Tìm hiểu về hai di tích kiến trúc, nghệ thuật phường Đồng Xuân
Trước hết, chúng ta hãy cùng quay trở lại tìm hiểu về di tích Quán Huyền Thiên (Huyền Thiên cổ) có địa chỉ tại số 56, phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đây là di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 03/8/2007. Quán thờ Huyền Thiên Thượng đế, một trong những vị thánh tối cao của của Đạo giáo. Tương truyền, vào thời Tuỳ Khai Hoàng (năm 617), sau khi tu luyện đắc đạo tại núi Vũ Đương, Huyền Thiên Thượng đế thường đi du ngoạn khắp nơi, giúp nhân dân trừ yêu ma, cứu giúp chúng sinh. Ngài đã đến hồ Linh Động bên sông Nhĩ Hà, hương Long Đỗ để diệt trừ yêu quái. Nhân dân tưởng nhớ công ơn của ngài nên xây dựng quán để phụng thờ.
Tương truyền quán xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), song dựa vào những dấu tích hiện còn lưu giữ cho thấy quán có từ thời Lê Sơ. Tấm bia Trùng sáng Huyền Thiên bi minh niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1629) ghi chép: quán có từ thời Lê năm Thiệu Bình thứ 7 (1439). Bia còn cho biết hồi đó (tức năm 1628) nơi đây đã có 13 gian thờ Phật, thờ Mẫu và thờ thần Huyền Thiên. Tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) cho biết về việc trùng tu quán trong thời gian này. Đến thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793), quán trùng tu và đúc chuông. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), quán cất thêm 7 gian nhà hậu. Đầu thế kỷ XX, quán bị thu hẹp do thực dân Pháp mở rộng phố xá. Đến năm Bảo Đại thứ 5 (1930), quán xây dựng lại và giữ nguyên kiến trúc như hiện nay. Trong năm 1946-1947, quán bị tàn phá, tượng thần Huyền Thiên bị cháy do chiến tranh. Năm 1948, quán Huyền Thiên khôi phục theo bố cục cũ kiểu nội Công ngoại Quốc. Năm 2014, quán được trùng tu sau nhiều năm bị xuống cấp.
Mặt bằng tổng thể của quán gồm: nghi môn - gác chuông, 2 nhà bia, 2 giếng cổ và khu thờ chính. Nghi môn xây kiểu 2 tầng 8 mái là kiến trúc gạch nổi bật nhất trong toàn bộ các công trình của quán, mang dấu ấn kiến trúc cổ truyền. Khu thờ chính xây kiểu nội Công ngoại Quốc gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường 7 gian xây kiểu vọng lâu 2 tầng 8 mái là nơi thờ thần Huyền Thiên. Thiêu hương 2 gian nối với phần tiền đường và thượng điện. Áp hai tường hồi là hai dãy hành lang, nay dùng làm nhà khách. Nhìn chung, các dấu tích kiến trúc nghệ thuật hiện còn trong quán đều mang dấu ấn của những lần tu sửa năm 1930, 1948.
Quán còn lưu giữ hệ thống các pho tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, 1 pho tượng thần Huyền Thiên bằng gỗ trầm, 1 chuông đúc năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) thời Tây Sơn, 1 bia đá Trùng sáng Huyền Thiên bi minh niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1629), 1 tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1668), 40 tấm bia được ốp lên tường dọc theo hai bên tòa tiền đường và chính điện cùng nhiều đồ tế khí khác. Quán có hai ngày lễ lớn và ngày mồng 3/3 và mồng 9/9 âm lịch. Ngày 9/9 là ngày lễ chính với lễ rước tiến hành trong ba ngày kết hợp với nhiều sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc.
Bên cạnh Huyền Thiên quán, phường Đồng Xuân còn có đình Thanh Hà cũng là một di tích được xếp hạng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 21/1/1989. Đình Thanh Hà toạ lạc tại số 10 phố Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đình xây dựng sát chân La Thành của kinh thành Thăng Long xưa, thờ đại vương Trần Lựu - một vị tướng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc thời Trần (thế kỷ XIII). Ngày khải hoàn, đại vương đã về nơi này mở tiệc khao quân. Đình thờ đại vương như một vị thành hoàng làng, được vua ban sắc phong Thượng đẳng thần.
Bố cục kiến trúc của đình Thanh Hà gồm tam quan, sân và đại đình. Đình quay hướng đông, kết cấu theo hình chữ “công” gồm tiền bái, phương đình và hậu cung. Tiền bái ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bộ vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, giá chiêng trốn cột, hệ thống cửa bức bàn bao kín cả mặt ba gian. Ở hai gian bên, trước kia có sàn cao hơn mặt nền 0,5m, nay được đổ đất cao, lát gạch. Trang trí tập trung ở các quá giang với các hình rồng, hoa cúc, mây xoắn, tia chớp, lá cách điệu... Nối liền với tiền bái và hậu cung là phương đình bốn mái, dựng bằng bốn cột cái và hai bộ vì kèo. Trang trí trong phương đình là chạm nổi, bong kênh trên các con rường với các hình hoa lá, phượng, hàm thư… ở các xà đai là bốn con lân lớn chạm theo kiểu nửa hình tròn. Trong hậu cung là nơi đặt khám thờ và bài vị thành hoàng. Cửa võng trong hậu cung chạm trổ tinh xảo. Trang trí trong đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đình Thanh Hà hiện còn lưu giữ 9 tấm bia đá thời Nguyễn, hơn 50 viên gạch trang trí thời Mạc, 1 cuốn thần phả, sắc phong, cửa võng, chuông, đại tự, khánh văn bia, ngựa thờ, đồ gốm sứ, hoành phi, câu đối… Cuối năm 1946, đầu năm 1947, đình là chỉ huy sở, trạm cứu thương, trạm tiếp tế cho các chiến sĩ với một hệ thống hầm hào từ đình toả khắp các khu phố. Đình là di tích quan trọng góp phần vào thắng lợi 60 ngày đêm giam chân giặc ở Liên khu I.
Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống văn hoá vật thể và phi vật thể của phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm nói riêng hay các phường xã khác của Thăng Long - Hà Nội ói chung trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Trang Thu