Từ những trang tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội tìm hiểu lễ hội đình An Hạ và di sản vật thể đình An Hạ huyện Hoài Đức
Lễ hội đình An Hạ
Là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức ngày 12 tháng Giêng âm lịch tại đình An Hạ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Lễ hội do cấp xã tổ chức và quản lý. Đình An Hạ xưa thờ gia đình ông Đỗ Thiện – một cựu thần thuộc triều vua Thục Phán An Dương Vương. Khi quân Tần xâm lược nước ta, ông Đỗ Thiện cùng hai người vợ và chín người con đã tham gia đánh giặc. Sau khi thắng giặc, nhà vua đã phong tước Vương cho gia đình ông. Ngày nay, đình làng thờ bà Đỗ Thị Bảo – con gái Thái công đại vương Đỗ Thiện làm Thành hoàng. Bà được vua phong tước Huyền Vũ phong tư đệ lục vị công chúa, nay còn bài vị tại đình.
Lễ hội được tổ chức để tưởng niệm: Đỗ Thị Bảo. Phần lễ, dân làng tổ chức tế. Hằng năm lễ hội đình An Hạ do ba thôn Đào Nguyên, Ngự Câu và An Hạ thuộc xã An Thượng huyện Hoài Đức cùng tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị thành hoàng. Cứ 5 năm một lần ba làng lại tổ chức lễ rước lớn.
Mở đầu là lễ rước kiệu thánh từ đình làng ra quán. Lễ rước gồm năm kiệu là kiệu thánh để bài vị, kiệu văn, kiệu hoa, kiệu oản và kiệu hương. Mỗi kiệu do hơn 20 thanh niên trong làng được tuyển chọn khiêng. Trên đường kiệu đi qua các nhà trong làng lập các ban thờ ở cửa nhà mình để lễ thánh. Đến đạo quán, dân làng tổ chức lễ tế thánh. Đại diện những người cao tuổi trong thôn làm chủ tế. Sau đó là lễ dâng hương. Buổi chiều, năm chiếc kiệu lại được rước về đặt tại sân đình. Phần hội, có nhiều những trò chơi dân gian như mở chiếu chèo, cờ người…
Di sản vật thể đình An Hạ
Đình An Hạ thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Đình thờ công chúa Lục Vị. Tương truyền vào thời Thục An Dương Vương có bà họ Đỗ đêm nằm mơ thấy con rắn trắng cuốn mây hồng rồi nở ra 3 bông sen. Sau đó bà sinh ra 3 người con gái và đặt tên là Ả, Hai và Bảo. Khi đất nước bị giặc phương Bắc đe dọa, vua Thục cho tìm người hiền tài ra giúp nước. Người con thứ 3 của bà đã chiêu mộ được 300 người, xin nhà vua cho đi dẹp Giặc ở vùng Lĩnh Nam. Chiến thắng trở về người con thứ 3 được vua phong Chức tước. Ngày 10 tháng Bảy âm lịch, bỗng có trận mưa to gió lớn, các loài thủy tộc bị cuốn theo dòng nước. Bà cùng một số binh lính cũng bị cuốn theo. Vua thấy bà là người có công lao to lớn nên sắc chỉ cho trang An Hạ thờ và phong cho bà là công chúa Lục Vị.
Đình được bố cục kiểu chữ “đinh”, gồm nghi môn, tả hữu mạc, đại bái và hậu cung. Đại bái là hạng mục kiến trúc lớn, dài 21,3m, rộng 9m xây trên nền cao tam cấp và còn khá nguyên vẹn. Từ bên ngoài đã cảm nhận được vẻ bề thế của hình khối, sự mềm mại của các mái đao cong, và trang trí trên các bờ nóc, bờ dải cùng hệ thống cửa bức bàn và chấn song con tiện. Phần rốn nhện đắp nổi hình phượng – có thể gắn với việc thờ Thành hoàng làng là nữ thần. Bên trong, bộ khung đình làm bằng gỗ tứ thiết. Các bộ vì làm theo kiểu chồng rường trên bốn hàng chân cột, họa tiết trang trí tập trung vào bốn bức cốn chạm nổi cả hai mặt thuộc gian giữa, mặt chính chạm tứ linh và cua, cá, long cuốn thủy, mặt sau chạm tứ quý với các cây được uốn thế theo kiểu hóa long. Các nét chạm khắc ở đây khá cầu kỳ, đầu rồng gắn nổi cao. Nền đại bái ở gian giữa trũng thấp còn ở các gian bên cao hơn như kiểu sàn đình. Giữa là cửa võng thếp vàng lộng lẫy với bức đại tự Thánh cung vạn tuế, biển gỗ Thượng đẳng tối linh. Hậu cung có chiều dài 12m, rộng 7m, chia thành 2 phần với cửa bức bàn có lối đi hẹp ở hai bên. Phần ngoài bày hương án và nhiều đồ thờ tự có giá trị, phần trong làm sàn gác lửng, trên đặt khám thờ và long ngai bài vị Thành hoàng.
Đình còn lưu giữ bản thần phả, 17 đạo sắc, đạo sớm nhất có niên đại thời Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), chuông, lư hương, chiêng, hạc, cây đèn đồng, bình hương, chóe, hương án, bát bửu, mâm bồng…
Văn Tống