ĐỊA CHÍ VĂN HÓA - LỊCH SỬ CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN QUA “HỒ SƠ TƯ LIỆU VĂN HIẾN THĂNG LONG - HÀ NỘI”
Trên cơ sở kế thừa những kết quả điều tra, sưu tầm tư liệu trong nước ở giai đoạn I, trong giai đoạn II của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức biên soạn công trình “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội”. Bộ sách do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, gồm 10 tập được tổ chức dưới dạng hồ sơ tư liệu văn hiến theo quận huyện chi tiết tới từng đơn vị hành chính cơ sở của Thủ đô Hà Nội ở thời điểm hiện tại (xã, thị trấn, phường). Nội dung các hồ sơ giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá; các di sản văn hoá vật thể - vật chất; các di sản văn hoá tinh thần - chữ viết đã và đang tồn tại, tại địa phương và tại các cơ quan lưu trữ.
Với dung lượng đồ sộ, dự kiến lên tới 8.500 trang A4, bản thảo công trình được tổ chức nghiệm thu theo tiến độ biên soạn. Buổi họp ngày 26/7/2017 tiến hành nghiệm thu các tập bản thảo của 09 quận huyện: Huyện Hoài Đức, huyện Thường Tín, quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, huyện Mỹ Đức, huyện Chương Mỹ, huyện Thạch Thất, quận Thanh Xuân, huyện Đông Anh. Cuộc họp có sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án, tập thể biên soạn, dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc.
Điều đầu tiên, các thành viên Hội đồng nghiệm thu khẳng định đây là công trình cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong việc tổng kết về lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Bộ sách sẽ cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan trên nhiều phương diện và có thể xem là một chỉ dẫn văn hóa khái quát về mỗi một đơn vị xã, phường, thị trấn ở Hà Nội hiện nay. Một điều rất đáng ghi nhận khác chính là sự lao động nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của tập thể biên soạn, như nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ: “Mặc dù mỗi đơn vị chỉ biên soạn trên dưới 15 trang A4 (…) nhưng nội dung phần biên soạn cho thấy các tác giả đã có một quá trình khảo sát điền dã thực địa rất kỳ công; khảo cứu tài liệu, tư liệu thư tịch, thác bản văn bia rất công phu…”.
Nội dung bản thảo của 09 quận huyện trong buổi nghiệm thu này về cơ bản thống nhất với cấu trúc biên soạn đã được đặt ra từ đầu. Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn đều được trình bày với các thông tin khái quát (vị trí địa lý, diện tích, dân số, lịch sử diên sách, đời sống văn hóa, nhân vật) và hệ thống di sản văn hiến (vật thể và phi vật thể). Bản thảo được đánh giá có nhiều ưu điểm như: nguồn tài liệu có độ tin cậy cao; lượng thông tin phong phú có thể bao quát được nội dung phản ánh về các đơn vị hành chính; cấu trúc logic, chặt chẽ; văn phong phù hợp với tính chất thể loại địa chí.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đề xuất nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản thảo.
Về mặt cấu trúc chung, ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, ông Phạm Quốc Tuấn cho rằng cần bổ sung bài Tổng quan, phàm lệ cùng phần giới thiệu khái quát về quận/huyện trước khi đi vào giới thiệu chi tiết về các xã/phường.
Nhận định chung của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS.TS. Lương Hồng Quang, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đó là dung lượng bản thảo giữa các đơn vị xã, phường, thị trấn có sự chênh lệch khá lớn. Điều này bắt nguồn từ thực tế bề dày lịch sử, truyền thống, hệ thống di sản của mỗi đơn vị khác nhau. Tuy vậy, để hạn chế sự chênh lệch quá nhiều về dung lượng, theo ông Phạm Quốc Tuấn với những đơn vị có nhiều nội dung phải trình bày, thống kê thì cố gắng giới thiệu ngắn gọn, súc tích nhất có thể.
Vấn đề nổi cộm khác ở bản thảo này chính là thời điểm điều tra tư liệu. Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Lương Hồng Quang, thời điểm nghiên cứu, điều tra, sưu tầm dừng ở mốc năm 2012 là khá xa so với thời điểm xuất bản sẽ thiếu sự cập nhật những thông tin mới. Đặc biệt với trường hợp hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là hai quận mới thành lập năm 2013 mà các thông tin về dân số, diện tích, kinh tế lấy số liệu năm 2012 là không hợp lý. Tuy nhiên, bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” được biên soạn dựa trên cơ sở kết quả điều tra sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội mà giai đoạn I đã hoàn thành, kết thúc năm (gồm 14 quận huyện), giai đoạn 2 từ năm 2013-2016 (với 15 quận huyện thị xã). Việc yêu cầu cập nhật số liệu đến gần thời điểm xuất bản với điều kiện thời gian kinh phí hiện tại là không khả thi. Vấn đề này Hội đồng đề nghị nhóm biên soạn nêu rõ trong phàm lệ. Riêng với những thông tin cần thiết, những thay đổi quan trọng thì bắt buộc phải cập nhật, bổ sung trong bản thảo.
Ngoài ra, nhóm biên soạn còn phải lưu ý một số vấn đề khác như: tránh trường hợp bỏ sót đơn vị hành chính hoặc chưa khai thác hết nguồn tư liệu về địa phương đó; hạn chế tối đa sự trùng lặp về việc trích dẫn; cần đặt ra tiêu chí lựa chọn nhân vật đưa vào sách; thống nhất về văn phong và quy cách trình bày các tiểu mục. Nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ cũng đã nêu ra những nhầm lẫn, sai sót về niên đại, nhân vật… Hội đồng đặc biệt yêu cầu nhóm biên soạn rà soát để đảm bảo tính chính xác của tư liệu.
Sau cuộc họp, nhóm biên soạn do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên sẽ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản. Với sự công phu, tâm huyết, trách nhiệm của tập thể biên soạn, cuốn sách được kỳ vọng sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để tiến hành nghiên cứu, biên soạn bộ Địa chí Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Hoàng Linh