Di tích Gò Cây Táo và những dấu tích văn hóa Phùng Nguyên
Di tích Gò Cây Táo nằm trên cánh đồng Miễn, thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nên cũng có tên là di tích Triều Khúc. Di tích nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8,5km, cách quận Hà Đông khoảng 2,6km về phía tây nam, cách Quốc lộ 6 khoảng 1,7km, cách sông Hồng khoảng 7,5km về phía đông bắc. Di tích nằm trên một gò đất cao giữa triền sông Tô và sông Nhuệ, có độ cao hơn mặt nước biển khoảng 3,6m và cao hơn đồng ruộng xung quanh khoảng 0,85m. Trong một vòng bán kính khoảng vài km có các di tích khảo cổ Đàn Xã tắc, Văn Điển, Gò Chùa Thông, Chùa Gio, Phú Lương.
Di tích có chiều dài đông – tây khoảng 225m, chiều rộng bắc – năm khoảng 115m, diện tích ước tính khoảng 28.000 – 30.000m2, bao gồm Gò Cây Táo và những thửa ruộng bên cạnh.
Di tích Gò Cây Táo được nhân dân phát hiện từ năm 1956, nhưng đến năm 1971, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mới chính thức tổ chức điều tra nghiên cứu và tiến hành khai quật vào đầu năm 1972 với diện tích 150m2. Tầng văn hóa tương đối mỏng, chỉ dày trung bình khoảng 20-35m, nằm dưới lớp đất phù sa sông canh tác, có cấu tạo từ đất sét pha cát mịn màu nâu hoặc xám đen, trong chứa nhiều hiện vật đá và mảnh gốm. Trên mặt sinh thổ phát hiện được nhiều hố đất đen không có hình thù nhất định, sâu khoảng 10-40cm. Riêng ở hố 1, trong diện tích 35m2 đã có tới 25 hố đất đen. Tầng văn hóa có vài chỗ bị xáo trộn do hoạt động của cư dân cận hiện đại, nên có một số mảnh gốm và gạch sau này lẫn vào.
Hiện vật thu được tương đối phong phú. Kể cả hiện vật thu được trong hố khai quật lẫn thu được trong nhân dân, tổng cộng là 153 hiện vật, trong đó chủ yếu là đồ đá, gồm 140 chiếc, chiếm tới 92,9% hiện vật thu được, cùng một ít đồ gốm và xương động vật.
Đồ đá ở đây có kích thước tương đối nhỏ, mài toàn thân nhẵn bóng, phần lớn được làm từ đá badan, một số ít công cụ và đồ trang sức được làm từ đá nêphơrit. Về loại hình, có 35 rìu bôn tứ giác, 2 đục vũm, 20 bàn mài gồm loại đá ráp để mài thô và loại đá màu để mài mịn, 1 mũi nhọn tái chế từ mảnh vòng gãy. Đồ trang sức gồm 51 mảnh vòng có màu sắc khác nhau với mặt cắt ngang hình tam giác, hình chữ T và hình chữ nhật dẹt, 1 hạt chuỗi hình ống. Ngoài ra, còn có 1 lõi vòng và 29 hòn đá có vết gia công cưa, khoan, mài. Những đồ đá ở đây cho thấy người thợ đá đã sử dụng thành thao các kỹ thuật cưa, khoan, mài, phay, tiện, đưa nghề chế tác đá lên đến đỉnh cao.
Đồ gốm ở đây gồm 2 dọi xe sợi, 3 bi gốm, 3 mảnh chân chạc và 2.421 mảnh gốm vỡ. Đây là mảnh vỡ của các loại đồ đựng, đồ đun nấu và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như nồi, vò, bình, bát… Trong đó đáng chú ý là các loại bình, bát có chân đế hình vành khăn hơi choãi và tương đối cao. Phần lớn đồ gốm Gò Cây Táo là đồ gốm pha cát mịn, có một số văn khắc vạch chấm dải, văn in cuống rạ, văn đắp nổi quanh miệng. Phần lớn gốm ở đây có màu đỏ nhạt và được chế tạo bằng phương pháp bàn xoay.
Đồ đá cũng như đồ gốm ở đây khá giống với di tích Văn Điển. Ở đây cũng chưa phát hiện được dấu vết đồng, tuy nhiên các nhà khoa học có thể xếp di tích Gò Cây Táo vào văn hóa Phùng Nguyên, cùng một trình độ phát triển như di tích Phùng Nguyên, Văn Điển, cách ngày nay khoảng 3.500 – 4.000 năm.
Trên đây là những phân tích về di tích Gò Cây Táo nơi được xác định và được xếp di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên tại Hà Nội. Phần giới thiệu và phân tích về di tích này được trình bày trong Tập 1 Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do GS. Phan Huy Lê chủ biên. Bộ sách gồm 2 tập với khoảng 2.500 trang cùng 28 chương theo phân kỳ lịch sử, dựng nên một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng không ít thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu – Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bộ sách khá đồ sộ với 10 tập cùng khoảng 15.000 trang tư liệu, bên cạnh việc cung cấp những thông tin về vị trí địa lý, lịch sử, diên cách của 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bộ sách còn giới thiệu hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể của những đơn vị phố phường, làng xã đó.
Ngọc Hà