Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách tư liệu tổng hợp
Giới thiệu bộ sách “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX”

 Bộ sách “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX” do nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo biên soạn, các nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Nguyễn Bá Dũng bổ chú là công trình tuyển chọn, giới thiệu những văn bản sử liệu trích lục những nội dung liên quan đến Việt Nam. Những văn bản sử liệu đó thuộc nhóm các chuyên đề về quan hệ quốc tế, tức sách Trung Quốc - Việt Nam, Miến Điện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao do Nhà xuất bản Nhân dân Vân Nam xuất bản năm 1986.

Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Tổng số trang: Tập 1 - Số trang: 576; Tập 2 - Số trang: 624
Kích thước: 16x24
Bình chọn:
(Tổng số: 3 - Trung bình: 5.00)
Giới thiệu về sách:

Trong Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện, hạng mục điều tra, sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long là một nội dung trọng tâm, đặc biệt là các tư liệu nước ngoài liên quan đến Việt Nam. Kết quả đạt được là một loạt những đầu sách quý giá được biên soạn và xuất bản năm 2010 ở giai đoạn I của Dự án, trong đó có cuốn Thanh thực lục - Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX.

Từ kho tàng tư liệu khổng lồ Thanh thực lục gồm 4433 quyển, trải dài suốt 13 triều Thanh, từ Mãn Châu thực lục đến Tuyên Thống chính kỷ[1] ở giai đoạn II của Dự án Tủ sách, nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã dày công nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn bộ sách Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX, gồm 2 tập. Cuốn sách tuyển chọn giới thiệu 1176 văn bản qua 10 triều nhà Thanh (Thuận Trị - Thế Tổ thực lục, Khang Hy - Thánh Tổ thực lục, Ung Chính - Thế Tông thực lục, Càn Long - Cao Tông thực lục, Gia Khánh - Nhân Tông thực lục, Đạo Quang - Tuyên Tông thực lục, Hàm Phong - Văn Tông thực lục, Đồng Trị - Mục Tông thực lục, Quang Tự - Đức Tông thực lục, Tuyên Thống - Tuyên Thống chính kỷ) có liên quan đến Việt Nam. Văn bản sớm nhất trong Thanh Thế Tổ thực lục thuộc ngày Đinh Sửu, tháng 6 niên hiệu Thuận Trị thứ 4 (9/7/1647), ở Đại Việt tương đồng với triều vua Lê Chân Tông niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5, Nam Hà Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan Nhân Quận công Trần Tông Hiếu Chiêu năm 12. Văn bản cuối cùng 1176 trong Tuyên Thống chính ký ngày 25/2 năm Tuyên Thống thứ 3 (25/3/1911), tương đồng với triều Nguyễn năm Duy Tân thứ 5. Như vậy các văn bản giới thiệu gồm hầu hết những ghi chép có liên quan đến lịch sử quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong 265 năm (1647 - 1911), tức là gần suốt thời gian tồn tại của nhà Thanh, chỉ thiếu 3 năm đầu (1644 - 1646). Trong các Thực lục nhà Thanh, thời Càn Long - Cao Tông thực lục có nhiều văn bản nhất có nội dung quan hệ với An Nam với 456 văn bản, chiếm gần 40% dung lượng sách. Còn cuốn sách Thanh thực lục - Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX xuất bản năm 2010 nói trên, mà chủ yếu là Cao Tông thực lục, mới chỉ giới thiệu số lượng văn bản ở mức độ khá khiêm tốn là 209 văn bản gồm 198 văn bản thời Càn Long (Cao Tông thực lục) và 11 văn bản thời Gia Khánh (Nhân Tông thực lục). Như vậy ở lần xuất bản này, riêng đời Càn Long chúng tôi bổ sung thêm tới 258 văn bản của Cao Tông thực lục. Còn thời Gia Khánh (Nhân Tông thực lục) ở lần xuất bản này sách giới thiệu 70 văn bản, tức là bổ sung thêm 59 văn bản.

Tác giả Hồ Bạch Thảo đã kỳ công đối chiếu tập hợp các văn bản sử liệu thuộc nhóm các chuyên đề về quan hệ quốc tế (tức sách “Thanh thực lục: Việt nam, Miến diện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao”) với nguyên bản gốc Thanh thực lục để đảm bảo những nội dung liên quan đến Việt Nam được trích lục gần như toàn vẹn. Bộ sách xuất bản lần này cũng đã phát hiện bổ sung thêm 3 văn bản mà không rõ vô tình hay hữu ý, không có trong cuốn của Vân Nam xuất bản xã xuất bản năm 1986. Đó là các văn bản số 389, 467, 495, với các nội dung có giá trị. Để bảo đảm tính khoa học và cũng nhằm giúp các nhà nghiên cứu tiện đối chiếu, sách in toàn văn nguyên bản chữ Hán do Nhà xuất bản Nhân dân Vân Nam xuất bản năm 1986.

Tuy không thể tin cậy hoàn toàn, nhưng có thể nói về đại thể, hầu hết các sự kiện và tình tiết trong Thanh thực lục trùng khớp với lịch sử Việt Nam. Nhờ vậy, với lượng thông tin phong phú, cuốn sách sẽ hữu ích cho các nhà sử học trong việc nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam.

Với khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi sai sót. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng bộ sách tiếp tục được hoàn thiện ở những lần xuất bản sau.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Quốc Tuấn



[1] Bao gồm 13 bộ: Mãn Châu thực lục (8 quyển), Thái Tổ thực lục (10 quyển), Thái Tông thực lục (65 quyển), Thế Tổ thực lục (144 quyển), Thánh Tổ thực lục (300 quyển), Thế Tông thực lục (159 quyền), Cao Tông thực lục (1500 quyển), Nhân Tông thực lục (374 quyển), Tuyên Tông thực lục (476 quyển), Văn Tông thực lục (356 quyển), Mục Tông thực lục (374 quyển), Đức Tông thực lục (597 quyển), Tuyên Thống chính kỷ (70 quyển).

Sách cùng chuyên mục

Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.
PGS.TS. Vũ Văn Quân (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
3820 trang

Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn hoá

Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội được đăng tải, công bố về đất và người Thăng Long - Hà Nội, về lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, về cách thức ứng xử của người Thăng Long - Hà Nội với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này được đăng tải ở nhiều nơi và ở nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, việc xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhằm giúp người đọc, người nghiên cứu dễ dàng tiếp cận những vấn đề văn hóa của mảnh đất ngàn năm lịch sử là việc làm cần thiết.
Nhiều tác giả - Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu: PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
952 trang
16x24cm

Giới thiệu bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội”

Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội”do PGS.TS. Vũ Văn Quân làm chủ biên là một bộ sách đồ sộ. Đồ sộ không chỉ với khối lượng trên dưới 10 nghìn trang sách (bao gồm 10 tập) mà còn chứa đựng khối lượng tư liệu lớn về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thăng Long - Hà Nội. Bộ sách mang dáng dấp theo dạng một địa chí văn hóa thu gọn, được trình bày theo tiêu chí thống nhất trong toàn bộ 584 đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn.

Vũ Văn Quân
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
10 tập
16x24

Tư liệu văn hiếnThăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Địa chí

Kể từ khi vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô về Thăng Long (1010), đến nay Thủ đô của chúng ta đã ngót 1000 năm tuổi. Trong gần 10 thế kỷ ấy, Thăng Long - Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đặc biệt về phương diện địa lý.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn và TS. Nguyễn Thuý Nga (Đồng chủ trì tuyển trọn, giới thiệu)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
3320 trang
16x24cm

Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Hương ước

Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu)
Nhà Xuất bản Hà Nội
1324 trang
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)