Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di tích Núi Xây – một di tích văn hóa Phùng Nguyên mang khá đậm phong cách vùng đồi gò trung du trên đất Hà Nội
Thứ tư, 18/12/2019 08:29

Có hơn 10 di tích văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện trên đất Hà Nội, trong đó một số lớn đã qua khai quật. Di tích phát hiện được không những nhiều mà hiện vật thu nhận được cũng rất phong phú, đa dạng. Bên hữu ngạn sông Hồng, có các di tích Văn Điển, Gò Cây Táo, Đàn Xã Tắc, Ngõa Long. Bên tả ngạn sông Hồng còn có các di tích Núi Xây, Đồng Vông, Đình Chiền, Bãi Mèn, Tiên Hội, Xuân Kiều, Đình Tràng, Yên Tràng. Dưới đây xin giới thiệu về di tích Núi Xây cùng những phát hiện về dấu vết văn hóa Phùng Nguyên ở nơi đây. Di tích này được giới thiệu trong Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Di tích Núi Xây thuộc xóm Ninh Hội, xã Tân Dân, huyện Kim Anh xưa, nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Di tích nằm ở sườn đông nam 2 quả đồi đất cao trên dưới 20m, bên bờ sông Cà Lồ, cách thị trấn Phúc Yên khoảng 3km – nơi có các di tích Núi Xây và Tháp Miếu, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 6km.

Di tích rộng khoảng 4.000m2, được phát hiện vào năm 1967 và Viện khảo cổ học tiến hành khai quật năm 1968.

Cuộc khai quật năm 1968 đã đào 100m2. Tầng văn hóa dày mỏng không đều, chỗ dày nhất tới 1,27m, chỗ mỏng nhất chỉ có 0,23m, trung bình dày khoảng 1m, là loại đất sỏi màu xám đen xốp, trong có lẫn một số rìu đá. Tầng văn hóa ở đây không giống với tầng văn hóa đất sét pha cát trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên vùng đồng bằng châu thổ mà giống với tầng văn hóa đất sỏi di tích Gò Đặng, Gò Sỏi trên đất Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Hiện vật thu được khá phong phú về số lượng và loại hình. Trong diện tích khai quật 100m2 đã thu được 351 hiện vật đá và 11.150 mảnh gốm vỡ.

Về đồ đá, chiếm số lượng lớn hơn cả là rìu bôn và bàn mài. Có tới 107 rìu bôn và 176 bàn mài, 11 đục và 38 mảnh vòng, 6 lõi vòng, 3 bàn nghiền, 1 chì lưới, 1 mũi tên dẹt hình lá liễu. Rìu bôn ở đây bên cạnh loại kích thước nhỏ nhắn còn có 33 chiếc kích thước khá lớn, chủ yếu là rìu bôn tứ giác, chỉ có 3 lưỡi rìu có vai và 3 lưỡi rìu có nấc. Ở đây cũng có 2 lưỡi rìu bôn có lỗ khoan tròn. Rìu có vai và rìu có nấc ở đây tuy không nhiều, nhưng so với các di tích văn hóa Phùng Nguyên khác thì con số 6 hiện vật cũng là đáng kể. Nó phản ánh mối giao lưu văn hóa giữa vùng trung du đồng bằng này với vùng núi phía tây, tây bắc và vùng ven biển đông bắc lúc bấy giờ. Vòng trang sức bên cạnh loại vòng đá kích thước nhỏ, mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt, hình gần bán nguyệt, hình chữ T thường gặp trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên, ở đây có khá nhiều vòng kích thước lớn mặt cắt ngang gần hình tam giác. Bàn mài ở đây gồm 2 loại là bàn mài thô và bàn mài mịn. Trong đó, bàn mài mịn có số lượng gấp đôi bàn mài thô. Đáng chú ý là tại đây phát hiện được 1 lưỡi rìu đá cuội và 5 phiến thạch có rãnh lõm đôi song song thường gọi là “dấu Bắc Sơn”. Sự có mặt của rìu đá cuội và đặc biệt là phiến thạch “dấu Bắc Sơn” là chỉ dẫn quan trọng cho việc tìm kiếm nguồn cội của văn hóa Phùng Nguyên. Sự có mặt của ba bàn nghiền trong một di tích văn hóa Phùng Nguyên cũng là một điều đáng được lưu ý. Rõ ràng, so với các di tích văn hóa Phùng Nguyên đã biết trên vùng châu thổ sông Hồng thì bộ di vật đá ở di tích Núi Xây phong phú, đa dạng hơn nhiều.

Đồ gốm ở đây chủ yếu là loại gốm thô, xương đen, mặt ngoài màu hồng, xám. Mảnh gốm có trang trí hoa văn chỉ chiếm khoảng 30%, trong đó ngoài văn thừng và văn chải còn có tới 17% là văn khắc vạch và văn khắc vạch chấm dải. Miệng gốm, ngoài loại miệng loe và miệng khum, đáng chú ý có một số loại miệng gần đứng thành dày phía ngoài có gờ nổi rất đặc trưng cho gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng di tích Núi Xây là một di tích văn hóa Phùng Nguyên mang khá đậm phong cách vùng đồi gò trung du so với các di tích văn hóa Phùng Nguyên khác trên đất Hà Nội.

Đây là những giới thiệu về di tích Núi Xây với những dấu vết văn hóa Phùng Nguyên tại Hà Nội. Tập 1 của Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã phân tích và giới thiệu về di tích này, bộ sách gồm 2 tập với khoảng 2.500 trang thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do GS. Phan Huy Lê chủ biên. Bộ sách với 28 chương theo phân kỳ lịch sử, như một thước phim quay chậm và cận cảnh về toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội trong một giới hạn thời gian từ khi con người có mặt trên mảnh đất này cho đến nay và không gian địa lý rộng lớn, trải qua nhiều biến chuyển đổi thay. Đây là công trình “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” dựng nên một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng không ít thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội.

Quang Tiến

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá