Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
In ấn phát hành |  Bạn đang ở:Trang chủ » Các hoạt động

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG VỀ MỸ THUẬT CỦA TỦ SÁCH
“THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN”

A. NHỮNG YÊU CẦU CHUNG

“Tủ sách
Thăng Long ngàn năm văn hiến” bao gồm những tác phẩm đã được biên soạn tuyển chọn trên nhiều lĩnh vực đề tài về lịch sử, địa lí, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, nghệ thuật, văn học… của Thăng Long - Hà Nội trong 10 thế kỉ qua.
Với ý nghĩa đặc biệt ấy, những tác phẩm xuất bản trong dịp này cũng cần có một “diện mạo” đặc biệt được thể hiện qua nghệ thuật trình bày các ấn phẩm.
Ngoài việc trình bày bìa, vẽ phụ bản và minh họa, cần quan tâm đến chủng loại giấy in, chất liệu bìa, lựa chọn kiểu dáng chữ, mực in, cách dàn trang chữ hay tranh ảnh, kỹ thuật khâu ghim, đóng gáy vào bìa sách … Cao hơn nữa là chăm lo đến áo bìa, hộp đựng sách, giải dấu trang… Khai thác mọi khả năng kỹ thuật ấn loát từ thủ công đến hiện đại để mỗi cuốn sách được xuất bản trở thành một “tác phẩm sang trọng, có sức hấp dẫn ngay từ dáng vẻ bên ngoài”.


B. YÊU CẦU CỤ THỂ

I. Hình thức bên ngoài
1. Hộp đựng sách:
Những công trình nghiên cứu, những tác phẩm có từ 2 tập trở lên cần có hộp đựng sách nhằm bảo vệ và tăng sự sang trọng cho ấn phẩm. Hộp đựng phải thiết kế vừa với khuôn khổ các tập sách, không quá chật hoặc quá rộng để sử dụng được thuận tiện. Xung quanh hộp được trang trí phù hợp nội dung, phải có tên tác phẩm và những thông tin cần thiết về tác phẩm đó.
2. Băng quảng cáo: (Nếu cần)
Băng quảng cáo có chiều rộng là 5cm bao quanh cuốn sách (hoặc gấp vào 2 mép bìa) đặt dưới tít sách. Trên mặt băng quảng cáo có hình mờ rồng thời Lý, Logo Tủ sách với hàng chữ “Tủ sách chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
3. Áo bìa:
Áo bìa là phần bọc ngoài bìa sách (thường dành cho các loại bìa cứng). Áo bìa là cái bọc ngoài bìa sách, bảo vệ bìa sách, tăng thêm vẻ trang trọng cho ấn phẩm. Bìa áo trình bày thường nhắc lại bìa chính hoặc có thể trình bày nhẹ nhàng hơn, chỉ có minh hoạ, tên sách và tên tác giả.
Mỗi loại đề tài nên chọn một gam màu riêng để dễ dàng phân biệt.
4. Bìa sách:
Bìa sách được xem là bộ mặt tiêu biểu của cuốn sách. Có 3 thông tin quan trọng là tác giả, tên tác phẩm và nhà xuất bản (Đối với bìa da, giả da hoặc bọc vải thì lượng thông tin này có thể chỉ đặt ở gáy hoặc trên áo bìa). Tên sách tuỳ theo số lượng câu chữ nhiều hay ít mà chọn kiểu chữ cho phù hợp (co chữ và cỡ chữ) đặt ở vị trí trang trọng nhất, khoảng 1/3 mặt bìa tính từ trên xuống. Trên mặt bìa có thể chỉ là màu nền hoặc có hình minh hoạ xen kẽ hoặc đặt riêng nhưng không được che lấp hoặc nổi trội hơn phần chữ mang tên sách.
- Lôgô Tủ sách được đặt phía trên (ở giữa, góc trái hoặc góc phải) có tỷ lệ phù hợp với bố cục chung.
- Lôgô nhà xuất bản đi kèm với tên đơn vị xuất bản (thống nhất mẫu Logo chính thức do Nhà xuất bản cung cấp).
5. Gáy sách:
Gáy sách là mặt cuốn sách nhìn nghiêng. Ngoài các thông tin ở bìa, trên gáy sách có thể trang trí các đường kẻ, hoa văn hoặc các hoạ tiết nhưng không làm mờ hoặc rối tên sách. Nếu bề dày gáy sách cho phép có thể đặt tên sách thuận chiều như trên mặt bìa. Với sách mỏng, đặt tên sách để đọc theo chiều dưới lên phù hợp hơn đọc từ trên xuống.
6. Tờ lót (tờ gác):
Sách có bìa cứng phải có tờ lót bồi vào bìa 2 và bìa 3 và che đường hở với ruột sách. Giấy của tờ lót thường là loại giấy dầy khác với giấy ruột sách. Tờ gác có thể in màu và trang trí nhẹ nhàng phù hợp với nội dung bản văn.

II. Phần trình bày ruột sách:
1. Trang bảo vệ tít sách (Trang lót bìa - Trang 1):
Trước khi vào phần nội dung, trang bảo vệ tít sách còn gọi là trang che tít, chỉ có in phần tên sách ở góc trên phía phải, trình bày theo kiểu chữ phù hợp.
2. Trang tít tổng hợp (Trang 2):
Trang này kế tiếp sau trang bảo vệ tít sách, đối diện với trang tít sách. Có thể đưa minh hoạ vào trang này để tăng thêm trang trọng.
Trang này thể hiện các nội dung sau:
- Chỉ đạo thực hiện Dự án
- Thường trực Hội đồng Tư vấn khoa học
- Thành phần Hội đồng khoa học nghiệm thu bản thảo
- Tập thể nhóm biên soạn hoặc sưu tầm, tuyển chọn (với những sách do nhiều người thực hiện)
- Nếu là sách dịch thì thể hiện các nội dung: Tên sách nguyên bản, Nhà xuất bản, năm xuất bản. Vị trí của nội dung này ở góc dưới bên trái bát chữ, được trình bày bằng cor chữ nhỏ.
3. Trang tít sách (Bìa giả - Trang 3):
Trang tít sách là trang đầu tiên của cuốn sách, gắn liền với ruột sách. Trang tít sách nhắc lại 3 lượng thông tin ở bìa sách nhưng chi tiết hơn.
- Tên tác giả với học hàm, học vị (nếu có)
Tên tác giả sách thể hiện ở trang này, vị trí tuỳ thuộc vào thể loại sách. Có thể tạm chia sách của Tủ sách theo các thể loại sau:
+ Sách sáng tác: Tên tác giả đặt ở chính giữa, đầu bát chữ, phía trên tên sách.
+ Sách nghiên cứu biên soạn: Tên chủ biên (hoặc nhóm biên soạn) đặt ở chính giữa, đầu bát chữ, phía trên tên sách.
+ Sách tuyển chọn: Tên người chủ trì tuyển chọn (hoặc nhóm sưu tầm, tuyển chọn) đặt chính giữa, ngay dưới tên sách.
+ Sách dịch: Tên tác giả đặt chính giữa, đầu bát chữ, phía trên tên sách. Còn tên dịch giả đặt chính giữa, ngay dưới tên sách.
- Tên sách, số tập, trích ngôn của các danh nhân
Tên tác phẩm dùng font chữ in. Cỡ chữ, cách sắp xếp, bố cục phải hợp lý, căn cứ độ dài ngắn của tên tác phẩm. Việc ngắt từ, chuyển dòng phải phù hợp với nội dung tên sách, đảm bảo logic hình thức và không làm sai nghĩa. Vị trí cân giữa theo trục dọc, cao lệch trên, cách đầu bát chữ khoảng 2/5 khoảng trống của trang.
- Đơn vị xuất bản, nơi và năm xuất bản.
Vị trí đặt cân giữa, phía dưới bát chữ
Trang này thường bố trí in ở tay sách đầu tiên nên chỉ có một màu. Với tác phẩm quý, quan trọng có thể in thêm màu cho tên sách nổi bật, rực rỡ.
4. Trang lời Nhà xuất bản (hoặc Lời nói đầu):
Lời Nhà xuất bản chỉ là phần phụ đối với bản văn nội dung nhằm hướng dẫn độc giả trước khi đi vào nội dung. Lời Nhà xuất bản bắt đầu vào trang lẻ, thường là trang 5. Bát chữ ở trang này thường hẹp hơn bát chữ nội dung, kiểu chữ cũng nên khác với kiểu chữ chính văn, có thể là cor chữ đậm, nhạt, hoặc chữ nghiêng (Italic) là phù hợp.
5. Phần giới thiệu nghiên cứu, tổng quan:
Phần này tiếp theo Lời Nhà xuất bản, bắt đầu vào ở trang lẻ. Nếu Lời Nhà xuất bản kết thúc ở trang lẻ thì trang chẵn tiếp theo để trắng rồi mới bắt đầu vào nội dung bài Tổng quan.
Với những cuốn sách có thêm một số nội dung khác (như Lời giới thiệu, phàm lệ…) thì thứ tự trình bày các nội dung như sau: Lời Nhà xuất bản, ký hiệu và chữ viết tắt, phàm lệ biên soạn, hướng dẫn sử dụng sách, nghiên cứu (giới thiệu) tổng quan. Việc trình bày, kiểu chữ, cor chữ sẽ chỉ thị ở market trình bày từng bản thảo cụ thể.
6. Trang phần, chương:
Nếu sách có chia ra từng phần hoặc chương thì ở sau bài Tổng quan là trang phần. Tên phần đặt ở tờ riêng, vào trang lẻ, cân giữa theo trục dọc, chiều cao khoảng 1/3 hoặc 2/5 bát chữ tính từ đầu bát chữ. Trang chẵn tiếp theo để trắng.
Với sách không có phần mà chỉ có các chương thì tên chương không đặt ở tờ riêng. Chương đầu tiên của sách đặt ở trang lẻ, cân giữa theo trục dọc, cách mép trên bát chữ 2cm. Nội dung bản văn của chương tiếp theo tên chương, cách 4 - 6 enter (theo market cụ thể từng cuốn). Các chương tiếp theo (từ chương 2 trở đi), tên chương bắt đầu ở trang mới (không nhất thiết trang lẻ) với quy cách trình bày nhất quán với chương 1.
7. Trang vào nội dung hoặc trang đầu bản văn:
Trang này bắt đầu vào bản văn, nên để cách đầu bát chữ khoảng 2cm (có thể nhiều hay ít hơn tuỳ theo từng cuốn sách cụ thể). Ở đây chữ đầu dòng có thể được trang trí đặt trên nền hoạ tiết để gây ấn tượng đậm hơn các chữ đầu dòng khác hoặc kê chữ (dùng cor chữ to cho chữ cái đầu tiên).
Các trang tiếp theo được bố cục đầy đủ từ tít đầu trang đến vị trí số trang (ở giữa, mép phải hoặc trái) cỡ bát chữ chuẩn cho toàn bộ cuốn sách.
8. Trang cuối phần, cuối chương:
Trang kết thúc mỗi phần, mỗi chương không nên kín hết trang chữ (nếu có thể), tuy nhiên cũng không để dư phần giấy trắng nhiều quá nửa trang.
9. Danh mục tài liệu tham khảo:
Cuốn sách nhất thiết phải có Danh mục tài liệu tham khảo (trừ sách sáng tác văn học). Vị trí Tài liệu tham khảo đặt ở cuối sách, ngay trước mục lục. Thứ tự trình bày một tài liệu tham khảo như sau: Tên tác giả, tên tài liệu, tên Nhà xuất bản, năm xuất bản. Có những cuốn sách cần chi tiết hơn có thể ghi chú thêm số trang tham khảo và trích dẫn.
10. Trang mục lục:
Có 3 cách đặt trang mục lục: sau sách, trước sách, hoặc cả trước (mục lục sơ lược về những phần lớn) và sau sách (mục lục chi tiết). Trường hợp này chỉ áp dụng cho các sách nghiên cứu dày, có nhiều vấn đề phải xem đi xem lại nhiều lần.
11. Trang cuối sách:
Trang này nằm ở phần cuối cùng của cuốn sách:
Trên trang cuối sách phải thể hiện đầy đủ các nội dung:
- Thông tin ngắn gọn về Nhà xuất bản (Tên Nhà xuất bản, địa chỉ, điện thoại, Fax, email)
- Tên sách
- Người chịu trách nhiệm xuất bản, người biên tập, trình bày sách, trình bày bìa, sửa bài.
- Signe nhà in (nơi in, số lượng in, khổ sách, số quyết định xuất bản, thời gian nộp lưu chiểu).
Trên đây là những tiêu chí chung trong trình bày mỹ thuật cho sách của Tủ sách. Những yêu cầu này được vận dụng vào việc thiết kế market trình bày từng cuốn sách cụ thể.

C. NHỮNG CHI TIẾT TRÊN TRANG IN

1. Tít đầu trang (Titre Courant):

Đây là loại mục lục sơ yếu đặt ở đầu trang sách.
Tít đầu trang vừa tăng thêm tính mỹ thuật của trang sách, vừa giúp ích cho việc tra cứu nội dung sách, nhất là các loại sách công cụ như từ điển, sách nghiên cứu tư liệu, sách tuyển chọn nhiều tác giả…
- Về nội dung tít đầu trang: Thông thường trình bày như sau:
+ Đối với sách tuyển chọn nhiều tác giả: Trang chẵn là tên tác giả, trang lẻ là tên văn bản của tác giả đó.
+ Đối với sách sáng tác, nghiên cứu biên soạn của một hoặc một nhóm tác giả: Trang chẵn là tên tác giả hoặc tên sách, trang lẻ là tên chương hoặc trang chẵn là tên phần, chương, trang lẻ là tên đề mục của phần, chương đó.
- Hình thức trình bày: Có nhiều cách bố trí tít đầu trang, hàng chữ căn bằng mép ngoài bát chữ dồn vào giữa (lòng sách) hoặc căn bằng mép trong bát chữ (lòng sách) dồn ra ngoài. Kiểu chữ tít đầu trang khác với chữ in nội dung. Dưới hàng tít đầu trang đặt đường kẻ mảnh (file) đơn hoặc kép, chiều dài bằng bát chữ hoặc lửng. Khoảng cách từ đường kẻ đến mép trên bát chữ khoảng 7 - 8 mm.
- Vị trí tít đầu trang: Ngoài vị trí đặt ở đầu bát chữ (tít đầu trang), có thể đặt ở dưới bát chữ (tít dưới trang) hoặc mép ngoài bát chữ (tít cạnh trang). Không nên đặt tít cạnh trang ở cạnh lòng sách vì khó đọc.
Các trang không đặt tít đầu trang:
+ Các trang đầu sách (trang 1, 2, 3, 4)
+ Các trang phần, trang đầu chương và trang đầu văn bản.
+ Các trang Danh mục tài liệu tham khảo, trang mục lục, trang cuối sách.
2. Số trang:
Các trang đầu sách (1 - 4), trang phần, trang trắng, trang cuối sách, tuy có tính số trang nhưng không đặt số ở các trang sách đó.
Vị trí số trang có thể đặt ở góc dưới bằng mép ngoài bát chữ, cân giữa dưới bát chữ hoặc trên tít đầu trang.
Cor chữ số trang thường bằng cor chữ in nội dung, số trang có thể đặt trên nền trang trí nhẹ nhàng.
Số trang thông thường dùng chữ số Arập.
3. Cách đặt chữ lớn đầu dòng:
Chữ đầu tiên của bản văn hoặc của phần chương có thể là kiểu chữ lớn hơn, có trang trí hoặc in màu:
- Trong phạm vi góc trái trên bát chữ.
- Chữ lớn nổi hẳn ra ngoài bát chữ, nhưng chân chữ thẳng hàng với dòng chữ đầu tiên.
4. Cách đặt phụ bản, bảng biểu:
Có nhiều cách bố trí phụ bản tuỳ theo yêu cầu về nội dung, trình bày của từng cuốn sách. Với những phụ bản ảnh in 4 màu, yêu cầu chất lượng cao, giấy in phụ bản phải dùng loại riêng, thông thường là couche, định lượng theo yêu cầu cụ thể từng cuốn.
- Với phụ bản minh hoạ theo nội dung sách, vị trí phụ bản bố trí theo nội dung, phần giấy trắng trình bày chữ in nội dung phù hợp, không để giấy trắng (nhất là mặt sau của phụ bản). Việc gia công sách theo hình thức xé dán.
- Với phụ bản minh hoạ để tập trung thành từng cụm phụ bản, vị trí thường để cuối sách ở phần Phụ lục hoặc cuối các phần, chương tuỳ theo yêu cầu của từng cuốn sách cụ thể. Vị trí đặt phụ bản cần tính theo chẵn tay sách và gia công khâu chỉ như các tay sách thông thường.
- Với phụ bản nằm ngang, bố trí chân phụ bản vào giữa lòng sách ở trang chẵn, đầu phụ bản vào giữa lòng sách ở trang lẻ. Cũng có thể bố trí phụ bản ngang theo chiều đứng bằng cách phóng to và trình bày ở cả 2 trang chẵn, lẻ hoặc thu nhỏ chiều ngang ảnh bằng chiều rộng bát chữ.
- Với các bảng, biểu ngang, bố trí chân bảng, biểu vào giữa lòng sách ở trang chẵn; đầu bảng, biểu vào giữa lòng sách ở trang lẻ.
- Với những phụ bản có kích thước lớn hơn khổ sách (như bản đồ, lược đồ chi tiết…), phải in phụ bản rời rồi gia công xé dán và gấp bằng hoặc nhỏ hơn khổ sách.
5. Đề mục, tiểu đề mục:
Tên các đề mục, tiểu đề mục trình bày phân biệt bằng các kiểu chữ khác với chữ in nội dung. Cor chữ to nhỏ theo cấp độ các đề mục. Thông thường trình bày đề mục theo thứ tự cấp độ như sau:
- Thứ tự đề mục: Số La Mã, chữ cái in hoa, số Ảrập (đứng và ngả, một số hoặc số ghép), chữ cái thường…
- Kiểu chữ đề mục: Chữ in hoa, chữ thường đậm, ngả đậm, ngả thường. Với những sách có nhiều cấp độ mục và tiểu mục, có thể phối hợp dùng thêm các font chữ khác nhau.
Cần lưu ý các đề mục, tiểu mục ở các cấp độ tương đương phải dùng cor chữ, kiểu chữ thống nhất trong toàn bộ cuốn sách.
6. Sử dụng kiểu chữ phù hợp:
Mỗi cuốn sách hoặc mỗi loại sách cần chọn kiểu chữ cho phù hợp nội dung.
Không nên sử dụng quá nhiều kiểu chữ trong một tác phẩm. Phải đảm bảo thống nhất về cách đặt ngôn từ trên 5 vị trí chính của tác phẩm: Trang tít sách, trang che tít sách, trang bìa, áo bìa và gáy sách.
Đối với các trường hợp cần phối hợp nhiều loại và kiểu chữ với nhau, thì phải chú ý sử dụng một trong những kiểu chữ đó làm kiểu chữ chính. Nghĩa là cỡ phải lớn hơn cả, mang nội dung chính của tít, có vị trí chính trong bố cục. Các kiểu chữ khác là kiểu phụ thì cỡ chữ phải bé hơn, mang nội dung của vế phụ trong tít đó. Nên tránh lối dùng nhiều kiểu chữ cỡ đồng nhau trên một tít, trên cùng một bố cục nào đó mà nhìn vào sẽ thấy lộn xộn, ngôn ngữ của kiểu chữ không phát huy được.
7. Minh hoạ trang trí sách:
Minh hoạ, trang trí sách là thể hiện nội dung của bản văn bằng các phương tiện của nghệ thuật tạo hình. Các minh hoạ, trang trí (ảnh chụp, tranh vẽ, biểu đồ…) phải có tác dụng:
- Bổ sung tư liệu cho bản văn. Bản thân bản văn không thể miêu tả đầy đủ các khía cạnh của hình tượng, minh hoạ, trang trí sẽ bổ sung thêm làm cho nhận thức của độc giả vừa phong phú, vừa thi vị.
- Rút ngắn thời gian thông báo tin tức, giải thích rõ thêm bản văn bằng ngôn ngữ đồ hoạ, để khi đọc xong nhận thức của độc giả được sâu sắc hơn.
- Nâng cao tính thẩm mỹ của hình tượng mà bản văn đã xây dựng.
- Tăng thêm giá trị thẩm mỹ của sách, làm cho sách thêm sức hấp dẫn.
Trong thể hiện phải chọn thời điểm cao trào, hoặc chủ đề nổi bật nhất để diễn tả, tránh những hình vẽ chung chung không rõ ràng.
Trình bày toàn bộ cuốn sách phải phản ánh được chủ đề tư tưởng của bản văn.
Tính chất của từng loại sách trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” phong phú và đa dạng, việc minh hoạ, trình bày phải trên cơ sở nguyên tắc chung và căn cứ vào tính chất và tác dụng của từng thể loại mà vận dụng cho phù hợp.

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá