Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Logo tủ sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Các hoạt động

GIỚI THIỆU CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC LOGO
TỦ SÁCH “THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN”

Năm 2010, nhân dân Hà Nội và cả nước long trọng tổ chức Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của một Nhà xuất bản Tổng hợp duy nhất của Thủ đô, từ năm 2003, Nhà xuất bản Hà Nội đã hình thành ý tưởng xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đây là một dự án văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn nhằm hệ thống hóa, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1000 năm Lịch sử.
Thủ tướng chính phủ đã cho phép thành phố Hà Nội thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án. Tháng 8/2006, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt và giao Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện Dự án trong chương trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngay khi bắt đầu triển khai các hạng mục của Dự án, Nhà xuất bản đã chú trọng việc xây dựng biểu tượng để ghi dấu ấn riêng cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Nhà xuất bản cùng Ban Tư vấn chuyên môn mảng Mỹ thuật của Tủ sách đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong Hội đồng Tư vấn khoa học và các chuyên gia về Mỹ thuật, xây dựng chủ đề và nội dung của Logo Tủ sách:

1. Logo phải thể hiện được ý nghĩa tổng kết quá khứ 1000 năm lịch sử, đồng thời hướng tới tương lai.
2. Logo sử dụng các hình tượng tiêu biểu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội như Rồng thời Lý, Khuê Văn Các, Tháp Rùa, chùa Một Cột, hoa sen,… tùy theo ý tưởng sáng tác của từng tác giả.
3. Phải đảm bảo tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ.

Về hình thức tổ chức, Nhà xuất bản thống nhất với Ban Tư vấn chuyên môn và Hội đồng Tư vấn khoa học chọn mời các họa sĩ tham gia sáng tác Logo.
Cuối năm 2006, Nhà xuất bản phát động đợt 1 cuộc thi sáng tác Logo và tổ chức sơ kết, đánh giá vào giữa năm 2007.
Để số lượng mẫu Logo phong phú, đa dạng hơn, có thể lựa chọn được Logo có chất lượng cho Tủ sách, Nhà xuất bản phát động sáng tác đợt 2.
Cả 2 đợt phát động sáng tác Logo đều nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của các họa sĩ. Qua 2 đợt phát động đã có 20 họa sĩ tham gia với trên 60 mẫu Logo dự thi.
Cuối năm 2007, Nhà xuất bản và Ban Mỹ thuật đã tổ chức đánh giá và sơ tuyển những mẫu Logo có chất lượng và tổ chức Hội đồng giám khảo xét chọn.
Được sự giới thiệu của Ban Mỹ thuật và sự thống nhất của Hội đồng Tư vấn khoa học, Nhà xuất bản đã quyết định thành lập Hội đồng sơ khảo chấm Logo. Hội đồng sơ khảo gồm các chuyên gia có uy tín về mỹ thuật do PGS.TS.NSND Ngô Mạnh Lân làm chủ tịch. Việc chấm giải được tổ chức khoa học, khách quan và minh bạch. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Ban Tư vấn Mỹ thuật và Hội đồng giám khảo từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn chấm giải. Nhiều phương án được thảo luận, bàn bạc và các bước được thực hiện rất công phu.
Qua chấm sơ khảo vòng 1, Hội đồng đã chọn được 5 mẫu Logo tiêu biểu nhất và tập trung phân tích, đóng góp cho các họa sĩ có mẫu được chọn chỉnh sửa, nâng cao chất lượng để tiếp tục tuyển chọn vòng 2.
Hội đồng chấm sơ khảo vòng 2 đã chọn ra được hai mẫu có chất lượng tốt nhất và đóng góp cho hai họa sĩ có mẫu Logo được lựa chọn tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện hơn.
Để tham khảo ý kiến đóng góp rộng rãi của đông đảo độc giả, hai mẫu Logo được tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng kèm theo thuyết minh ý tưởng.
Qua email, điện thoại, thư từ của độc giả gửi đến Nhà xuất bản, nhiều ý kiến đóng góp và đánh giá cao chất lượng của hai mẫu Logo được giới thiệu, có thể lựa chọn làm Logo của Tủ sách với những căn cứ rất xác đáng.
Tham khảo ý kiến đóng góp của độc giả, Hội đồng tiếp tục góp ý để hai họa sĩ chỉnh sửa hoàn thiện Logo lần cuối để đưa vào chung khảo.
Tháng 9 năm 2008, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo gồm Hội đồng sơ khảo, đại diện chủ đầu tư, chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học và đại diện Ban Tư vấn chuyên môn Mỹ thuật. Hội đồng chung khảo đã phân tích, đánh giá cả hai Logo về cơ bản đã đáp ứng được chủ đề và nội dung yêu cầu của Tủ sách, chất lượng chênh nhau không nhiều. Hội đồng đề nghị lựa chọn một mẫu làm Logo chính thức của Tủ sách và một mẫu đoạt giải khuyến khích.
Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, Logo của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã đạt được những nội dung cơ bản sau:

1. Thể hiện được ý nghĩa tổng kết quá khứ, đồng thời hướng tới tương lai.
2. Biểu tượng sách và rồng kết hợp thể hiện được ý nghĩa của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

- Đầu rồng có hướng bay lên thể hiện tiềm năng phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
- Hình tượng Tủ sách tạo khối vuông vững chãi, bố cục chắc và có xu thế vươn lên.
Với ý nghĩa và yêu cầu rất cao của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, việc xây dựng Logo Tủ sách đạt chất lượng là hết sức khó. Do vậy cuộc thi sáng tác Logo Tủ sách dài hơn dự kiến ban đầu của Nhà xuất bản. Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn lòng nhiệt tình, trăn trở của Ban Tư vấn Mỹ thuật, Hội đồng giám khảo trong hoạt động phối hợp với chủ đầu tư đầy hiệu quả. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các họa sĩ đã dành trọn trí tuệ và tình cảm cho Tủ sách. Với tâm huyết của mọi người, chúng ta đã lựa chọn được Logo xứng đáng, góp phần quan trọng cho thành công của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá