Nhiều việc cần làm để bảo tồn và phát huy hệ thống di tích cách mạng ở Hà Nội
Đó là cách tôn vinh, lưu giữ những chứng tích gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ. Song trên thực tế, ngoài hình thức tôn vinh, công tác bảo tồn và phát huy hệ thống DTCMKC ở Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm.
|
Tài liệu, hiện vật liên quan đến địa đạo Nam Hồng và thời kỳ kháng chiến chống Pháp được bảo quản thô sơ và đang xuống cấp từng ngày. |
Nhiều di tích xuống cấp
Hà Nội có hàng trăm DTCMKC, trong đó có 39 di tích cấp quốc gia. Phần lớn di tích này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tấm gương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, với các sự kiện lịch sử trọng đại. Tuy nhiên, một tỷ lệ không nhỏ trong số đó đã bị xuống cấp và chưa phát huy được giá trị như mong muốn. Có thể kể đến là địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng (Đông Anh) - nơi trú ẩn an toàn, đồng thời là địa điểm hoạt động bí mật của bộ đội và nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), giúp quân và dân ta tránh được những tổn thất nặng nề trong những lần địch càn quét. Hiện tại hệ thống địa đạo chỉ còn khoảng 200m chạy qua 4 gia đình và đã xuống cấp nghiêm trọng nên hầu như không có khách tham quan. Tương tự, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc (Hà Đông), nơi Người viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19-12-1946 cũng đang xuống cấp. Nhìn từ bên ngoài, di tích nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, còn khi bước vào bên trong, không ít du khách phải ngậm ngùi, xót xa khi nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Bác những ngày ở Vạn Phúc cũng như truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của người dân quê lụa thường xuyên cửa đóng then cài. Nhà tiếp khách thường bị dột khi trời mưa gió… Ngoài ra, nhiều DTCMKC ở Hà Nội như số nhà 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên; 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập... nằm ở những vị trí đắc địa cũng không có nhiều khách tham quan.
Mặc dù trên thực tế, việc tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của DTCMKC hoặc lấy đây làm nơi hội họp, sinh hoạt truyền thống cho nhân dân đã được ngành văn hóa, chính quyền các cấp quan tâm, khuyến khích. Như huyện Gia Lâm đã xây dựng chuyên mục "Đất và người Gia Lâm" phát trên sóng Đài truyền thanh huyện; Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Xuân Dương (Thanh Oai) đã được chính quyền và người dân chung sức xây dựng khang trang, mở phòng trưng bày tạo thành không gian văn hóa hấp dẫn khách tham quan; quận Hà Đông đã bố trí quỹ đất để người dân sinh sống xung quanh Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc chuyển ra nơi ở mới để dự án tu bổ, tôn tạo Nhà lưu niệm sớm được triển khai. Với địa đạo Nam Hồng, chính quyền nơi đây cũng đã có kế hoạch đưa địa đạo trở thành một điểm du lịch cùng với tuyến du lịch Cổ Loa - Đền Sái - rối nước Đào Thục - làng nghề Vân Hà - ca trù Lỗ Khê… Thế nhưng, dự án hay những kế hoạch đã có đó hiện vẫn còn chậm triển khai (có nơi chưa triển khai), trong khi di tích ngày một xuống cấp hơn.
Chấn chỉnh từ khâu quản lý
Lý giải những bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DTCMKC ở Hà Nội, ông Triệu Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng, một mặt nguồn ngân sách đầu tư cho chống xuống cấp DTCMKC còn ít và chậm; mặt khác do bộ máy quản lý chưa thống nhất.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ rõ: Hệ thống DTCMKC nói chung, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội nói riêng đang tồn tại dưới bốn hình thức. Đó là: Các di tích tồn tại độc lập, do ngành văn hóa trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động (DT 48 Hàng Ngang, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc…); di tích nằm trong các di tích lịch sử văn hóa khác hoặc các cơ quan, công sở (di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Một Mái trong khuôn viên chùa Thầy, huyện Quốc Oai; di tích Hồ Chí Minh tại Trường THPT Chu Văn An..); di tích nằm trong nhà dân (gia đình ông Trương Từ Thức ở số 72 Yên Phụ; nhà ông Đặng Văn Chung ở số 12, phố Hai Bà Trưng…) và một số di tích hiện chỉ còn là địa điểm. "Thực trạng này dẫn đến sự chồng chéo trong khâu quản lý, khai thác. Đây cũng là nguyên nhân khiến các di tích này chưa có sự liên kết với nhau để tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn" - bà Nguyễn Thị Tình khẳng định.
Từ sự nhìn nhận đó, ông Triệu Văn Hiển đề xuất, hệ thống DTCMKC ở Hà Nội cần có tiêu chí đánh giá, phân loại, kiểm kê, xếp hạng làm căn cứ để thực hiện việc quản lý, tu bổ. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư kinh phí và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Hơn thế, đa số DTCMKC gắn với một địa danh, với một vùng dân cư cụ thể, do đó các nhà nghiên cứu văn hóa, các ban quản lý di tích cần nghiên cứu, tạo ra các lễ hội mới có nội dung gắn với nội dung di tích. Thông qua các lễ hội này, di tích sẽ sống động hơn, thu hút công chúng đến với di tích nhiều hơn, thường xuyên hơn; đồng thời, tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích…
Như vậy, để truyền thống cách mạng của dân tộc, tinh thần yêu nước được trao truyền, tiếp nối nhiều thế hệ thì rất cần sự đổi mới về tư duy trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo hệ thống DTCMKC của các cấp quản lý, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi có di tích.
(Theo Hiền Dung/Hanoimoi.com.vn)