|
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết ngày 01/09/2011
Thăng Long - Hà Nội là Kinh đô, Thủ đô của nước Việt Nam trong 1000 năm qua, vì vậy, sách viết về vùng đất này rất nhiều, không thể kể xiết. Gần đây, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam, xuất bản công trình Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long (5-2007), trọn bộ gồm 4 tập, tổng cộng lên đến hơn 10.000 trang, khổ 20,5 x 31,5cm. Mặc dù, Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long có một dung lượng đồ sộ như vậy, nhưng trong đó, chưa có một công trình chuyên khảo nào về thành quách, thành lũy và những kiến trúc tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Do vậy, tôi cho rằng Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức và tập hợp các nhà khoa học để biên soạn bộ sách Thành Thăng Long - Hà Nội trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này là một việc làm rất cần thiết.
Sách Thành Thăng Long - Hà Nội là một tập chuyên khảo gồm 9 chương, 335 trang khổ A4. Nhìn chung, đây là một công trình sử học được nhóm tác giả, do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (chủ biên), biên soạn khá công phu, khoa học và có một số đóng góp mới về tư liệu, cũng như về nhận định, đánh giá.
Với tư cách là một thành viên phản biện trong Hội đồng nghiệm thu, tôi xin nhận xét từng chương cụ thể của sách, như sau:
Chương I: Những tòa thành trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội, thời Tiền Thăng Long, 37 trang (từ trang 12 đến trang 49)
Trong chương này, tác giả cho chúng ta một cái nhìn khái quát về các tòa thành có trước năm 1010, từ tòa thành đầu tiên do Lý Nam Đế dựng lên tại cửa sông Tô Lịch vào năm 545, cho đến tòa thành Đại La do Cao Biền đắp năm 866. Chương này, được tác giả viết khá công phu, tư liệu được dẫn từ nhiều nguồn trong sách cổ của Trung Hoa và Việt Nam, nên đảm bảo được độ tin cậy. Tôi đánh giá cao những trang mà tác giả giải thích một số khái niệm, thuật ngữ liên quan tới thành quách và binh khí cổ của phương Đông như: “Nữ tường”, “Môn lâu”, “Mã diện”, “Ủng môn”, “Đạp đạo”, “Tử thành”, “Đại tiễn”, v.v… Thí dụ: Khái niệm “Ủng môn”, được tác giả phân tích và lý giải như sau: “Ngoài hệ thống địch lâu và môn lâu, trong thành còn xây dựng 6 “Ủng môn”. Trước đây, xung quanh khái niệm “Ủng môn”, các học giả Việt Nam có nhiều cách giải thích khác nhau. Trong các bản dịch Việt sử lược của Trần Quốc Vượng (1960) và Đại Việt sử lược của Nguyễn Gia Tường (1972), “Ủng môn” được dịch là “Cửa tò vò”. Dịch giả Nguyễn Gia Tường còn chú thích thêm: “Ủng” (có sách phiên là Úng) là cái Vò, còn gọi là cái Ui, làm bằng đất nung dùng để đựng nước, rượu… “Môn” là cửa. Dùng những cái vò sắp chồng lên ở hai bên, giữa chừa khoảng trống làm cửa ra vào gọi là “Ủng môn””. Cũng có ý kiến cho rằng “Ủng môn” là một dạng “Cửa ống”, “Cửa hình ống”. Các học giả Nguyễn Vinh Phúc và Đỗ Văn Ninh trong một số bài viết cho rằng “Ủng môn” là một loại cửa có đắp ủng thành - thành bao bên ngoài của thành lớn.
Vậy ý kiến nào là đúng? Chúng tôi tìm thấy một đoạn ghi chép trong quyển 252 của sách Tư trị thông giám giải thích rõ: “Bên ngoài cổng thành (thành môn) dựng thêm một lớp tường - rào che cho cổng thành gọi là “Ủng môn”. Kiến trúc “Ủng môn” có thể thấy rất rõ, trong bản vẽ Thành chế của sách Võ Kinh tổng yếu (có minh họa ở Hình 3). Đó là một lớp tường thành đắp bên ngoài cổng thành chính, có trổ 1 hoặc 2 lối ra, vào. Các lối ra vào này thường được bố trí mở ra phía sau lớp tường rào phụ đắp bên ngoài tường chính - thường được gọi là “Dương mã thành””.
Đoạn văn giải thích khái niệm “Ủng môn” của tác giả vừa dẫn trên đây là thỏa đáng, khiến người đọc dễ chấp nhận. Sử cũ của ta và của Trung Quốc khi chép về những tòa thành do Đô hộ Sái Tập, hay Cao Biền đắp trên đất Thăng Long - Hà Nội, chẳng hạn, đều có nói tới việc xây dựng “Ủng môn”. Do đó, việc giải thích “Ủng môn” là loại cửa như thế nào, có tác dụng gì là điều cần thiết đối với nhu cầu hiểu biết của người đọc ngày nay.
Nhìn chung, chương I: Những tòa thành trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội thời Tiền Thăng Long được viết công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, đáng tiếc ở chương I này có một sai xót trong việc trình bày, khảo tả về thứ tự các tòa thành thời Tiền Thăng Long.
Trong phần tiểu mục I: Hệ thống thành trì trước 1010, tác giả đã trình bày theo thứ tự sau:
1. Thành Đại La thời Cao Biền (đắp năm 866)
2. Thành Đại La của Trương Chu (đắp năm 806)
3. Thành Đại La của Trương Bá Nghi (đắp năm 767)
Mặc dù, ở trang 16, tác giả có viết: “Trong cuốn sách này, chúng tôi không có ý định liệt kê lại những thành lũy đó, theo thứ tự thời gian, mà sẽ tập trung khảo cứu một số tòa thành có hệ thống đầy đủ và đáng tin cậy, lấy đó làm mốc để xác định diện mạo cũng như vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời Tùy – Đường”, thì tôi vẫn thấy cách trình bày như trên là lộn xộn, không đúng với phép chép sử!
Tôi thiết nghĩ, tác giả nên trình bày theo đúng thứ tự thời gian, mà các tòa thành đó từng xuất hiện:
1. Thành Đại La do Trương Bá Nghi (đắp năm 767)
2. Thành Đại La do Trương Chu (đắp năm 806)
3. Thành Đại La do Cao Biền (đắp năm 866)
Và, trình bày theo thứ tự thời gian như vậy, tôi cho rằng, vừa đảm bảo phương pháp chép sử của một công trình sử học, vừa vẫn có thể “xác định diện mạo cũng như vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời Tùy, Đường”, như mong muốn của tác giả! Nếu giữ cách trình bày của tác giả, người đọc bình thường lại tưởng rằng: Thành Đại La của Cao Biền được đắp trước thành Đại La của Trương Bá Nghi!
Ngoài ra ở tiểu mục II: Vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường cũng cần có những chỉnh lý, thay đổi tương tự như tiểu mục I nói trên. Trong mục này, tác giả trình bày theo thứ tự:
I.2.1. Chỉ dẫn địa lý về La Thành thời Cao Biền (năm 866)
I.2.2. Chỉ dẫn địa lý về La Thành thời Trương Chu (năm 808)
I.2.3. Chỉ dẫn địa lý về La Thành thời Lý Nguyên Hỷ (năm 824)
Tôi đề nghị đưa: Mục về thời Trương Chu (808) lên đầu, sau đó đến Lý Nguyên Hỷ (824) và cuối cùng là Cao Biền (866) cho đúng với thực tế lịch sử.
Chương II: Từ Hoa Lư đến Thăng Long. Công cuộc dời đô và định đô của Lý Thái Tổ, 17 trang (từ trang 50 đến trang 66).
Trong tập sách Thành Thăng Long - Hà Nội, chương 2 này, đóng vai trò như một chương kết nối giữa Kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê với Kinh đô Thăng Long thời Lý. Chương này, các tác giả sách Thành Thăng Long - Hà Nội, muốn chứng minh rằng: Vào đầu thế kỷ XI, khi tình hình đất nước đặt ra những yêu cầu khách quan mới về phát triển quốc gia phong kiến tập quyền, Nhà nước quân chủ Việt Nam không thể đóng đô mãi ở vùng núi non hiểm trở như vùng Hoa Lư (Ninh Bình) được nữa. Kinh đô mới phải là nơi có những điều kiện địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hóa… khả dĩ đáp ứng yêu cầu phát triển của một quốc gia độc lập, cường thịnh.
Vì mục đích nhằm chứng minh việc dời đô và định đô ở Thăng Long của Lý Thái Tổ là một tất yếu của lịch sử, cho nên tác giả chỉ triển khai trong khoảng 16 – 17 trang là vừa phải. Tôi cho rằng, nếu chương này viết dài hơn thế thì sẽ thừa, vì trước đây đã có nhiều tác giả lý giải rất kỹ những vấn đề ấy rồi.
Ở chương này, nhân tác giả gọi tên các vị vua thời Đinh, Tiền Lê và Lý, tôi xin góp ý đối với tất cả các chương khác của tập sách này. Các tác giả thường viết: vua Đinh Bộ Lĩnh, vua Lê Hoàn, hoặc vua Lý Công Uẩn viết “Chiếu dời đô”… Tôi cho rằng đây là một lỗi không đáng có trong phép chép sử: Chúng ta ngày nay thường gọi các vị vua Việt Nam trong lịch sử bằng “miếu hiệu”, hoặc “niên hiệu”, như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức…, chứ không nên gọi tên “nhũ danh” (tức tên do cha mẹ đặt cho khi mới sinh ra), của họ. Ngay đối với các sự kiện, các nhân vật thời hiện đại, chúng ta cũng vẫn theo nguyên tắc ấy, thí dụ: Không ai viết: “Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Nguyễn Ái Quốc (hoặc Nguyễn Sinh Cung) đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình”, mà phải thay là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy, nếu gọi Chủ tịch Nguyễn Ái Quốc là sai, thì gọi: Vua Lý Công Uẩn cũng không đúng! Cũng vậy, không thể nói vua Nguyễn Ánh sáng lập nên vương triều Nguyễn (1802-1945), mà phải viết là vua Gia Long! Vấn đề ở đây là việc “chính danh” trong phép chép sử và thống nhất cách gọi trong một bộ sách khoa học, do các nhà sử học chuyên nghiệp biên soạn!
Trong chương này, ở trang 58, có một nhận định của tác giả, như sau: “Thế kỷ XI, khi tình hình đất nước đặt ra những yêu cầu khách quan mới về phát triển quốc gia phong kiến tập quyền, thế lực địa phương chủ nghĩa đã bị đè bẹp, uy quyền của Nhà nước trung ương đã được tăng cường và ngày một gia tăng…”, tôi cho rằng đó là nhận định không thật khách quan! Trước hết ở đây cần nói là: “Vào đầu thế kỷ XI”, chứ không phải cả “Thế kỷ XI”, thứ hai cho rằng bấy giờ các “thế lực địa phương chủ nghĩa đã bị đè bẹp”, thì hết sức sai với thực tế lịch sử. Đề nghị tác giả giở lại Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó, chỉ tính từ năm 1010 đến 1028, là thời gian Lý Thái Tổ trị vì, triều đình Thăng Long đã phải đem quân đánh dẹp tới 8 cuộc nổi dậy của các thế lực địa phương trong nước, mà thực tế cũng không hoàn toàn đè bẹp được các thế lực ấy. Vì vậy nói rằng “thế lực địa phương chủ nghĩa đã bị đè bẹp” là quá thiếu chính xác!
Chương III: Kinh thành Thăng Long thời Lý (1010-1225), 32 trang (từ trang 67 đến trang 99).
Theo tôi, đây là một trong vài chương quan trọng bậc nhất của sách Thành Thăng Long – Hà Nội. Vì chúng ta đều biết từ diện mạo, hình dáng, đến quy mô kiến trúc của thành Thăng Long thời Lý, có ảnh hưởng rất lớn tới hình dáng, quy hoạch thành Thăng Long các đời sau. Cho nên, tôi thiết nghĩ những phân tích và nhận định về mô hình, quy hoạch và cấu trúc thành Thăng Long thời Lý cần phải hết sức khoa học và thận trọng. Đáng tiếc, trong chương này, tác giả đưa ra một số nhận định rất khó mà chấp nhận được.
Trang 71, mục III.2. Cấu trúc không gian và phạm vi của hệ thống thành lũy [thành Thăng Long thời Lý].
Tác giả viết: “Trong một công trình có tính chất tổng kết các kết quả nghiên cứu về thành Thăng Long, các tác giả sách Khảo cổ học Việt Nam khẳng định trên cơ sở kết quả khai quật khảo cổ học kết hợp đối chiếu với nhiều tư liệu khác, có thể khôi phục được phần nào cấu trúc của thành Thăng Long xưa là thuộc kiểu “Tam trùng thành quách”, với ba vòng thành khép kín theo thứ tự từ trong ra ngoài. Tuy nhiên, quan điểm này gần đây thường bị phê phán mạnh mẽ, bởi mô hình về ba vòng thành đồng tâm chỉ thực sự tồn tại ở Trung Quốc từ sau đời Tống… Do đó, vấn đề cấu trúc và các không gian chức năng của thành Thăng Long cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn cần được khám phá bất chấp những thành tựu khảo cổ học đáng kể đạt được trong suốt thời gian qua…”. Thực tình, khi đọc xong những nhận xét trên đây, tôi không thể hiểu nổi tại sao tác giả lại có thể viết những dòng như vậy?!
Trước hết, “cấu trúc của thành Thăng Long xưa là thuộc kiểu “Tam trùng thành quách”, với ba vòng thành khép kín” được hầu hết các tác giả của những chương: từ chương 4, 5, 6, 7, 8, 9 đến chương Kết luận, đều thừa nhận, chứ chưa thấy ai “phê phán mạnh mẽ” cả! Thí dụ, Chương IV: Thành Thăng Long thời Trần, ở các trang 111, 112, 113, tác giả đã khẳng định: “Thành Thăng Long thời Trần, thuộc kiểu “Tam trùng thành quách”, với ba vòng thành khép kín theo thứ tự từ trong ra ngoài như sau: 1. Vòng thành trong (tức Cấm thành); 2. Vòng thành giữa (tức Hoàng thành); 3. Vòng thành ngoài (tức Đại La thành). Điều này, lại được chính tác giả khẳng định ở phần Tiểu kết của chương tại trang 126, 127: “Hệ thống thành lũy kinh thành Thăng Long thời Trần được xây dựng theo lối “Tam trùng thành quách” với ba vòng thành…”.
Thứ hai, lẽ ra sau khi vết: “Quan điểm này (tức cấu trúc kiểu “Tam trùng thành quách”), gần đây thường bị phê phán mạnh mẽ”, tác giả phải chứng minh cho độc giả biết: Ai là người phê phán, phê phán như thế nào và in ở công trình khoa học nào? Để nếu có ai đó muốn kiểm tra tính xác thực của nhận định mà tác giả nêu ra, thì dễ dàng tìm thấy nguồn tài liệu. Nhưng tiếc rằng, tác giả không cho biết những ý kiến phê phán ấy!
Thứ ba, tác giả viết: “Vấn đề cấu trúc và các không gian chức năng của thành Thăng Long cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn cần được khám phá bất chấp những thành tựu khảo cổ học đáng kể đạt được trong suốt thời gian qua…”, thì thật quá chủ quan! Và, hơn nữa, tác giả tỏ ra thiếu công tâm đối với những thành tựu khảo cổ học, nhất là đợt khai quật khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu – Ba Đình – Hà Nội) vào năm 2002-2003.
Nếu tác giả chịu khó đọc kỹ tài liệu sử học, khảo cổ học khoảng vài chục năm lại đây, thì sẽ thấy: Những vấn đề từ cấu trúc, đến không gian chức năng của thành Thăng Long, đâu còn là “một bí ẩn” nữa!
Đáng buồn hơn là khi đọc xuống những dòng dưới của mục III.2. này, tôi hiểu rằng, tác giả phê phán cấu trúc “Tam trùng thành quách” của các tác giả đi trước (và kể cả các tác giả những chương sau của cuốn sách này), chỉ để “công bố” một ý kiến mới của mình về cấu trúc thành Thăng Long. Đó là “ba không gian chính” (xem trang 72):
1. Không gian Hoàng cung (Cung)
2. Không gian Nhà nước (Thành)
3. Không gian Cư dân (Kinh)
Tôi nghĩ với ba không gian (Cung – Thành – Kinh) như tác giả trình bày thì có gì khác với cấu trúc “Tam trùng thành quách” đâu nhỉ?
Ở đây, với tư cách thành viên phản biện và với một ý thức rất trân trọng những ý kiến độc lập của tác giả Chương III, tôi xin đề nghị:
1. Tác giả cần trình bày cấu trúc thành Thăng Long thuộc kiểu “tam trùng thành quách” như các tác giả khác trong sách Thăng Long Hà Nội, để bảo đảm tính nhất quán và thống nhất trong nhận định của một công trình khoa học, có độ chính xác, nghiêm túc như công trình này!
2. Nếu thấy thật cần thiết, tác giả có thể trình bày kỹ hơn luận điểm cấu trúc thành Thăng Long theo “Ba không gian: Cung – Thành – Kinh” của mình ở trong một tạp chí chuyên ngành như: Nghiên cứu Lịch sử, Khảo cổ học… chẳng hạn, để còn có “đất” dành cho các nhà nghiên cứu khác nếu muốn trao đổi lại: làm rõ đúng sai. Chứ tuyệt đối không nên “công bố” trong tập sách Thành Thăng Long – Hà Nội này!
Trong Chương III còn một số sai sót nữa, cần chỉnh sửa dưới đây:
- Trang 91, tác giả viết: “Trong sự biến dưới thời vua Lý Thần Tông, năm 1148, Dương Tự Minh và Vũ Đái đốc xuất quân sĩ kéo đến ngoài cửa Việt Thành…”. Nên sửa lại là thời vua Lý Anh Tông, vì vua Lý Thần Tông chỉ làm vua từ năm 1128 đến năm 1138. Năm 1148, là năm Đại Định thứ 9 đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).
- Trang 91, tác giả viết tiếp: “… kéo đến ngoài cửa Việt Thành để nói với nhà vua và thái hậu về tội trạng và đề nghị bắt giam Dương Anh Vũ…”. Nên sửa là Đỗ Anh Vũ.
Chương IV: Thành Thăng Long thời Trần, 28 trang (từ trang 99 đến trang 127)
Chương này được viết khá nghiêm túc, ngoài nguồn tư liệu trong chính sử, tác giả còn khai thác và sử dụng nguồn tư liệu khảo cổ học trong các đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Trong chương này cũng còn một vài sai sót, cần sửa chữa như:
- Trang 115, tác giả viết: “Hơn nữa, ngoài Thăng Long nhà Trần còn Kinh đô thứ hai là Khu cung điện Thiên Trường (Nam Định)…”. Theo tôi, viết như trên là thiếu chính xác, không đúng với sự thực lịch sử. Tôi chưa thấy tài liệu nào khẳng định Thiên Trường (Nam Định) là Kinh đô thứ hai của nhà Trần, bên cạnh Kinh đô thứ nhất là Thăng Long. Thực ra, Tức Mặc – Thiên Trường (Nam Định) chỉ được coi là một Hành cung (tức cung điện dựng để vua ở khi đi ra khỏi Kinh đô) mà thôi. Điều này chính phần Kỷ nhà Trần, trong bộ Toàn thư xác nhận rất rõ ràng và cụ thể. Toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 8 năm Tân Mão (1231), vua (Trần Thái Tông – TG) ngự đến hành cung Tức Mặc làm lễ hưởng ở Tiên miếu…” (Toàn thư, tập 2, H. 1971, tr. 11). Hoặc ở trang sau Toàn thư lại chép: “Mùa xuân, tháng giêng năm Kỷ Hợi (1239), lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai về hương Tức Mặc dựng cung điện nhà cửa…” (Toàn thư, Sđd, tr. 17). Năm 1254, Toàn thư chép: “Tháng 10, vua ngự đến hành cung phủ Thiên trường” (Toàn thư, Sđd, tr. 27).
Để chính xác hơn, chỉ có thể coi Thiên Trường giống như là Kinh đô thứ hai của nhà Trần mà thôi.
- Trang 119: Cung Quan Triều là nơi ở của vua nhà Trần, đều bị ghi sai thành cung Quang Triều, nên sửa lại là Quan Triều. Cũng trang này, tác giả viết: “Cung Thánh Từ là nơi ở của Thượng hoàng Minh Tông. Ngoài tên gọi Thánh Từ, cung còn có tên gọi khác là Bắc Cung. Trong thời gian này, Hiển hoàng Trần Liễu giữ chức tri tại cung Thánh Từ…”. Câu này có mấy điều lầm lẫn: 1. Cung Thánh Từ và cung Quan Triều được xây ngay từ đời Trần Thái Tông (1225-1258), chứ không phải dưới thời Trần Minh Tông (1314-1329). Toàn thư chép: “Tháng 3 năm Canh Dần (1230): Trong thành dựng cung điện lầu các và nhà lang vũ đông tây, bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở)”; 2. Câu “Trong thời gian này” – theo văn cảnh là chỉ thời Trần Minh Tông (1314-1329) – “… Hiển hoàng Trần Liễu giữ chức tri tại cung Thánh Từ”. Trong khi đó, Trần Liễu, thân phụ của Trần Quốc Tuấn đã chết từ năm 1251 dưới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), hưởng thọ 41 tuổi.
- Trang 125, khi nói đến các nhà Nho sống vào đời Trần, được cho phối thờ tại Văn Miếu Kinh đô Thăng Long, tôi thấy không hiểu vì sao tác giả “quên mất”: Chu Văn An được đưa vào thờ năm 1370, mà chỉ ghi tên 2 người: Trương Hán Siêu (1372) và Đỗ Tử Bình (1380). Thực tế, sau này chỉ có Chu Văn An được tòng tự ở Văn Miếu Thăng Long, còn Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình đến đời Lê sơ, thì bị đưa ra ngoài, vì cho rằng không xứng đáng được thờ tại Văn Miếu Kinh đô.
- Cũng trang 125, tác giả ghi nhầm: “Trần Ích Tắc là con thứ Trần Thánh Tông”, thực ra Ích Tắc là con thứ của Trần Thái Tông, em trai Thánh Tông.
Chương V: Thành Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh thế kỷ XV, 32 trang (từ trang 128 đến trang 160)
Chương này tác giả căn cứ vào các bộ sử biên niên của Việt Nam và Trung Quốc để phục dựng những nét chính về thành Đông Đô, Đông Quan và Đông Kinh vào cuối thế kỷ XIV và thế kỷ XV. Chương V này được viết một cách khá nghiêm túc và khoa học. Tuy vậy, Chương V cũng còn một vài thiếu sót, và nhầm lẫn dưới đây, tôi đề nghị tác giả chỉnh sửa.
- Ở hầu hết các trang của Chương V, đều để chú thích nguồn tư liệu ngay ở giữa trang viết, nên đưa xuống cuối trang cho thống nhất với cách trình bày của các chương khác.
- Trang 140, tác giả viết: “Tháng 4 năm 1428, vị lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chuyển từ điện tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh” là thiếu chính xác. Thực ra phải ghi là Tháng 4 năm Mậu Thân (1428), vì tháng 4 âm lịch, có thể là tháng 5 dương lịch của năm 1428, chứ không phải “tháng 4 năm 1428”.
- Trang 141, tác giả viết: “Thăng Long thời Lý – Trần, thời Minh thuộc được đổi gọi là Đông Quan”, là sai xót về sử bút, phải là “Thời Minh thuộc bị gọi là Đông Quan”. Kinh thành Thăng Long của quốc gia Đại Việt trong gần 4 thế kỷ độc lập, khi nhà Minh chiếm đóng nước ta, chúng láo xược đổi gọi là Đông Quan (tức cửa quan phía Đông của Trung Quốc)! Thế mà tác giả lại nói là “được đổi gọi là Đông Quan”, chẳng sai lắm sao!
- Trang 144, 145, tác giả viết: “Ngoài ra còn có một khu đàn Tiên Nông… dùng để tế lễ nông nghiệp”, nên sửa là “tế Thần Nông – chủ về việc nông nghiệp”.
- Trang 147, tác giả viết: “Tháng chạp cùng năm, phủ Phụng Thiên (gồm hai huyện Quảng Đức và Thọ Xương…” là nhầm, nên sửa là Vĩnh Xương. Đến đời Nguyễn, vua Gia Long mới đổi huyện Quảng Đức thành Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Xương thành Thọ Xương. Tên Thọ Xương đến thế kỷ XIX mới có.
- Trang 150, tác giả viết một câu cụt chưa hết ý: “Tuy nhiên, niên đại của bản đồ Hồng Đức… Như vậy, trong số các tên gọi kể trên…”. Tôi nghĩ rằng tác giả định nói “niên đại của bản đồ Hồng Đức…” rồi còn gì nữa chứ!
- Trang 153, tác giả cũng viết một câu cụt tương tự: “Thành Hà Nội thời Nguyễn thu nhỏ lại khoảng 100 ha…, phía đông khoảng đường phố Thuốc Bắc. Quy mô…”. Sau hai chữ “Quy mô”, không thấy viết gì nữa!
Chương VI: Thành Thăng Long thời Mạc, 49 trang (từ trang 160 đến trang 209)
Đọc chương này, tôi thực sự thất vọng và ngạc nhiên vì sự trùng lặp đến không thể hiểu nổi. Cả chương có 6 tiểu mục, nhưng thực tế nội dung chỉ nằm ở 3 tiểu mục:
+ Mục VI.1. Chính quyền Mạc ở Thăng Long (trang 160)
+ Mục VI.4. lại nhắc lại: Chính quyền Mạc ở Thăng Long (tr. 178)
+ Mục VI.2. Nội chiến Nam – Bắc triều và sự hình thành hệ thống thành lũy thời Mạc (trang 165)
+ Mục VI.5. lại nhắc lại: Nội chiến Nam – Bắc triều và sự hình thành hệ thống thành lũy thời Mạc (trang 188)
+ Mục VI.3. Thành Thăng Long thời Mạc (trang 174)
+ Mục VI.6. lại nhắc lại: Thành Thăng Long thời Mạc (trang 197).
Vì những lỗi sai xót như vậy, tôi đề nghị cần viết lại toàn bộ Chương VI này, và chỉ nên dồn lại thành 3 tiểu mục 1 – 2 – 3 mà thôi.
- Chương VII: Thành Thăng Long thời Lê – Trịnh – Tây Sơn, 47 trang (từ trang 210 đến trang 257)
Đây là một chương được viết nghiêm túc và khoa học. Tác giả sử dụng nguồn tư liệu khá phong phú từ những bộ sử cũ của Việt Nam đến những tác phẩm của các tác giả phương Tây có mặt ở Thăng Long trong 2 thế kỷ XVII và XVIII. Mặc dù về mặt nội dung của chương, ưu điểm là chủ yếu, song cũng không tránh khỏi một vài nhược điểm, thậm chí sai xót dưới đây:
Tôi xin chỉ ra những nhược điểm ấy để tác giả sửa chữa:
- Trang 210, tác giả viết: “… chưa kể đến những cuộc uy hiếp kinh thành của các lực lượng nông dân bạo loạn”. Nên sửa là nông dân nổi dậy, hoặc khởi nghĩa.
- Cũng trang 210, ở trên tiểu mục VI.1.1. Cuộc trung hưng của Thăng Long cuối thế kỷ XIX (1592), nên sửa là “cuối thế kỷ XVI”.
- Trang 212, tác giả viết: “Trên thực tế, đó là một bước ngoặt lịch sử… Quy hoạch diện mạo của đế đô, với phức hợp “tam trùng thành quách” đã không còn như xưa, mà mang một bộ mặt mới, cấu trúc mới”. Nhưng trong chương này, tác giả vẫn trình bày cấu trúc thành Thăng Long thời Lê – Trịnh – Tây Sơn, theo cấu trúc cũ “tam trùng thành quách”: - Thành Đại Đô (tức Đại La Thành trước đó), ở trang 221; - Hoàng thành và Cung thành ở trang 228.
Thực tế lịch sử cho thấy dưới triều Lê – Trịnh và cả triều Tây Sơn, cấu trúc thành Thăng Long không có gì đổi khác so với thời Mạc và Lê sơ trước đó, cũng vẫn là cấu trúc “Tam trùng thành quách” mà thôi. Vào thời kỳ Lê – Trịnh, chỉ có một điểm khác duy nhất, đó là bên cạnh khu Hoàng thành của nhà Vua, có thêm khu Phủ Chúa của Chúa Trịnh nằm ở phía ngoài Hoàng Thành, nhưng vẫn trong khu vực Đại La Thành. Như vậy không thể nhận định như tác giả chương này là: “Đã không còn như xưa, mà mang một bộ mặt mới, cấu trúc mới!”.
- Trang 216, tác giả viết: “Tòa Hoàng thành Thăng Long cũ, trong độ tuổi xế chiều của mình, lại đã tự phân bào, khai sinh ra một tòa thành mới trẻ trung và cường tráng: đó là quần thể Phủ Chúa Trịnh”! Tôi thiết nghĩ trong câu này, tác giả mắc phải mấy lỗi sau: 1. Về mặt sử bút thiếu độ nghiêm cẩn, viết văn vẻ một cách không cần thiết như: “độ tuổi xế chiều”, “tự phân bào”, “tòa thành mới trẻ trung và cường tráng”… tôi cho rằng nên hạn chế kiểu dùng từ bóng bấy như trên, vì nó chẳng phản ánh đúng thực tế lịch sử chút nào. Thành quách đến độ tuổi nào là trẻ trung, độ tuổi nào là xế chiều và độ tuổi nào là già nua? Thí dụ: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc hiện đang ở độ tuổi nào đây?; 2. Tác giả bị lẫn lộn giữa: Hoàng thành, trong cấu trúc “Tam trùng thành quách” là vòng thành thứ 2, so với Cấm thành, vòng thành thứ nhất (tính từ trong ra ngoài) và Đại La thành là vòng thành thứ 3, với Hoàng thành với tư cách là khu vực thành – chính trị, nơi đóng trụ sở của các cơ quan của Nhà nước quân chủ.
- Trang 217, tác giả viết: “Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long diệt Chỉnh, đến lượt Nhậm lại lộng quyền, bị tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở giết”. Thực tế, Vũ Văn Nhậm bị chính Nguyễn Huệ giết chết trong lần tiến quân ra Bắc lần thứ 2 năm 1787. Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Huệ bảo rằng: Vũ Văn Nhậm đáng giết chết thôi… Bèn hạ lệnh ra quân, ngày đêm đi gấp hơn mười ngày đã đến Thăng Long, vừa trống canh tư, Nhậm ngủ mệt không biết gì. Huệ vào trong chỗ nằm, sai võ sai là Hoàng Văn Lợi đâm chết, khiêng xác ra sau phủ đường” (Tập II, tr. 512).
- Trang 217, tác giả lại viết: “Vua Càn Long nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 30 vạn quân sang Việt Nam” nên sửa lại là 29 vạn quân.
- Trang 236, tác giả viết: “Bảng nhãn Nguyễn Văn Siêu (thế kỷ XIX)…”, thực tế, Nguyễn Văn Siêu (1796-1869) chỉ đỗ “Phó bảng khoa Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838)” (Các nhà khoa bảng Việt Nam, tr. 788).
- Trang 237, tác giả viết: “Đàn Nam Giao Thăng Long có từ thời Lê sơ”. Thực ra, đàn Nam Giao, hay đàn Viên Khâu (Đàn hình tròn để tế Trời), có từ đời Lý. Toàn thư chép: “Tháng 9 năm Giáp Tuất (1154), vua [Lý Anh Tông] ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu” (Toàn thư, tập I, tr. 285).
- Trang 251, tác giả viết: “Hoàng Công Phụ là hoạn quan gian thần lộng quyền, thân cận và khống chế Trịnh Tráng” là nhầm. Thực ra, đó là chúa Trịnh Giang (1729-1740).
- Trang 256, tác giả sử dụng tư liệu trong “Những thư từ khuyến thiện và kỳ thú”, cụ thể là lá thư ngày 24-5-1784 của Céram, giáo sĩ Hội Truyền giáo ngoại quốc (M.E.P) gửi về Paris, tường thuật lại các vụ bạo loạn ở thành Thăng Long thời bấy giờ. Trong lá thư ngày 24-5-1784 ấy có câu: “Chính vị hoàng tử trẻ tuổi cai trị Đàng Ngoài từ một năm rưỡi nay [tác giả chú là: Chỉ Hoàng Thái tôn Duy Kỳ, tức Lê Chiêu (đánh máy nhầm là Chuẩn) Thống] đã chịu ơn đám lính tráng hung hãn đó, vì chúng đã giải thoát ông và đưa ông lên ngôi vị…”. Tác giả không chú ý về niên đại lá thư, nên cho rằng: “Vị hoàng tử trẻ tuổi” là Lê Chiêu Thống, là nhầm. Thực tế, đó là Chúa Trịnh Khải, lên ngôi năm 1782, nên lá thư mới viết: “Cai trị Đàng Ngoài từ một năm rưỡi nay”. Còn Lê Duy Kỳ, tức Chiêu Thống mãi tới tháng 7 năm Bính Ngọ (1786) mới lên ngôi, sau khi ông nội là Lê Hiển Tông (1740-1786) qua đời. Lê Chiêu Thống ở ngôi được hơn 2 năm (1787-1788) thì bị Quang Trung đánh đuổi, phải bỏ trốn, lưu vong ở Trung Quốc cho đến chết, vào năm 1793.
Chương VIII: Thành Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XIX, 34 trang (từ trang 258 đến trang 292)
Chương này được viết một cách nghiêm túc và khoa học. Tác giả đã sử dụng được một nguồn tài liệu phong phú trong chính sử của triều Nguyễn và các tác phẩm của các tác giả người Pháp, từng có mặt tại Thăng Long – Hà Nội vào thế kỷ XIX. Cũng như các chương trên, tôi thấy cần chỉ ra đây những sai sót về mặt tư liệu và nhận định để tác giả sửa chữa, chỉnh lý:
- Trang 258, tác giả viết: “Bốn dinh quân sự (trực doanh) nằm kề Huế gồm: Quảng Bắc, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam”. Tôi không rõ vì sao tác giả hiểu chữ “Trực doanh” (hay “Trực dinh”) lại là “Dinh quân sự”? Thực ra, dinh (hay doanh) chỉ là đơn vị hành chính được kế thừa từ thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tương đương như đơn vị hành chính trấn ở Đàng Ngoài, chứ không phải là “dinh quân sự” như tác giả hiểu. Còn chữ “Trực doanh”, là để nói các doanh nằm kề sát với Kinh đô Phú Xuân, chứ không có ý gì về quân sự. Thêm nữa, cần sửa dinh Quảng Bắc, thành Quảng Đức (không có dinh nào mang tên Quảng Bắc dưới thời Gia Long cả!).
- Trang 259, tác giả viết: “Giúp việc cho Tổng trấn (Bắc Thành) là ba tào: Hộ - Binh – Hình…” là sai. Thực ra 4 tào: Hộ - Binh – Hình và Công. Vua Gia Long không đặt 2 tào: Lại và Lễ, vì muốn giữ lại quyền bổ nhiệm, cất nhắc, thuyên chuyển quan lại tại Bắc Thành (Bộ Lại) và công việc ngoại giao, tuyển chọn nhân tài (bộ Lễ) ở Bắc Thành, thuộc về triều đình Phú Xuân (Huế) (Xem thêm Nguyễn Minh Tường: Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh. Nxb KHXH, H. 1996, tr. 31, 32).
- Trang 266, tác giả viết: Ngoài thành đặt nhà trạm (đời Lê gọi là Đình Quảng Văn – nơi yết bảng tên người đỗ Tiến sĩ)…” là nhầm. Thực ra, Toàn thư cho biết: “Tháng 10 năm Hồng Đức thứ 22 (1491) vua (Lê Thánh Tông) sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong, ban tên là Quảng Văn đình” (Toàn thư, tập II, tr. 510). Đến thời Gia Long, đình đổi tên là đình Quảng Minh, Còn dưới thời Lê, có 2 nơi thường được chọn để treo bảng những vị đỗ Tiến sĩ là trước cửa Văn Miếu Thăng Long và cửa Đông của Kinh thành.
Chương kết: Thành Thăng Long - Hà Nội cho ngày qua, cho ngày nay, cho muôn đời sau
Về chương này, tôi xin góp ngay ở cái tiêu đề của chương: Thành Thăng Long – Hà Nội cho ngày qua, cho ngày nay, cho muôn đời sau, có vẻ là một “câu kết của một bài hát” nào đó, chứ không phải tên gọi Chương kết luận của một công trình khoa học, rất cần sự nghiêm cẩn. Tôi mỗi khi cầm bút chép sử thường nhớ đến lời dặn dò của sử thần Phạm Công Trứ thời Lê – Trịnh trong bài Biểu dâng sách “Đại Việt sử ký tục biên”: “… Ngòi bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ như mặt trời mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt…”. Vì vậy, tiêu đề của chương kết này, nên chăng là: Thành Thăng Long – Hà Nội, quá khứ - hiện tại và tương lai?
- Trang 295, câu tác giả trích trong bài Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ: “Ở giữa khu vực trời đất… tiện nghi núi sông, sau trước”, nên sửa lại là “tiện hình thế nhìn sông, tựa núi”, cho chính xác hơn. Vả lại, cũng câu trích dẫn này, ở trang 310, tác giả cũng ghi: “Tiện hình thế nhìn sông, tựa núi”.
- Trang 299, tác giả viết: “Không phải ngẫu nhiên, mà khi Nguyễn Ánh lên ngôi, dù đã xác định Kinh đô Phú Xuân, vẫn gửi gắm kỳ vọng vào tiềm lực vùng Nam Bộ và châu thổ Bắc Bộ, khi lấy niên hiệu Gia (Gia Định) Long (Thăng Long)”. Theo tôi, toàn bộ câu nhận định này nên bỏ, vì không đúng với thực tế lịch sử. Năm 1802, khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long (嘉隆), thì bấy giờ vẫn còn tên gọi Thăng Long 昇龍 (Rồng bay lên), mà chữ Long (隆) trong Gia Long lại có nghĩa là “Thịnh vượng”. Đến tháng 8 năm Gia Long thứ 4 (1805) lấy cớ chữ Long (龍- Rồng) là tượng trưng cho vua, chỉ có thể dùng cho kinh sư mà thôi, vua Gia Long đổi chữ Long 龍 (trong tên Thăng Long) là Rồng, thành chữ Long (隆) là Thịnh vượng. Như vậy, từ năm 1802, chữ Long (trong niên hiệu Gia Long), không phải để nói về thành Thăng Long như tác giả nhận định! Thực ra, cái sai này cũng xẩy ra ở nhiều tác giả khi luận bàn về niên hiệu Gia Long, và thường suy luận như tác giả Chương kết. Điều nhầm lẫn ấy, tôi cho rằng không nên có trong tập sách Thành Thăng Long – Hà Nội này!
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại tất cả những sai sót, hoặc nhầm lẫn mà tôi chỉ ra trên đây, chỉ với một mục đích duy nhất: để công trình sử học Thành Thăng Long – Hà Nội khi ra mắt độc giả trở thành một tác phẩm bảo đảm được tính nghiêm túc và khoa học.
Sách Thành Thăng Long – Hà Nội, mặc dù còn một số khiếm khuyết, thậm chí sai sót như vừa kể trên đây, nhưng tôi vẫn đánh giá cao công sức của nhóm tác giả do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế chủ biên. Công trình khoa học này sau khi sửa chữa và gia công thêm (nhất là Chương VI viết về Thành Thăng Long nhà Mạc), vẫn có thể xuất bản để phục vụ bạn đọc gần xa.
Với tất cả ưu và nhược điểm nói trên của tập sách, tôi đánh giá công trình Thành Thăng Long - Hà Nội đạt loại “KHÁ” về mặt chất lượng khoa học./.
|
|
PGS.TS. Sử học Tạ Ngọc Liễn viết ngày 01/09/2011
Công trình dày 335 trang đánh máy vi tính khổ A4, gồm 8 chương, với nội dung nghiên cứu về thành Thăng Long - Hà Nội từ thời Tiền Thăng Long (trước 1010), đến khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra định đô ở thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, rồi Thăng Long qua các thời kỳ nhà Lý (1010-1225), nhà Trần (1226-1400), Nhà Hồ, thời thuộc Minh và thời Lê sơ (1400-1526) dưới các tên gọi Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Thăng Long thời nhà Mạc (1527-1592), thời Lê - Trịnh - Tây Sơn (1592-1789), Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn (1802-1883). Cuối cùng là Chương kết và Tài liệu tham khảo.
Về kết cấu tập sách như vậy, theo tôi nghĩ là hợp lý.
Chúng ta đều biết trong khoảng 50 năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học… từng viết, từng bàn về các vấn đề như vị trí, diện mạo, quy mô, kiến trúc… của Thăng Long - Hà Nội xưa. Nhưng tất cả mới chỉ là các bài báo, bài luận văn, trong đó ý kiến khác nhau khá nhiều xung quanh những vấn đề vừa nêu thí dụ ở trên.
Vì vậy, sau khi đọc xong bản thảo Thành Thăng Long - Hà Nội của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế chủ biên, tôi thấy đây là công trình chuyên khảo trọn vẹn đầu tiên về lịch sử Thành Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, biến Hà Nội thành thuộc địa của Pháp.
Công trình này rõ ràng là một đóng góp đáng kể đối với lịch sử nghiên cứu Thành Thăng Long - Hà Nội. Nó như cái mốc đánh dấu một kết quả mới mang tính tổng kết hàng nửa thế kỷ nghiên cứu về Thành Thăng Long - Hà Nội.
Về nội dung khoa học của công trình Thành Thăng Long - Hà Nội nhìn chung có chất lượng khá tốt. Các nguồn tài liệu thư tịch (Việt Nam, Trung Quốc) phong phú, được khai thác kỹ. Tác giả công trình cũng đã tận dụng đến tối đa kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát hiện trong mấy năm gần đây.
Về “sử bút” khúc triết, dễ đọc. Phần Tài liệu tham khảo được biên soạn công phu.
Dưới đây là ý kiến tôi muốn góp ý với tác giả Thành Thăng Long - Hà Nội.
Ý kiến của tôi chủ yếu nói về Chương 1: Những tòa thành trên vùng đất Thăng Long – Hà Nội thời Tiền Thăng Long.
1. Nên có giải thích (hoặc định nghĩa) “La thành” là gì?
- Ở đoạn đầu Chương 1 (trang 12), tác giả viết: “… Chúng ta khẳng định Cấm thành - Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần đã được xây dựng trên vị trí thành Đại La thời An Nam Đô hộ Cao Biền”.
- Ở mục I.1. Hệ thống thành trì trước 1010, có tiểu mục “Thành Đại La thời Cao Biền”. Ở đây, tác giả dẫn Đại Việt sử lược ghi: “Biền sửa sang, xây dựng La thành…” (chữ Hán: “Biền tu trúc La thành…”).
Ở đoạn dưới, tác giả viết: “… Chúng ta có thể thấy Cao Biền đã cho đắp thành Đại La tương đối kiên cố…” (trang 17).
Tại sao khi gọi “la thành”, khi lại gọi là “thành Đại La”?
Riêng nghĩa “La thành”, trong từ điển Từ Hải chú rõ: “Vị thành ngoại chi đại thành dã. Đương thời, Cao Biền súy Tây Xuyên, tại Thành Đô thái thành chi ngoại, triển trúc la thành”.
Nghĩa là: “La thành là để gọi thành ngoài của thành lớn. Thời nhà Đường, khi Cao Biền làm nguyên súy ở Tây Xuyên (tây bộ tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) tại bên ngoài của thành lớn Thành Đô, triển khai đắp la thành”.
Như vậy, la thành mà Cao Biền đắp ở Tây Xuyên là vòng thành ngoài của thành Thành Đô. Việc Cao Biền xin xây La thành ở ngoài Thành Đô là có lý do sau 2 lần Thành Đô bị quân Nam Chiếu tấn công. La thành rõ ràng là thành ngoài để bảo vệ thành trong, với chức năng phòng thủ quân sự.
Trở lại “La thành” ở nước ta dưới thời Tùy – Đường. Phải chăng “la thành” cũng chính là vòng thành ngoài của thành Tống Bình, của “An Nam phủ thành”, “An Nam thành”, “Giao Chỉ thành”… và sau đó, khoảng năm 866 (?) Cao Biên đã đắp, củng cố thêm “La thành”, như Đại Việt sử lược, viết: “Biền tu trúc La thành”, là để bảo vệ thành trong khi bị tấn công.
(Ở đây có chữ “trúc”, được tác giả Thành Thăng Long – Hà Nội dịch là “xây dựng”: Biền sửa sang, xây dựng La thành…” và “lại xây đê” (“hựu trúc đê tử”).
Trong Hán – Việt tự điển, cụ Đào Duy Anh giải thích “trúc” là xây đắp, làm việc thợ đất, hoặc thợ gỗ - nhà ở” và từ ghép “trúc thành” được thích nghĩa là “đắp thành”. Mà “đắp” là từ dùng để chỉ đắp đất. “Đắp thành” tức là đắp thành đất.
Ở trang 30, tác giả công trình dẫn Sử liệu 5-B, nói về việc nhà Đường bắt dân An Nam lao động, xây La thành: “Mỗi nhất công, nhật trúc thổ nhị xích, kế công ước tứ thập thất nhân…”, nghĩa là: “Mỗi một công, ngày đắp đất 2 thước, tính công ước khoảng 47 người…”.
Qua đây chúng ta hiểu “La thành” được đắp từ Trương Bá Nghi, Trương Chu…, đến Cao Biền, chỉ là vòng thành ngoài bằng đất bao quanh thành Tống Bình, “An Nam phủ thành”, “An Nam thành”…
Trong sách Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung viết: “Nội thành Thăng Long chính là nơi đặt Phượng thành thời xưa. Thành Đại La là lũy cổ bên ngoài thành ấy”.
Trong câu: “… hựu Đại La thành, chí vân, tại phủ thành ngoại…”, nghĩa là: “… lại có La thành lớn, ghi rằng (La thành lớn) ở ngoài phủ thành…” chép trong Quế Hải ngu hành chí của Phạm Thành Đại, được tác giả Độc sử phương dư kỷ yếu đời Minh dẫn lại, càng khẳng định “La thành” (có quy mô lớn” nằm ở ngoài phủ thành.
Chữ Đại La thành, vốn chỉ có nghĩa là thành ngoài lớn của một thành, nhưng sau được quen dùng để gọi tên thành (trong “La thành”) là thành Đại La, hoặc gọi tắt là La thành.
Trong Bắc thành địa dư chí lục, tác giả Lê Chất (Tổng trấn Bắc Thành đời Gia Long) khi viết về Thành Thăng Long nhận xét rất đúng: “Thành Đại La là tên gọi chung” (nghĩa là rất khó xác định vị trí cụ thể của nó).
2. Theo tôi nghĩ, không nên quá nhấn mạnh vai trò của Cao Biền đối với thành Đại La (gọi theo thói quen).
Ở tiểu mục Thành Đại La thời Cao Biền, tác giả viết: “Tòa thành đầu tiên chúng tôi muốn phân tích là thành Đại La của Cao Biền”.
- Chúng ta đều biết, Cao Biền chỉ là người tu sửa và nâng cấp La thành cao, rộng, vững chắc hơn trước, thí dụ so với La thành ở “Phủ thành An Nam”…
- Có lẽ không nên nói “thành Đại La của Cao Biền” (trong Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ đã phản đối những ý kiến cho rằng “Đại La thành” là do Cao Biền đắp… Trên báo Thanh Niên ra ngày 27-9-2010, có bài Ai khai sinh ra thành Đại La của Hoàng Hải Vân và sau khi dẫn giải các nguồn tư liệu, tác giả đi tới kết luận “Thành Long Biên của Lý Nam Đế là tiền thân xưa nhất của thành Đại La”.
Nghĩa là vấn đề thành lũy nào có sớm nhất trên vùng đất “Tiền Thăng Long” hiện giờ cũng được dư luận xã hội quan tâm. Bởi vậy nên có nhận định tích cực hơn đối với thành lũy do Lý Bí xây đắp ở đây.
3. Theo tôi nên lược bớt những trang viết về thành, lầu ở Trung Quốc. Các ảnh chụp trong Vũ kinh tổng yếu cũng bỏ, vì nó cũng không liên quan gì tới thành trì Việt Nam, ngoại trừ La thành do Cao Biền xây ở Thành Đô.
Phần giới thiệu thành cổ Nhật Bản Kinojo cũng nên bỏ.
Những trích dẫn trong sử tịch cổ Trung Quốc ở Chương 1, chỉ cần phiên âm, dịch nghĩa, không cần in kèm chữ Hán.
- Ở trang 313 (Chương kết), tác giả viết: “Nho học: một dòng triết học – tư tưởng đặc sắc của nhân loại là Nho học ra đời ở Trung Hoa…”.
Nho học là một học thuyết chính trị, xã hội, không phải là “một dòng triết học”.
- Ở Mục lục, nên đánh số trang cho từng chương, mục, để tiện cho người đọc.
Những điều tôi nêu lên ở trên không mang tính “phản biện” mà chỉ gợi ý để tác giả tham khảo trong khi hoàn thiện bản thảo cho xuất bản.
|