Lễ hội chèo tàu qua những trang hồ sơ tư liệu Thăng Long – Hà Nội
Xã Tân Hội phía đông giáp các xã Liên Trung và Tân Lập, huyện Đan Phượng; phía tây giáp các xã Đan Phượng và Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng; phía nam giáp xã Tân Lập, huyện Đan Phượng; phía bắc giáp các xã Hạ Mỗ và Liên Hà, huyện Đan Phượng. Xã hiện nay gồm 4 thôn: Hai thôn Thượng Hội và Phan Long (Sôn, trước kia đều thuộc xã Thượng Hội, tên Nôm là làng Gối. Khoảng năm 1926, xã Thượng Hội (làng Gối) gồm 2 thôn: Vân Hội và Phan Long, nay là hai thôn Thượng Hội và Phan Long thuộc xã Tân Hội. Thôn Thuý Nội, trước năm 1945 là xã Thuý Hội. Thôn Vĩnh Kỳ trước năm 1945 là xã Vĩnh Kỳ. Tính đến năm 2008, xã có một làng được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận làng nghề là Làng nghề cơ khí thôn Thuý Hội. Chợ Gối ở thôn Thượng Hội hằng tháng họp 6 phiên vào ngày 2, 6 (2, 6, 12, 16, 22, 26).
Lễ hội chèo Tàu là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch tại làng Gối, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà nội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý.
Tổng Gối là vùng đất trên bến dưới thuyền. Việc đi lại làm ăn buôn bán của người dân chủ yếu bằng thuyền bè. Hát chèo Tàu là hát chèo thuyền chờ nghĩa binh áo đen của Văn Dĩ Thành đi đánh giặc. Đội chèo thuyền đều là những người phụ nữ thành thạo với việc sông nước. Vì thế trong lễ hội hát chèo Tàu, những người hát đều là nữ như 4 mẹ chiêu quân, chúa tàu, cái tàu, con tàu và các quản tượng. Bà mẹ chiêu quân là những phụ nữ có công chiêu mộ quân lính cho đội nghĩa binh áo đen, dâng hiến con mình cho sự nghiệp chống quân Minh, mà đứng đầu là mẹ của Văn Dĩ Thành.
Chèo tàu - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo có tên gốc là hát “Tàu tượng”. Theo quy định của dân tổng Gối, từ 20 năm đến 30 năm mới tổ chức hội một lần và diễn ra liên tục trong 7 ngày, 7 đêm.
Từ ngày rằm tháng Tám âm lịch nhân dân 4 làng Thuý Hội, Thượng Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long đã bắt đầu chuẩn bị làm thuyền rồng và voi gỗ, luyện tập cho ngày lễ hội. Ngày 15 tại miếu Voi Phục, nhân dân bốn làng làm lễ trình thắp hương và hát những bài trình, bài chúc rượu và khiêng kiệu, đánh trống, cờ lọng, xe loan, có hương án, có hai tàu (thuyền) và hai tượng (voi) từ miếu ra lăng Văn Sơn. Chủ tế của từng thôn đọc bài văn khấn xong, dẫn chúa tàu, cái tàu, con tàu vào miếu làm lễ trình, hát dâng hương và dâng rượu. Trên mỗi thuyền đều có một bà chúa tàu và 12 cô gái làm cái tàu, con tàu. Cạnh đó là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi loa tù và làm hiệu. Sau lễ, dân làng rước kiệu ra đình.
Ngày 16 trình tự được lặp lại nhưng nội dung các bài hát của Tàu, Tượng thì thay đổi. Mỗi thôn có bài hát riêng của thôn mình. Khi biểu diễn, chúa Tàu đánh thanh la, hai cái tàu lĩnh xướng, 10 con tàu hát hoạ theo. Riêng phần hát nghi lễ đã có tới 30 bài hát khác nhau. Nội dung các bài hát trong diễn xướng chèo Tàu đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng tổng Gối.
Phần hội: Buổi đêm, những bài hát nghi lễ được thay bằng hát giao duyên hay trống quân, sa mạc, lý giao duyên… làm cho cuộc đối đáp trờ nên sinh động, phong phú. Ngoài múa hát là các cuộc thi tài như chơi cờ, thổi cơm thi, đánh đu.
Đó là những giới thiệu ngắn gọn về lễ hội chèo Tàu -một loại hình lễ hội dân gian của làng tổng Gối thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Để tìm hiểu về những di sản vật thể và phi vật thể của xã Tân Hội, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu về di sản vật thể và phi vật thể của các thôn làng, phường, xã tại các huyện Hoài Đức và Phúc Thọ, với những độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có giá trị để tham khảo. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
Xuân Trường