Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò cởi vú mo, kén rể trong hội làng Đường Yên
Thứ tư, 11/12/2019 09:17

 Trò cởi vú mo, kén rể trong hội làng Đường Yên là một trong 10 trò diễn tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách“Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Nnhững trò chơi, trò diễn đó đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Và khi đọc, nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta.

Trò cởi vú mo, kén rể trong hội làng Đường Yên cũng có thể gọi là trò diễn nữ tướng Lê Hoa (một phụ tá đắc lực của Hai Bà Trưng) kén chồng sau khi dẹp tan quân xâm lược. Sở dĩ có từ cởi vú mo vì khi tham gia chiến đấu, nữ tướng Lê Hoa phải nịt ngực bằng mo cau để giả trai chỉ huy quân lính nơi chiến trận. Nay giặc đã dẹp xong, nữ tướng cởi vú mo để kén chồng là chuyện đương nhiên.

          Cuộc thi kén rể cho Thánh mẫu Lê Hoa có 4 phần: thi cày, thi câu ếch, thi chọc chó và thi bắt chạch trong chum. Trong bài này, chúng tôi xin chỉ giới thiệu 3 trò diễn cày, thi câu ếch và thi bắt chạch trong chum.

          Mở đầu hội thi kén rể là thi cày. Hai chàng dự thi đóng vai thợ cày, quần áo cộc nâu, chít khăn đầu, có hai đày tớ, đem theo trống khẩu để cổ vũ. Hai người đóng trâu mặc quần áo đen, đeo mặt nạ trâu. Dụng cụ là hai chiếc cày gỗ. Họ bắc vai trâu xong thì có trống cái phát lệnh. Cả hai cùng đọc bài vè:

          Trâu ơi ta bảo trâu này

          Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

          Trâu đừng đi vào đi ra

          Đường cày không thẳng thì ta thua người

          Đọc xong bắt đầu đánh trâu cày, phải đi đủ 4 đường cày, thẳng, nhanh, không lệch vai cày, đoạn tháo vai trâu, quấn chão vào vai cày phải tròn, chắc không tuột, không xổ. Giữa lúc thi, hai người hầu đi bên chủ gõ trống khẩu cổ vũ, động viên, người xem vỗ tay hò reo hưởng ứng.

          Kết thúc, giám khảo giơ thẻ báo điểm cho từng người.

          Thi câu ếch: Hai chàng vẫn quần áo nâu cộc, thắt dây thừng ở bụng đeo giỏ bên hông, 1 điếu cày, bùi nhùi lửa bằng rơm, mang cần câu dài màu sặc sỡ ngồi thu lu trong một vòng tròn đường kính 50cm.

          Trống lệnh đổi hồi. Bắt đầu cuộc thi, hai thí sinh vừa vung cần câu nhử mồi vừa đọc vè:

          Cái cần câu trúc, cái lưỡi câu vàng

          Anh túm đầu ngọc để sang đầu rồng

          Người ta câu bể câu sông

          Còn tôi câu lấy con ông con bà.

          Khoảng cách giữa người câu đến vòng ếch ngồi khoảng 5m. Người câu tung mồi vào ếch lúc bên phải, lúc bên trái, lúc cao, lúc thấp. Ếch vừa vồ mồi vừa đọc vè:

          Đầu gà má lớn thì chê

          Lấy anh câu ếch rủ rê ao bèo.

          Nếu ếch vồ mồi mà nhoài ra khỏi vòng tròn là phạm luật, không tính điểm. Còn anh nào tung mồi, ếch tóm được thì được tóm ếch đem về trình ban giám khảo. Cứ một hồi ba tiếng trống mà không câu được ếch là mất một lượt câu. Phải câu đủ ba lượt, ai câu được ếch và không phạm luật là thắng cuộc.

          Thi bắt chạch trong chum: Đặt trước sân 2 chiếc chum sành to đổ đầy nước, bỏ dăm con chạch sống vào chum, bên cạnh mỗi chum vó một hũ sành để thả chạch bắt được vào. Ba tiếng trống hiệu, hai thị nữ vào phục vụ thí sinh bắt chạch. Trò này, thí sinh cởi trần, quần thắt búi lá toạ, quấn khăn đầu rìu. Thị nữ mặc yếm đào để tay trần. Họ khuấy nước bằng tay làm cho cạch chạy lung tung thêm khó bắt. Ba hồi trống cầm chịch thời gian. Thí sinh nào bắt được chạch cho vào hũ thì quần chúng reo hò cổ vũ ầm ĩ. Trống dứt ba hồi là kết thúc. Ban giám khảo đếm số chạch bắt được ở hũ con để công bố ai thắng cuộc.

          Tổng kết 4 đợt thi, ai thắng nhiều hơn là được chọn làm rể.

          Mẫu bà đứng ra tuyên bố:

          Nay nhờ lộc trời vận nước ban cho

          Ta truyền cho muôn dân hát hò

          Mừng nữ tướng có phu thê tài giỏi!

          Trống, chiêng kết thúc.

          Trò diễn kén rể đối với mẫu bà, kén chồng đối với nữ tướng Lê Hoa là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng. Trò diễn hay bởi cái chất dân gian trữ tình mộc mạc, bởi gương mặt rạng rỡ của những người cùng tham dự một lễ hội rất nông thôn trong thời đại văn minh kỹ thuật số hiện đại, thời đại công nghệ 4.0 thì thật thú vị.

          Trên đây là vài nét phân tích về trò cởi vú mo, kén rể trong hội làng Đường Yên được giới thiệu trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”. Cuốn sách này cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.

           Huy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá