Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Vài nét phác thảo về Đền Bà Kiệu và Đền Ngọc Sơn
Thứ tư, 18/12/2019 08:34

 Phường Lý Thái Tổ nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, được chính thức thành lập theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa VIII, ngày 10/06/1981. Phường Lý Thái Tổ tự hào là nơi có mật độ dày đặc các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Đây là những di sản vật thể tiêu biểu của Thủ đô, là điểm đến tham quan nổi tiếng của rất đông du khách thập phương mỗi khi đặt chân đến Hà Nội. Chúng ta có thể tìm hiểu đôi nét về Đền Bà Kiệu và Đền Ngọc Sơn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tập 2 - Quận Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Quận Hoàng Mai” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. 

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về di tích đền Bà Kiệu thuộc địa phận phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (đền còn có tên gọi là Thiên Tiên điện, đền Huyền Chân). Đền được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 05/2/1994. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh cùng Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc nữ. Các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều đạo sắc phong và tôn bà là Mẫu nghi thiên hạ. Đền xây dựng từ đời Lê Trung hưng (1533-1788) hoặc thời Vĩnh Tộ (1619-1628). Đền trùng tu vào cuối đời Cảnh Hưng (1740-1786) - xây thêm tam quan, năm Cảnh Thịnh 8 (1800) - đúc chuông, năm Tự Đức 17 (1864). Năm 1891, khuôn viên đền bị tách làm hai phần: tam quan nằm sát Hồ Gươm và khu thờ tự chính (gồm bái đường, phương đình, hậu cung) ở một bên đường. Tam quan nằm sát Hồ Gươm gồm ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta với các bộ vì kiểu chồng rường. Thân các con rường chạm nổi hoa văn thực vật, văn mây.

Khu thờ tự chính của đền Bà Kiệu có hình chữ “công” gồm đại bái, phương đình và hậu cung. Đại bái ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái nhỏ. Bờ nóc dạng bờ đinh, bên trên gắn hình cá hoá rồng và bình nước thiêng. Đại bái có 4 tượng cá chép hoá rồng đặt trên xà và dưới diềm của hai mái sau trước. Hậu cung là nơi toạ lạc của các vị thần được thờ với một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Kiến trúc đền mang phong cách thời Nguyễn. Hiện nay đền còn lưu giữ 4 tấm bia đá, 27 đạo sắc phong, 1 quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) đời Tây Sơn, hương án, cửa võng, khám thờ…

Di tích đặc biệt thứ hai của phường Lý Thái Tổ không thể không nhắc đến là đền Ngọc Sơn. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 10/7/1980 và đền Ngọc Sơn cùng khu vực hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013. Đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương, Lã Động Tân, Quan Đế, Trần Hưng Đạo. Văn Xương là một nhân vật thần thoại Trung Hoa coi sóc việc văn chương, khoa cử. Dưới thời Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc đem tượng thần về thờ chung với Huyền Thiên Thượng đế ở quán Trấn Vũ. Năm 1843, hội Hướng Thiện đưa tượng về thờ tại đền Ngọc Sơn. Lã Động Tân là một vị thần của Đạo giáo Trung Hoa. Quan Đế (tức Quan Vân Trường hay Quan Vũ) là một danh tướng giỏi nhà Thục Hán, Trung Quốc, biểu tượng của sự trung nghĩa. Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn (1231-1300), là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc (nay thuộc thành phố Nam Định). Ông có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược nước Đại Việt. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân nhiều nơi đều thờ phụng. Đền Ngọc Sơn do hội Hướng Thiện xây dựng vào năm 1843. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền, đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba và bắc một cầu từ bờ đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.

Đền xây dựng trên đảo Ngọc giữa hồ Hoàn Kiếm, là một quần thể kiến trúc gồm: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền đường, chính điện, hậu cung... Tháp Bút xây trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn) cũ, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ Hán Tả Thanh Thiên. Đài Nghiên trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào và ba con ếch đội. Trên nghiên khắc một bài minh. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho những người đỗ đạt cao. Đền chính gồm hai nếp nhà liền nhau, nếp thứ nhất về phía bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Trong hậu cung có đặt tượng thờ Văn Xương đứng, tay cầm bút trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Nếp phía nam là đình Trấn Ba hình vuông 2 tầng 8 mái, có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Đền còn lưu giữ rất nhiều di vật quý như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ bài vị... và hệ thống tượng thờ. Tháng 9/2010 đền Ngọc Sơn tiếp nhận tượng thần Kim Quy bằng sứ Bát Tràng do nghệ nhân Trần Độ tạo mẫu.

Trên đây là vài nét phác thảo về hai di tích kiến trúc đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội, đó là đền Bà Kiệu và đền Ngọc Sơn, đều nằm trên địa phận phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thăng Long - Hà Nội nói chung.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá