Nghịch tử giết hại người thân bị trừng trị nghiêm khắc
Ngày nay, không hiếm những câu chuyện đau lòng diễn ra trong xã hội như con giết cha, anh giết em, cháu giết bà. Ở chế độ phong kiến xưa, luật pháp quy định rất rõ giết hại người thân là thiên lý bất dung, phải chịu hình phạt cao nhất. Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên đã cho người đọc thấy rõ về Luật Gia Long nghiêm khắc ra sao trong việc xử lý những nghịch tử.
Theo đó, tội giết hại ông bà cha mẹ được khép ngang với tội mưu hại chống lại vương quyền. Tội nhân sẽ bị xử lăng trì, lấy kìm kẹp vào thân, chậm chạp rứt ra từng miếng thịt và chỉ chém đầu họ sau nhiều giờ chịu nhục hình. Không ai có thể thay đổi hình phạt hoặc xin tha cho tù nhân, kể cả những thân nhân của họ. Tuy vậy, ngay từ nhỏ những người An Nam đã được hưởng một nền giáo dục Nho giáo nên họ hiểu rõ về tam cương, rất hiếm có trường hợp con cái giết hại ông bà cha mẹ.
Ngoài ra, Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” còn viết về những đạo luật hà khắc, song những hình phạt được phân thành hạng bậc tùy theo địa vị của mỗi người trong xã hội. Một ông quan mắc tội như người dân sẽ bị trừng phạt ít nghiêm khắc hơn bởi vì lẽ đó sẽ không có chuyện “quân tử phạm pháp bị xử tội như thứ dân”.
Hữu Trưởng