Từ những trang tư liệu tìm hiểu về quán La Thạch và miếu La Thạch – Hai di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh năm 2001 của xã Phương Đình, huyện Đan Phượng
Xã Phương Đình phía đông giáp xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng; phía tây giáp xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ; phía nam giáp xã Đan Phượng và thị trấn Phùng; phía bắc giáp các xã Thọ Xuân và Thọ An, huyện Đan Phượng. Nơi đây có quán La Thạch và miếu La Thạch thuộc thôn La Thạch. Trước năm 1945, thôn La Thạch là xã La Thạch.
Quán La Thạch
Quán La Thạch thuộc thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Quán được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh năm 2001. Quán thờ tam vị đại vương là Chu Cẩn, Chu Khiêm và Chu Đàm, là ba anh em sống ở thời Hán Hiến Đế. Cha là Chu Vinh, mẹ là Lỗ Thị Khoan. Gia đình làm nghề thuốc cứu người. Ba anh em đều nổi tiếng tinh thông văn võ, làm quan dưới triều Hán Hiến Đế. Khi vua Hán bị giết, Lưu Bị lên ngôi đã phong cho Chu Cẩn làm Chánh đô hộ, Chu Khiêm, Chu Đàm làm Phó đô hộ, cùng coi giữ đất Nam Việt. Đến thời Lê Trung hưng vua Trang Tông sắc phong Chu Cẩn làm Bảo Trung đại vương thượng đẳng thần, Chu Khiêm làm Vũ Minh đại vương thượng đẳng thần và Chu Đàm là Uy Liệt đại vương thượng đẳng thần.
Quán La Thạch được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Trải qua thời gian tồn tại, quán đã trùng tu nhiều lần vào các năm 1848, 1899, 1937.
Quán còn lưu giữ 10 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc sớm nhất có niên đại Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), 1 cuốn thần tích, long ngai – bài vị, hoành phi, câu đối, hương án, kiệu thờ, bát hương… có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.
Lễ hội truyền thống làng La Thạch được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 8 tháng Ba âm lịch hằng năm. Lễ hội có các trò chơi dân gian như: bắt vịt, bịt mắt bắt dê, thổi cơm thi đánh vật, đấu võ, bơi thuyền, múa rối, đốt pháo…
Miếu La Thạch
Miếu thuộc thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2001.
Miếu thờ Nguyễn Đăng Phi, hiệu Kháng Tu, Tự Đức Dũng, là con trai của quan Thái úy nhà Trần, nguyên quán tại Thanh Hóa, trú tại Đa Sỹ (Thanh Oai). Vì tránh sự truy bức của nhà Hồ nên Nguyễn Đăng Phi đã chạy lên vùng La Thạch tránh nạn. Lúc bấy giờ, vùng La Thạch là một bãi lau sậy hoang vắngthuộc lưu vực sông Hồng và sông Đáy. Nguyễn Đăng Phi đã tổ chức cho nhân dân từ Đa Sỹ lên La Thạch khai hoang lập làng. Sau khi mất ông được dân làng tôn làm Bản thổ đại thần và lập miếu thờ.
Tương truyền, miếu được xây dựng ngay sau khi Nguyễn Đăng Phi mất (thế kỷ XV). Đến nay miếu đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn lưu giữ nhiều mảng chạm kiến trúc truyền thống.
Miếu hiện còn lưu giữ 1 đôi rồng đá trang trí trên bậc thềm thế kỷ XVIII, 1 tấm bia Bản huyện quan phường bi ký niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1751), hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị… và nhiều đồ thờ tự có giá trị khác.
Với vài nét khái quát về di sản vật thể chùa La Thạch và miếu La Thạch – hai di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2001, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng được giới thiệu trong cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến cho chúng ta những hình dung về di sản vật thể của xã Phương Đình. Ngoài hai di tích trên, xã Phương Đình còn có những di sản vật thể khác như đình Cổ Ngoã Hạ, đình Địch Đình, đình Ích Vịnh, chùa Cổ Ngoã, … là những di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá, Di tích kiến trúc nghệ thuật, Di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật cấp Tỉnh, cấp Quốc gia. Đối với những độc giả muốn tìm hiểu về những di sản vật thể và phi vật thể của xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có giá trị, hữu ích để tham khảo.
Anh Đức