Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng trên mảnh đất Rồng bay
Thứ hai, 23/12/2019 02:19

 Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” là sự tổng kết văn hiến Thăng Long trong tiến trình lịch sử ngàn năm - một tập đại thành về Thăng Long - Hà Nội. Tủ sách bao quát hầu hết các lĩnh vực: địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật… với gần 140 bộ sách, trên 200 tập sách với dung lượng hàng trăm nghìn trang tư liệu. Việc xây dựng Tủ sách không chỉ giúp bạn đọc hiểu về Hà Nội sâu sắc, đầy đủ hơn mà còn phát huy những giá trị và những truyền thống quý báu của dân tộc, của mảnh đất rồng bay. 

 Một trong những truyền thống mà chúng ta không thể không nhắc đến là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Đối với dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, tình cảm yêu nước không phải là một tình cảm tự nhiên, nó là một sản phẩm của lịch sử, được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Bởi vậy, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc đã ngấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của người dân Việt qua nhiều thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, cho dù chúng luôn vượt trội ta về nhiều mặt. Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, dân tộc ta đã đánh tan cuộc xâm lược đầu tiên của phong kiến phương Bắc do nhà Tần tiến hành. Từ năm 179 trước Công nguyên đến năm 938, nước ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc đúng 1117 năm. Đây là thời kỳ đêm trường Bắc thuộc, đầy máu và nước mắt và cũng là thời kỳ biểu hiện ý chí quật cường, sự vươn lên thần kỳ với chiến thắng Bạch Đằng vang dội khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán. Tiếp sau là hàng loạt những chiến thắng oanh liệt khác: Ba lần đánh bại quân Tống của triều Tiền Lê (981) và triều Lý (1075, 1077), nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông (1258 - 1288), Lê Lợi đánh bại quân Minh (1418 - 1427), Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh (1789)… Rồi đến những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975). Chúng ta thắng không chỉ ở lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu mà còn ở tinh thần thượng võ, lối sống khí phách và trên tất cả là chủ nghĩa anh hùng mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc. Sức mạnh văn hóa dân tộc Việt là điểm tựa, là mục tiêu, là động lực để nước ta trường tồn mãi mãi mà điểm hội tụ, kết tinh và tỏa sáng là Thăng Long - Hà Nội.

Những nội dung đề cập trên đều được thể hiện khá rõ nét trong cuốn sách “Kinh đô Rồng từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” do cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà thơ Bằng Việt biên soạn. Với nguồn tư liệu phong phú cùng cách viết mạch lạc, khúc triết, cuốn sách đã tổng kết truyền thống thượng võ từ thời cổ đại đến nay, đồng thời phác họa mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. Ngoài phần Lời nhà xuất bản, Lời dẫn và phần Vĩ thanh, cuốn sách được bố cục với 4 phần, 16 chương:

Phần I: Truyền thống thượng võ Thăng Long - Hà Nội: Phần này gồm 4 chương (từ chương 1 đến chương 4) nêu khái quát về nguồn gốc hình thành người Việt cổ, khát vọng độc lập, tự chủ qua nghìn năm Bắc thuộc, từ đó toát lên tinh thần thượng võ trong đời sống chiến đấu, trong văn hóa tín ngưỡng nêu cao bản lĩnh, sức sống của người Việt cổ nói chung và người Hà Nội thời sơ sử nói riêng.

Phần II: Nền võ học cổ truyền trên đất Thăng Long hội tụ và lan tỏa: Phần này gồm 5 chương (từ chương 5 đến chương 9) viết về truyền thống võ học Việt Nam, một nền võ học trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử từ thuở sơ khai đến thời kỳ phát triển nở rộ có hệ thống, có lớp lang và môn phái rõ ràng.

Phần III: Những võ công hiển hách từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX: Phần này gồm 4 chương (từ chương 10 đến chương 13) nói về những chiến công oanh liệt của dân tộc: Đánh tan quân Nam Hán, dẹp yên quân Tống, ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên, kháng chiến chống quân Minh và chiến dịch đại phá quân Thanh.

Phần IV: Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình: Phần này gồm 3 chương (từ chương 14 đến chương 16) nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khí phách Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuốn sách ra đời là một nghĩa cử cao đẹp, một tình cảm đáng trân trọng của nhà xuất bản và đồng tác giả Bằng Việt với cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục - người luôn tâm huyết và nặng lòng với Hà Nội. Bởi nhà văn đã ra đi khi tập bản thảo mà ông trăn trở vẫn còn “hoài thai” chưa được hình thành. Ông hẳn sẽ hài lòng và yên tâm bởi sự dầy công của người tiếp nối công trình, sự đóng góp nhiệt tình của hội đồng khoa học nghiệm thu, sự nghiêm cẩn trong biên tập và nhất là sự hào hứng của độc giả khi đón nhận.

Qua cuốn sách người đọc thấy được quá trình xuyên suốt trong lịch sử về một truyền thống thượng võ được hình thành, bồi đắp và tôi luyện để nâng lên chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Truyền thống thượng võ, truyền thống văn hóa của dân tộc được hội tụ về Thăng Long - Hà Nội và ngược lại, với vị thế của Thăng Long - Hà Nội, truyền thống đó lại lan tỏa ra cả nước. Có những sự kiện, những nhân vật tưởng chừng không liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, nhưng nó lại là tiền đề, là cơ sở cho những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất ngàn năm. Đó là truyền thống thượng võ, đề cao chủ nghĩa anh hùng dân tộc và hơn tất cả là truyền thống yêu nước cao đẹp.

Trang Phạm

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá