NỘI DUNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ: ĐIỀU TRA, SƯU TẦM, BIÊN SOẠN
VÀ XUẤT BẢN TỦ SÁCH “THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN”
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG DỰ ÁN
Dự án được xây dựng trên các căn cứ chính trị - pháp lý sau đây:
- Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 4/5/1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Nghị quyết 15/NQ-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.
- Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội số 29/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 23/12/2005 “Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và thành tựu đổi mới, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
- Công văn số 8206 BKH/TĐ &GSĐT ngày 24 tháng 11 năm 2005 thẩm định Dự án: Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ.
- Công văn số 1186/VPCP-VX ngày 7/3/2006 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án: Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
- Công văn số 2118/UB-KH&ĐT ngày 22/6/2004 của UBND thành phố Hà Nội, Công văn số 667/CV-TU ngày 19/12/2003 của Thành ủy đã thống nhất giao cho Nhà xuất bản Hà Nội làm Chủ đầu tư Dự án.
II. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA DỰ ÁN
1. Mục đích quan trọng và cấp thiết của Dự án
Năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, ngàn năm của thành phố anh hùng, thành phố của hòa bình. Trong lòng người dân Thủ đô cũng như trong niềm tự hào của toàn quốc thì đó là ngàn năm của văn hiến Thăng Long.
Văn hiến Thăng Long là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần của Thủ đô được kết tinh từ truyền thống của dân tộc và từ tinh hoa của mọi miền của Tổ quốc Việt Nam.
Vì những lẽ trên, trong dịp chào đón ngày hội lớn này của nhân dân Việt Nam và của Thủ đô Hà Nội, nhu cầu hiểu biết về Thăng Long ngàn năm văn hiến trở thành quan trọng và cấp thiết đối với nhân dân Thủ đô, với nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cả đối với đông đảo bè bạn trên toàn thế giới.
Đáng lẽ sách báo, tư liệu, tài liệu còn chứa đầy trong thư viện có thể thỏa mãn được yêu cầu của họ nhưng các ấn phẩm, văn bản, tài liệu lại quá nhiều làm sao có thời gian để chọn sách, đọc sách nhằm hiểu biết Thăng Long - Hà Nội một cách khái quát dù sơ lược nhất. Vấn đề đặt ra một cách cấp thiết là làm thế nào trong thời gian 5 hay 7 năm có thể điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản một số sách tối thiểu để giúp bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc để nhận dạng được bộ mặt hoàn chỉnh của Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử. Giải pháp có hiệu quả nhất là xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
2. Ý nghĩa của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ bao gồm những cuốn sách cơ bản nhằm hệ thống hóa, thâu tóm và bổ sung cho hàng ngàn vạn công trình, sách báo, tư liệu đã xuất bản từ trước đến nay.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ cung cấp cho độc giả trong nước và ngoài nước những kiến thức cần thiết về hoàn cảnh thiên nhiên và cư dân trên mảnh đất này, để từ đó nhìn thấy những bước phát triển về mọi mặt của Thăng Long qua ngàn năm lịch sử.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ nêu lên những đặc trưng của văn hóa và con người Thăng Long, những phẩm chất tốt đẹp về đạo đức và lối sống, về trí tuệ và tài năng được nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác tạo nên niềm tự hào cho nhân dân Thủ đô và toàn quốc.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ cung cấp cho bè bạn trên toàn thế giới những hiểu biết cần thiết về đất nước và con người Việt Nam trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khép lại ngàn năm vẻ vang đang qua và mở ra những ngày còn rực rỡ hơn nữa của ngàn năm đang tới.
Tóm lại, việc xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nhằm phản ánh một cách hoàn chỉnh bộ mặt tinh thần của Thăng Long - Hà Nội trước đồng bào trong nước và bè bạn nước ngoài.
3. Thời gian thực hiện Dự án
Dự án xây dựng Tủ sách Thăng Long có quy mô lớn với nhiều hạng mục mang tính đặc thù và giá trị tổng kết nên cần có khoảng thời gian tối thiểu từ 5 đến 6 năm để thực hiện. Tuy nhiên, đây lại là Dự án trực tiếp phục vụ lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên thời điểm 2010 là một dấu mốc rất quan trọng. Để "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" vừa đảm bảo chất lượng, vừa phục vụ kịp thời, thời gian thực hiện Dự án được dự kiến như sau:
- Từ 2006 đến 2010 Dự án sẽ hoàn thành về cơ bản, bao gồm theo các hạng mục đầu tư, điều tra, sưu tầm, biên soạn, xuất bản 100 đầu sách thuộc Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" và bộ sách điện tử (bộ CD - ROM) của Tủ sách, quảng bá và xây dựng Tủ sách cho Trung ương, các địa phương và một số nước có cộng đồng người Việt.
- Từ 2011 đến 2012, Nhà xuất bản Hà Nội sẽ chủ động khai thác kho tài liệu của Dự án (biên dịch, thẩm định, chọn lọc, biên tập, xuất bản các tài liệu có giá trị) để làm tài liệu tham khảo, sách tra cứu về Hà Nội nhằm hoàn thiện cho Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Đây là phần khai thác, quản lý sau đầu tư được thực hiện bằng nguồn vốn của Nhà xuất bản và các cơ quan, tổ chức xã hội khác.
4. Tính độc lập của Dự án
Dự án không trùng lắp với bất kỳ dự án nào đã có hay đang tiến hành. Với phạm vi hoạt động rộng, bao quát, thâu tóm nhiều lĩnh vực, Dự án sẽ kế thừa, phát triển những kết quả và thành tựu của các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học, trong đó có Chương trình khoa học cấp Nhà nước, mã số KX.09: "Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô" thông qua việc lựa chọn, thẩm định, bổ sung, hệ thống hóa và hoàn chỉnh theo các tiêu chí của Dự án.
5. Địa bàn tiến hành triển khai dự án
Dự án được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như ở các tỉnh thành trong cả nước và một số nước vốn có mối quan hệ nhiều mặt với Việt Nam như Pháp, Trung Quốc, Nga, Italia, Bồ Đào Nha, Nhật, Mỹ... nhằm thu thập tài liệu về văn hiến Thăng Long phục vụ dự án.
6. Cơ quan chủ trì.
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
(trực thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội).
Địa chỉ: Số 4 - Tống Duy Tân - Hà Nội.
Điện thoại: 8.27063 - 8252916
Fax: (84-4) 8257063
7. Các cơ quan phối hợp và lực lượng tham gia Dự án
* Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội:
+ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Kinh tế học, Viện Triết học, Viện Văn hóa, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học, Viện nghiên cứu Hán Nôm...).
+ Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển) và nhiều trường đại học khác.
+ Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam...
+ Thư viện Quốc gia; Trung tâm lưu trữ Quốc gia; Thư viện Khoa học xã hội và thư viện một số cơ quan chuyên ngành.
* Các cơ quan sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố có liên quan, đặc biệt là các cơ quan có liên hệ thường xuyên:
+ Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội.
+ Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
+ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
+ Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội.
+ Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội.
+ Thư viện Hà Nội.
Do dự án mang tính đa ngành nên sẽ sử dụng nhiều nguồn nhân lực.
Lực lượng tham gia dự án sẽ gồm: các nhà hoạt động xã hội, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, chuyên gia các chuyên ngành khác nhau trên địa bàn cả nước và quốc tế.
|