Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di tích văn hóa Phùng Nguyên trên đất Hà Nội: Những dấu tích tại địa điểm di tích Đàn Xã Tắc
Thứ tư, 18/12/2019 08:29

Trên đất Hà Nội phát hiện khoảng 10 di tích văn hóa Phùng Nguyên, trong đó một số lớn đã qua khai quật. Di tích phát hiện được không những nhiều mà hiện vật thu nhận được cũng rất phong phú, đa dạng. Bên hữu ngạn sông Hồng, có các di tích Văn Điển, Gò Cây Táo, Đàn Xã Tắc, Ngõa Long. Dưới đây xin giới thiệu về di tích Đàn Xã Tắc cùng những phát hiện về văn hóa Phùng Nguyên ở nơi đây. Di tích này được giới thiệu trong Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Di tích Đàn Xã Tắc thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Di tích được phát hiện năm 2006 trong lúc làm đường vành đai I thành phố Hà Nội đoạn từ Kim Liiên đến ngã tư Khâm Thiên – Ô Chợ Dừa và cách ngã tư này khoảng 300m. Trong lúc đào đất làm đường, công nhân phát hiện ra phế tích kiến trúc gạch trong làng Xã Đàn. Sau khi phát hiện các nhà khảo cổ liên hệ đến địa danh Xã Đàn và cho rằng đây là một di tích lịch sử quan trọng thời Lý cần phải được khai quật kịp thời để làm rõ. Cuộc khai quật được tiến hành ngay trong tháng 11/2006. Vì phải bảo tồn nguyên trạng di tích, do đó các hố đào được mở rộng xung quanh phế tích kiến trúc.

Kết quả khai quật cho thấy phế tích kiến trúc thời phong kiến nằm gần trên mặt đất, dưới đây là lớp đất văn hóa màu xám dày khoảng 20-30cm chứa nhiều di vật thời Hán như gạch, ngói ống, nồi, vò bát tráng men… Dưới cùng là một lớp đất văn hóa màu sẫm đầu ruồi dày khoảng 0,2m, nằm sâu cách mặt đất hiện nay khoảng 0,6-0,7m, trong chứa nhiều mảnh gốm thô và công cụ, vòng trang sức bằng đá.

Đây là một phát hiện ngẫu nhiên, từ đào thám sát phế tích kiến trúc phát hiện ra di tích khảo cổ tiền sử. Đây là lần đầu tiên phát hiện được một di tích tiền sử trong một quận nội thành của thủ đô Hà Nội.

Đồ đá có rìu bôn, đục, các mảnh vòng trang sức, bàn mài… Rìu bôn ở đây đều thuộc loại tứ giác, được chế tác cực kỳ tinh xảo, vuông thành sắc cạnh, nhẵn bóng, được làm từ hai loại đá badan và đá nêphơrit màu tím sẫm rộng bản. Phần lớn rìu bôn có hình chữ nhật hay hình thang, song cũng có một số gần hình vuông làm bằng đá nêphơrit. Số lượng đục ở đây thu được khá nhiều là loại đục dài được làm từ đá nêphơrit. Vòng trang sức bằng đá nêphơrit có mặt cắt hình chữ nhật dẹt, gần hình chữ D, hình chữ T. Có một mảnh vòng rộng bản, dẹt mỏng, mặt ngoài có mấy đường gờ nổi chạy quanh vòng rất đẹp.

Đồ gốm ở đây thuộc loại gốm thô mỏng, độ nung không cao lắm nên gốm bị vỡ nát nhiều. Hoa văn chủ yếu là văn thừng mịn, văn khắc vạch đơn giản và văn khắc vạch chấm dải kiểu gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Qua bộ di vật đá và gốm thu được có thể xác định đây là một di tích văn hóa Phùng Nguyên khá điển hình có trình độ như các di tích Văn Điển, Gò Cây Táo, Ngõa Long bên hữu ngạn sông Hồng. Thuở ban đầu, di tích này là một gò đất cao cách sông Hồng không xa lắm, sau hàng mấy ngàn năm sinh sống và xây dựng cho đến ngày nay đã trở thành một con đường bằng phẳng. Rất có thể xưa kia đã có nhiều di tích loại này trên các gò đất cao ven bờ sông Hồng như di tích Gò Cây Táo hoặc di tích Văn Điển, nhưng trải qua bao thăng trầm năm tháng đã bị san bằng, phủ lấp.

Bên tả ngạn sông Hồng còn có các di tích Núi Xây, Đồng Vông, Đình Chiền, Bãi Mèn, Tiên Hội, Xuân Kiều, Đình Tràng, Yên Tràng.

Đây là những giới thiệu sơ lược về di tích văn hóa Phùng Nguyên trên địa điểm Đàn Xã Tắc tại Hà Nội. Trong Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” gồm 2 tập với khoảng 2.500 trang thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do GS. Phan Huy Lê chủ biên đã phân tích và giới thiệu về di tích Đàn Xã Tắc này. Giáo sư cùng với đông đảo các nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” này với một ước muốn dựng nên một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng không ít thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội. Bộ sách gồm 28 chương theo phân kỳ lịch sử, như một thước phim quay chậm và cận cảnh về toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội trong một giới hạn thời gian từ khi con người có mặt trên mảnh đất này cho đến nay và không gian địa lý rộng lớn, trải qua nhiều biến chuyển đổi thay. Ngoài ra, độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn về những dấu tích của văn hóa Phùng Nguyên tại địa điểm Đàn Xã Tắc thì có thể tham khảo cuốn sách “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long” do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 20019, cuốn sách song ngữ này là công trình công bố kết quả khai quật địa điểm Đàn Xã Tắc với những phân tích, đánh giá khoa học, kết quả nghiên cứu khảo cổ học cùng nhiều hình ảnh minh họa rõ nét về di tích Đàn Xã Tắc  Thăng Long.

Thu Hương

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá