Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tuyển tập văn - thơ phương đình.. |  Bạn đang ở:Trang chủ » Các hoạt động

HỌP NGHIỆM THU ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT ĐỀ TÀI

TUYỂN TẬP VĂN - THƠ PHƯƠNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN SIÊU

(Chủ biên: PGS. Trần Lê Sáng)

 

Ngày 07 tháng 4 năm 2008 Văn phòng Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức họp nghiệm thu đề cương đề tài "Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu" do PGS. Trần Lê Sáng chủ biên. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Hội đồng thẩm định, đại diện Hội đồng Tư vấn khoa học Tủ sách Ban Tư vấn chuyên môn sách Văn học - Nghệ thuật cùng Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.

Thay mặt nhóm biên soạn, PGS. Trần Lê Sáng trình bày tóm tắt đề cương của đề tài:

- Đây là đề tài gồm 2 phần riêng biệt: Văn xuôi Nguyễn Văn Siêu Tuyển thơ Phương Đình. Cả hai cuốn đều do PGS. Trần Lê Sáng chủ biên, riêng phần tuyển thơ có sự tham gia của một số cộng tác viên.

- Về ý nghĩa của đề tài: ở Hà Nội có rất nhiều danh nhân đáng được viết tới trong dịp này như nhóm ở Thịnh Liệt (có Bùi Huy Bích...), nhóm nữ (có Hồ Xuân Hương...). Nếu Hà Nội càng mở rộng, càng có nhiều danh nhân. Đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội sẽ không phải như bây giờ. Nhóm biên soạn lựa chọn viết về Nguyễn Văn Siêu do trước hết ông là người Hà Nội, có nhiều đóng góp cho Hà Nội, là người trùng tu nhiều công trình văn hoá xung quanh Hồ Gươm, xây dựng Võ Miếu, viết nhiều văn bia và được bầu làm thành hoàng làng. (Không nhiều danh nhân được bầu làm thành hoàng). Điều quan trọng nhất: ông là người viết nhiều, trong tác phẩm có phần lớn viết về Hà Nội. Sau khi ông mất, học trò của ông đã tập hợp, in ấn, lưu hành sách về văn thơ của ông. Học trò của ông chia tác phẩm của ông ra làm 3 loại: văn loại, thơ loại, địa chí loại. Trong cuốn sách này nhóm chỉ chia thành hai đề tài Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu.

- Về Văn xuôi Nguyễn Văn Siêu tập trung ở Phương Đình văn loại. Trong Thư viện Hán Nôm hiện nay có 11 bản in, 1 bản viết tay, nhóm soạn giả chọn bản VHP.84015 gồm 898 trang in.

* Phương Đình văn loại gồm 4 tập, chia làm 5 quyển:

+ Phương Đình Văn loại Giáp tập: gồm chủ yếu các loại chiếu, biểu.

+ Phương Đình Văn loại Ất tập: gồm chủ yếu các loại chế, sách, biểu, tiên, khảo ...

+ Phương Đình Văn loại Bính tập: Chủ yếu là các bài văn sách, mở đầu là Âu dương văn.

+ Phương Đình Văn loại Đinh tập: bao gồm các bài Khánh, Hạ...

+ Phương Đình Văn loại Tục biên: những bài không xếp vào các loại trên. Bài đầu tiên là “Mỹ Lê triều tiết nghĩa bi ký”.

Tổng cộng Phương Đình văn loại có 230 bài với hơn 90 nghìn chữ.

* Bộ thứ hai tập trung những bài văn của Nguyễn Văn Siêu là Phương Đình tuỳ bút lục. Đây là tập văn do học trò Nguyễn Văn Siêu tập hợp các bài giảng của ông và in vào năm 1832 (năm Tự Đức thứ 2). Đây là bài giảng nên sẽ có: giảng về Tứ thư, Ngũ kinh. Trong đó Tứ thư có các bài giảng về Đại họcTrung dung, Ngũ kinh có các bài viết rất sâu sắc về Kinh Dịch Kinh Thư. Đặc biệt Phương Đình viết hay và có nhiều ý kiến độc đáo về cách viết sử. Ông đã so sánh bộ Xuân Thu của Khổng Tử với bộ Cương Mục của Chu Hy. Chưa mấy ai thời Nguyễn Văn Siêu hiểu sâu về Xuân Thu như ông. Phần Văn xuôi này, bản dịch năm 1996 Nhà xuất bản Văn hoá đã in nhưng chủ biên đã bỏ phần Kinh Dịch. Tuyển tập này bao gồm 120 bài và hơn 40 nghìn chữ.

*Phương Đình dư địa chí cũng là một tập sách thể hiện tài năng của Nguyễn Văn Siêu. Theo chủ biên, đọc văn Nguyễn Văn Siêu mà không đọc địa chí loại (chỉ đọc chế, chiếu, biểu) thì không thấy hết được cái tài viết văn chữ Hán của ông. Đặc biệt Nguyễn Văn Siêu nắm rất vững về thể loại địa chí, sẽ lấy một vài đoạn để cho vào tập sách này (Lý do: lấy Thăng Long làm mục tiêu nên sẽ lấy phần viết về Thăng Long thành và Thăng Long ngoại thành, Nhĩ Hà nguyên nhân khảo).

- Không còn dịp nào tốt hơn để giới thiệu Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu. Chính vì vậy, nhóm biên soạn dự kiến sưu tầm văn bia của ông, văn thơ của học trò viết về ông và các ảnh liên quan. Dự kiến tháng 12 năm 2008 nộp bản thảo.

- Về Tuyển thơ Phương Đình ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 4 tập: Phương Đình Vạn lý tập, Phương Đình Anh ngôn tập, Phương Đình Mãn hứng tập, Phương Đình Lưu lãm tập. Cuốn Tuyển thơ sẽ có hai phần: Phần đầu là lời giới thiệu, phần thứ hai là dịch thơ. Trong đó: Phương Đình vạn lý tập là thơ đi sứ (1849), Anh ngôn tập là thơ đối đáp với bạn bè, Lưu lãm tập là thơ đi chơi, Mãn hứng tập chủ yếu là viết về phong cảnh Hà Nội với bạn bè. Tổng số thơ của Nguyễn Văn Siêu khoảng 800 bài (bài có tiêu đề). Nếu tính số bài cụ thể là 1000 bài. Một bài sẽ có phiên âm, dịch nghĩa, nếu cần thiết sẽ dịch thơ. Dịch thơ Nguyễn Văn Siêu phải dịch từ đầu bởi thơ ông chỉ có khoảng hơn 30 bài được dịch trong tập “Ngọn bút thần Nguyễn Văn Siêu” do Phạm Quỳnh chủ biên.

          Ông Phạm Đức Duật - thành viên của nhóm biên soạn cho biết phần thơ Nguyễn Văn Siêu mới khảo sát thấy số lượng rất nhiều. Về thơ chưa dám so sánh với các nhà thơ khác nhưng chất lượng không bằng văn của danh nhân này. Cuốn thơ Nguyễn Văn Siêu, theo ông cần phải có phần dịch thơ, như vậy mới có giá trị. Nhưng làm như vậy đòi hỏi rất nhiều công phu, thời gian và kinh phí. Theo ông giải pháp tốt nhất nên chỉ tuyển dịch những bài thật sự xuất sắc.

          ThS. Phạm Vân Dung - một trong những người tham gia biên soạn cho rằng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc tuyển chọn, dịch và xuất bản tác phẩm của một người con của đất Thăng Long là cần thiết, có ý nghĩa. Phần dịch thơ của Nguyễn Văn Siêu rất khó, đòi hỏi phải có chú thích rất nhiều. Mục tiêu của nhóm là cố gắng dịch thơ sau khi dịch nghĩa. Như vậy mới đảm bảo được giá trị cuốn sách, người đọc mới có thể thấy được hết tài năng của Nguyễn Văn Siêu.

          PGS.TS. Chương Thâu nhận định vị trí của Nguyễn Văn Siêu, thì không cần phải bàn, như chúng ta thấy và chủ biên đã trình bày là rất rõ ràng. Tuy nhiên, ý định tách tuyển tập ra là 2 đề tài riêng biệt của PGS. Trần Lê Sáng theo ông là không cần thiết. Hiện nay, khi nghiên cứu hay xuất bản sách về 1 danh nhân, người ta thường gộp vào một công trình. Với đề tài này, tác giả nên để là Tuyển tập Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu, trong tuyển tập ấy có thể có hai phần, văn và thơ riêng, như vậy sẽ hợp lý hơn. Mặt khác ông cũng cho rằng chủ biên nên có một bài Tổng quan chung. Đây sẽ là bài viết giới thiệu đầy đủ về ông, làm sao nêu bật được giá trị thơ văn Nguyễn Văn Siêu, xứng đáng đứng trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

Về nội dung, theo ông nhóm biên soạn dường như chưa nhấn mạnh đến tư tưởng triết học, tôn giáo, chính trị của Nguyễn Văn Siêu. Theo tôi được biết, Nguyễn Văn Siêu là người duy nhất ở thế kỷ 18,19 nghiên cứu về Thiên Chúa giáo (trong cuốn Chư gia Thiên Chúa Giáo bị khảo). Các tác giả công trình nên lưu tâm sưu tầm và trích dẫn một số bài, cho đầy đủ, toàn vẹn chân dung Nguyễn Văn Siêu. Phần thơ, đúng là các tác giả sẽ gặp khó khăn vì phải trải qua nhiều công đoạn, lại không được kế thừa nhiều. Ông cho rằng nhóm biên soạn nên tính toán để tiến hành công việc làm sao để đảm bảo thời gian và chất lượng công trình. Sau phần tuyển chọn, dịch văn thơ Nguyễn Văn Siêu nên có một phần phụ lục: Thơ văn Nguyễn Văn Siêu qua các lời bình, các soạn giả, các thời đại… Đây sẽ là phần giúp người đọc hình dung về giá trị thơ văn Nguyễn Văn Siêu, cũng như hiểu được quá trình nghiên cứu về thơ văn của ông đã được tiến hành như thế nào, đến đâu.

Ông cũng góp ý có một phần rất hay trong thơ văn của Nguyễn Văn Siêu chính là những bài ông viết lưu ký ở các địa phương. Nếu nhóm biên soạn có thể sưu tầm và tập hợp được cũng là một cách cho thấy những đóng góp của Nguyễn Văn Siêu.

Về khối lượng tác phẩm theo ông nên cố gắng đạt được 2000 trang. Bố cục của cuốn sách nên có thêm phần sách dẫn (về tên người, tên sách, tên địa danh) để người đọc tiện tra cứu, sử dụng. Với cuốn sách này, dự tính kinh phí 200 triệu không phải là nhiều, nếu không nói là ít. PGS.TS. Chương Thâu cho rằng không nên để tuột mất một dịp rất có ý nghĩa để xuất bản thơ văn Nguyễn Văn Siêu. Chính vì vậy đề nghị nhóm tác giả lưu ý giải quyết những khó khăn trong phần thơ để đảm bảo đúng thời gian.

          PGS. Trần Nghĩa cũng cũng nhận thấy, về ý nghĩa của công trình không cần phải bàn thêm, vì nó đáp ứng được các tiêu chí của Tủ sách. Nhà nghiên cứu này đánh giá đây là đề tài tốt, lại được sự nhất trí của Hội đồng Tư vấn Khoa học cũng như Ban Tư vấn Chuyên môn mảng sách Văn học - Nghệ thuật. Lực lượng thực hiện có thể tin cậy được. PGS. Trần Lê Sáng là người có nhiều năm nghiên cứu về Nguyễn Văn Siêu, các thành viên khác trong nhóm đều là những người có kinh nghiệm trong ngành Hán Nôm.

Bên cạnh đó ông cũng đưa ra một vài ý kiến để nhóm tác giả cân nhắc. Trước hết, cũng giống như PGS.TS. Chương Thâu, quan điểm của ông là nên nhập hai bản đề cương này làm một: Tuyển tập Văn - Thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu hay chỉ cần Tuyển tập Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu. Thứ hai, đối tượng thơ văn tuyển chọn phải đặt mục đích phục vụ Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” lên trước. Chính vì vậy, nhóm tác giả nên hướng những tuyển chọn vào các tác phẩm mang tính Thăng Long - Hà Nội hay viết về Thăng Long - Hà Nội. Do Nguyễn Văn Siêu hoạt động trên nhiều lĩnh vực nên cần có sự ưu tiên này, tránh sa đà vào những cái ít có tính Thăng Long - Hà Nội.

Hơn thế nữa, do Thăng Long ngày nay đã mở rộng nên sẽ tuyển chọn như thế nào cũng là một vấn đề cần quan tâm. Theo ông, trước hết cần tuyển các bài về Thăng Long - Hà Nội, sau đó nếu dung lượng còn ít có thể mở rộng ra lấy những bài xuất sắc nhất của ông đưa vào để cho toàn diện. Như vậy, nhóm biên soạn cũng sẽ chủ động về thời gian.

Ông cũng cho rằng nhóm biên soạn cũng cần cung cấp thêm những thông tin về lịch sử vấn đề: do liên quan đến vấn đề bản quyền (tránh những rắc rối sau này). Những tư liệu có thể sử dụng: Nếu cuốn “Ngọn bút thần Nguyễn Văn Siêu” của Phạm Quỳnh có thể sử dụng được, tác giả vẫn có thể kế thừa bởi độc giả mới là người đánh giá.

Ông cũng có băn khoăn như PGS.TS. Chương Thâu, về số lượng bản thảo khoảng 2000 trang là đủ. Để tăng giá trị cuốn sách, tiện cho người đọc trong việc tra cứu, nên đưa cả phần chữ Hán vào ngoài phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ…

Về thời gian, trong 2 năm hoàn thành cả Tuyển tập Văn - Thơ theo ông là rất bức bách về thời gian, nhóm biên soạn cần tính toán như thế nào cho hợp lý để còn có thời gian cho công tác nghiệm thu bản thảo cũng như thẩm định, biên tập sau này.

PGS.TS. Trần Ngọc Vương nhận định PGS. Trần Lê Sáng là một tên tuổi quen thuộc, có nhiều nghiên cứu về Nguyễn Văn Siêu, ông khẳng định Nhà xuất bản đã lựa chọn được đúng người, đúng việc; và đánh giá bản đề cương mà PGS. Trần Lê Sáng trình bày nhìn chung là hợp lý

Bên cạnh đó nhà nghiên cứu này cũng có một vài ý kiến nhận xét như sau:

          + Trong bản đề cương PGS. Trần Lê Sáng cần viết cho được những bài tổng luận đầu các tập có chất lượng học thuật và ít nhiều mang tính lý luận, biện giải và nêu bật cho được những đóng góp của Nguyễn Văn Siêu đối với lịch sử văn học, lịch sử trước thuật Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Vì căn cứ vào những gì soạn giả đã viết ở trong đề cương, lối viết ấy chưa hứa hẹn những bài tổng luận có chất lượng cao.

+ Tiêu đề của Tập I nên là Tuyển tập Văn mà không nên là Tuyển tập Văn xuôi. Trước hết, vì thời Nguyễn Văn Siêu sống và trước tác, tên gọi văn thể “văn xuôi” chưa xuất hiện. Nói khác đi, ta không thể gọi tên thể loại mà Nguyễn Văn Siêu không sử dụng, về mặt lý luận văn học, “văn xuôi” là khái niệm của lý luận văn học hiện đại (có nguồn gốc châu Âu), gọi tắt của một khái niệm đầy đủ hơn, là “văn xuôi nghệ thuật”, trong khi với khái niệm “văn” vào thời Nguyễn Văn Siêu, người ta có thể và cần phải hiểu một nội hàm rất khác với nội hàm của khái niệm “văn xuôi” sau đó dăm ba chục năm. Với tiêu đề Tuyển tập Văn, có thể dịch trọn vẹn “Phương Đình dư địa chí”.

PGS.TS. Trần Ngọc Vương cũng yêu cầu các soạn giả nên cân nhắc lại ý định dịch thành thơ toàn bộ thơ của Nguyễn Văn Siêu. Theo ông trước hết cần in và phiên âm văn bản ra Hán Việt, dịch nghĩa cho thật chuẩn xác, còn phần dịch thơ, thì không nên gượng ép dịch tất cả, nếu thời gian và khả năng không cho phép.

Nhìn toàn bộ, trước tác của Nguyễn Văn Siêu cũng không phải là quá đồ sộ. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu này thì nên dịch hết những gì ông để lại mà hiện thời ta có.

Nhận định thời gian khá gấp gáp trong khi vai trò và trách nhiệm của người chủ biên rất lớn, do đó PGS.TS. Trần Ngọc Vương cũng yêu cầu chủ biên và nhóm biên soạn cần cân nhắc những ý kiến để hình dung lại các việc phải làm để đảm bảo tiến độ công trình. Nhà nghiên cứu này nhận định phiên âm, dịch nghĩa thật ra không quá khó, phần khó lớn nhất, đòi hỏi nhiều công sức thời gian nhất của công trình này chính là chú và dẫn để người đọc có thể hiểu rõ được nội dung, ý nghĩa tác phẩm. Theo ông, PGS. Trần Lê Sáng nên tìm thêm một vài cộng tác viên nữa để giải quyết một khối lượng công việc quá lớn, đảm bảo tiến độ dự án.

          Được biết cuốn Phương Đình tuỳ bút lục, PGS. Trần Lê Sáng đã từng xuất bản nhưng chưa đầy đủ và có thay đổi trật tự các phần trong cuốn sách, TS. Đặng Thị Hảo cho rằng lần này tác giả nên dịch toàn bộ và trình bày diện mạo của nó đúng như trước tác. Phần Kinh Dịch dù khó những rất quan trọng, tác giả nên dịch cho trọn vẹn. Đối với phần tuyển thơ nhóm biên soạn nên chỉ ra được cách thức, phương pháp tuyển chọn như thế nào cho phù hợp, đồng thời, cần làm bật lên được giá trị, đóng góp của thơ Nguyễn Văn Siêu. Nhà nghiên cứu này cũng đồng ý với dung lượng khoảng 2000 trang là vừa phải. Nhưng nhóm biên soạn cần cân nhắc về mặt thời gian, đội ngũ cộng tác viên như vậy có ổn không. Bởi khối lượng công việc sẽ vô cùng lớn, cần nhiều giai đoạn: đọc, hiệu đính, đánh máy… Một giải pháp mà chủ biên nên xem xét là chỉ tuyển thơ để dịch, mà theo bà nên lấy ở cuốn Phương Đình Mãn hứng tập bởi tinh tuyển sẽ có chất lượng hơn là dàn trải.

 GS. Đặng Đức Siêu cho rằng ngay từ đầu, tác giả nên làm chung một đề cương cho đỡ rối, như vậy, hội đồng đánh giá, nhận xét sẽ được tập trung và chính xác hơn. Là người đã từng làm tuyển thơ Nguyễn Văn Siêu, ông đánh giá thơ của tác gia này không xuất sắc bằng thể loại văn xuôi của chính Nguyễn Văn Siêu, cũng như so với thơ của Cao Bá Quát. Tuy vậy trong số lượng thơ ông để lại, vẫn có những bài có giá trị, ông cho rằng các tác giả có thể cân nhắc để dịch toàn bộ hay tuyển chọn những bài hay để dịch. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu này lưu ý Nguyễn Văn Siêu là một học giả, một nhà văn hoá, tư tưởng của ông rất sâu sắc, chính vì vậy trong khi dịch văn của ông phải có tiểu dẫn, chú thích, mới thấy hết ý nghĩa trong đó.

          TGĐ. Nguyễn Khắc Oánh thay mặt chủ đầu tư cám ơn Hội đồng đã nhận lời tham gia nghiệm thu đề tài này. Ông chia sẻ ban đầu, đây là đề tài được bàn cùng với cuốn về danh nhân Cao Bá Quát nhưng hiện nay cuốn Cao Bá Quát đã xuất bản khá nhiều, lại đang có vấn đề về bản quyền nên Hội đồng Tư vấn chỉ thông qua đề tài Văn - Thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Đề tài này do PGS. Trần Lê Sáng gửi đăng ký ở Văn phòng 1000 năm, nên mất một thời gian mới có thể thực hiện được. PGS. Trần Lê Sáng ban đầu chỉ làm phần Văn nhưng phía Chủ đầu tư cho rằng nếu như vậy không toàn diện mà lại không khác nhiều với các sách về Nguyễn Văn Siêu đã xuất bản. Chính vì vậy Ban Quản lý Dự án đã đề nghị PGS. Trần Lê Sáng làm cả phần Văn và Thơ, mặc dù về phần Thơ công việc rất khó.

Ông Oánh đề nghị sau buổi nghiệm thu hôm nay, tác giả làm lại đề cương theo hướng, nhập hai đề cương làm một trên cơ sở những ý kiến của hội đồng. Về kinh phí, chủ đầu tư nhận định công trình đòi hỏi trí tuệ, công sức rất lớn của tập thể tác giả. Tuy vậy, mọi công trình trong Tủ sách đều làm theo dự toán phê duyệt, cho phép, và kinh phí 200 triệu là một sự cố gắng của Nhà xuất bản so với các công trình khác trong Dự án Tủ sách.

Nhấn mạnh đây là một đề tài rất khó, nếu làm không khéo sẽ bất lợi, chính vì vậy ông Oánh yêu cầu trong những cái đã công bố rồi, cần làm rõ cái gì kế thừa, cái gì làm mới, đảm bảo được thời gian, chất lượng công trình. Về tên, tập thể tác giả nên cân nhắc: Tuyển tập Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu. Theo ông, tác giả nên làm lại một đề cương chung cho cả Văn và Thơ. Đề cương sẽ phải thống kê được tổng thể số lượng Văn - Thơ. Đặc biệt cần làm rõ việc ta tiếp thu cái gì (do liên quan đến vấn đề bản quyền).

Về kết cấu: Phần Tổng luận theo ông Nguyễn Khắc Oánh cũng nên làm chung cho cả bộ hai phần Văn và Thơ. Ông đề nghị tập thể tác giả đầu tư công sức, trí tuệ lớn cho phần này bởi đây chính là tuyên ngôn của cuốn sách. Phần Văn - Thơ Nguyễn Văn Siêu, đã là tuyển tập nên lựa chọn, không nên lao vào cái quá khó mà tập trung ở những cái đã có cốt cách cơ bản và mở rộng một số bài mới thực sự xuất sắc, có như vậy mới đảm bảo thời gian.

Về lực lượng, mỗi một nhà khoa học có một chuyên môn riêng, nhưng người chủ biên là “nhạc trưởng” có vai trò quyết định trong việc tính toán tổ chức điều hành lực lượng cho thật ăn khớp với nhau, đảm bảo tiến độ công việc. Ông Oánh đề nghị các thành viên trong hội đồng tiếp tục hợp tác với Nhà xuất bản thẩm định đề cương chi tiết chỉnh sửa sau nghiệm thu và bản thảo cuốn sách sau này.

Ông Phạm Quốc Tuấn cho rằng những ý kiến đóng góp của Hội đồng hôm nay là rất xác đáng. Nếu giai đoạn đề cương làm càng chi tiết, cẩn thận, giai đoạn bản thảo sẽ đỡ phải chỉnh sửa nhiều. Về thời gian, tất cả các bản thảo, Chủ đầu tư dự tính đến tháng 3 năm 2010 là phải hoàn thiện tất cả các khâu. Do vậy, nhà xuất bản không dám kéo dài hơn mốc thời gian, nhóm biên soạn cần thông cảm với áp lực công việc và tính toán thời gian để đảm bảo tiến độ. Bởi vì, đến giai đoạn bản thảo, sau nghiệm thu bản thảo, nhóm tác giả phải sửa chữa trước khi tiến hành thẩm định, hiệu đính, biên tập, cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Sau buổi nghiệm thu hôm nay đề nghị tác giả hoàn thiện đề cương theo những góp ý của hội đồng, văn phòng dự án sẽ tiếp tục chuyển đến hội đồng thẩm định lần nữa trước khi ký hợp đồng biên soạn.

PGS. Trần Lê Sáng cảm ơn những ý kiến góp ý sâu sắc của Hội đồng. Ông chia sẻ băn khoăn một số vấn đề liên quan đến quy trình triển khai và kinh phí thực hiện việc biên soạn cuốn sách.

 Ông Phạm Quốc Tuấn cho biết về quy trình chung của tất cả các đề tài trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, đều phải chỉnh sửa đề cương sau khi nghiệm thu để hội đồng thẩm định lần nữa. Ý kiến của hội đồng hôm nay đều nhất trí hai đề cương nên nhập lại làm một (có thể độc lập về thể loại). Đề tài này có thể bao gồm hai tập Văn và Thơ. Về kinh phí, chủ đầu tư biết rằng như vậy là không cao nhưng trong khuôn khổ Dự án, mức kinh phí không thể đưa quá cao, ngoài ra cũng còn cần phải cân đối với các đề tài khác trong Tủ sách.

 PGS. Trần Lê Sáng cũng bày tỏ một số quan điểm của người thực hiện. Nhóm biên soạn sẽ chỉnh sửa gộp hai đề cương làm một, nhưng theo ý kiến của chủ biên, không nên gọi hẳn tên Nguyễn Văn Siêu, mà nên có hiệu Phương Đình. Về thời gian: tập Văn cuối năm 2008 sẽ giao nộp bản thảo, tập Thơ đến tháng 6/2009.

Về ý kiến của PGS.TS. Chương Thâu, chủ biên cho rằng hiện nay, vấn đề tôn giáo và dân tộc là những vấn đề nhạy cảm, không nhất thiết phải khai thác sâu về vấn đề này. Về cuốn Thơ cơ bản nhóm biên soạn sẽ tiến hành phiên âm, dịch nghĩa chữ Hán và dịch thơ. Chú là cả một vấn đề, nhóm sẽ chú thích những chỗ cần thiết.

Phần thơ văn Nguyễn Văn Siêu qua thời đại, nhóm biên soạn sẽ cố gắng sưu tầm. Những phần dịch thơ của Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiếp có thể kế thừa hay không tuỳ thuộc vào ý kiến của chủ đầu tư. Thơ Nguyễn Văn Siêu mang tính chất lý học nhiều, rất logic nhưng không có nhiều hình tượng, khi đọc phải ngẫm nghĩ mới thấy hết cái hay. Thơ của ông không dành cho tầng lớp bình dân, mà thuộc tầng lớp trên nữa. Về “văn” và “văn xuôi” theo chủ biên có lẽ sử dụng thuật ngữ “văn” là hợp lý. PGS. Trần Lê Sáng cho biết sẽ cố gắng cố gắng đầu tư cho bài tổng luận thật tốt nhưng không thể quá nặng về học thuật.

GS. Đặng Đức Siêu thay mặt Hội đồng tổng kết lại những vấn đề của cuộc họp. Hội đồng khẳng định Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân của Hà Nội, xứng đáng có mặt trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

Tên đề tài Hội đồng cho rằng nên để là “văn” chứ không nên dùng “văn xuôi”. Như vậy sẽ phản ánh đúng được quan điểm của thời đại, giới thiệu đến bạn đọc phần lớn các trước tác của Nguyễn Văn Siêu ở nhiều thể loại khác nhau: bi ký, chế cáo, chiếu biểu…

Hội đồng lưu ý chủ biên rằng đây là Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chính vì vậy khi tuyển chọn nên quan tâm đến chủ đề, gắn với chủ đề thể hiện sự tôn trọng bạn đọc. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến bài tổng luận về Nguyễn Văn Siêu, gắn với tư tưởng học thuật của ông. Bài viết là xương sống của quyển sách, cung cấp những nghiên cứu, đánh giá cho bạn đọc quan tâm. Trọng trách của chủ biên sẽ đặt nặng ở vai trò này. Đề cương cần chỉnh sửa lại, nhập hai bản làm một. Nhóm biên soạn cũng cần thể hiện rõ đã tiếp nhận những ý kiến gì của hội đồng. đề cương chỉnh sửa cần có thống kê danh mục các tác phẩm của ông. Đây là vấn đề quan trọng thể hiện ý đồ lựa chọn của nhóm biên soạn. Phần tuyển cần lưu ý để đảm bảo được hai tiêu chí: chất lượng và tiến độ. Cũng cần cân đối giữa tuyển văn và tuyển thơ.

Hội đồng nhấn mạnh đây là một đề tài khó, đã có người làm rồi, chính vì vậy làm sao để cuốn sách ra đời tốt hơn các sách đã xuất bản. Hội đồng mong chủ biên và nhóm biên soạn đầu tư công sức, trí tuệ để đóng góp một quyển sách hay cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá