Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất
Thứ tư, 11/12/2019 09:17

Trong cuốn sách“Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, trò dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất là một trong 10 trò diễn tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu. Có thể thấy, trong cuốn sách này, về trò diễn các tác giả lựa chọn 10 trò diễn mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Trò diễn ải lao trong hội Gióng, trò con đĩ múa bồng trong hội làng Triều Khúc, trò múa Tết nhảy của người Dao xã Ba Vì, trò thi bơi chải trong hội làng Đa Chất, trò dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất, trò thuỷ chiến cửa đình hội làng Khê Hồi, trò cởi vú mo, kén rể ở trong hội làng Đường Yên, trò múa hát chèo tàu hội tổng Gối xưa, trò múa hát dô đền Khánh Xuân, trò giồng voi, chém may trong lễ hội làng Khê Thượng.

Trò dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất còn gọi là hội dập sào bắt cá chép sông Tích. Ca dao vùng này từ xưa đã có nhiều câu ca: “Mong cho lúa tốt khoai tươi/ Để anh vào hội anh chơi dập sào/Vào hội mà vui mà chơi/Mà bắt cá chép mà bơi dập sào”. Hội dập sào sông Tích bắt nguồn từ trò bắt cá sông Tích thờ đức Thánh Tản ở lễ hội đền Và. Vì vật hội này chỉ có trò hội không có lễ. Tuy nhiên bước vào trò cụ thể, ông trùm hội vẫn kính cẩn khấn nguyện về phía núi Tản để xin ngài chứng giám và cầu cho bắt được nhiều cá.

          Hội dập sào thường bắt đầu từ tháng Tám âm lịch diễn ra trên đoạn sông Tích chảy qua khu vực thị trấn huyện lỵ huyện Thạch Thất. Từ Hà Nội có thể đến với khu vực có trò bắt các chép sông này bằng cách theo đại lộ Thăng Long đến đoạn rẽ phải theo đường từ huyện lỵ Quốc Oai lên huyện lỵ huyện Thạch Thất chặng đường dài 35km là đến. Khách du lịch ở Hà Nội đi ô tô hoặc đi xe máy đều thuận tiện.

          Đây là một trò diễn nặng nề phô diễn trò bơi lặn sông nước. Hội tập hợp tất cả những ai có sức khoẻ và muốn tham gia, bao gồm nam thanh niên khoẻ mạnh, trung niên có tuổi hoặc thiếu niên mới lớn, miễn là các thành viên ấy phải giỏi bơi lội và có nhu cầu cùng kiếm cá sông. Dụng cụ bắt cá là một cây sào dài khoảng 5m, to bằng cổ chân, cổ tay. Gốc sào được gắn 4 gọng cụp và một lưới gai, một cái vợt để bắt cá, một chiếc giỏ tre to để đựng cá hoặc vài chiếc lạt để xâu cá. Hội còn tuyển chọn một đội cổ động viên thiếu niên mang theo trống con, não bạt hò reo cổ động.

          Trước ngày khai hộ, hội có họp ở nhà ông trùm hội (mỗi năm bầu một lần) bàn việc ngày giờ tổ chức và kiểm đếm công cụ của các hội viên. Vào hội ông trùm thắp mọt nắm nhang hướng về phía núi Tản kính cẩn cầu đức Ngài ban lộc. Một trẻ trai tung con cá mõ xuống nước. Lập tức cả hội dập sào lao xuống dòng sông. Họ bắt đầu rê sào chụp cá. Khi cá mắc chụp, người cầm sào khéo kéo lặn xuống đáy sông dịt cá vào lưới rồi rê sào đến chỗ nước nông thì gỡ cá khỏi lưới bỏ vào giỏ hoặc xâu cá vào lạt tre. Và cứ mỗi lần như thế tiếng trống hội và tiếng hò reo của những người cùng hội lại rồ lên rộn rã. Cá chép sông Tích xưa nhiều vô kể. Vào cữ tháng Tám cá đã lớn vừa tầm đánh bắt. Vì vậy khởi hội từ lúc mặt trời mọc đến gần trưa, số cá đánh bắt được đã lên tới cỡ tạ. Một số sac nhanh chóng được chuyển về nhà bếp ông trùm hội để chế biến liên hoan. Và khi hội kết thúc, ai cũng có cá chép mang về cho gia đình hoặc bán cho những người muốn mua.

          Sông sâu, nước chảy, cá bơi lội phân tán nên sự đoàn kết, hiệp đồng giữa những người cùng chơi là rất quan trọng. Vì vậy, ý nghĩa lớn nhất của hội dập sào là tình đoàn kết, tính cộng đồng. Hội còn có lệ chọn người bơi lặn giỏi để thi bơi hàng tổng hoặc tiến cử vào đội thuỷ binh của Nhà nước. Và chính vì có hội nên vùng Thạch Thất có nhiều ca dao hay viết về hội này. Chẳng hạn một bài ca dao trữ tình như sau: “Yêu anh dáng vóc cao cao/Anh vác dập sào đi kiếm cá sông/Cá sông có vợ có chồng/Chồng biến thành rồng bỏ vợ bơ vơ”. Một câu hỏi không lời đáp chẳng liên quan gì đến hội dập sào mà sao cứ vấn vương.

          Trên đây là vài nét phân tích về trò diễn dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất được giới thiệu trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”. Cuốn sách này cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.

          Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Có thể thấy, những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Và khi đọc, nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta.

Huy Nguyễn

 

Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá