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương (đặc biệt là trống đồng) thì có thể đây chính là điểm yếu do quá chuyên sâu như những công trình chuyên khảo sẽ không phù hợp hoặc quá thiếu sự hấp dẫn đối với những bạn đọc không phải là những người am hiểu vấn đề này. Trong chương 5, khi viết về đời sống vật chất thời Hùng Vương khi thì thuật ngữ "kinh tế", khi thì dùng thuật ngữ "nghề", ví dụ: kinh tế nông nghiệp, luyện kim, nghề săn bắn - chăn nuôi, nghề đánh cá... Theo tôi có thể dùng cùng một thuật ngữ, hoặc mục nghề săn bắn - chăn nuôi là một mục trong khi nghề đánh cá cũng là một mục, nên chăng: săn bắn và đánh cá là một mục về bản chất nó là săn bắt. Trong chương cuối của cuốn sách, tôi thấy vấn đề thành Cổ Loa, nghề luyện kim ở kinh đô Cổ Loa trong đó cũng trình bày có lẽ còn mờ nhạt so với những phần khác. Trong những năm gần đây (2008, 2009) với việc khai quật sau đền Thượng, cắt đoạn thành Trung, thám sát lại khu vực Mả Tre, chúng ta đã phát hiện nhiều vấn đề mới về một trung tâm luyện kim đồng, bằng chứng là hàng trăm khuôn đúc mũi tên đồng, dấu tích của các lò đúc đồng được phát hiện. Với hàng trăm lưỡi cày đồng đã được phát hiện trước đây có thể khẳng định: Cổ Loa là một trung tâm luyện kim đồng, trung tâm nông nghiệp của người Việt cổ thời Hùng Vương và nó chính là nguyên nhân quan trọng để Cổ Loa trở thành kinh đô Âu Lạc thời An Dương Vương. Những kết quả nghiên cứu về cấu trúc thành Cổ Loa trong nhiều thập kỷ qua và nhất là kết quả khai quật năm 2008 của Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cùng các nhà khoa học Hoa Kỳ đã thêm những chứng cứ khoa học về một tòa thành cổ có những niên đại trên 2000 năm là một kỳ tích về quân thành của người Việt cổ thời Âu Lạc - thời An Dương Vương với những huyền thoại, huyền tích bi tráng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo tôi, việc nghiên cứu để xuất bản cuốn "Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương" trước thềm Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội là một việc làm có ý nghĩa. Tôi đề nghị tác giả xem xét, chỉnh sửa hoàn thiện đề cương và bản thảo; tôi cũng đề nghị Hội đồng nghiệm thu xem xét và thông qua đề cương chi tiết này sau khi được tác giả chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh.
TS. Nguyễn Việt viết ngày 24/08/2011
1- Tác giả chủ biên là người đã có thâm niên nghiên cứu khảo cổ học về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. Anh đã có điều kiện khai quật và tiếp xúc với tư liệu thời kỳ này trong phạm vi cả nước. Riêng với khu vực Hà Nội, tác giả chủ biên chẳng những đã trực tiếp khai quật nghiên cứu mà còn từng là đồng tác giả của một cuốn sách viết về Hà Nội, thời đại đồng và sắt sớm (NXB Hà Nội, 1984) và một số sách về Trống Đồng Đông Sơn và Văn hóa Đông Sơn. 2- Thời Hùng Vương - An Dương Vương được coi như một giai đoạn lịch sử bản lề của dân tộc, cũng như của Hà Nội. Về mặt khoa học đáng được tập trung làm rõ. Nhận thức về Thời đại Hùng Vương và An Dương Vương hiện đã có những bước tiến đáng kể so với 20 năm trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, ví dụ vấn đề giới hạn thời gian và không gian. Trong đề cương chưa nêu rõ được vấn đề này. Theo tôi biết, chủ biên đã có bài viết chủ trương thời đại Hùng Vương bắt đầu với việc sử dụng hợp kim chì thiếc đồng, tức trùng với niên đại Văn hóa Đông Sơn (khoảng TK 7-8 tr.Cn). Như vậy liệu chăng chỉ các di tích và hiện tượng Đông Sơn được đề cập trong sách. 3- Đề cương chung mang tính biên niên sử với những nội dung kinh điển: (Cảnh quan môi trường, Bối cảnh lịch sử rộng hơn, Đời sống văn hóa vật chất, tinh thần…), nhưng chưa rõ nhóm biên soạn sẽ làm một công trình tư liệu, tức kiểm kê, hệ thống di tích, di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương, hay là một cuốn sử biên niên về thời kỳ này. Trong phần xây dựng, chủ biên gợi ý sẽ tiến hành khảo sát và kiểm kê, hệ thống lại di tích, di vật Hà Nội (trong khuôn khổ địa lý hành chính mới. Theo tôi việc này rất cần thiết cho Hà Nội). Tuy nhiên trong phần giới thiệu đề cương chi tiết, chủ biên lại không thể hiện rõ nội dung này. 4- Nhìn vào “Đề cương chi tiết” mang tính sử biên niên ta thấy có sự thấy mất cân đối do tải trọng nghiêng nhiều quá mức về vấn đề trống đồng (hai chương, chiếm 45% nội dung đề cương). Tác giả nên xem xét nhập chương 7 và chương 4 vào làm một và làm sao tập trung tạo sự gắn kết với nội dung toàn cuốn sách. 5- Chương 3: Làng xưa, Kinh đô cũ và chứng tích hiện vật một thời Chương 5: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời đại Hùng Vương-An Dương vương và Chương 6 : Cuộc sống tinh thần của người Hà nội thời đại Hùng vương - An Dương Vương có thể coi là những chương chứa nội dung chính của cuốn sách, trong Đề cương Chi tiết lại hơi sơ sài, khiến người nhận xét không nắm được nội dung những phần đó cụ thể ra sao, ngoài những nét chung : Kinh tế nông nghiệp, Luyện kim, Săn bắn-chăn nuôi, đánh cá…. hoặc Tổ chức xã hội, Phân hóa xã hội… Xin tác giả nêu chi tiết hơn nội dung các chương mục đó. 6- Chương kết luận: Có một thời đại Hùng Vương - An Dương vương và một nền văn hóa trống đồng ở Hà Nội xưa. Tác giả chỉ nói về trống đồng, khiến người đọc cảm giác đây là sách nói về trống đồng Hà Nội nhiều hơn là biên niên sử Hà Nội thời Hùng vương - An Dương vương. 7- Tóm lại, tôi ủng hộ nội dung đề tài, tin tưởng ở năng lực và kinh nghiệm cũng như kiến thức, tư liệu của các tác giả. Tuy nhiên xin các tác giả làm rõ mục tiêu đề tài là công trình thống kê khảo tả tư liệu có liên quan đến thời Hùng Vương - An dương vương hay là công trình sử Biên niên về thời kỳ lịch sử này, hoặc cả hai. Và dù thế nào cũng nên làm rõ hai vấn đề : 1-Không gian, thời gian và 2- Nội chung chi tiết có thể thấy được của đề cương các chương mục, để Hà Nội 1000 năm có thêm một công trình sách nữa về mảng đề tài còn rất mỏng này.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng viết ngày 24/08/2011
1. Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương là một đề tài mang tính cơ bản, rất cần thiết trong hệ thống công trình giới thiệu về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến cho đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế. Qua Hà Nội mà đề tài giới thiệu về thời đại khá đặc biệt của lịch sử dân tộc, thời Hùng Vương – An Dương Vương, qua thời Hùng Vương – An Dương Vương mà trình bày về Hà Nội Cổ. Đây là đề tài như chính Bản thuyết minh đã nêu rõ. Bằng cứ liệu khoa học, đề tài thêm một lần khẳng định về sự hiện diện của thời đại Hùng Vương – An Dương Vương xưa, thời đại không chỉ tồn tại trong truyền thuyết và thư tịch cổ mà còn hiện hữu ở những di vật khảo cổ đã khai quật được. Điều này rất có ý nghĩa, không chỉ về học thuật mà còn những lĩnh vực khác. Đề tài càng tỏ rõ chính xác đáng ghi nhận về thời Hùng Vương – An Dương Vương, nhất là của giới khảo cổ, viện Khảo cổ học và giới sử học đã có sự phát triển vượt bậc so với trước đây. Hơn 500 đầu mục trong Danh mục tài liệu tham khảo đã nói lên điều đó. Hà Nội trong thời Hùng Vương – An Dương Vương cách ngày nay vài thiên niên kỷ. Tuy giới nghiên cứu (nhất là chuyên ngành) đã có rất nhiều cố gắng trong nghiên cứu và giúp người đọc nhận biết /hiểu về thời đại này, song quả thật còn chưa được như mong muốn. Tư liệu hiếm và tản mạn, nội dung khó và mang tính đặc thù lại còn những tồn nghi, tính phổ thông, phổ quát hạn chế...là những khó khăn trong việc phổ biến tri thức về thời này. Điều đó càng đòi hỏi càn có nhiều hơn công trình giới thiệu (và kèm theo đó là hình thức) nội dung trên công chúng rộng rãi. 2. Với mục tiêu trình bày tổng quan về tổng quan vền Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương, sách sắp xếp đề mục như vậy là hợp lý. Biểu đạt được tính toàn diện về mọi lĩnh vực, mọi mặt trong thực trạng và đời sống xã hội của Hà Nội xưa. 3. Đây hẳn sẽ là công trình chất lượng bởi sự công phu, nghiêm túc trong chuẩn bị, thể hiện ở Danh mục tài liệu tham khảo, ở đề cương, sơ lược bởi sự xác đáng của tập thể tác giả, từ chủ biên đến các cộng sự, những người ở cương vị đầu ngành hoặc chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu. 4. Trong khi “thi công” đề tài, nên lưu tâm xử lý những khía cạnh có khả năng trùng lặp với đề tài Hà Nội thời tiền Thăng Long do Nguyễn Việt chủ biên đồng thời (có cách) gián tiếp trao đổi với Thiền sư Lê Mậu Thát... Cũng cần lưu tâm về tiến độ, bởi thời gian hoàn thành công trình rất ngắn. Tôi nhất trí đề nghị Ban Dự án và nhà xuất bản Hà Nội ủng hộ và tạo điều kiện triển khai nghiên cứu đề tài trên.
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá