Index was outside the bounds of the array. Tìm hiểu vài nét về hai ngôi đình tiêu biểu tại xã Tiến Thắng
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ sáu, 20/12/2019 03:00
Tìm hiểu vài nét về hai ngôi đình tiêu biểu tại xã Tiến Thắng

Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân, chúng ta thấy không có một làng quê Việt Nam nào là thiếu vắng sân đình. Chính vì vậy PGS.TS Vũ Văn Quân và cộng sự đã đi sâu vào tìm hiểu đình Diến Táo và Bạch Trữ thuộc huyện Mê Linh trong cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội tập 9 quận Long Biên - huyện Gia Lâm - huyện Mê Linh” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản ấn hành. 

Đình Diến Táo

Địa chỉ: Thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (2000).

Đình thờ Lý Bôn, tức Lý Bí - Lý Nam Đế là con nhà hào tộc, có tài văn võ, làm chức Giám quân ở quận Cửu Đức. Năm 540 - 543, ông dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương khỏi nước ta, giành quyền độc lập, tự chủ. Năm 544, Lý Bí xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm 545, nhà Lương cử Trần Bá Tiên dẫn quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Năm 547, thấy thế địch mạnh, Lý Bí lui về động Khuất Lão, trao binh quyền cho Triệu Việt Vương. Tháng 4 năm Mậu Thìn (548), Lý Bí mất ở động Khuất Lão.

Đình được xây dựng vào thời Nguyễn, trên khu đất bằng phẳng, rộng và thoáng mát, phía trước là đường làng và sông Cà Lồ, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

Đình quay hướng tây bắc, bố cục kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Các vì kèo, cột xà liên kết với nhau một cách chặt chẽ, chính xác. Toàn bộ hệ thống kết cấu của đình được tạo bởi lối kết cấu dân gian truyền thống. Đình còn lưu giữ nhiều bức chạm khắc cực kỳ tinh tế, đậm đà nghệ thuật cổ dân gian. Trang trí kiến trúc tập trung ở các đầu bẩy gian giữa được đục bong, chạm nổi hình rồng, vân mây, hoa lá. Rồng chạm trong tư thế nghiêng, mắt lồi to, mũi sư tử, thân nhiều vẩy, miệng há ngậm ngọc, chân có 4 móng mập khoẻ, bám chắc vào nền bức chạm và được điểm xuyết những dải mây mềm mại. Các đầu bẩy khác chạm lá, vân mây với những đường nét sắc gọn. Phía trên cửa võng chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Ở giữa hình mặt nguyệt có các cụm mây và bao quanh phía trên có 3 đao lửa, hai bên là đôi rồng với mắt lồi đen, miệng ngậm ngọc, bờm tóc dựng, 4 chân, mỗi chân có 4 móng. Hai bên góc trên sát với đuôi rồng là đôi phượng đang sải cánh bay, đầu quay vào phía trong. Hai bức chạm theo chiều dọc hai bên cửa võng chạm long, quy.

Đình còn lưu giữ các di vật bằng đồng, sứ, đồ thờ bằng gỗ chạm trổ công phu, tỉ mỉ..

 Đình Bạch Trữ

Địa chỉ: Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (1993).

Đình thờ Ngọc Hoa công chúa và Cống Sơn quân sư. Ngọc Hoa công chúa tương truyền là con Hùng Duệ Vương. Bà là người đặt tên Bạch Trữ cho làng, có công dạy nhân dân cấy lúa, trồng bông, chăn tằm, dệt vải. Theo thần tích, Cống Sơn quân sư sinh ngày 10 tháng Giêng năm thứ 3 sau Công nguyên, quê ở Ái Châu, phủ Trường An, động Hoa Lư. Vốn là người thông minh xuất chúng, lại tinh thông võ nghệ nên Trưng Trắc đã mời ông làm quân sư. Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong Cống Sơn là quân sư, ban thực ấp ở Bạch Trữ trang, huyện Chu Diên. Sau khi ông mất, Hai Bà Trưng cho phép Bạch Trừ thờ phụng, chuẩn miễn cho dân không phải đi phu và các tạp dịch khác.

Đình là một trong những ngôi đình lớn và cổ của vùng đồng bằng sông Hồng. Đình được xây dựng thời Lê Trung Hưng với quy mô kiến trúc đồ sộ, độc đáo về kiến trúc, chứa đựng nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian đặc sắc.

Đình có hình thức mái theo kiểu chữ Vương, nền chữ Tam, gồm 3 toà tiền tế, đại đình, hậu cung và ống muống. Trước đình có hồ bán nguyệt, sau hồ là bình phong kiểu cuốn thư và nghi môn tứ trụ. Tiền tế 5 gian, 2 chái với 2 tầng mái. Trang trí kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII với các bức cốn, cốn mê chạm rồng, lân, vân mây, rồng cuốn thuỷ, phượng hàm thư, long mã, rùa... Đại đình 3 gian 2 chái, 2 dĩ. Trang trí kiến trúc tập trung ở các bức cốn ngoài của gian giữa, các đầu dư chính và một số kẻ với đề tài rồng, con người mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Những hình tượng trang trí thể hiện sự gần gũi với sinh hoạt đời thường, mang ý nghĩa ước nguyện cầu mong cuộc sống sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Các bức chạm thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong tinh tế. Hậu cung 5 gian kiểu tường hồi bít độc. Gian chính giữa nằm gọn trong không gian 4 cột cái gian giữa, bao ván kín, có sàn thờ. Trên bàn thờ, phù trợ 2 bên là 8 vị tướng hầu được vẽ dưới hình thức tả văn hữu võ, quan văn đội mũ cánh chuồn chếch ngắn cầm hòm sách, bút, quạt, quan võ đội mũ kim khôi vác đại đao.

Đình còn lưu giữ 1 cuốn ngọc phả do Hàn lâm viện Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào tháng 3 - niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1552), 11 sắc phong từ thời Chính Hoà (1680 - 1705) đến thời vua Khải Định (1916 - 1925), 2 ngai thờ, án gian, bát bửu, quán tẩy, 2 cỗ kiệu bát cống...

Kim Ngân

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)