Thúc đẩy tiến độ trong việc biên soạn bản thảo “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Buổi kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo được diễn ra với sự góp mặt của nhà thơ Bằng Việt - Trưởng ban tư vấn chuyên môn mảng sách Văn học - Nghệ thuật, ông Lê Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý Dự án, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án và chủ biên công trình, nhóm biên soạn cùng các nhân viên, biên tập viên Nhà xuất bản.
“Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” là đề tài tập trung nghiên cứu mỹ thuật của vùng đất Thăng Long - Hà Nội (bao gồm cả vùng Hà Nội mở rộng) từ 1010 đến nay dưới dạng sách ảnh. Nó không phải là một công trình tổng thuật chuyên sâu mà chỉ nhằm giới thiệu và tuyển chọn cơ bản mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội. Nội dung cuốn sách đề cập các vấn đề vềmỹ thuật (điêu khắc, đồ họa, hội họa), nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video Art, nghệ thuật ứng dụng (gốm, sứ, đồ sơn ta, thêu, tranh dân gian, đồ đồng - sắt cổ, đồ chơi dân gian…). Phần lời chỉ chiếm khoảng ¼ dung lượng bản thảo, còn lại là phần hình ảnh. Những nội dung cơ bản này chủ biên công trình và chủ đầu tư đã xác định rõ để chuẩn đường hướng cho những công việc tiếp sau.
Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa - chủ biên công trình đã ký hợp đồng biên soạn vào tháng 3/2016 về đến tháng 3/2017 chủ biên phải giao nộp bản thảo. Chỉ có khoảng 12 tháng để chủ biên và nhóm biên soạn thực hiện đề tài nên nhóm đã nỗ lực hết mình. Từ cuối tháng 4/2016 cho đến nay, nhóm biên soạn đã triển khai được khá nhiều việc. Đầu tiên là chỉnh sửa đề cương và điều chỉnh phạm vi trình bày, tuyển chọn các di vật nghệ thuật tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội theo góp ý của Hội đồng nghiệm thu đề cương. Sau khi có bản đề cương hoàn chỉnh, nhóm bắt tay vào tuyển chọn, chụp ảnh và làm đề cương ảnh các cổ vật có giá trị nghệ thuật tiêu biểu thời tiền Đông Sơn, Đông Sơn, Bắc thuộc và nửa đầu thời phong kiến độc lập (Lý - Trần) của vùng đất sau này là Thăng Long và ngoại vi. Song song với những phần việc đó, nhóm cũng đã biên soạn và đánh máy nội dung của một số phần (Lời giới thiệu, Mục lục, Đề dẫn, Mỹ thuật thời tiền Thăng Long từ tiền Đông Sơn, Đông Sơn, Bắc thuộc, Đại La đến thời Đinh Lê, Mỹ thuật Thăng Long thời phong kiến, thời Lý - Trần…). Công việc chính của nhóm biên soạn là việc sưu tầm tư liệu ảnh, lựa chọn những hình ảnh đắt nhất cả về mặt nội dung và hình thức. Trong quá trình sưu tầm, nhóm cũng gặp trở ngại nhỏ về vấn đề bản quyền ảnh, đặc biệt là đối với bên khảo cổ học. Chủ biên mong muốn nhà xuất bản có thể tư vấn hỗ trợ thêm về vấn đề này.
Tại buổi kiểm tra, với tư cách là một thành viên trong nhóm biên soạn, ThS. Trần Hậu Yên Thế cũng thẳng thắn trình bày một vài vướng mắc về quan điểm cá nhân trong khi viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết của Nho giáo, mang màu sắc văn hóa Nho giáo. Tuy nhiên, cá nhân ông cho rằng, không gian văn hóa của Văn Miếu là không gian văn hóa tam giáo (Nho giáo - Phật giáo - Đạo giáo). Văn Miếu chứa đựng cả lớp văn hóa Đạo giáo và Phật giáo chứ không thuần túy thuộc về Nho giáo. Có khá nhiều chứng cứ chỉ ra vấn đề này. Cụ thể như: Khuê Văn Các, các pho tượng sau cổng… là sản phẩm của Đạo giáo; Cổng tam quan, cây bồ đề trồng trong sân… là sản phẩm của Phật giáo; Hệ thống các văn bia cũng chỉ rõ thông tin về Phật giáo và Đạo giáo. Điều này giúp ích nhiều cho giới nghiên cứu. Nó cũng chỉ rõ bản sắc riêng có, khá đặc trưng của người Việt, một thế ứng xử khôn ngoan trong quá trình tiếp nhận các màu sắc văn hóa.
Trước sự hăng say, nhiệt tình của nhóm biên soạn, chủ đầu tư và đại diện Ban tư vấn hết sức vui mừng, phấn khởi. Nhóm biên soạn đã thực hiện rất kỳ công, có phần còn hơn cả kỳ vọng. Tuy nhiên, để đảm bảo công trình được hoàn thiện nhất có thể, chủ đầu tư và đại diện Ban cũng đưa ra một vài ý kiến trao đổi, đóng góp. Cuốn sách được xác định là dạng sách ảnh, không có tính chất nghiên cứu sâu. Mặc dù ngôn ngữ hình ảnh là chính nhưng phần lời cũng cần hết sức lưu ý. Tránh cho người đọc cảm nhận đây là một cuốn album ảnh. Trước mỗi phần nên có đề dẫn, sau mỗi ảnh nên có các thông tin, có bình điểm cụ thể. Bên cạnh đó, khi viết các phần, nhóm biên soạn cần tiết chế ở mức độ hợp lý, vừa phải và về nội dung và độ dầy cơ học, đồng thời cách dẫn dắt phải nhuần nhuyễn, khéo léo. Nhà thơ Bằng Việt cũng đặc biệt nhấn mạnh về việc khắc họa thêm nghệ thuật Chămpa, về sự ảnh hưởng trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội với các nền mỹ thuật trong khu vực và trên thế giới. Điều này sẽ làm tăng giá trị cuốn sách, tạo sự khác biệt, cuốn hút người xem.
Thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý Dự án Tủ sách - có đưa ra một vài ý kiến đánh giá, góp ý sau khi nghe báo cáo tiến độ của chủ biên và các ý kiến phát biểu của các thành viên. Theo ông, xét về khối lượng công việc, tuy mới hoàn thành được khoảng 1/3 bản thảo nhưng đó là một sự cố gắng lớn của nhóm biên soạn. Về cách làm, ông hoàn toàn tán đồng với ý kiến của đại diện Ban tư vấn chuyên môn, cuốn sách cần triển khai theo hướng vừa có phần lời cô đọng, hàm xúc, cùng những nhận định, quan điểm chuẩn xác vừa có hình ảnh mô tả sinh động, đẹp, phong phú, chất lượng cao. Về vấn đề bản quyền, Trưởng ban Quản lý Dự án sẽ có sự giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ hết sức có thể. Ông cũng lưu ý nhóm biên soạn khi đưa ảnh vào sách phải ghi rõ nguồn xuất xứ, đảm bảo tính minh bạch khoa học, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng các tác giả, đề cao vấn đề bản quyền.
Có thể nói, buổi kiểm tra hết sức thành công, đã đạt được mục đích đề ra, nhóm biên soạn trình bày các công việc cụ thể, tháo gỡ được một số vướng mắc và chủ đầu tư cũng thấy được tiến độ công việc.
Hy vọng rằng, bằng sự cố gắng hết mình, nhóm biên soạn sẽ hoàn thiện tập bản thảo rấ đáng kỳ vọng này theo đúng tiến độ đặt ra.
Trang Phạm