HỌP NGHIỆM THU ĐỀ CƯƠNG BẢN THẢO
“DU LỊCH HÀ NỘI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI”
(Chủ biên: TS. Trương Sỹ Vinh)
Sáng ngày 29 tháng 11 năm 2008,
tại Nhà xuất bản Hà Nội, đã diễn ra buổi nghiệm thu đề cương đề tài: Du lịch Hà Nội trong thời kỳ đổi mới do
TS. Trương Sỹ Vinh chủ biên. Tham gia hội đồng có các nhà khoa học, các chuyên
gia đầu ngành, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội do TS. Lê Trọng Bình làm
chủ tịch hội đồng.
Hội
đồng đã nghe chủ biên công trình TS. Trương Sỹ Vinh trình bày về đề cương: Mục
tiêu của công trình: Giới thiệu bức tranh toàn cảnh về du lịch Hà Nội, những
vấn đề đặt ra cho du lịch Thủ đô trong thời kỳ đổi mới. Đối tượng: phục vụ rộng
rãi bạn độc nên cách viết không phải là một công trình khoa học. Phạm vi: khu
vực Hà Nội chưa mở rộng. Tuy nhiên, nếu điều kiện thời gian, kinh phí cho phép,
chúng tôi có mong muốn viết về du lịch Hà Nội khi đã mở rộng. Giới hạn thời
gian: Từ 1985 đến nay: xuất phát từ quan điểm bắt đầu thời kỳ mở cửa, du lịch
Hà Nội nói riêng và cả nước nói chúng mới có những thành tựu đáng kể. Phương
pháp nghiên cứu: là sự tổng hợp của nhiều phương pháp.
Nội dung: phân tích qua hai thời kỳ 1986 - 1995 và
1995 đến nay. Tập trung vào điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của du
lịch Hà Nội. Đây là những nội dung phù hợp tên đề tài. Đồng thời công trình sẽ
đưa ra những đánh giá, gợi ý những hướng phát triển của du lịch Hà Nội. Kết
cấu: công trình sẽ bao gồm phần mở đầu và 3 chương nội dung. Dự kiến kết quả:
300 trang (kèm phụ lục, minh hoạ).
GS.TS Lê Thông - một thành viên hội đồng nhận xét: Đây
là đề tài thú vị và cần thiết về một ngành rất có thể mạnh của Thủ đô Hà Nội. Tên
sách chưa thật phù hợp trong dự án Tủ sách: hơi cứng, chưa thể hiện được tính
chất 1000 năm. Đề nghị nhóm biên soạn suy nghĩ lựa chọn tên khác có tính khái
quát hơn. Cuốn sách ra đời sẽ phục vụ đông đảo bạn đọc. Đến năm 2010 cuốn sách
mới xuất bản nên cần thiết phải đặt vấn đề nghiên cứu về du lịch trên phạm vi
Hà Nội mở rộng.
Cuốn sách đừng nên nặng về số liệu sẽ nặng nề, không
mang tính chất “sách”. Số liệu sử dụng trong cuốn sách phải là số liệu chính
thức về Hà Nội chứ không phải là số liệu của Viện nghiên cứu. Về định hướng:
nếu thực hiện được sẽ rất tốt nhưng đây sẽ là một khó khăn đối với nhóm biên
soạn do phải có cơ sở mà Hà Nội lại mới sát nhập, chưa có nghị quyết, ý kiến
chỉ đạo chung. Cách viết về nội dung này cũng phải nhẹ nhàng, không gây nhàm
chán. Về cấu trúc: nhấn mạnh thời kỳ đổi mới là hợp lý. Cuốn sách cần có một
lượng tương đối bản đồ, ảnh tiêu biểu để minh hoạ. Nhóm tác giả cần chú ý về mặt
thời gian thực hiện.
TS. Nguyễn Quang Lân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà
Nội đánh giá về đề cương: Có thể thấy tiến độ triển khai đề tài quá chậm. Tên
đề tài: đúng là chưa phù hợp, bó hẹp nội dung cuốn sách lại.
Về bố cục, tác giả chia thành 3 chương là hợp lý.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau: Chương 1: cần điểm lại những chặng đường
phát triển của Hà Nội: sau hoà bình lập lại, du lịch đã bắt đầu phát triển, có
mục đích phục vụ chính trị. Nếu không điểm nội dung này sẽ thiếu. Chương 2: Du
lịch Hà Nội trong thời kỳ đổi mới. Tiềm năng, nguồn nhân lực ai cũng thấy,
chính vì vậy, các tác giả cần tập trung khai thác vào điểm quan trọng nhất là
tư duy lãnh đạo: Thể hiện trong Nghị quyết 11 của Thành uỷ Hà Nội năm 1987. Đến
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 12, 13 đã xác định kinh tế du lịch của Hà Nội như
thế nào? Nghị quyết 14 là nghị quyết quan trọng đưa du lịch Hà Nội trở thành
một trung tâm lớn. Đây chính là cơ sở của các cơ chế phát triển du lịch. Chủ
trương và thực tế của du lịch Hà Nội có sự vênh nhau sẽ khó mà thực hiện nếu
không có chủ trương lãnh đạo. Chương 3: Cũng cần khai thác các chủ trương trong
các nghị quyết năm 1984, 1997, 2002. Đây là những cơ sở
quan trọng. Phương hướng giải pháp các quy hoạch đều có nhưng không có cơ sở pháp
lý để thực hiện. Đây là tình trạng chung của nhiều địa phương chính vì vậy cần
nhấn mạnh việc đề ra, ban hành cơ sở pháp lý.
Phạm vi nghiên cứu:
không thể dừng lại ở năm 2008, nếu không chưa xuất bản sách đã lỗi thời. Nếu có
thể, các tác giả nên mở rộng ra không chỉ khu vực Hà Tây mà cả vùng tam giác Bắc
bộ. Các tác giả nhanh chóng hoàn thành đề cương chi tiết, phối hợp với chủ đầu
tư tích cực hơn về mặt thời gian. Phụ lục: bản đồ nhất là bản đồ các tuyến du lịch,
bản đồ các danh thắng, địa điểm du lịch tiêu biểu, nổi tiếng cần phải có.
PGS.TS
Nguyễn Thị Bích Hà - một thành viên khác của hội đồng nhận xét: Đề cương xây dựng
còn thiếu tính khoa học. Phần nội dung chưa khoa học mà còn nặng mô tả, tính khái
quát chưa cao, thể hiện ở việc lặp các mục về Du lịch Thế giới, Du lịch Việt
Nam ở chương 2 và chương 3.
Các
tác giả cần quan tâm đến những hạn chế của Du lịch Hà Nội hiện nay. Đề cương cần
chỉnh sửa cho có tính khả thi hơn.
PGS.TS.
Đặng Duy Lợi đánh giá về đề cương: Đây là đề tài cần thiết trong Tủ sách. Đề cương
khá đầy đủ nhưng cần lưu ý một số nội dung sau: Bố cục chặt chẽ, hợp lý hơn, tránh
dàn trải, tránh trùng lặp; Phần mở đầu cần thể hiện rõ 2 nội dung quan trọng: Sự
hội nhập của du lịch Việt Nam trong đó có du lịch Hà Nội với du lịch thế giới, Vị
trí, vai trò của du lịch Hà Nội với nhân dân cả nước và sự phát triển của ngành
du lịch Việt Nam...; Phần nội dung: tập trung vào các nội dung chính: Tiềm năng
phát triển du lịch Hà Nội, Những thành tựu nổi bật của du lịch Hà Nội thời kỳ đổi
mới, Định hướng phát triển du lịch Hà Nội.
Cần
mở rộng phạm vi không gian nghiên cứu là Hà Nội mới (Hà Nội hiện nay). Đồng thời
cần sớm khẳng định được tên sách. Sách cần viết khéo, phục vụ đối tượng rộng rãi,
không nhất thiết chia theo từng giai đoạn như đề tài khoa học. Cuốn sách cần giới
thiệu được quy hoạch của Hà Nội trong tương lai.
TS. Lê
Trọng Bình nhận xét về đề cương với tư cách một thành viên hội đồng: Đây là đề
tài cần thiết trong Tủ sách. Nhất trí với nội dung dự kiến nghiên cứu. Trước khi
triển khai biên soạn, các tác giả cần xác định rõ đây là sách hay đề tài nghiên
cứu khoa học để có thể đưa ra cách tiếp cận vấn đề, cách viết cho phù hợp nhất.
Đề nghị cho ý kiến khẳng định về mục tiêu cuốn sách như thế nào, giới hạn, phạm
vi cuốn sách.
TS. Trần
Kim Hào đại diện Ban TVCM mảng sách Kinh tế cũng có nhiều ý kiến đánh giá về đề
cương: Đây là đề tài được Ban Kinh tế nhất trí ủng hộ thực hiện. Có thể khẳng định
đây không phải là đề tài nghiên cứu khoa học mà là một đề tài của một cuốn sách.
Nó được viết trên cơ sở các đề tài nghiên cứu khoa học đã có. Tên đề tài đúng là
hẹp quá, không bật được ý nghĩa, tầm quan trọng của du lịch. Đề nghị hội đồng hôm
nay gợi ý thêm về tên đề tài cho nhóm tác giả. Nội dung của cuốn sách vẫn tập
trung vào thời kỳ đổi mới nhưng tên phải có tính khái quát cao hơn. Làm rõ tính
kế thừa các sách về Du lịch đã xuất bản. Về phạm vi: là Hà Nội mở rộng.
Cuốn
sách không nên chi tiết quá về nội dung, phải thể hiện được tính tổng hợp cao.
Cách viết nên nhẹ nhàng, hấp dẫn, kết hợp với hình ảnh, bản đồ. Đề nghị nhóm tác
giả sớm khẳng định được tên cũng như cách đề cập các vấn đề.
TS. Vũ
Quang Lân - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, đơn vị giới thiệu đề tài phát biểu
ý kiến: Cuốn sách này chắc chắn không nên làm dưới dạng đề tài khoa học. Về phạm
vi, không nên giới hạn đề tài trước 01/8/2008. Trong quy hoạch Hà Nội năm 2007 đã
thông qua quy hoạch tổng thể từ 2007 đến 2015, nếu dừng lại ở năm 2008 cuốn sách
sẽ rất hạn chế.
Vấn đề
du lịch Hà Nội hiện tại đối với nhóm tác giả sẽ rất khó khăn: do mới sát nhập,
chưa có nghiên cứu tổng thể. Trong thời hạn 1 năm chỉ riêng việc lấy ý kiến của
các sở ban ngành đã rất khó khăn, chính vì vậy việc thực hiện là không khả thi.
Cuốn sách chỉ nên trích dẫn những định hướng: không nhiều, chỉ mang tính chất
minh hoạ. Nên viết dưới dạng cẩm nang du lịch của Hà Nội. Hiện nay đang thiếu sách
như vậy cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tên sách không nên cứng, có thể chọn “Du lịch Hà Nội - Thủ đô 1000 năm lịch sử”,
giới thiệu nhiều hình ảnh, nếu được làm song ngữ, làm trên đĩa CD sẽ tăng thêm
hiệu quả.
Ông
Nguyễn Khắc Oánh - đại diện Chủ đầu tư phát biểu ý kiến: Đây là đề tài trong Dự
án Tủ sách 1000 năm: có ý nghĩa tổng kết 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội. Chính
vì vậy đề tài cũng cần thiết mang tính tổng kết, định hướng. Việc tổng kết không
phải theo cách của một đề tài khoa học mà cần hấp dẫn, thu hút người đọc. Tên sách
nên mềm hơn, không quá dài. Hội đồng chỉ gợi ý, còn quyền quyết định chọn tên nào
là của nhóm tác giả.
Về nội
dung: Cần xác định được vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân, có
tính liên thông với các ngành khác. Giới thiệu, khái quát những vấn đề quan trọng,
từ đó đặt ra định hướng. Cái khó là chỉ ra được vấn đề tư duy lãnh đạo. Về tư
liệu không khó tìm, đề nghị nhóm tác giả tiếp cận nguồn tài liệu mà hôm nay các
thành viên hội đồng giới thiệu để bổ sung cho công trình.
Đề tài triển khai hơi chậm nhưng nhóm tác giả sẽ
không gặp khó khăn bởi vấn đề Hà Nội mở rộng. Cần sắp xếp các tuyến du lịch có
tính liên thông, minh hoạ bằng hình ảnh, bản đồ. Đề nghị nhóm tác giả làm việc
với chủ đầu tư để chọn tên, hoàn chỉnh đề cương, xin ý kiến hội đồng lần nữa
trước khi bắt tay vào biên soạn.
TS. Lê
Trọng Bình - Chủ tịch hội đồng kết luận: Tên cuốn sách: nhóm biên soạn phối hợp với chủ
đầu tư để lựa chọn. Mục tiêu của cuốn sách: phải tổng kết, quảng bá được vấn đề
du lịch Hà Nội nhân dịp 1000 năm. Cuốn sách sẽ phục vụ đối tượng rộng rãi. Lời
mở đầu của cuốn sách cần thể hiện được nội dung này.
Phạm vi: thời gian,
không gian không nên quá cứng, cần phải mang tính vùng, xuyên suốt cả thời
gian, không gian. Về nội dung lượng thông tin, cách thức biên soạn: nhóm biên
soạn căn cứ vào ý kiến của hội đồng đề giải quyết vấn đề. Kết quả 300 trang (kèm
ảnh và bản đồ minh hoạ) là phù hợp. Về thời gian thực hiện, nhóm biên soạn cần
làm việc với chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Nhà xuất bản Hà Nội
|