Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Buổi kiểm tra có sự tham gia của chủ đầu tư (Trưởng ban Quản lý Dự án, Chánh văn phòng Dự án), của chủ biên đề tài và nhóm biên soạn cùng Trưởng ban tư vấn chuyên môn mảng sách Văn học - Nghệ thuật - nhà thơ Bằng Việt.
Đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” do họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chủ biên chính thức ký hợp đồng vào tháng 3/2016 và đến tháng 3/2017 chủ biên phải giao nộp bản thảo. Khoảng thời gian 12 tháng để biên soạn cho tập bản thảo đồ sộ nàylà không hề đơn giản. Đây là thời điểm gấp rút đòi hỏi chủ biên và nhóm biên soạn phải hết sức tập trung và nỗ lực hoàn thành.
“Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” dự kiến sẽ thực hiện dưới dạng sách ảnh (phần chữ chiếm khoảng 20 - 25%, còn lại là hình ảnh), nhằm giới thiệu và tuyển chọn cơ bản về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội, chủ yếu là từ năm 1010 đến nay, theo phân kỳ lịch sử. Viết về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội tính đến thời điểm này đương nhiên không thể thiếu phần Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ và 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn), mặc dù phần lõi Thăng Long - Hà Nội vẫn được tập trung chủ yếu. Nội dung mà cuốn sách đề cập là các trang viết về mỹ thuật (điêu khắc, đồ họa, hội họa), nghệ thuật ứng dụng (gốm, sứ, đồ sơn ta, thêu, tranh dân gian, đồ đồng - sắt cổ, đồ chơi dân gian…), nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video Art… Tất cả đều có hình ảnh mô tả sống động với chất lượng cao, đảm bảo tính mỹ thuật. Đó sẽ là hình ảnh các đồ vật khảo cổ, đồ mỹ nghệ tiêu biểu, là ảnh chụp tranh, tượng trưng - cận - hiện đại, là ảnh chụp tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn từ nhiều phía, là ảnh chọn tiêu biểu cho tác phẩm video Art v.v…
Nếu xuất bản thành công, đây sẽ là một cuốn sách ảnh rất hay có giá trị về nhiều mặt không chỉ đối với các nhà nghiên cứu, những người am hiểu chuyên sâu về mỹ thuật mà còn với những độc giả phổ thông, giúp họ hiểu, yêu hơn về vùng đất ngàn năm văn hiến.
Trang Phạm