Quận Hai Bà Trưng - Những lần đổi thay về địa giới hành chính trong dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Quận Hai Bà Trưng trực thuộc thành phố Hà Nội được chính thức thành lập vào tháng 6/1981 trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của Khu phố Hai Bà Trưng. Chúng ta hãy cùng điểm lại những dấu mốc nổi bật về sự thay đổi địa giới của quận Hai Bà Trưng trong dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Vào thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất quận Hai Bà Trưng hiện nay thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, từ sau năm 179 TCN đến thời thuộc Tùy (602 - 618), vùng đất quận Hai Bà Trưng thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đường (618 - 905) đổi làm châu Giao Chỉ thuộc An Nam đô hộ phủ.
Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), vùng đất quận Hai Bà Trưng thuộc thành Đại La. Thời Lý - Trần - Hồ (thế kỷ XI - đầu thề kỷ XV), vùng đất quận Hai Bà Trưng hiện nay thuộc phủ Ứng Thiên, kinh đô Thăng Long. Thời thuộc Minh (1407 - 1427), thành Thăng Long đổi làm thành Đông Quan, thuộc phủ Giao Châu. Đến thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đổi phủ Ứng Thiên thành phủ Phụng Thiên, tức kinh đô Thăng Long, gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Từ đó, vùng đất quận Hai Bà Trưng hiện nay thuộc Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long).
Vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, vùng đất quận Hai Bà Trưng hiện nay chủ yếu thuộc địa giới của huyện Thọ Xương (tên cũ là Vĩnh Xương), phủ Hoài Đức, trấn Bắc thành và một phần thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Sau cải cách hành chính của vua Minh Mệnh (năm 1831), tỉnh Hà Nội được thành lập, gồm 4 phủ, 15 huyện. Từ đó đến cuối thế kỷ XIX, khu vực quận Hai Bà Trưng hiện nay chủ yếu thuộc địa giới huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức và một phần thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954, khu vực quận Hai Bà Trưng hiện nay thuộc quận II nội thành và quận VII ngoại thành, Hà Nội. Nghị định số 142/NQ-KC-HN của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội ngày 13/6/1949, chia Hà Nội làm 2 quận nội thành và 3 quận ngoại thành, khu vực này thuộc quận II nội thành và quận VI ngoại thành. Đến ngày 22/12/1949, theo Quyết định số 373/NQ-KC-HN của UBKCHC Hà Nội, hai quận I và II thống nhất thành một, lấy tên là Quận Nội thành và quận IV, V, VI hợp nhất làm Quận Ngoại thành. Khu vực quận Hai Bà Trưng hiện nay chủ yếu thuộc Quận Nội thành và một phần thuộc Quận Ngoại thành (các xã Vĩnh Tuy, Mai Động, Hoàng Mai, Quỳnh Lôi), thành phố Hà Nội.
Sau năm 1954, khu vực quận Hai Bà Trưng hiện nay được gọi là Khu phố Hai Bà Trưng, thuộc nội thành thành phố Hà Nội. Tháng 6/1981, quận Hai Bà Trưng được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của Khu phố Hai Bà Trưng, gồm 22 phường. Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-HĐBT thành lập phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng trên cơ sở tách thôn Mai Động và xóm Mơ Táo của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì. Ngày 14/3/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 42-HĐBT thành lập thêm phường Tân Mai trên cơ sở tách ra từ phường Giáp Bát. Ngày 26/10/1990, xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì được sáp nhập vào quận Hai Bà Trưng và đổi thành phường Hoàng Văn Thụ. Đến ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ (quận Hai Bà Trưng) về thuộc Quận Hoàng Mai quản lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, quận Hai Bà Trưng hiện nay gồm có 20 phường: Bạch Đằng, Bách Khoa, Bạch Mai, Bùi Thị Xuân, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Đồng Tâm, Lê Đại Hành, Minh Khai, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Phố Huế, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Trương Định, Vĩnh Tuy. Từ đây, quận Hai Bà Trưng là một trong 30 quận, huyện và thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Trên đây là vài nét phác họa về quá trình thay đổi địa giới hành chính của quận Hai Bà Trưng, được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 2 - Quận Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Quận Hoàng Mai”” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về quận Hoàn Kiếm hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách này. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Trang Thu