Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một số sự kiện về thể chế chính trị, quân sự, pháp luật nổi bật trong thời nhà Lý
Thứ tư, 11/12/2019 02:30

Một thời đại muốn phát triển thì thể chế chính trị, quân sự, pháp luật luôn là một vấn đề quan trọng. Kinh tế văn hóa muôn phát triển thì các chính sách này đòi hỏi càng phải thể hiện ý chí tinh thần quyết tâm của thể chế đó. Các chính sách của thể chế ảnh hưởng rất lớn đến gia đình chính vì vậy mà tác giả GS. TS Lê Thị Quý đã đưa các thể chế này trong cuốn “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

           Thời Lý đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng hơn và sự cai trị đã dựa nhiều vào pháp luật hơn là sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân. Sự kiện nhà Lý chọn thành Đại La làm kinh đô, đổi tên thành Thăng Long đã đánh dấu sự cai trị không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để phòng thủ đất nước như các triều đại trước mà còn dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân. Những danh thần như Lý Thường Kiệt, Lê Văn Thịnh, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Bùi Quốc Khái, Doãn Tử Tư, Đoàn Văn Khâm...đã có những đóng góp to lớn vào sự ổn định về chính trị, chiến thắng về quân sự và tạo nên một nền văn hiến rực rỡ của triều đại nhà Lý.

Quân đội nhà Lý mang tính chính quy và phân cấp,  được xây dựng có hệ thống và quy mô hơn các triều đại trước đã trở nên hùng mạnh. Binh lính ở thủ đô thành quân triều đình (cấm quân) đóng ở trong và xung quanh kinh thành, chịu trách nhiệm canh gác cung điện, phủ quan  gọi là "thiên tử binh" và quân địa phương (quân ở các lộ, đạo, dân binh ở hương, động, sách... còn gọi là "lộ quân" hay "sương quân"). Các Hoàng đế nhà Lý chủ trương đẩy mạnh các lực lượng thủy binh, kỵ binh, bộ binh, tượng binh cùng số lượng lớn vũ khí giáo, mác, cung, nỏ, khiên là những kỹ thuật tiên tiến nhất học hỏi từ quân sự Nhà Tống. Nhà Lý có đủ khả năng thảo phạt các bộ tộc ở biên giới, cũng như Chiêm Thành hay cướp phá thường xuyên, bảo vệ thành công lãnh thổ và được mở rộng hơn vào năm 1069,  khi Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Quân đội nhà Lý còn vẻ vang hơn khi đánh bại quân đội nhà Tống với sự kiện danh tướng Lý Thường Kiệt chủ động tấn công vào đất Tống năm 1075, dẫn đến trận Như Nguyệt xảy ra trên đất Đại Việt và quân đội nhà Tống hoàn toàn thất bại.( Đào Duy Anh 2005).

Nhà Lý thi hành chính sách “Ngụ binh ư nông”. Đây là quốc sách gửi binh lính vào trong nông nghiệp được nhà Đinh là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam áp dụng kéo dài đến thời Lê Sơ. Sang thời Hậu Lê thì chính sách này mới bị xoá bỏ. Tới khoảng năm 1790, một dạng của chính sách ngụ binh ư nông được Nguyễn Ánh thi hành. Theo chính sách này,  binh lính phải lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng thời gian nhất định.

         Nhà Lý được xác định là nhà nước đầu tiên ở Việt Nam chính thức có hệ thống pháp luật từ khi giành độc lập sau thời Bắc thuộc mà thời nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê trước đó chưa có. Năm 1042, vua  Lý Thái Tông ban hành sách Hình thư, đây là sách Luật đầu tiên của Việt Nam, có thể coi như tổng hợp của luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật hôn nhân gia đình ngày nay ở mức độ đơn giản. Hình thư gồm có 3 quyển, đã bị thất truyền sau thời kỳ phá hủy văn hóa Đại Việt của nhà Minh vào đầu thế kỷ XV.Cơ quan chuyên trách pháp luật của nhà Lý là Bộ Hình và Thẩm hình viện. Trong một số trường hợp, vua đích thân xử án các vụ kiện.

          Trừ 10 tội nặng gọi là thập ác (bất trung, bất hiếu, bất kính, bất nghĩa...), nhà Lý cho ban hành thể lệ chuộc tội: những người già trên 70 tuổi, trẻ con dưới 15 tuổi, người có nhược tật, những người họ nhà vua và người có công nếu phạm tội có thể chuộc tội bằng tiền, tùy theo tội nặng nhẹ thì nộp tiền với mức độ nhiều ít khác nhau.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, việc giết trâu bò được quy định chặt chẽ. Người giết trâu, bò bừa bãi không theo quy định bị xử tội nặng.Pháp luật nhà Lý phản ánh và chấp nhận sự xuất hiện của chế độ tư hữu ruộng đất, chỉ rõ sự phân biệt đẳng cấp xã hội, trong đó quý tộc quan liêu được hưởng đặc quyền.

        Thăng Long trở thành kinh đô của các vương triều phong kiến. Sự hình thành kinh đô với các đặc điểm là trung tâm chính trị, kinh tế , văn hóa của cả nước đã được xác lập. Thăng Long được quy định về địa lý. Về  chính trị, quân sự xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền và quân đội thường trực. Về kinh tế nông nghiệp (tiểu nông là chính), tiểu thủ công nghiệp, buôn bán. ( Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo, 2009).

Qua đây chúng ta thấy được những giá trị cần lưu giữ của thể chế chính trị, quân sự và pháp luật đây là nền tảng quan trọng để phát triển đất nước xã hội và gia đình Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phong kiến.

                                                                                                           Lê Ngân

Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá