Vài nét về làng cổ Đường Lâm và những ngôi nhà cổ thôn Mông Phụ
Làng cổ Đường Lâm là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 28/11/2005. Xã Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Hiện nay xã Đường Lâm gồm 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Hệ thống đường xá của Đường Lâm làm theo hình xương cá. Ngõ trong làng đều là ngõ cụt để đề phòng trộm cướp. Trung tâm của di tích là làng Mông Phụ. Cổng làng Mông Phụ có 300 năm tuổi, là một ngôi nhà hai mái đốc xây bằng đá ong, cạnh đó là gốc đa cổ thụ. Đình Mông Phụ là kiến trúc được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Chính Hòa). Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng.
Về nhà cổ, ở xã Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850...). Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm, hiện vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ Hán viết bằng mực tàu trên một tấm ván. Nhà cổ truyền thống được xây từ những khối xây bằng đá ong, hoặc dựng bằng gỗ xoan và tre ngâm. Nhà cổ ở xã Đường Lâm thường hướng về phía nam, đông nam, có 5 gian 2 chái, gồm: cổng, tường rào, sân, vườn, nhà chính, nhà phụ, bếp, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, có thể có thêm bình phong, giếng nước, ao. Bố cục kiến trúc nhà thường là nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau theo kiểu thước thợ. Nhà giàu có hoặc nhà trưởng họ thường có kiểu nhà chính và nhà phụ song song với nhau tiền khách hậu tự. Ngoài ra, còn có kiểu nhà chính, nhà phụ, bếp nằm xung quanh ba phía của sân. Các bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, giá chiêng kẻ ngồi với ba, bốn hàng chân gỗ. Tường nhà xây bằng đá ong, nền nhà lát gạch cổ và đất nện. Mái nhà lợp ngói mũi hài, đắp bờ nóc, bờ chảy. Nhà không trổ cửa sổ ra đường.
Hiện nay, các làng cổ ở xã Đường Lâm còn lưu giữ được rất nhiều di vật có giá trị như: bia đá tại đình chùa miếu, chuông đồng, sắc phong, thần phả, gia phả các dòng họ và hệ thống nhà cổ... Năm 2012, mỗi ngôi nhà cổ (trong số 10 nhà) được cấp 1tỷ đồng để trùng tu. Làng cổ Đường Lâm là quê hương nhiều danh nhân như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh, bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Nói đến các làng cổ ở xã Đường Lâm, không thể không nhắc đến di tích cổng làng Mông Phụ. Đây là di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 13/5/2008. Cổng làng Mông Phụ là một kiến thuộc về cộng đồng làng xã mang đặc trưng của thiết chế cổ truyền nông thôn vùng châu thổ Bắc Bộ. Cổng làng được ra đời từ rất sớm gắn với sự hình thành và phát triển của làng xã. Qua khảo cứu hiện cho thấy cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Lê Trung hưng với tường bằng đá ong, bên trên khung gỗ, lợp ngói. Di tích đã qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1951, 1985. Cổng xây theo hướng đông nam theo kiểu thượng gia hạ môn (tức trên là nhà, dưới là cổng) đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói và trang trí mô típ hoa văn truyền thống.
Một trong những ngôi nhà cổ của thôn Mông Phụ là nhà ông Giang Văn Thuận, Nhà cổ loại 1, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 13/5/2008. Nhà ông Giang Văn Thuận là nơi phụng thờ tổ tiên dòng họ Giang và thám hoa Giang Văn Minh. Theo lời kể của gia đình và kết cấu kiến trúc hiện nay thì đây là công trình kiến trúc được xây dựng từ rất sớm và trùng tu vào thời Nguyễn. Nhà kết cấu dạng chữ Nhất, quay hướng đông nam trong khuôn viên rộng 409m2. Kết cấu nhà làm bằng chất liệu gỗ tốt, các vì làm kiểu giá chiêng chồng rường trên những hàng chân cột vững chãi có niên đại thời Nguyễn. Nhà thờ còn lưu giữ 2 hương án, 1 ngai thờ, 1 hộp sách, 1 ống hương, 2 bức hoành phi, 2 đôi câu đối, 1 bộ bát bửu, 1 bát hương mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm có 10 ngôi nhà cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là những di sản vật thể có ý nghĩa lớn với vùng đất giàu giá trị truyền thống lịch sử này, đồng thời đây cũng chính là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch bốn phương về với vùng đất cổ Đường Lâm, thành Sơn Tây xưa.
Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của đất Sơn Tây nói riêng, của Thăng Long - Hà Nội nói chung.
Trang Thu