Vài nét về di sản vật thể của ba ngôi chùa thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội qua hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội
Chùa An Hạ
Chùa thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Chùa quay hướng Tây, gồm tam quan, tiền đường, thượng điện. Tam quan đắp nổi 4 trụ biểu trên thân trụ viết câu đối. Từ tam quan qua một khoảng sân tới tiền đường và thượng điện. Tiền đường 3 gian, hai đầu xây kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì làm kiểu chồng rường bào trơn đóng bén, đôi chỗ soi gờ chạy chỉ chạm lá lật. Phía sau là thượng điện, gồm 3 gian. Các bộ vì làm tương tự như ở tiền đường.
Ngoài ra, chùa còn có nhà tổ, nhà khách. Nghệ thuật chạm khắc nổi bật nhất tập trung vào 2 bức cửa võng và 42 pho tượng. Một bức cửa võng treo ở thượng điện, 1 bức treo ở tiền đường. các bức chạm khắc tứ linh, tứ quý, sơn son thếp vàng. Trong hệ thống tượng pháp, đáng chú ý hơn cả là các pho tượng trên thượng điện. Lớp thứ nhất là tượng Tam Thế tọa trên tòa sen, toàn thân thếp vàng, lớp thứ hai là tượng Di Đà tam môn, hai bên là Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, lớp thứ ba là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu mặc áo triều phục uy nghiêm, lớp dưới cùng là bộ Cửu Long gồm có tượng Thích Ca sơ sinh ở giữa, hai bên là Phạm Thiên và Đế Thích. Xung quanh tòa Cửu Long còn 18 pho tương nhỏ là các chư phật, bồ tát. Ngoài tiền đường bày tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác bằng đất luyện, trang trí hoa văn rực rỡ trên mũ, áo, ngực… cạnh 2 pho Hộ pháp là ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng.
Chùa còn lưu giữ nhiều bia đá, chuông đồng, bát hương, lục bình bằng sứ, hoành phi và câu đối…
Chùa Đào Nguyên (Đinh Vương tự)
Chùa thuộc thôn An Thượng, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 1998. Hiện nay chưa rõ thời gian khởi dựng chùa. Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng, quay hướng Tây. Kiến trúc gồm bái đường, tiền đường và thượng điện.
Bái đường 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, bờ nóc đắp 2 con kìm, phía trước 2 gian hồi xây tường, để 2 cửa hình chữ “thọ”. Các bộ vì làm kiểu chồng rường quá giang đơn giản giúp thông thoáng. Tiền đường gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lơp ngói ri, bờ nóc xây gạch chỉ, ở giữa có bức đại tự đắp nổi tên chùa Định Vương tự. Kết cấu các bộ vì thiên về bền chắc. ở các rường cụt, cột đội chạm khắc nổi hoa văn lá lật, lá ngô đồng… Thượng điện 3 gian, quay dọc, nối với tiền đường tạo thành kiểu chuôi vồ. Các bộ vì làm kiểu dân gian, chủ yếu là kiểu vì kèo suốt, quá giang vượt đơn giản.
Chùa còn lưu giữ 18 pho tượng thời Lê, 1 bức hoành phi, 2 câu đối, 1 chuông đồng và một số đồ thờ tự.
Chùa Lại Dụ
Chùa thuộc thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Năm 2013. Căn cứ vào những tư liệu thành văn hiện còn thì chùa xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn. Đến năm Bảo Đại thứ 4 (1929), chùa mở rộng quy mô. Những năm gần đây, chùa liên tục tu sửa, mở mang các hạng mục nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách và tam quan.
Chùa tọa lạc trong khu dân cư. Kiến trúc chính kết cấu dạng chữ “đinh”, gồm 3 gian tiền đường, 3 gian thượng điện. Ngoài ra, chùa còn có nhà tổ - nhà mẫu, nhà khách và khu tháp mộ - nơi yên nghỉ của những vị sư trụ trì đã viên tịch. Chùa còn lưu giữ 1 quả chuông đúc năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), 25 pho tượng Phật, tượng tổ, tượng mẫu, 2 câu đối, 10 cửa võng, 8 hoành phi niên đại thế kỷ XX.
Đó là vài nét giới thiệu về ba ngôi chùa: chùa An Hạ, chùa Đào Nguyên và chùa Lại Dụ, đây là 3 di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh, cấp Thành phố và cấp Quốc gia của xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Qua những trang tư liệu của cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 – Huyện Đan Phượng – Huyện Hoài Đức – Huyện Phúc Thọ” thuộc Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, chúng ta thấy được hình ảnh của những di sản vật thể của vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Độc giả có thể tiếp cận nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tìm hiểu về xã An Thượng, huyện Hoài Đức nói riêng, đồng thời phục vụ hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống di sản di vật và di sản văn hóa phi vật thể của các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ.
Vũ Văn