|
TS Chu Tiến Quang viết ngày 25/08/2011
1. Nhận xét về vai trò, vị trí của cuốn sách
Bản thảo cuốn sách là kết quả nghiên cứu khoa học của một đề tài cấp Nhà nước mã số KX09.06 trong chương trình “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” do tập thể tác giả gồm 31 Nhà khoa học đầu đàn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội cùng tham gia nghiên cứu, Chủ nhiệm là GS.TS. Nguyễn Trí Dĩnh. Vì vậy có thể đánh giá đây là công trình khoa học lớn đã thu hút sự tham gia của nhiều Nhà khoa học tên tuổi ở Việt Nam, xứng đáng là sản phẩm trí tuệ chào mừng 1000 năm Thăng Long.
Đánh giá tổng quát về vị trí, vai trò cuốn sách là: Sách có nội dung rất bổ ích không chỉ cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn là công trình khoa học tổng kết về con đường phát triển kinh tế hàng hóa của Hà Nội trong chiều dài 1000 năm qua và gợi mở những định hướng tiếp tục phát triển kinh tế hàng hóa của Hà Nội trong thời gian tới.
2. Về kết cấu cuốn sách
Cuốn sách có dung lượng 288 trang, được kết cấu thành 7 Chương ngoài lời mở đầu và kết luận, trong đó:
- 1 Chương luận giải về lý luận kinh tế hàng hóa và kinh tế hàng hóa ở Hà Nội;
- 4 Chương về kinh tế hành hóa ở Thăng Long - Hà Nội qua 4 thời kỳ: Phong Kiến (1010-1888); Thực dân Pháp đô hộ (1888-1954); Thời kỳ xây dựng CNXH theo mô hình kế hoạch hóa tập trung (1955-1985); thời kỳ đổi mới (1986 đến nay);
- 1 Chương về tổng kết những đặc trưng và rút ra bài học kinh nghiệm và
- 1 Chương về phương hướng giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng phát triển kinh tế thị trường ở hà Nội đến năm 2020.
Kết cấu trên đây đảm bảo tính logisc chặt chẽ 3 phần: cơ sở lý luận về kinh tế hàng hóa; thực trạng kinh tế hàng hóa ở Thăng Long, Hà Nội qua các thời kỳ, bài học rút ra và kiến nghị phương hướng giải pháp phát triển kinh tế hàng hóa ở Thăng Long - Hà nội. Cụ thể nội dung từng phần sẽ nhận xét sau.
Ở đây tôi có nhận xét là với 4 chương viết về kinh tế hàng hóa ở Thăng Long - Hà Nội qua 4 thời kỳ đã chiếm một tỷ trọng lớn về nội dung của toàn bộ công trình nghiên cứu và đã phản ánh được qua trình phát triển kinh tế hàng hóa ở Thăng Long - Hà Nội trong suốt 1000 năm vừa qua. Thông tin được thu thập là rất nhiều, tính lịch sử cao và kết nối các thời kỳ khá chặt chẽ, đó là thành công lớn của công trình nghiên cứu này.
3. Nhận xét từng phần của cuốn sách
3.1. Về phần I: Kinh tế hàng hóa và phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô - một số vấn đề lý luận, thực tiễn
Phần này có 1 Chương trình bày trong hơn trang 33 về một số vấn đề cơ bản như: kinh tế hàng hóa và quá trình vận động của kinh tế hàng hóa; phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô; Kinh nghiệm phát triển kinh tế hàng hóa ở Băng Kok, Seun; Bắc Kinh và Tokyo.
a. Thành công. Đã hệ thống hóa lại những quy luật cơ bản của kinh tế hàng hóa từ kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp với sự hình thành và vận hành của các quy luật như: tích lũy tư bản, giá trị, giá trị thặng dư, cung - cầu và từng bước xã hội hóa lực lượng sản xuất, phát triển các loại thị trường tiền tệ, tài chính, lao động, BĐS, hạ tầng.. và hình thành vai trò nhà nước trong phát triển những loại thị trường này, tức là trong phát triển kinh tế hàng hóa. Ngoài ra phần này còn đề cấp tới một số mô hình kinh tế hàng hóa như: mô hình tuần tự cổ điển, mô hình rút ngắn, mô hình kế hoạch hóa tập trung …
Phân tích một số vấn đề khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô với những tác động của những nhân tố tự nhiên, địa lý và xã hội của thành thị và chính trị đã làm tăng nhanh hơn sự phát triển kinh tế hàng hóa so với những nơi khác, từ đó rút ra đặc điểm, vai trò và những nhân tố đặc thù tác động
Chương này đã khảo cứu quá trình phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô một số nước như Băng Kok, Seun; Bắc Kinh và Tokyo để minh họa quá trình này.
b. Hạn chế.
- Sự gắn kết giữa các phần của Chương chưa thật rõ ràng, cụ thể là các quy luật về phát triển kinh tế hàng hóa được thể hiện như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế đô thị nói chung và Thủ đô nói riêng, khác so với kinh tế hàng hóa ở nông thôn;
- Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô hoạt động như thế nào ở các Thủ đô đã nghiên cứu (Băng Kok, Seun; Bắc Kinh và Tokyo), đâu là nhân tố mạnh nhất, quyết định nhất tới phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô. Câu hỏi này nếu được phân tích sâu thêm thì tốt hơn và thuyết phục hơn;
- Không nên đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế hàng hóa ở Thăng Long Hà Nội ở chương này, vì đây là cơ sở lý luận, nên chuyển xuống các chương sau;
- 7 bài học rút ra từ nghiên cứu phát triển kinh tế hàng hóa ở một số Thủ đô là khá công phu, nhưng một số chưa thật sát vào tính chất phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô. Nên xem lại các bài học 2.2.1; 2.2.2; 2.2.4. và nên đúc rút các bài học theo hướng tổng kết quy luật chung và đặc thù trong phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô.
3.2. Về phầnII: Kinh tế hàng hóa Thăng long- Hà nội từ 1010 đến nay
Phần này được trình bày trong 4 Chương phản ánh 4 thời kỳ: Phong Kiến (1010 - 1888); Thực dân Pháp đô hộ (1888 - 1954); Thời kỳ xây dựng CNXH theo mô hình kế hoạch hóa tập trung (1955 - 1985); thời kỳ đổi mới (1986 đến nay).
Các tác giả đã rất công phu trong miêu tả, phân tích sự hình thành, phát triển, suy thoái và lại phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô Hà Nội trong suốt 1000 năm qua qua 4 giai đoạn.
a. Thời kỳ Phong Kiến: 1010 - 1888. (trong đó chia ra 3 giai đoạn (đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XVI; từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII và từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1888 khi Pháp xâm lược Việt Nam).
- Thành công.
Cuốn sách đã mô tả các chính sách nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp của Nhà nước PK qua các triều đại Tiền Lê, Trần, Hồ và Lê Sơ và mô tả khá chi tiết tình hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp, Thủ công nghiệp với nhiều nghề khác nhau đã hình thành và phát triển ở Thăng Long qua các Triều Đại và mô tả mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa Thăng Long với các vùng trong nước và nước ngoài. Từ mô tả tình hình, sách đã rút ra nhận xét về đặc trưng của kinh tế hàng hóa ở Thăng Long qua từng giai đoạn và trong suốt thời kỳ này. Những tư liệu trình bày là cụ thể, phong phú.
- Hạn chế:
+ Mô tả kinh tế hàng hóa còn nặng về sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chưa làm rõ về quan hệ trao đổi hàng hóa, thị trường và các hình thái tổ chức chợ thời phong kiến như thế nào?;
+ Nhận xét thứ 5 về đặc trưng “xu thế nông thôn hóa đô thị ảnh hưởng tới phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long” không thuyết phục vì bản thân Thăng Long đi lên từ vùng đất hoang sơ, hình thành làng mạc trước khi có phường, phố nên không thể nói là nông thôn hóa đô thị. Cần xem lại và chỉnh sửa
+ Nhận xét về đặc trưng thứ tư “phương thức sản xuất, kinh doanh thủ công nghiệp ở Thăng Long mang dấu ấn của một nền thủ công nghiệp nông thôn” và thứ sáu “ phát triển kinh tế hàng hóa Thăng Long chịu ảnh hưởng nhiều ý thức hệ phong kiến vác các chính sạch nhà nước” có vẻ không phải là đặc trưng và không có gì đặc biệt
+ Cần làm rõ thêm tính phong kiến trong kinh tế hàng hóa của Thăng Long là gì?
b Thời kỳ Thực dân Pháp đô hộ (1888-1945)
- Thành công.
Sách bắt đầu thời kỳ bằng việc mô tả sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam và Hà Nội trở thành thành phố cấp I của Pháp. Cùng với mô tả kinh tế hàng hóa Hà nội thời kỳ này diễn ra đan xen giữa các hoạt động nông nghiệp truyền thống, các ngành nghề tiểu thu công với các ngành nghề mới do người Pháp, người Hoa đưa vào, hình thành các trung tâm thương mại và dân cư tập trung lớn hơn. Kết cấu hạ tầng được xây dựng theo kiến trúc Pháp và quy hoạch đô thị của Pháp vẫn còn cho tới nay. Kinh tế Hà Nội thời kỳ này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách của Pháp muốn biến Hà Nội thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Liên bang Đông dương. Kinh tế Hà Nội trải qua thang trầm bởi chiến tranh tới khi Cánh mạng tháng 8 thành công (1945) và sau đó Thực dân Pháp Chiếm lại (1947) và được giải phóng vào năm 1954.
Cuối phần này sách đã rút ra 4 đặc trưng cơ bản của kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ Pháp đô hộ, tuy chưa thật sự sâu sắc, nhưng đã khái quát được những nét đặc thù riêng của Kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ này.
- Hạn chế
+ Chưa làm đậm nét sự pha trộn giữa kinh tế hàng hóa phong kiến và hàng hóa tư bản đã diễn ra như thế nào ở Thăng Long thời kỳ này;
+ Đâu là những ảnh hưởng của kinh tế Pháp vào kinh tế Thăng Long và sự tiếp nhận nó của người Thăng Long;
+ 4 đặc trưng rút ra ở đây có vẻ còn sơ sài, chưa thật là đặc trưng và chưa phản ánh hết quá trình chuyển đổi từ kinh tế hàng hóa phong kiến sang tư bản và vai trò của Chính phủ pháp, các DN pháp trong vấn đề này;
+ Một số tình hình miêu tả ở trang 138 có vẻ không thực tế, chẳng hạn nói rằng: Đồng bạc Đông dương bị phá giá dẫn đến giá cả tăng vọt, thị trường ngày ứ đọng hàng hóa và tiêu điều hơn… cần xem xét lại.
c.Thời kỳ trước đổi mới (1955-1985)
- Thành công.
Phần này được trình bày với số lượng trang khiêm tốn (26 trang) mô tả kinh tế Hà Nội trong những năm sau giải phóng, khôi phục kinh tế trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung và hướng tới phục vụ chiến tranh giải phóng miền Nam. Kinh tế Hà nội chịu ảnh hưởng mạnh bởi các chính sách kinh tế của Nhà nước theo hướng độc tôn thành phần kinh tế nhà nước, HTX; không chấp nhận kinh tế tư bản tư nhân và sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất dưới mọi hình thức mà thực chất là xóa bỏ điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế hàng hóa. Chính sách này đã thu được những thành công nhất định vào những năm 1960 với sự tăng nhanh về số lượng các đơn vị kinh tế quốc doanh và HTX ở Hà Nội, nhưng đã vấp phải nhiều vướng mắc về cơ chế vận hành và động lực phát triển. Kinh tế Hà nội thời kỳ này phản ánh rõ nét những đặc trưng của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà nước hóa ở Việt Nam thời kỳ 1955-1985, thực tế là có hàng hóa, nhưng không theo quy luật tự nhiên của thị trường và hình thành 2 hệ thống thị trường hàng hóa: chính thức (có tổ chức) và phi chính thức (chợ đen), trong đó thị trường chính thức chỉ tập trung vào một bộ phận xã hội (công nhân, viên chức nhà nước). Những yếu kém của mô hình này đã bộc lộ rõ rệt vào những năm 1976-1985.
Cuối phần, sách đã rút ra 4 đặc trưng của kinh tế Hà Nội thời kỳ này, đây là những đặc trưng cơ bản, nhưng nếu đi sâu nghiên cứu có thể còn thấy thêm những đặc trưng khác nữa.
- Hạn chế.
+ Lập luận ở trang 141 không logic, xem lại;
+ Trang 143 cần nói rõ hơn về nhận thức kinh tế thị trường, về mô hình kinh tế kế hoạch hóa cũng chưa rõ ràng;
+ Trang 145, Xem lại lập luận về quản lý nhà nước quản lý kinh tế bằng chỉ tiêu pháp lệnh;
+ Trang 146, nhận định cần chính xác hơn về khủng hoảng kinh tế giai đoạn này;
+ Trang 153, xem lại nhận định về tốc độ tăng trưởng công nghiệp Hà Nội;
+ Nhận định về các đặc trưng còn đơn giản và cần làm rõ mức độ và hình thái kinh tế hàng hóa của Hà Nội vào thời kỳ này như thế nào?
d.Thời kỳ đổi mới 1986- đến nay
- Thành công.
Với 21 trang phần này đã khái quát những vấn đề kinh tế của Hà Nội trong những năm đổi mới vừa qua, trong đó đã phác họa những nét chính về:
+ Bối cảnh lịch sử của công cuộc đổi mới;
+ Chủ trương, chính sách đổi mới cả Đảng và Nhà nước Trung ương tác động đến Hà nội (C/S kinh tế nhiều thành phần; điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; mở rộng kinh tế đối ngoại)
+ Chủ trương, chính sách của Thành Ủy, HĐND và UBND Thành phố về phát triển kinh tế hàng hóa trong thời kỳ đổi mới;
+ Thực trạng kinh tế hàng hóa ở Hà Nội trong thời kỳ đổi mới
+ 8 đặc trưng của kinh tế Hà Nội thời kỳ đổi mới, tuy chưa thật sự phản ánh hết những điểm quan trọng nhất, nếu nghiên cứu sâu hơn có thể phát hiện thêm những đặc trưng khác nữa.
- Hạn chế
+ Trình bày về sự vận động của các qua hệ hàng hóa trong sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực kinh tế của Hà Nội chưa rõ;
+ Các đặc trưng chưa đầy đủ
+ Nói chung phần này viết còn sơ sài, nhất là tình hình kinh tế thời kỳ này ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng mới vừa xảy ra, đang còn rất thời sự, vì vậy cần phân tích thật khoa học và khách quan hơn nữa.
đ. Đặc trưng và bài học kinh nghiệm trong tiến trình phát triển kinh tế hàng hóa ở Thăng Long – Hà Nội
- Thành công.
Phần này đã đúc kết 6 đặc trưng chung của kinh tế hàng hóa của Thăng Long- Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử về: mô hình ngành nghề; kỹ thuật, công nghệ sản xuất; mối quan hệ kinh tế với bên ngoài; tính chất của sản xuất hàng hóa; sự ảnh hưởng của Nhà nước Trung ương; phát triển đội ngũ doanh nhân…
Và rút ra 11 bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô Hà nội có lịch sử lâu dài với nền văn hóa riêng trải qua nhiều biến động của các thời kỳ phát triển, tham góp vào kho tàng kinh nghiệm phát triển kinh tế Thủ đô các nước trên thế giới.
- Hạn chế.
+ Những đúc rút ở đây là rất công phu. Tuy nhiên vì là vấn đề lớn, khó nên không khỏi có những nhận xét, khái quát chưa rõ hoặc chưa thật sâu sắc
+ Các đặc trưng chưa thật gắn kết với các đặc trưng đã rút ra ở các phần trên tạo mâu thuẫn;
+ Các bài học chưa thật tổng hợp và có ý nghĩa sâu sắc
e.Phương hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020
- Thành công.
Phần này có dung lượng khá lớn (60 trang) trình bày những vấn đề lớn về:
+ Bối cảnh kinh tế-chính trị- xã hội tác động tới phát triển kinh tế hàng hóa của Nội đến năm 2020 (trong nước, quốc tế);
+ 6 Quan điểm phát triển kinh tế hàng hóa và xây dựng kinh tế thị trường của Hà Nội đến năm 2020
+ 4 Phương hướng; 4 mục tiêu tổng quát; 3 kịch bản về những mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế Hà Nội đến năm 2020, trong đó ưu tiên kịch bản 2;
+ 9 giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế Hà Nội đến năm 2020;
+ Một số vấn đề đặt ra cần giải quyết để tiếp tục phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội trong thời gian tới
- Hạn chế.
+ Chưa đề cập vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh;
+ Các Quan điểm chưa thật gắn kết với các đặc trưng đã rút ra ở các phần trên;
+ Phần 7.5, Một số vấn đề đặt ra cần giải quyết cũng là một bộ phận cấu thành của giải pháp, vì vậy nên bố trí gắn kết vào phần giải pháp theo hướng chi tiết hóa và xác định thời gian thực hiện từng giải pháp trong các nhóm (9 nhóm giải pháp đã trình bày), trách mâu thuẫn và không ăn khớp các giải pháp.
f. Phần kết luận
Nên rút ra các kết luận về nhân tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế hàng hóa ở Hà Nội qua các thời kỳ và sự tiếp nhận những nhân tố đó của người Hà Nội.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Hữu Khải viết ngày 25/08/2011
1. Sự cần thiết
Hà Nội có lịch sử xây dựng và phát triển hàng 1000 năm, sử sách đã ghi lại nhiều sự kiện về kinh tế, chính trị và văn hóa của thủ đô, song vẫn chưa phản ánh hết được vị thế của Thăng long - Hà Nội. Chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các tác giả do GS.TS Nguyễn Trí Dĩnh chủ biên biên soạn cuốn sách “Kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển” là cần thiết và theo tôi rất có ý nghĩa trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiến.
2. Kết cấu: nhìn một cách khái quát nhất, cuốn sách có kết cấu hợp lý.
3. Về nội dung cuốn sách.
- Đây là một khảo nghiệm nghiêm túc nền kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ suốt từ năm 1010 đến nay. Bằng một nguồn tư liệu phong phú, các tác giả đã soi chiếu nhiều góc cạnh của nền kinh tế hàng hóa qua các giai đoạn lịch sử trong đó có gắn kết chặt chẽ với các đặc trưng của kinh tế - xã hội từng giai đoạn.
- Từ các đặc trưng của giai đoạn lịch sử với những nét mô tả đi từ khái quát đến cụ thể, các tác giả đã quan tâm tới việc phân tích các chính sách của nhà nước trong mỗi thời kỳ đối với việc hình thành nền kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội
- Trên cơ sở sự nghiên cứu cụ thể qua 4 giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội được thể hiện trong các chương từ chương II đến chương V, các tác giả đã khái quát được các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế hàng hóa tại vùng đất kinh kỳ lịch sử này. Những đặc trưng khái quát ấy, dù trên một vài góc độ nào đó có thể giống với đặc trưng của một số tỉnh thành, địa phương khác nhưng tựu chung có thể thấy được những nét khái quát riêng biệt được biểu hiện chung qua nhiều thời kỳ của Thăng Long.
4. Một số trao đổi:
Để chất lượng cuốn sách tốt hơn nữa, tôi cũng xin có một số trao đổi với nhóm tác giả như sau:
- Nên chăng, bên cạnh việc tổng kết đặc trưng trong tiến trình phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội từ năm 1010 đến nay tại chương VI, hay tổng kết đặc trưng chung chung như một vài nét chấm phá ở cuối mỗi chương, các tác giả dành nhiều công sức để phân tích sâu những nét đặc trưng của kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội qua mỗi giai đoạn lịch sử. Ví dụ, các tác giả có thể phân tích sự khác biệt và biến đổi, phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi đó. Điều gì là đặc trưng của Thăng Long thời Lý - Trần, điều gì là đặc trưng của Thăng Long - Đông Đô, Thăng Long - Kẻ Chợ… và Hà Nội ngày nay. Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt trong những nét đặc trưng, do chính sách của nhà nước trung ương, hay do hoàn cảnh lịch sử thay đổi? Từ đó các kinh nghiệm phát triển sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn.
- Nên chăng, dành nhiều phân tích hơn cho chương V “Kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ đổi mới” (21 trang) vì chương này là cơ sở quan trọng để đưa ra phương hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa ở chương VII. Tuy nhiên, nội dung chương này vẫn chung chung và vẫn tản mát ở việc phân tích yếu tố “kinh tế” thay vì dành nhiều chú ý hơn cho “kinh tế hàng hóa”. So với dung lượng số trang ở chương II “Kinh tế hàng hóa Thăng Long thời kỳ phong kiến” (65 trang) thì nội dung chương V thực sự quá khiêm tốn.
- Phần kinh nghiệm phát triển cũng nên được quan tâm nhiều hơn nữa trong tương quan với việc khai thác các đặc trưng.
5. Kết luận
Nhìn chung cuốn sách đã thể hiện sự nghiêm túc làm việc của nhóm tác giả và đã thể hiện khá tốt những nét đặc trưng của kinh tế hàng hóa Thăng Long - Hà Nội qua từng thời kỳ. Đề nghị nhà xuất bản Hà nội cho in ấn và phát hành cuốn sách.
|
|
PGS.TS Phan Đăng Tuất viết ngày 25/08/2011
1. Đây là một cuốn sách có giá trị, công phu. Việc tiếp cận nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội từ khía cạnh kinh tế hàng hoá lồng ghép vào tiến trình phát triển theo lịch sử đã tạo cho cuốn sách một nét riêng. Hơn thế nữa, từ lịch sử phát triển kinh tế hàng hoá ở mỗi thời kỳ, cuốn sách không chỉ là sự liệt kê, kể chuyện thông sử mà còn rút ra từ các nét đặc trưng, kinh nghiệm cho quá trình phát triển. Cả từ kinh nghiệm phát triển khách quan lẫn kinh nghiệm tác động của cơ chế chính sách.
2. Cuốn sách được kết cấu khá logic, với một chương trình tổng quan các luận cứ cơ bản về kinh tế hàng hoá, nói cụ thể hơn là cách tiếp cận nghiên cứu về kinh tế hàng hoá. Trên cơ sở đó phản ánh sự phát triển qua các thời kỳ lịch sử, được phân đoạn theo các triều đại, các giai đoạn phát triển có các đặc trưng nhất định. Cuối cùng là những nhận định, những đề xuất để kinh tế hàng hoá tiếp tục phát triển ở thủ đô Hà Nội.
3. Các thông tin, sử cứ sử dụng trong sách là tin cậy, hấp dẫn và khá sống động có thể nói nó đủ giúp những ai muốn có cái nhìn khá toàn cảnh về lịch sử phát triển kinh tế hàng hoá của Thăng Long - Hà Nội, nhất là với các nghề tiểu thủ công nghiệp.
4. Cuốn sách đã thu hút được đội ngũ khoa học đông đảo tham gia. Đây là những nhà khoa học uy tín, có nhiều kinh nghiệm, nhiều nghiên cứu gắn với Thăng Long - Hà Nội. Với các ưu điểm trên, tôi cho rằng cuốn sách xứng đáng có tên trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Để tiếp tục hoàn thiện cuốn sách, tôi xin nêu một số đề xuất sau:
1. Với tiêu đề là Kinh tế hàng hoá Thăng Long - Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển thì cách tiếp cận nên bắt đầu là các hàng hoá (và dịch vụ) đặc trưng của từng thời chứ không chỉ là ngành nghề (thủ công, nông nghiệp, thương mại). Ví dụ thời Lê sơ thì có những loại hàng hoá nào là đặc trưng, cô đọng nhất, phản ánh tập trung nhất năng lực sản xuất, công nghệ, bí truyền của Thăng Long. Sau đó mới đến tình hình mua bán, trao đổi chúng như thế nào và cuối cùng là các chính sách của triều đình. Từ cách tiếp cận đó thì đặc trưng và kinh nghiệm phát triển của từng thời kỳ có thể được nêu khác nhau, có thể là đặc trưng về hàng hoá, đặc trưng về hoạt động trao đổi (hàng đổi hàng hay thông qua tiền tệ) hoặc là đặc trưng về các chính sách (kìm hãm hay thúc đẩy phát triển của các thể chế, ví dụ chính sách “khuyến nông, ức thương”). Từ đó có thể lựa chọn cách đặt tên cho các chương ở các thời kỳ bằng các đặc trưng hàng hoá hay chính sách thay vì chỉ đặt tên chương theo thời kỳ lịch sử vốn trùng nhau về nội hàm “kinh tế hàng hoá thời kỳ…”.
Ở đây có một vấn đề về mặt cơ sở luận là kinh tế hàng hoá vốn là đặc trưng của nền kinh tế thị trường vậy nên tiêu đề chương 2: “Kinh tế hàng hoá Thăng Long thời kỳ phong kiến (1010 - 1888)” đã thật chính xác chưa? Hay chỉ nêu là: “Các mầm mống của kinh tế hàng hoá trong thời kỳ phong kiến 1010 - 1888”.
2. Vì là sách mang tính “giã sử” nên sẽ hấp dẫn hơn nếu có các hình ảnh minh hoạ, các hộp (box) trích dẫn, diễn giải. Ngoài ra có một số thông tin cần thẩm định, ví dụ nói diện tích Bắc Kinh là 16.800km2, dân số 11 triệu thì là vào khoảng thời gian nào, Sê-un với 600km2…(Theo tôi biết thì Thủ đô Bắc Kinh không rộng đến thế).
3. Tôi cho rằng, cuốn sách sẽ làm “tròn vai” hơn nếu nó phóng cho Hà Nội tầm nhìn dài hạn hơn. Nghiên cứu cả 1000 năm chỉ để nêu phương hướng cho 10 năm tới thì quả là ngắn ngủi. (Hà Nội hiện đang xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển có tầm nhìn cho cả 50 năm sau).
Một số góp ý nhỏ trên hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến giá trị nội dung mà cuốn sách đã thể hiện. Nếu có thêm sự chỉnh sửa thì cuốn sách hoàn toàn xứng đáng có mặt trong tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến./.
|
|
TS. Trần Kim Hào viết ngày 25/08/2011
1. Những thành công
Cuốn sách do tập thể các nhà khoa học có uy tín của Việt Nam biên soạn đã dày công sưu tầm, chắt lọc và hệ thống các tư liệu về nguồn gốc hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội suốt chiều dài 1000 năm lịch sử. Do đặc thù là cuốn sách được biên soạn trên cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học nên nội dung cuốn sách có độ tin cây cao, bố cục chặt chẽ, văn phong sáng sủa. Về cả nội dung và hình thức, bản thảo cuốn sách này đáp ứng được yêu cầu của tủ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với gần 300 trang, cuốn sách được chia làm 7 chương. Chương 1 nêu một số khía cạnh lý luận và thực tiễn về KTHH phát triển KTHH ở Thủ đô. Chương II đến chương V trình bày sự hình thành, những thăng trầm của quá trình phát triển, vận động của KTHH của Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài 1000 năm lịch sử, từ thời đại phong kiến đến thời kỳ bị thực dân pháp chiếm đóng, chuyển sang thời kỳ kế hoạch hóa tập trung cho đến hiện nay, khi cả nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chương VI nêu những đúc rút và đặc trưng và bài học kinh nghiệm trong tiến trình phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội từ năm 1010 đến nay. Chương VII trình bày phương hướng giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020.
Là một người đọc, cũng đồng thời là một chuyên gia kinh tế, thành viên của Ban tư vấn sách kinh tế, tôi đồng tình và đánh giá cao nội dung của bản thảo cuốn sách này qua gần 300 trang sách mà nhóm biên soạn đã thể hiện. Tôi đánh giá cao những phát hiện và đề xuất của nhóm nghiên cứu qua các chương, đặc biệt là những nội dung nêu tại chương VI và chương VII. Đây là những nội dung mang tính khoa học và có giá trị, là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của cả nước và Thủ đô tham khảo trong hoạch định cách sách lược phát triển Thủ đô hiện tại và cả sau này.
2. Một số góp ý để hoàn thiện
Bên cạnh những điểm mạnh là chủ yếu, theo tôi vẫn còn một số hạn chế nhỏ sau đây mà nếu như nhóm biên soạn nếu có thể bổ sung thêm thì giá trị của cuốn sách sẽ được nâng lên:
- Trong chương I nên làm rõ thêm đặc thù của kinh tế hàng hóa của thủ đô trong nền kinh tế mỗi nước xét về phương diện lý luận. Nó có gì khác so với các thành phố, địa phương khác.
- Phần đục kết về đặc trưng và kinh nghiệm phát triển nên đi sâu phân tích theo từng giai đoạn lịch sử, và rút ra kinh nghiệm phát triển của từng giai đoạn lịch sử.
- Nên có thêm thông tin về những thương hiêu hàng hóa nổi tiếng, đặc trưng của Thủ đô Hà Nội hiện nay.
- Trong cuốn sách cũng nên có những bức anh hoặc tranh vẽ minh họa về hàng hóa thủ đô để cuốn sách được sinh động, hấp dẫn hơn.
3. Đánh giá chung
Tóm lại đây là cuốn sách có giá trị lớn về nhiều mặt, có công phu sưu tầm và biên soạn của nhóm tác giả, xứng đáng được đánh giá cao.
Sau khi hoàn thiện, cuốn sách này sẽ là món quà rất bổ ích đối với bạn đọc trong nước và nước ngoài, đặc biệt là dành cho những người nghiên cứu về kinh tế, chính trị Thủ đô. Cuốn sách cũng là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đưa ra các giải pháp để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa Thăng Long - Hà Nội lên một tầm cao mới.
|