Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di sản vật thể đình Trung Hiền và chùa Trung Hiền xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng qua tìm hiểu những trang tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội
Thứ ba, 10/12/2019 02:01

Đình Trung Hiền và chùa Trung Hiền là hai di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2004. Hai di tích này thuộc thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 – Huyện Đan Phượng – Huyện Hoài Đức – Huyện Phúc Thọ” nằm trong

Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” có giới thiệu về hai di tích kiến trúc nghệ thuật đó. Bộ sách do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu – Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Khi tiếp cận bộ sách độc giả sẽ thấy đây là bộ sách khá đồ sộ với 10 tập cùng khoảng 15.000 trang tư liệu, bên cạnh việc cung cấp những thông tin về vị trí địa lý, lịch sử, diên cách của 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bộ sách còn giới thiệu hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể của những đơn vị phố phường, làng xã đó. Từ những trang hồ sơ tư liệu này, chúng ta có thể tìm hiểu lễ hội, trò chơi, trò diễn cùng những di sản phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Dưới đây, xin giới thiệu những nét khái quát về hai di tích đình Trung Hiền và chùa Trung Hiền để bạn đọc tham khảo.

Đình Trung Hiền

Đình Trung Hiền thuộc thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2004. Đình thờ 3 vị thần là Hải Thần hiển ứng đại vương (thần biển), Nhật Thực hiển ứng đại vương (thần Mặt Trời) và Chàng Út hiển ứng đại vương. Đây là ba vị thiên thần có công tọ dựng làng xóm và âm phù giúp Hai Bà  Trưng.

Đình có bố trí mặt bằng hình chữ “quốc” gồm: đại bái, hậu cung, hai dãy tả hữu mạc. Đại bái 3 gian 2 dĩ, xây kiêu đầu hồi bít đốc, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, giữ nốc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Cuối bờ chảy là hai tay ngai, phía trên đắp nghê chầu. Các bộ vì đại bái làm theo kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiên, hậu bẩy gối tường. Hậu cung làm 2 tầng mái, kiến trúc kiểu tiền đao, hậu đốc, bộ vì làm kiểu thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ chuyền, xà nách bẩy. Kết cấu kiến trúc hậu cung mang đặc điểm thế kỷ XIX.

Đình còn lưu giữ 1 quán tẩy gỗ chạm trúc hóa long, sen điểu, 1 sập thờ phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, 1 linh cẩu đá thời Lê, long ngai bài vị, hương án, bát bửu, hạc thờ… Đặc biệt là hệ thống sắc phong có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Tự Đức thứ 33 (1880) và Khải Định thứ 9 (1924).

Lễ hội đình Trung Hiền được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Phần lễ thường tổ chức tế lễ dâng hương tại đình và lễ rước nước về tắm long ngai, bài vị. Phần hội có  đấu vật, đánh cờ, thổi cơm thi, bắt vịt dưới nước…

Chùa Trung Hiền (Tây Lưu tự)

Chùa Trung Hiền thuộc thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2004. Chùa được xây dựng từ thời Lê Trung hưng. Năm 2003, chùa thay cột hiên bằng đá và xây lại cổng chùa. Kiến trúc tổng thể của chùa hiện gồm: cổng, chùa chính, nhà tổ điện mẫu. Chùa quay hướng Tây Bắc, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 5 gian với các vì làm kiểu thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ nách trên 4 hàng chân cột. Trang trí kiến trúc tập trung ở các xà, con rường, thượng lương với đề tài cúc lão hóa rồng, vân mây, lá lật… Thượng điện là 3 gian phía sau, với 4 bộ vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang.

Chùa còn bảo lưu 1 bức đại tự, 1 bức cửa võng trang trí đề tài lưỡng long tranh châu, cùng hệ thống hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác…

Đó là vài nét giới thiệu về hai di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2004 đình Trung Hiền và chùa Trung Hiền thuộc thôn Trung Hiền của xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 – Huyện Đan Phượng – Huyện Hoài Đức – Huyện Phúc Thọ” thuộc Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, độc giả có thể tiếp cận nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội phục vụ hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống di sản di vật và di sản văn hóa phi vật thể của các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ. Bên cạnh  đó, bộ sách này còn 9 tập khác về 27 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay sẽ là nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội có giá trị đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu về di sản vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.  

Đức Anh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá