Giã biệt hoang vu - một cuốn sách “dữ và lạ”
Đó là nhận xét của
nhà văn Nguyên Ngọc về tác phẩm của một người chuyên viết về Tây Nguyên,
chọn Tây Nguyên như nơi định cư của mình và yêu Tây Nguyên đến mê
mệt...
Nhà Tây Nguyên học nổi tiếng Georges Condominas có một tác phẩm đã trở thành kinh điển được đặt tên rất lạ: L’exotique est quotidien
(có thể dịch là “Kỳ lạ mỗi ngày”). Khi đặt tên cho cuốn sách của mình,
hẳn Condominas rất có ý thức về chuyện “exotique” đối với người làm dân
tộc học, hay cả những người ít nhiều có tiếp xúc với các tộc người mà ta
quen gọi là các dân tộc thiểu số, thậm chí cả người thường. “Exotique”
bắt nguồn từ từ Hy Lạp exôtikos có nghĩa là lạ. Nhưng “lạ” đối
với ai? Lạ đối với người phương Tây. Các đế quốc phương Tây đi chinh
phục các thuộc địa, hầu hết ở vùng nhiệt đới, xích đạo, xứ nóng. Ở đấy
họ gặp những điều hết sức kỳ lạ đối với họ, từ tổ chức xã hội, phong tục
tập quán, hành vi của con người cho đến thế giới động thực vật… Do đó
mà “exotique” lại thêm nghĩa là nhiệt đới, xứ nóng, xích đạo…
Cái “exotique”, quá xa lạ, quá độc đáo thì dễ hấp
dẫn, gây tò mò. Condominas bảo rằng nó như những con chim nhiệt đới sặc
sỡ, thường mê hoặc các nhà dân tộc học mới bước vào nghề. Từ đó mà
“exotique” lại thêm một nghĩa nữa: Thói hám lạ, nghĩa này đã hàm ý xấu.
Một người có thói “exotique” là người đến gặp các dân tộc thiểu số thì
bị mê hoặc, bị choáng vì những vẻ bên ngoài quá kỳ lạ của họ, si mê
những thứ của lạ đó, tưởng đó là văn hóa “tuyệt vời” của họ và dừng lại ở
đó, không còn hiểu được nền văn hóa thật sự của những con người kia.
“Exotique” trở thành một lớp vỏ bọc giả, một tường ngăn thường rất cứng
chính vì sự lòe loẹt hay “độc đáo” của nó, không vượt qua được thì không
sao đến được với văn hóa thật của các dân tộc, không “đọc” được các văn
hóa ấy, những con người ấy...

Kể lể dông dài như vậy cũng là để nói về Nguyễn Hàng Tình và cuốn Giã biệt hoang vu rất
đặc biệt của anh. Rất đặc biệt vì cuốn sách viết về Tây Nguyên mà Tây
Nguyên thì rất khó đọc. Bởi Tây Nguyên rất “exotique”. Rất nhiều người
cầm bút đến với Tây Nguyên đã bị cái “exotique” quá đậm của nó mê hoặc
và che lấp những con người và số phận của họ. Nào những nhà rông chẳng
vì “lý do” nào hết mà mái nhọn hoắt phóng thẳng cao vút lên giữa trời
xanh; những nhà dài cứ sinh con đẻ cái là lại nối dài thêm ra mãi cho
đến “dài như một tiếng chiêng”; những tượng nhà mồ đến Picasso cũng mê
mẩn mà người ta tạc ra rồi bỏ đó cho mục nát trong nắng gió mưa rừng và
sâu bọ gặm nhấm, tuyệt đối chẳng thèm đoái hoài… Tất nhiên, những cái đó
cũng đều là văn hóa, những biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa, nói một
cách giản dị, một cách sống của con người giữa thế gian người và giữa tự
nhiên; nghĩa là cái gốc là ở con người, số phận của con người, trong xã
hội của loài người.
Mà xã hội Tây Nguyên 38 hay 39 năm nay thì biến động
ghê gớm, như không có bất cứ vùng đất nào trên cả đất nước ta biến động
dữ dằn đến thế.
Nguyễn Hàng Tình đến Tây Nguyên, yêu Tây Nguyên đến
da diết nhưng không chỉ yêu cái “exotique” của nó mà anh còn biết gạt đi
cái “exotique” đó, cái chỉ làm cho mình sướng, mình khoái - đúng ra là
“tự sướng tự khoái” của người đi tìm của lạ - nên anh đã chọc thủng được
bức tường “exotique” của nó để cho ta một bức tranh hiện thực về Tây
Nguyên hôm nay, sinh động và hỗn tạp đến lạ thường, tan nát và đang vùng
vẫy để gượng “đứng lên” lần nữa, bị phá vỡ vì sự ngu dốt và tham lam
của con người và cùng lúc đang được ra sức cứu sống bởi những con người
kỳ lạ, thật sự kỳ lạ, rất “exotique” của hôm nay… như cái ông Vũ Đức
Long, “anh hùng vùng Đông Bắc”, ông chủ “Sơn động” Ea Sô, một Don
Quichotte của thời hiện đại Việt Nam, lãng mạn và cao cả, quyết liệt và
bi tráng… mà chỉ có Tây Nguyên mới sản sinh ra được. Với Vũ Đức Long,
Nguyễn Hàng Tình đã dựng lên được chân dung một người anh hùng mới của
Tây Nguyên hôm nay. Khi đọc Vũ Đức Long của Nguyễn Hàng Tình, tôi bỗng
ao ước giá như còn sức tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về con người ấy,
như gần 60 năm trước tôi đã viết về Núp. Hôm nay thì không thể có Núp,
sẽ rất lạc lõng. Chỉ có thể là Vũ Đức Long… Nhưng mà thiên bút ký về Ea
Sô của Nguyễn Hàng Tình viết cách đây đã đến 10 năm. Trong Giã biệt hoang vu không
thấy tác giả nói đến nay người anh hùng Ea Sô ấy ra sao? Tôi nghĩ anh
hùng mà đơn độc đến thế, đối mặt với cả một tập đoàn quyền lực và lợi
ích hung dữ đến thế, cuối cùng làm sao ông thắng nổi. Số phận của ông
cũng là số phận của Tây Nguyên thôi…
Cuốn sách của Nguyễn Hàng Tình là một cuốn sách “dữ
và bi tráng”. Một cuốn sách rất cần cho hôm nay. Nó nói về sự hỗn loạn
và tàn phá đang diễn ra trên vùng đất mà ngành du lịch đang ra sức PR về
tính chất “exotique” đó. Nó bảo rằng không, cuộc chiến đấu để tồn tại,
để giữ một Tây Nguyên còn là Tây Nguyên, để sống được ở đấy, đang rất
khó, chẳng biết còn có thể hy vọng không nhưng chính vì thế mà nó thống
thiết gọi kêu trách nhiệm, của tất cả, cho Tây Nguyên. Hơn thế, nó lại
cho ta nuôi hy vọng bởi nó cũng lại cho thấy, bất chấp tất cả, ở đấy con
người ta vẫn vùng vẫy để sống và quyết liệt muốn sống ngày càng đàng
hoàng hơn. Như ông Tây trồng nho trên núi cao Đà Lạt, như người đánh cá
lăng gan dạ mạo hiểm đến lạ lùng trên các sông heo hút nhất của Tây
Nguyên. Như những người đào vàng gian nan và táo tợn. Như những người
Lạch “nghệ sĩ” ở Lạc Dương mà Nguyễn Hàng Tình đã rất công bằng để nói
về họ một cách đầy yêu thương và tôn trọng. Mặc tất cả nhà quản lý khắt
khe, các nhà văn hóa uyên thâm cùng các nhà lý luận nghệ thuật thâm trầm
và khó tính, hằng đêm họ làm “văn hóa du lịch” trộn lung tung âm nhạc
truyền thống với âm nhạc hiện đại, đãi du khách đến thỏa thuê, chăm chỉ
làm ra tiền để mà sống và say mê múa hát cả dân tộc lẫn hiện đại để chơi
cho hết ga, sau một ngày lao động mệt nhoài, tạo nên ở cái chân núi
Lang Biang tuyệt vời ấy đêm đêm tưng bừng lễ hội liên miên…
Tôi là người sống với Tây Nguyên hơn nửa đời, yêu đến
mê mệt văn hóa cổ truyền Tây Nguyên. Tôi đồng ý với Nguyễn Hàng Tình:
Không sao đâu, xưa nay vẫn thế mà. Tây Nguyên từng biến đổi trong suốt
mấy ngàn năm lịch sử, có những thời va chạm văn hóa chắc gì đã kém thời
nay mà vẫn còn văn hóa và con người. Thì cũng chưa xa lắm đâu, nhạc Ê Đê
kiểu Ơi M’Drak của Y Moan, hay của Siu Black. Theo tôi ấy là
nhạc truyền thống Ê Đê vốn đặc biệt mạnh về tiết tấu, trộn với ảnh hưởng
của nhạc rock thời Mỹ, pha trộn (mà ta gọi văn hoa là tiếp biến) rất
giỏi mà tạo nên, ngày nay còn ai phủ nhận được nữa. Xin được nhắc lại
lần nữa: Không có vấn đề hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, hai cái cố
điều hòa cho được mà chỉ có cái dân tộc hiện đại. Thế thôi. Biết đâu
trong cuộc trộn lẫn “lung tung” ở Lạc Dương hôm nay ấy, rồi sẽ có cái
tất yếu mất đi và sẽ còn lại sáng tạo, rạng rỡ, một ?i L?c D??ng Ơi Lạc Dương nào đó…
Cuốn sách của Nguyễn Hàng Tình “dữ” mà không buồn.
Dưới tất cả sự kiện bi tráng, cả đau đớn, nó nói, không tô vẽ, không ve
vuốt, về những con người hôm nay đang sống và vật lộn trên đó, ngã xuống
rồi lại khó nhọc đứng lên…
Cuốn sách này rất dữ mà lạ là nó lại khiến ta tin.
Bởi, chọc thủng màn “exotique” vốn là những thứ bề ngoài, thứ lừa mị, nó
nói về những con người.
Và không thể đánh bại được con người.
Người Tây Nguyên càng không.
Nhà báo Nguyễn Hàng
Tình sinh ra ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Tốt nghiệp ĐH Đà Lạt, anh quyết định
chọn Tây Nguyên làm nơi định cư của mình.
Giã biệt hoang vu là tuyển chọn những ký sự của anh đăng trên các báo Pháp Luật TP.HCM, Văn Nghệ Trẻ, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Sài Gòn Tiếp Thị, Lao động… từ năm 1997 đến 2013.
Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành tháng 7-2013. |
(Theo phapluattp.vn)