Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Dự án tủ sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Giới thiệu

GIỚI THIỆU DỰ ÁN ĐẦU TƯ: ĐIỀU TRA, SƯU TẦM, BIÊN SOẠN
VÀ XUẤT BẢN TỦ SÁCH “THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Đến năm 2010, Thủ đô Hà Nội - Thành phố anh hùng, Thành phố vì hoà bình - sẽ tròn 1000 năm tuổi. Với quá khứ anh hùng và hào hoa, đất và người Thăng Long - Hà Nội đã hun đúc nên truyền thống văn hiến ngàn đời. Đó là những tài sản vô giá, gắn liền với những trang sử hào hùng, mang đậm sắc thái văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Trong dịp chào đón ngày hội lớn của nhân dân Hà Nội và cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhu cầu hiểu biết về Thăng Long ngàn năm văn hiến trở nên quan trọng và cấp thiết đối với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và đông đảo bạn bè trên thế giới. Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhằm hệ thống hóa, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử. Tủ sách sẽ giúp bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc. Từ đó kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, vạch ra đường lối phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian ngắn nhất đưa Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm với thủ đô các nước nên thế giới.
Việc xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng đặt cơ sở cho sự tiếp nối nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như của các thế hệ sau này.
Từ những ý tưởng trên, Nhà xuất bản Hà Nội đã xây dựng Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và đã đề xuất với Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thông tin (Nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Văn phòng Chính phủ và nhận được sự ủng hộ về chủ trương của các cấp lãnh đạo.
Sau nhiều cuộc họp bàn của các cơ quan chức năng, nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lí, Dự án đã được hoàn thiện và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND Thành phố Hà Nội thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án. Ban đầu, chúng tôi đề xuất xây dựng Dự án Tủ sách này với Kế hoạch 2004 - 2010. Nhưng thực tế, thời gian thực hiện Dự án không được dài như dự kiến. Đến cuối tháng 8/2006, Dự án được phê duyệt và đầu Quý II năm 2007 được phê duyệt dự toán tạm thời. Nhà xuất bản Hà Nội được giao làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án trong chương trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuy nhiên, xác định đây là một Dự án quan trọng có ý nghĩa lớn lao nên dù thời gian không nhiều, ngay từ khi Dự án đang trong quá trình hoàn thiện và chờ phê duyệt, Nhà xuất bản đã chủ động huy động nhân lực và ứng trước kinh phí triển khai các công việc chuẩn bị bước đầu.
Để từng bước hoàn chỉnh cơ cấu nội dung, nhân lực xây dựng và thực hiện Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức hàng trăm cuộc họp, hàng chục cuộc hội thảo quy tụ đội ngũ đông đảo cộng tác viên là các nhà khoa học, các nhà quản lí, văn nghệ sĩ, các giảng viên đại học cùng tập thể các Viện nghiên cứu khoa học, các trường Đại học; trung tâm lưu trữ quốc gia; hệ thống thư viện, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật Trung ương và Hà Nội.
Nhận thức được đây là một Dự án khó, chưa có tiền lệ, tính đặc thù cao và tính chất công việc phức tạp, Lãnh đạo Nhà xuất bản đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch hoạt động chi tiết và tập trung mọi lực lượng triển khai những công việc bước đầu của Dự án ngay từ khi chờ phê duyệt Dự án đầu tư và Dự toán kinh phí.
Chúng tôi xây dựng các phương án tổ chức bộ máy và lực lượng thực hiện Dự án (thành lập Hội đồng tư vấn khoa học cho Dự án, gồm 18 thành viên là các Nhà khoa học hàng đầu trên các lĩnh vực, do Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập Ban Quản lí Dự án, Văn phòng Dự án, xây dựng và ban hành quy chế quản lí và hoạt động của Dự án, quy định về thẩm định, đánh giá và kiểm tra các hạng mục, đề tài; thành lập các Ban Tư vấn chuyên môn cho các mảng đề tài của Dự án, gồm 8 ban: Lịch sử, Địa lí, Kinh tế, Văn hoá - xã hội, Văn học nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp, Mỹ thuật và Công nghệ thông tin)..
Hội đồng tư vấn khoa học và các ban tư vấn chuyên môn đã phát huy được vai trò, chức năng của mình, hoạt động thường xuyên phối hợp, có hiệu quả, cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án.
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và chủ động trong công việc, qua 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” bao gồm nhiều hạng mục với phạm vi nội dung rất rộng: Hạng mục Điều tra, sưu tầm; Cuộc thi sáng tác Logo cho Tủ sách; Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm; Hạng mục Biên soạn, xuất bản các đề tài của Tủ sách; Hạng mục Ứng dụng CNTT vào các hoạt động phục vụ Dự án; Hạng mục Biên soạn, xuất bản sách điện tử.
Hạng mục điều tra, sưu tầm, hệ thống hoá các tư liệu về văn hiến Thăng Long là một trong những nội dung quan trọng của Dự án.
Trong thời gian gần 2 năm qua, đơn vị chủ trì hạng mục Điều tra sưu tầm đã xây dựng nội dung và phương án tổ chức lực lượng tiến hành tổng điều tra, sưu tầm đồng thời tất cả các nội dung công việc:
- Tổng điều tra các công trình nghiên cứu khoa học về Thăng Long - Hà Nội.
- Tổng điều tra, sưu tầm nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ.
- Tổng điều tra, sưu tầm tài liệu thực địa trên địa bàn Thành phố.
Đến nay, tuy mới đi được non nửa chặng đường, nhưng chúng tôi đã thực hiện một khối lượng công việc khá lớn với kết quả khả quan.
Cùng với việc điều tra, sưu tầm, là việc tiến hành phân loại, thẩm định đánh giá giá trị tư liệu, lựa chọn những tư liệu cần thiết tiến hành dịch và hiệu đính (chữ Hán Nôm và phương Tây). Trên cơ sở tư liệu điều tra, sưu tầm, sẽ xây dựng Bộ Tổng thư mục đề yếu văn hiến Thăng Long - Hà Nội gồm 7 tập, các Tuyển tập tư liệu về hương ước, văn bia, địa bạ, địa chí, thần tích thần sắc, tư liệu nước ngoài, tuyển tập các văn kiện lịch sử.
Trên cơ sở của các tài liệu điều tra sưu tầm, sẽ xây dựng kho dữ liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội nhằm lưu giữ và phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cứu khoa học.
Một nội dung quan trọng của hạng mục điều tra sưu tầm là tổ chức khảo sát, điều tra và sưu tầm tư liệu qua kho lưu trữ của viện Viễn Đông Bác Cổ và ở nước ngoài. Kết quả đã thu thập được khoảng 9000 trang tư liệu của Anh và Hà Lan về Thăng Long thế kỉ XVII. Khối tư liệu đồ sộ này là của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh viết về Đàng Ngoài thời kỳ họ lưu trú và buôn bán tại Kẻ Chợ trong gần như toàn bộ thế kỷ XVII. Nội dung thực chất của các tư liệu này là về kinh đô Thăng Long, bởi các hoạt động lưu trú của thương điếm, hoạt động mua bán hàng hoá, đối ngoại … đều diễn ra ở Thăng Long. Nội dung tư liệu phản ánh khá đầy đủ các mặt về chính trị, văn hoá - xã hội, kinh tế, các hoạt động văn hoá, lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đời sống đô thị Thăng Long thế kỉ XVII. Có rất nhiều sự kiện quan trọng được mô tả mà trong các bộ chính sử Việt Nam hoàn toàn không ghi chép. Có thể khẳng định giá trị của nguồn tư liệu này về nghiên ưcú lịch sử, văn hóa Thăng Long nói riêng, Đàng Ngoài nói chung, là vô cùng lớn. Nếu được khai thác triệt để, nguồn tư liệu trên sẽ góp phần phục dựng lịch sử vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến trong thế kỷ XVII.
Bên cạnh việc triển khai hạng mục điều tra sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi tiến hành đồng thời các hạng mục của Dự án.
Để xây dựng biểu tượng cho Tủ sách, với sự tham gia tư vấn của ban Mỹ thuật, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức 2 đợt vận động sáng tác mẫu Logo với 20 hoạ sĩ tham gia, trên 60 mẫu thiết kế. Qua 3 vòng tổ chức chấm sơ khảo, Hội đồng chung khảo đã chọn được mẫu Logo chính thức cho Tủ sách.
Để bổ sung cho công tác điều tra, sưu tầm tư liệu trong nước, được sự ủng hộ của lãnh đạo Thành ủy, Ửy ban nhân dân Thành phố, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động “Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội”. Ngoài các nguồn tư liệu được sưu tầm, tập hợp tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện, các viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, ở nhiều gia đình, cá nhân hiện đang lưu giữ, sở hữu, kế thừa các tư liệu có giá trị về văn hiến Thăng Long, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua nguồn tư liệu quý hiếm này hiện còn đang được lưu giữ trong dân. Việc tổ chức cuộc vận động Hành trình tìm kiếm cũng nhằm giới thiệu một địa chỉ tin cậy cho những người có tâm huyết, nhiệt tình đóng góp xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Đây cũng là dịp để những người yêu Hà Nội thể hiện tình cảm với ước muốn được góp sức lực, tinh thần cho việc khơi thông và truyền lưu mạch nguồn văn hiến Thăng Long.
Để xây dựng cơ cấu đề tài cho Tủ sách, Nhà xuất bản phối hợp cùng với các Ban Tư vấn chuyên môn xây dựng đề tài cho từng mảng sách. Việc xây dựng cơ cấu đề tài cho Tủ sách hết sức dày công, thu hút trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học trong các Ban Tư vấn chuyên môn, Hội đồng Tư vấn Khoa học đến nay đã xây dựng được khoảng 100 đề tài bao gồm tất cả các lĩnh vực: Lịch sử, Địa lí, Văn hoá - Xã hội, Văn học - Nghệ thuật, Kinh tế và Tư liệu tổng hợp.
Do điều kiện hạn chế về thời gian, kinh phí nên sách của Dự án chủ yếu dựa trên cơ sở kế thừa các đề tài khoa học đã được đầu tư nghiên cứu, những công trình, tác phẩm có giá trị về Thăng Long - Hà Nội đã được công bố.
Việc tổ chức biên soạn sách hoàn toàn khác với việc đầu tư đề tài nghiên cứu khoa học. Nhưng để đảm bảo yêu cầu về chất lượng của Tủ sách, Nhà xuất bản thực hiện quy trình biên soạn nghiêm túc, chặt chẽ như quy định của đề tài khoa học, với các bước sau:

  1. Căn cứ vào yêu cầu và nội dung cơ cấu đề tài đã được xây dựng, với sự phối hợp của các Ban Tư vấn chuyên môn, Hội đồng Tư vấn khoa học, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học, các tác giả có uy tín và năng lực chuyên môn để mời các tác giả xây dựng đề cương chi tiết cho đề tài.
  2. Chủ đầu tư xem xét, đánh giá đề cương thống nhất với Trưởng ban Tư vấn chuyên môn trước khi tổ chức nghiệm thu.
  3. Thống nhất với Ban Tư vấn chuyên môn và Thường trực Hội đồng tư vấn khoa học thành lập Hội đồng khoa học nghiệm thu đề cương chi tiết. Thành phần nghiệm thu gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, có khả năng thẩm định và đánh giá.
  4. Sau khi đề cương chi tiết được nghiệm thu, thông qua, chủ đề tài sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện sau nghiệm thu và được chuyển đến Hội đồng nghiệm thu để lấy ý kiến đóng góp, đánh giá và hoàn thiện lần cuối trước khi tổ chức biên soạn.
  5. Trên cơ sở đề cương chi tiết đã được hoàn thiện về nghiệm thu thông qua, chủ đầu tư ký kết hợp đồng biên soạn với chủ biên đề tài.
  6. Trong quá trình tổ chức biên soạn, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra định kỳ tiến độ biên soạn, có sự tham gia của đại diện Ban Tư vấn chuyên môn và Hội đồng tư vấn khoa học.
  7. Sau khi bản thảo biên soạn xong, chúng tôi tổ chức nghiệm thu bản thảo. Sau khi nghiệm thu thông qua, bản thảo được chỉnh sửa, hoàn thiện theo đóng góp đánh giá của Hội đồng nghiệm thu và chuyển sang các công đoạn tiếp theo của quy trình xuất bản.

Với những đề tài khó, nội dung còn nhiều tranh luận, chưa thống nhất, chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chuyên đề lấy ý kiến đánh giá, đóng góp của các nhà khoa hoc, các cơ quan chức năng để xử lý bản thảo.
Với sự đóng góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học, các tác giả cùng các Hội đồng nghiệm thu, Ban Tư vấn chuyên môn, Hội đồng tư vấn khoa học, đến nay Tủ sách đã đạt được kết quả bước đầu khả quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện cơ cấu đề tài, chúng tôi vẫn tiếp tục phát hiện bổ sung những đề tài mới có giá trị, đồng thời loại bỏ những đề tài trùng lặp, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của Tủ sách.
Nhà xuất bản đã nâng cao hiệu quả cho hoạt động của Dự án, làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu Tủ sách tới rộng rãi các tầng lớp nhân dân, bằng việc ứng dụng CNTT điều hành, quản lý, quảng bá phục vụ Dự án.
Bên cạnh sách xuất bản truyền thống, Nhà xuất bản cùng với các nhà khoa học xây dựng kế hoạch xuất bản 10 bộ sách điện tử (với danh mục dự kiến như sau:

  1. Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội
  2. Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI
  3. Hà Nội qua tư liệu lưu trữ 1873 - 1954
  4. Từ điển đường phố Hà Nội
  5. Tổng thư mục đề yếu tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội
  6. Tuyển tập các công trình nghiên cứu Lịch sử, Văn hoá, Văn học - Nghệ thuật
  7. Thành Thăng Long
  8. Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội
  9. Atlas Thăng Long - Hà Nội
  10. Hà Nội - Danh thắng và di tích)

Dự án triển khai trong thời gian ngắn, tính chất phức tạp, rất nhiều khó khăn trong khi tổ chức lực lượng, kinh nghiệm thực hiện một dự án lớn còn thiếu và yếu. Từ đó, đã bộc lộ những lúng túng trong việc xác định, triển khai các hạng mục công trình. Do vậy, hiệu quả hoạt động còn hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và chất lượng các hạng mục dự án. Nhà xuất bản đã từng bước rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế.
Từ ngày 01/8/2008, Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính. Trong việc tổ chức biên soạn Tủ sách phải bổ sung nội dung về địa bàn Hà Nội mở rộng trong các đề tài của Tủ sách, phản ánh được vị thế và diện mạo của Thủ đô mới trong dịp kỷ niệm 1000 năm. Tuỳ theo tính chất, nội dung và tiến độ của từng đề tài, việc bổ sung được thực hiện với những cấp độ khác nhau. Có những đề tài chúng tôi giới thuyết rõ ở phần Tổng quan, Lời nói đầu. Có những đề tài kế thừa những nghiên cứu, công trình đã có về Hà Tây để bổ sung cho đề tài. Lại có những công trình đã hoàn tất việc biên soạn, nhưng thấy cần thiết phải đầu tư nghiên cứu biên soạn phần tiếp theo về Hà Tây. Với những công trình, tác phẩm thực sự có giá trị về Hà Tây đã được công bố và khẳng định, chúng tôi sẽ xuất bản trọn vẹn trong cơ cấu Tủ sách.
Trong thời gian không dài đối với một dự án khó, khối lượng công việc nhiều, đạt được kết quả bước đầu như trên, ngoài những cố gắng nỗ lực của mình, Nhà xuất bản Hà Nội đã nhận được sự động viên, khích lệ, ủng hộ và đóng góp to lớn của rất nhiều tập thể và cá nhân. Chúng tôi tin tưởng rằng, mặc dù còn rất khó khăn trong điều kiện thời gian không còn nhiều, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố cùng sự tập trung công sức , trí tuệ của đông đảo các tập thể và cá nhân đồng lòng hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhất định thành công.

 
 
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá