“Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội”- một “cẩm nang” cho các nhà nghiên cứu về Hà Nội
Buổi họp nghiệm thu có sự tham gia của các giáo sư, sử học đầu ngành như GS. Phan Huy Lê - chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, PGS.TS. Đào Tố Uyên; các chuyên gia tư liệu hàng đầu như: PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn cùng Ban Quản lý Dự án và các biên tập viên Nhà xuất bản.
“Châu bản Hà Nội” hay đúng hơn là “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội” là nguồn tư liệu hoàng gia vô cùng quý hiếm còn được lưu giữ đến nay. Giá trị của nó không chỉ liên quan đến các địa phương, trong đó có Hà Nội mà còn liên quan đến nhiều vấn đề của quốc gia, dân tộc. Mọi mặt của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội ở thời điểm đó được phản ánh hết sức chung thực, khách quan.
Tập bản thảo do TS. Đào Thị Diến và ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài chủ trì biên soạn bao gồm hai phần chính: Phần nghiên cứu và phần Hệ thống tư liệu. Phần nghiên cứu gồm hai bài viết: Xác định không gian Hà Nội và khai thác tư liệu châu bản về Hà Nội và Hà Nội nhìn từ châu bản - phối cảnh nhiều nguồn sử liệu Việt Nam. Qua hai bài viết người đọc thấy rõ được phạm vi và không gian nghiên cứu, đồng thời nêu bật những giá trị nổi bật của tư liệu châu bản triều Nguyễn. Đây là cơ sở, là tiêu chí căn bản để lựa chọn tư liệu. Phần Hệ thống tư liệu có 91 văn bản được trích dịch. Các văn bản được sắp xếp theo thứ tự thời gian (theo biên niên) từ triều Minh Mệnh (1820 - 1841) đến triều Bảo Đại (1925 - 1945). Tuy triều Nguyễn được bắt đầu từ thời Gia Long, nhưng nhóm biên soạn lấy mốc từ thời Minh Mệnh. Việc lựa chọn biên dịch tư liệu là một việc làm vô cùng khó. Nhóm đã làm việc cật lực để tinh tuyển từ 5.000 tư liệu có liên quan, xuống 1.200 tư liệu, rồi tinh lọc số lượng như trong bản thảo. Bên cạnh đó, ngoài nội dung chính mỗi văn bản có đưa ra những thông tin cơ bản về thời gian, loại hình tài liệu, trích yếu tiêu đề để tra cứu và trích yếu nội dung văn bản. Ngoài ra, tập bản thảo còn dự kiến cung cấp phần Phụ lục (minh họa) và các bảng tra cứu (Index). Công sức của nhóm biên soạn là không nhỏ và thành quả là một tập bản thảo khá dầy dặn (gần 600 trang khổ A4) và hợp lý cả về cấu trúc và tư liệu.
Có thể thấy rằng, sau buổi nghiệm thu đề cương, nhóm biên soạn đã tiếp thu khá triệt để các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Điều này khiến tập bản thảo được khoa học và sáng rõ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên, bản thảo vẫn còn tồn tại một số lỗi cần phải khắc phục.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã hết sức thẳng thắn nêu rõ những vấn đề bất cập, trước hết là ở phần nghiên cứu. Hai bài nghiên cứu (1 bài 8 trang, 1 bài 6 trang) chưa bao quát hết được các vấn đề và còn khá sơ sài, nhiều sạn. Hai bài tuy nói về hai vấn đề riêng biệt nhưng nên gộp lại thành một, chuyển ý sao cho phù hợp để chúng có thể đứng chung mà không quá vênh. Hơn thế, nội dung trong bài nghiên cứu phải kỹ hơn nữa, phải nêu bật giá trị của châu bản, đưa ra những đóng góp của nó đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, đời sống, xã hội. Ở phần biên dịch tư liệu, việc sắp xếp theo biên niên là rất khoa học, đi theo niên đại của các vương triều, nhưng việc người đọc thấy thiếu tư liệu ở một số triều (Gia Long, Khải Định, Hàm Nghi) thì cần phải giải thích rõ. Các tác giả cố gắng không nên bỏ sót bất cứ triều đại nào, đặc biệt là những văn bản về các sự kiện quan trọng (như việc thành lập tỉnh Hà Nội năm 1831, 1832, thời điểm Pháp xâm lược). Việc lựa chọn tư liệu trích yếu phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính khách quan.
Không chỉ thế, Hội đồng còn đòi hỏi chủ biên công trình và nhóm biên soạn đưa ra hai thống kê căn bản. Thống kê thứ nhất là thống kê số tờ châu bản liên quan về Hà Nội theo từng triều vua và thống kê thứ hai là thống kê số văn bản được đưa vào bản thảo, đồng thời đưa ra tỉ lệ cụ thể. Qua đó, người đọc có thể thấy được cái tổng thể của việc lựa chọn tư liệu. Nhóm biên dịch cũng phải thận trọng với việc quy đổi âm lịch - dương lịch. Mỗi bản dịch nên có quy đổi và ghi chú thẳng vào từng văn bản. Chủ đầu tư có gợi ý cho nhóm biên soạn sử dụng theo cách làm của cuốn “Minh thực lục” và tra cứu theo sách của PGS.TS. Lê Thành Lân. Cách đánh số mỗi bản dịch cũng nên theo từ đầu đến hết, không đánh theo từng triều, số đó chính là mã số của văn bản.
Đối với dạng sách tư liệu này phần Phụ lục và các bảng tra cứu là hết sức cần thiết. Nó cũng quan trọng không kém phần chính văn. Phần phụ lục sẽ được các tác giả đưa ra các tranh, ảnh, bản đồ, văn bản minh họa nguyên tác, thú vị nhất là các văn bản quan trọng bằng chữ Hán và các tư liệu bằng tiếng Pháp tại Lưu trữ Hải ngoại Pháp (Aix-en Provence) hay các ấn phẩm định kỳ được đăng trên Công báo Đông Dương.
Thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội đã rất tán đồng với các ý kiến đóng góp. Ông khẳng định đó là những ý kiến xác đáng, không chỉ giúp ích cho nhóm biên soạn mà còn giúp cho chính chủ đầu tư để tập bản thảo hoàn thiện nhất có thể.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, nhóm biên soạn đã trao đổi, thảo luận, cố gắng hoàn thiện những mặt thiếu sót và sẽ sớm chuyển lại bản thảo cho nhà xuất bản.
Tóm lại, buổi nghiệm thu đã diễn ra hết sức thành công, cho thấy tính chuyên nghiệp, tận tâm của Hội đồng, tính cầu thị của nhóm biên soạn. Hy vọng cuốn sách ra đời sẽ là một điểm nhấn, một dấu ấn đậm nét trong hệ thống sách tư liệu của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Trang Phạm
(Nhà xuất bản Hà Nội)