Sách cho thiếu nhi hè 2021: Giàu bài học trải nghiệm
Đem đến nhiều trải nghiệm mới
Tiểu thuyết “Đi trốn” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam) của tác giả Bình Ca vừa đoạt giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” - Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2021 do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, là một dấu ấn trong thế giới sách dành cho thiếu nhi hè năm nay. Cuốn sách thấm đẫm ký ức về tuổi thơ trong chiến tranh, với cuộc đi trốn khỏi nơi sơ tán của 5 đứa trẻ mới lớn, sau đó trở thành chuyến phiêu lưu kỳ thú, nhiều trải nghiệm. Vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, tinh thần tự lực và tình bạn chứa đựng trong cuốn sách đã cuốn hút độc giả.
Cũng nhận giải “Khát vọng Dế Mèn” năm nay, bộ sách tranh “Khác biệt mới tuyệt làm sao” (Nhà Xuất bản Kim Đồng) do tác giả Nguyễn Hoàng Vũ viết lời và 4 họa sĩ: Gà’s little world (Minh Trang), Hoàng Trung, Ru-oi (Thanh Xuân), Linh Vương minh họa cho 4 cuốn “Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên”, “Nàng rồng khè ra trà sữa”, “Lão ma cà rồng cuồng cà rốt”, “Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo” là niềm tự hào của tác giả Việt trẻ. Lối bắt vần thú vị, hình ảnh dí dỏm, “bắt trend” (nắm bắt xu hướng) tài tình cùng những cú “bẻ lái” ngoạn mục đã chinh phục độc giả nhỏ tuổi.
Theo bà Giáng Ngọc (Phòng Truyền thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng), ngoài bộ sách trên, đơn vị còn ra mắt một khối lượng sách hay và đẹp dịp hè này. Trong đó, nổi bật là cuốn “Cá voi Eren đến Hòn Mun” của nhà văn, nhà báo Lê Đức Dương, mượn góc nhìn của chú cá voi đến từ Nam Cực Eren để đưa độc giả khám phá vùng biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tuyệt đẹp.
Bất ngờ trong mùa sách năm nay, còn có cuốn sách tranh song ngữ Việt - Anh “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” của hai tác giả nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam: Geralda De Vos (Bỉ), Sofia Holt (Thụy Điển). Câu chuyện cô bé Linh mất chiếc dép yêu thích và đi tìm lại, là bài học về việc trân quý đồ vật và cổ vũ bạn nhỏ làm những việc tốt.
Cũng nhiều tranh sinh động, cuốn “Hành trình Đông A” của tác giả Trần Tuyết Hàn cuốn hút độc giả vào không gian văn hóa, nghệ thuật nước Đại Việt thời Trần. Ở bộ sách “Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học” của ê kíp tác giả thuộc lĩnh vực toán học, văn học, mỹ thuật, các em nhỏ không chỉ nghe câu chuyện hay, xem tranh đẹp, mà còn biết đến khía cạnh mới của ngụ ngôn Việt Nam là tính đố…
Ở mảng sách tương tác cho thiếu nhi, bên cạnh sách khổng lồ, sách chuyển động, sách lật mở, sách âm thanh, sách chiếu bóng, năm nay Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị đã ra mắt hai bộ sách: Sờ chạm khám phá (lời: Yến Nhi, minh họa: Quỳnh Hương) và Mùi hương (biên soạn: Thành Đạt, minh họa: Hoàng Đậu Xanh). Đây đều là những bộ sách tiên phong tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu an toàn mô phỏng bộ lông, da các con vật thật hoặc mùi hương hoa, quả thân thuộc của Việt Nam, đem đến trải nghiệm đọc mới lạ, kích thích các giác quan của trẻ…
Em Nguyễn Vũ Bích Diệp (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Em đã mua rất nhiều sách qua các kênh bán sách trực tuyến. Sách dịp này phong phú, in đẹp, nhiều thể loại và mang những câu chuyện thú vị, bổ ích...”.
Sách của người Việt cho người Việt
Dịp hè, tuy nhu cầu giải trí tại nhà tăng cao, nhưng để tạo được mùa sách dồi dào, phong phú, cuốn hút, thuyết phục được các em nhỏ luôn là thách thức với người làm sách. Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị Trần Lệ Thu cho biết, Đinh Tị Books chú trọng thực hiện những bộ sách mang tính tương tác cao, do người Việt Nam sáng tạo, từ nội dung, biên tập, đến thiết kế, in ấn để dành cho độc giả Việt. Những ấn phẩm hấp dẫn được cả trẻ em và phụ huynh, kích thích bố mẹ tương tác với con cái thông qua các trang sách thì sẽ tạo sức sống lâu bền.
Ở góc độ người viết sách, tác giả Bình Ca cho rằng, đề tài về thiếu nhi là một mỏ vàng ròng, nhưng chưa được khai thác đúng mức. Trẻ em hay người lớn rất dễ hấp dẫn bởi những câu chuyện hồn nhiên, tử tế cùng những khát vọng bay xa. Vì vậy, người viết hãy cầm bút bằng tâm thế ấy. Tác giả trẻ thuộc thế hệ 9X Trần Tuyết Hàn ấp ủ dự định thực hiện nhiều cuốn sách tranh nghệ thuật về các triều đại của dân tộc sau “Hành trình Đông A” chia sẻ: “Tinh thần của một tác giả trẻ, góc độ tiếp cận của một nhân vật trẻ, minh họa bằng phong cách mỹ thuật Việt và in ấn sách chất lượng là điểm hấp dẫn độc giả trẻ với sách lịch sử”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người viết hay làm sách cho thiếu nhi ngày nay nên bỏ mục đích cố hữu là phải dạy cho trẻ một bài học đạo đức. Cuốn sách đem đến một thiên nhiên đẹp đẽ, một gia đình ấm áp hay một câu chuyện đầy tính tưởng tượng và thấm đẫm văn hóa Việt, thì đã tạo nên một bài học đạo đức bên trong cho trẻ em. Đây chính là những hướng đi, nhằm tạo nên những mùa sách cho thiếu nhi tiếp theo sôi nổi, hấp dẫn, giá trị, góp phần quan trọng để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ trẻ em Việt Nam.
(Theo An Nhi/ Hanoimoi.com.vn)