Thêm góc nhìn về văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam
Tại Nhật Bản, một quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất thế giới nhưng người ta có thể dễ dàng bắt gặp những người trẻ tuổi say sưa với quyển sách trên tay khi đang đi tàu điện hay trong nhà chờ xe bus. Nhiều du học sinh tại Nhật cho biết, văn hóa đọc được đào tạo, được giáo dục bài bản nên ý thức đọc sách đã ngấm vào máu người Nhật. Trong khi đó, tại Việt Nam, thật khó khăn để tìm thấy một người đọc sách trong lúc chờ tàu, xe hay tại quán cafe, thay vào đó, người trẻ thích lướt face book hoặc tán gẫu liên tục trên điện thoại.
Đọc sách trên xe bus, tàu điện là việc dễ thấy ở người Nhật (Ảnh sưu tầm)
Ngay tại phòng đọc của thư viện Quốc gia cũng hiếm khi nào kín chỗ. Theo các nhân viên tại đây, thường thì một phòng đọc có công xuất phục vụ cho trăm lượt bạn đọc một buổi nhưng chỉ có lác đác vài độc giả.
Theo thống kê của Thư viện Quốc gia, năm 2003 số lượt bạn đọc làm thẻ là 28 nghìn lượt. Nhưng đến tháng 10 năm 2012 số lượng bạn đọc làm thẻ đang tạm dừng lại ở con số 14 ngàn lượt, tương đương với 50% năm 2003. Đáng chú ý, trong số đó chỉ đa phần là sinh viên và cán bộ nghiên cứu. Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn đọc đến thư viện là để phục vụ cho công việc trước mắt, còn đại đa số người đọc chưa có thói quen đọc để tích lũy tri thức.
Một phòng đọc tại thư viện Quốc gia (Ảnh sưu tầm)
Nhìn vào những con số trên, nhiều người cho rằng thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc, hay nói một cách nôm na là nhiều người “lười đọc”, “ngại đọc”. Rất nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ nhằm tìm giải pháp phát triển văn hóa đọc. Điều đó đủ thấy sự trăn trở của những người làm nghề, những người có lương tâm và trách nhiệm trong việc phát triển văn hóa đọc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng một bộ phận không nhỏ người Việt đang rơi vào tình trạng “sợ đọc”. Thậm chí, Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn khẳng định ngay ở một cơ quan báo chí lớn trực thuộc trung ương, bàn chuyện văn hóa đọc là bàn tới một cái gì đó khá... xa xỉ. Văn chương là phản ánh hiện thực xã hội, họ không đọc thì làm sao hiểu được cuộc sống của dân?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Ảnh sưu tầm)
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc, trưởng phòng Đọc - Thư viện Quốc gia lại cho rằng, do tác động của sự phát triển khoa học công nghệ nên độc giả đang chuyển từ hình thức đọc này sang hình thức đọc khác. Không ít người thích dành thời gian đọc những tin tức giật gân, câu khách chứ hiếm khi dành thời gian để đọc hết một cuốn sách. Nếu như trước con người tiếp cận thông tin và tiếp cận văn hóa, tri thức…chủ yếu qua sách, thì nay, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngoài sách, con người còn tiếp nhận thông tin từ các phương tiện đại chúng như: Truyền hình, phim ảnh, internet…Đặc biệt kể từ khi xuất hiện Internet, chỉ cần một máy tính, người ta có thể ngồi một chỗ và tìm hiểu văn hóa, lịch sử, thông tin của cả thế giới. Không chỉ có vậy, các phương tiện truyền thông, internet dường như hấp dẫn hơn những quyển sách bởi chúng đem lại những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh bắt mắt, sống động. Và còn bởi các thiết bị hiện đại làm cho con người nhàn hơn, ít phải suy nghĩ hơn… đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người lười đọc hơn.
Cách “đọc” chủ yếu của giới trẻ hiện nay (Ảnh minh họa)
Theo nhiều nhà khoa học, giới trẻ nước ta đang bị cuốn vào một vòng xoáy công nghệ mang nhiều yếu tố tiêu cực hơn tích cực, thay vì đọc sâu, đọc nhiều để có 1 nền tảng tri thức bài bản thì nhiều người chỉ thích đọc ngắn, đọc nhanh để giải trí hoặc hưởng thụ những thành quả công nghệ của người khác. Đó là những dấu hiệu tụt lùi rất nguy hại cho chiến lược phát triển văn hóa, tri thức của một quốc gia có nhiều người trẻ như tại Việt Nam.
Thu Hoan
Nhà xuất bản Hà Nội