Kinh đô Thăng Long - Đất thiêng của mọi thời đại
Cuốn sách “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên hé lộ nhiều thông tin hữu ích về kinh thành Thăng Long xưa và nay, trong đó khẳng định tầm quan trọng bậc nhất của nơi này qua các thời kỳ lịch sử. Đầu thế kỷ XI, với con mắt tinh tường, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy thế “rồng cuộn hổ ngồi” của thành Đại La, vừa là thắng địa, vừa là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Đến thế kỷ XVIII, sử thần Ngô Thì Sĩ thời Lê Trung Hưng bàn rằng, nơi này sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hoành tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này. Từ đó, kinh thành Thăng Long luôn là trung tâm chính trị văn hóa của cả nước. Nghị quyết 8 của Bộ chính trị ngày 21/1/1983 đã chỉ rõ, Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hiến pháp năm 2013 quy định, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới, diện tích của Hà Nội đã được mở rộng hơn nhưng vũng lõi của kinh đô Thăng Long với tâm điểm là dấu tích điện Kính Thiên vẫn không hề thay đổi. Trải qua hơn 1000 năm với nhiều biến động, đất Thăng Long - Hà Nội vẫn mãi như lời của đức Lý Thái Tổ “là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Tác phẩm “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” do NXB Hà Nội ấn hành trong Dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Thu Hương