Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống hiếu học Tiên Điền, Hà Tĩnh, tác giả Đặng Duy Phúc đã dành rất nhiều năm cho việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách về lịch sử, văn hóa nước nhà. Tự nhận mình “không phải là nhà viết sử chuyên nghiệp” nhưng bút pháp của ông trong các công trình sử học như “Giản yếu sử Việt Nam”, “Việt Nam biên niên sử”, “Đất nước bốn ngàn năm”, “Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử”… lại thể hiện một phong cách chuyên nghiệp của một con người gắn bó với lịch sử dân tộc. Từ năm 1994 đến nay, sau khi cuốn sách đầu tiên xuất bản, tác giả Đặng Duy Phúc đã liên tiếp xuất bản 18 đầu sách về lịch sử, văn hóa. Các công trình của ông đều thấm đượm một tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức tiếp nối các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều đầu sách có giá trị được tái bản nhiều lần, nhận được sự quan tâm, chú ý của độc giả. Có lẽ với rất nhiều độc giả, Đặng Duy Phúc đã trở thành một tên tuổi quen thuộc, được mong đợi trên thị trường sách hiện nay.
Kỷ niệm 70 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945 - 02/9/2015), Nhà xuất bản Hà Nội, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt và tác giả Đặng Duy Phúc đã tái bản có chỉnh sửa, bổ sung cuốn Giản yếu sử Việt Nam. Đây là cuốn sử giản lược nhất từ thời Tiền sử đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong từng thời kỳ, tác giả chỉ giới thiệu những nét chính yếu nhất các sự kiện lịch sử của đất nước gắn liền với các triều vua và các nhân vật lịch sử lỗi lạc, tiêu biểu, đem đến một cuốn sử dễ đọc, dễ nhớ, dễ tra cứu đối với bạn đọc. Bên cạnh đó, Giản yếu sử Việt Nam không chỉ giới thiệu các sự kiện và con người trong lịch sử, mà qua nội dung còn thể hiện những góc nhìn khác trong cách đánh giá, sự khen chê đối với một số nhân vật và sự kiện nhất định. Để làm được điều này, tác giả đã cố gắng học tập cách viết sử của các bậc tiền nhân, nỗ lực phát huy nhãn quan tư duy mới, cố gắng đảm bảo tính khách quan, công tâm của ngòi bút. Giản yếu sử Việt Nam đã thực sự thành công khi tái hiện dòng chảy của lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm. Trong dòng chảy đó, người đọc dễ dàng nhận thấy những điểm sáng, những mốc son lịch sử chói ngời của dân tộc, cũng dễ dàng tìm ra những nhân vật lịch sử đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển của dân tộc. Với cách viết nhẹ nhàng, lời văn dung dị, Giản yếu sử Việt Nam thật sự thật sự đi vào lòng người đọc, khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần bất khuất, độc lập, tự cường qua những trang sử vẻ vang, hào hùng.
Với mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp phổ biến, giáo dục lịch sử nước nhà, giúp bạn đọc có những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử dân tộc, gìn giữ ngọn lửa của tinh thần yêu nước, đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tác giả Đặng Duy Phúc đã cố gắng và thực sự làm được điều đó. Lịch sử đã đến gần hơn với bạn đọc qua hơn 700 trang của Giản yếu sử Việt Nam.
Thực sự để hoàn thành công trình này là một điều không dễ. Từ rất nhiều công trình lịch sử của dân tộc như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Đại Việt thông sử, Quốc sử toản yếu, Đại Nam thực lục… và rất nhiều các công trình tham khảo đồ sộ khác, tác giả Đặng Duy Phúc đã cố gắng rút tỉa những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất, chắt lọc thành một cuốn sử mang tính giản lược. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi nhân vật lịch sử được cân nhắc, cố gắng cung cấp được nhiều thông tin nhất, bằng văn phong ngắn gọn nhất. Lịch sử dân tộc được tác giả gói gọn trong 24 chương nhưng mỗi chương, mỗi mục đều thể hiện tâm huyết của tác giả, là thành quả của nhiều năm nghiên cứu, biên soạn. Không mang tính chất hàn lâm với những phát hiện, nghiên cứu lịch sử mới, tác giả Đặng Duy Phúc đưa đến cho bạn đọc một cuốn lịch sử nhẹ nhàng bằng chính tình yêu với lịch sử. Có thể nói Đặng Duy Phúc đã và đang góp phần thực hiện mong muốn của Hồ Chủ tịch: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn Giản yếu sử Việt Nam!