Những dấu tích văn hóa Phùng Nguyên tại địa điểm di tích Văn Điển trên đất Hà Nội
Di tích Văn Điển phân bố trên khu đất cao, thuộc phạm vi nghĩa trang Văn Điển, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Di tích cách trung tâm Hà Nội khoảng 9,5km về phía tây nam, cách sông Nhuệ 2,6km về phía đông và cách sông Hồng 5,3km về phía tây. Xung quanh di tích Văn Điển cũng đã phát hiện được một số di tích khảo cổ học khác, như phía nam có di tích Gò Chùa Thông, phía tây bắc có di tích Gò Cây Táo. Di tích Văn Điển có diện tích tương đối lớn, khoảng 175.000m2. Di tích được công nhân nghĩa trang Văn Điển phát hiện vào tháng 11/1962. Nhận được thông tin, Vụ Bảo tồn bảo tàng đã tiến hành đào 14 hố thám sát với diện tích 28m2, thu được 6 rìu bôn đá, 2 mảnh vòng đá, 1 hạt chuỗi đá, 5 bàn mài và một mảnh gốm thô. Cho đến nay, di tích Văn Điển đã được Đội khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn bảo tàng tiến hành 2 đợt khai quật.
Đợt khai quật thứ nhất tiến hành vào cuối năm 1963: đào 8 hố với diện tích 800m2 chia làm hai khu A và B, môi khu 4 hố.
Đợt khai quật thứ hai tiến hành vào tháng 9/1964: đào 4 hố với diện tích 100m2 .
Cho đến nay, di tích Văn Điển đã được thám sát và khai quật tổng cộng 928m2.
Di tích chỉ có một tầng văn hóa. Tầng văn hóa tương đối mỏng, dày không đều, chỗ dày nhất lên tới 70cm, nhưng có chỗ chỉ dày khoảng 20cm, được cấu tạo từ đất sét pha cát mịn có màu vàng xám. Dưới đáy tầng văn hóa có nhiều lỗ đất đen ăn sâu xuống sinh thổ.
Hiện vật thu được khá phong phú. Ngoài 1 tượng đá, 7 bàn mài, 11 rìu bôn đá, 2 mảnh vòng đá, 1 hạt chuỗi và một số mảnh gốm thô thu được trong quá trình điều tra và thám sát, hai đợt khai quật ở đây đã thu được 1.145 hiện vật đá, 102 hiện vật gốm tương đối nguyên vẹn hoặc có thể phục chế được cùng hàng vạn mảnh gốm.
Đồ đá bao gồm 288 rìu bôn, 24 đục, 1 mũi khoan, 184 bàn mài, 3 mũi tên, 611 mảnh vòng trang sức, 1 chiếc nhẫn, 16 hạt chuỗi hình trụ, 11 lõi vòng. Ngoài ra, còn có 1 thỏi đá hình chữ nhật, 3 mảnh đá hình con thoi, 1 mảnh đá hình tam giác và nhiều mảnh đá có dấu vết chế tác. Phần lớn đồ đá ở đây đều được mài toàn thân nhẵn bóng, vuông thành sắc cạnh, kích thước tương đối nhỏ. Phần lớn công cụ đá ở đây được làm từ đá badan màu xám, song cũng có một rìu bôn, đục kích thước nhỏ và đồ trang sắc được làm từ đá nêphơrit có nhiều màu sắc đẹp. Đáng chú ý là rìu bôn ở đây hầu như là rìu bôn tứ giác mặt cắt ngang hình chữ nhật, loại có vai cực hiếm. Tượng đá khắc hình một người đàn ông (thu lượm được qua điều tra) là hiện vật tương đối đặc biệt lần đầu tiên phát hiện được. Tượng mang phong cách sơ đồ và ước lệ, không có tay, mặt không được khắc họa chính xác, người thợ chỉ chú ý làm rõ bộ phận sinh dục. Điều này phải chăng liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở các cư dân nông nghiệp, con người cầu mong cho mùa màng sinh sôi nảy nở.
Đồ gốm bao gồm 4 dọi xe sợi, 92 bi gốm và 6 mảnh gốm cùng nhiều mảnh nồi, vò, bình, bát vỡ. Đồ gốm ở đây thuộc loại gốm thô, pha nhiều cát, mặt ngoài phủ một lớp áo mỏng mịn, thành gốm mỏng phần lớn có màu xám phớt hồng, độ nung tương đối thấp nên dễ vỡ. Phần lớn mặt ngoài gốm có trang trí hoa văn, nhiều hơn cả là văn thừng mịn, có một số lượng nhất định văn khắc vạch chấm dải, văn khắc vạch đơn giản, văn in cuống rạ… Đồ gốm ở đây, ngoài loại miệng loe còn có một loại nồi vò thành miệng dày gần đứng, trên thành miệng trang trí văn thừng mịn, đáy tròn sâu lòng rất đặc trưng. Phần lớn đồ gốm ở đây đều đã được chế tạo bằng phương pháp bàn xoay, nên tròn trịa, cân đối. Với 92 bi gốm được phát hiện, Văn Điển là một trong những di tích phát hiện được nhiều bi gốm nhất trong số các di tích được biết cho đến nay. Với sự có mặt của mũi khoan đá, lõi vòng, cùng nhiều mảnh đá tự nhiên có vết chế tác, có thể đoán định di tích Văn Điển là một di chỉ cư trú, đồng thời là một nơi chế tác, sửa chữa đồ đá ngay tại chỗ.
Qua loại hình cùng kỹ thuật chế tác hiện vật đá và gốm ở đây cho thấy di tích Văn Điển khá giống với các di tích thuộc Văn hóa Phùng Nguyên như Phùng Nguyên, Gò Cây Táo, Chùa Gio, Núi Xây, Lũng Hòa… Tuy chưa phát hiện được dấu vết đồng trong di tích Văn Điển nhưng với trình độ cao của kỹ thuật chế tác đồ gốm và đồ đá, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng di tích Văn Điển thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau hay ít cũng nằm trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thời đại đá mới sang thời đại đồng thau, cách ngày nay khoảng 3.500 – 4.000 năm. Các nhà khảo cổ học đã xếp di tích Văn Điển vào văn hóa Phùng Nguyên.
Trên đây là những phân tích về di tích Văn Điển nơi được xác định thuộc văn hóa Phùng Nguyên tại Hà Nội. Phần giới thiệu và phân tích về di tích này được trình bày trong Tập 1 của Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do GS. Phan Huy Lê chủ biên. Bộ sách gồm 2 tập với khoảng 2.500 trang cùng 28 chương theo phân kỳ lịch sử. Giáo sư cùng với đông đảo các nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” này với một ước muốn dựng nên một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng không ít thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội. Nó như một thước phim quay chậm và cận cảnh về toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội trong một giới hạn thời gian từ khi con người có mặt trên mảnh đất này cho đến nay và không gian địa lý rộng lớn, trải qua nhiều biến chuyển đổi thay.
Hương Thu